Cầu Crimea cháy ngùn ngụt
Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga Nga cho biết một tàu hỏa chở nhiên liệu đã bốc cháy khi đang chạy qua cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga vào sáng sớm ngày 8/10, gây đám cháy lớn.
Theo RIA, toàn bộ giao thông qua cầu Crimea đã bị đình chỉ sau tai nạn. RIA dẫn lời một quan chức địa phương cho biết: “Theo thông tin sơ bộ, một thùng nhiên liệu bốc cháy trên một trong những đoạn của cầu Crimea, các vòm cầu không bị hư hại”.
Công ty điều hành đường sắt Crimea, Crimea Railway – một doanh nghiệp nhà nước của Nga, cho biết, một bồn nhiên liệu đã phát nổ ở đuôi một đoàn tàu chở hàng chạy qua cầu. Hiện chưa có thông tin nào về thương vong do vụ việc. Đầu máy của đoàn tàu và một phần các toa đã được kéo đến ga Kerch sau vụ nổ.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn truyền thông Ukraine đưa tin rằng một vụ nổ đã xảy ra trên cầu vào khoảng 6 giờ sáng theo giờ địa phương (1PM giờ Sydney, Úc). .
TASS dẫn lời phụ tá của người đứng đầu Crimea, Oleg Kryuchkov, cho biết: “Theo thông tin sơ bộ, một bồn chứa nhiên liệu đang bốc cháy. Các vòm điều hướng không bị hư hại. Còn quá sớm để nói về nguyên nhân và hậu quả. Công tác dập lửa đang được tiến hành”.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Ban quản lý đường cao tốc thuộc Cơ quan Đường bộ Liên bang (Avtodor) của Nga nói với TASS rằng hoạt động di chuyển của các phương tiện qua cầu Crimea đã bị đình chỉ: “Giao thông đã tạm thời bị đình chỉ, các nhân viên của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga và Cục đường bộ đang làm việc tại hiện trường để ngăn chặn ngọn lửa”..
Cơ quan Liên bang về Vận tải Hàng hải và Đường sông của Nga báo cáo rằng đám cháy không ảnh hưởng đến giao thông đường biển qua eo biển Kerch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị thành lập ủy ban chính phủ liên quan tình trạng khẩn cấp trên cầu Crimea, bao gồm người đứng đầu Lãnh thổ Krasnodar và Crimea, đại diện Vệ binh Quốc gia, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Bộ Nội vụ.
Dự án cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, và hoàn thành năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép xe và tàu hỏa qua lại.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam Ukraine.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng cầu Kerch là mục tiêu hấp dẫn với quân đội Ukraine, nhưng nhận định họ không có vũ khí tầm xa để tấn công công trình này.
Quân đội Nga đang thua nặng trên chiến trường miền tây và nam của Ukraine trong mấy tuần vừa qua, tai nạn lớn này giáng thêm một đòn vào Putin.
Mỹ đưa thêm 31 công ty Trung Quốc vào danh sách chưa bảo đảm tin cậy
Hãng tin Reuters cho hay Mỹ hôm 7/10 đã thêm 31 công ty Trung Quốc, bao gồm cả hãng sản xuất chip YMTC, vào danh sách các pháp nhân mà các quan chức Mỹ không thể thanh tra để chứng minh họ đủ độ tin cậy, để xử lý có trách nhiệm các mặt hàng xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.
Mỹ cũng loại bỏ 9 thực thể khỏi ‘danh sách chưa được xác minh’, bao gồm Wuxi Biologics, đây là một tin tốt cho công ty này của Trung Quốc chuyên sản xuất nguyên liệu dùng vào chế biến vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca. Cổ phiếu của Wuxu Biologics đã giảm mạnh hồi tháng 2 khi nó bị đưa vào danh sách.
Các nhà xuất khẩu Mỹ phải tiến hành các bước thẩm định cần thiết trước khi gửi hàng cho các công ty trong danh sách và có thể phải xin thêm giấy phép.
‘Danh sách chưa được xác minh’ cũng có khả năng là bước đệm để chuẩn bị đưa vào một danh sách đen thương mại cứng rắn hơn của Bộ Thương mại, phán quyết hôm 7/10 cho biết.
TT Erdogan và TT Putin thảo luận về cải thiện quan hệ và chấm dứt chiến tranh Ukraine
Reuters đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc cải thiện quan hệ song phương, đồng thời nhắc lại việc Ankara sẵn sàng làm trung gian để giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Ukraine theo cách có lợi cho tất cả các bên liên quan, văn phòng của ông Erdogan cho biết hôm 7/10.
Theo Tổng cục Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến Ukraine cũng được đưa ra thảo luận trong cuộc gọi.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO có quan hệ thân thiết với cả Ukraine và Nga. Nước này đã tìm mọi cách cân bằng các mối quan hệ trong cuộc chiến, bác bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhưng cũng chỉ trích Moscow vì đã xâm lược Ukraine, thậm chí còn đóng cửa các eo biển của mình để ngăn một số tàu Nga đi qua đó, đồng thời cung cấp máy bay không người lái có vũ trang cho Kiev.
Cùng với Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận hồi tháng 7 nhằm khôi phục xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen. Đây có thể coi là bước đột phá ngoại giao quan trọng duy nhất trong cuộc chiến kéo dài hơn 7 tháng qua.
Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian để Nga và Ukraine tiến hành trao đổi tù binh.
Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Nga rất phức tạp, khi hai nước hợp tác chặt chẽ về nguồn cung năng lượng nhưng lại mâu thuẫn về các vấn đề Syria, Libya và Azerbaijan.
Nhật Minh
Đức chuẩn bị cho trường hợp mất điện trên diện rộng vào mùa đông
Khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn, mất điện đã trở thành một từ thông dụng ở Đức và thậm chí cả châu Âu (EU). Liên minh châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp yêu cầu các quốc gia thành viên giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp khẩn cấp. Chính phủ Đức cũng đang gấp rút chuẩn bị cho tình huống mất điện có thể xảy ra vào mùa đông.
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, nắng chiếu ngắn nên lượng điện tiêu thụ tương đối lớn. Nếu không có gió, năng lượng xanh sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Mọi người lo ngại rằng mùa đông năm nay sẽ rất đáng sợ, không có điện và không có hệ thống sưởi. Hiện nhiều chính quyền địa phương, cảnh sát, ngành công nghiệp ở Đức đều đang xây dựng các biện pháp khẩn cấp, chuẩn bị cho tình huống mất điện tồi tệ nhất.
Chuyên gia: Không thể loại trừ trường hợp mất điện, nhưng khả năng xảy ra là rất thấp
Điều đầu tiên cần lưu ý là không phải trường hợp cắt điện nào cũng được gọi là mất điện, chỉ các trường hợp cắt điện đột ngột trên diện rộng, kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần, mới được coi là mất điện hoặc cắt điện quy mô lớn. Trường hợp mất điện theo kế hoạch của các bộ phận liên quan đều không được tính đến.
Theo báo chí đưa tin, vào tháng 11/2006, công ty năng lượng Eon đã vô tình gây ra sự cố mất điện trên diện rộng. Khi đó, công ty này đã ngắt điện để đảm bảo cho một con tàu viễn dương có thể đi qua đường dây cao áp một cách an toàn. Do quy hoạch kém, hàng chục triệu hộ gia đình ở châu Âu đã không có điện trong 2 giờ.
Trên thực tế, xác suất mất điện ở Đức vẫn rất thấp. Giáo sư Christian Rehtanz, trưởng khoa Năng lượng của Đại học Công nghệ Dortmund ở Đức, nói với trang web biên tập truyền thông Đức RND rằng: “Tình hình mất điện trên diện rộng ở Đức trong vài tháng nay gần như không thể xảy ra, nhưng cũng không nên loại trừ hoàn toàn.”
Giáo sư cho biết, ví dụ không thể loại trừ sự cố mất điện do con người gây ra, chẳng hạn như các cuộc tấn công. Giống như nhiều chuyên gia, ông Rehtanz tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ không làm tăng khả năng mất điện.
Nếu công suất tiêu thụ tại một khu vực nào đó tăng đột biến có thể gây mất điện cục bộ. Các bộ phận liên quan cũng có thể hạn chế tiêu thụ điện tại một khu vực nào đó theo kế hoạch.
Cuộc khủng hoảng khí đốt ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện?
Trong thời gian gần đây, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên bao trùm khắp châu Âu, Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) số 1 và số 2 đều bị phá hoại. Cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên khiến nhiều người hoảng sợ. Nhiều người Đức lo ngại nguồn cung cấp sưởi ấm không thể đảm bảo vào mùa đông, thậm chí họ tranh nhau đi mua thiết bị sưởi điện.
Gần đây, vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và 2, đường ống năng lượng huyết mạch Nga – châu Âu, đã làm nặng nề hơn tình trạng hỗn loạn ở châu Âu từ sau cuộc chiến Nga – Ukraine.
RND dẫn lời các chuyên gia nói rằng làm như vậy cái được không thể bù cho cái mất, vì chi phí sưởi ấm bằng điện cao hơn.
Một điểm khác, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên chỉ ảnh hưởng hạn chế đến việc cung cấp điện. Theo ông Wolfgang Fritz, giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng Consentec, điện của Đức do năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và sản xuất điện từ than nâu (lignite) tổ hợp thành.
Ông tin rằng sự thiếu hụt tiềm ẩn hiện nay trên thị trường điện châu Âu không phải do cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên gây ra, mà là do các vấn đề như công tác bảo trì các nhà máy điện hạt nhân của Pháp và tình trạng thiếu nước.
Ông Fritz giải thích rằng khí đốt tự nhiên chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung cấp năng lượng, nó chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm. Hơn nữa giá khí đốt tự nhiên khá cao, nên chủ yếu được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn năng lượng khác.
Các cá nhân cần chuẩn bị tự lực cánh sinh
Để đối phó với những trường hợp mất điện có thể xảy ra, EU, Chính phủ Đức, các chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều phương án khác nhau, đề phòng các trường hợp. Các chuyên gia cũng cho rằng dù khả năng xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng là rất thấp, nhưng các cá nhân vẫn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Trong trường hợp xảy ra sự cố, đừng hoảng sợ, đồng thời phải chuẩn bị tâm lý, vì không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết kịp thời. Một số trường hợp và cá nhân cá biệt có thể phải đợi vài ngày mới được hỗ trợ.
Chính phủ Đức đã đưa ra một kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, được giới thiệu riêng trên trang web của Chính phủ.
Ví dụ, yêu cầu người dân dự trữ nước, thực phẩm và các vật dụng sơ cứu được khuyến nghị như thuốc, thông tin liên lạc, sản phẩm vệ sinh và sách trong vài ngày khi có trường hợp khẩn cấp. Các chuyên gia cảnh báo rằng với tình hình hiện tại, cần chuẩn bị tốt các vật dụng giữ ấm.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng do chiến tranh đã khiến giá cả ở châu Âu tăng mạnh, giá khí đốt tự nhiên tăng gấp 5 lần, giá điện tăng gấp 10 lần, chi tiêu sinh hoạt của người dân tăng mạnh, và chi phí sản xuất công nghiệp tăng vọt. Rất có khả năng sau khi mùa đông này qua đi, rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản, nhiều gia đình không thể chi trả tiền điện và tiền sưởi ấm cao hơn cả tiền lương.
Bình Minh
EU áp đặt vòng trừng phạt thứ 8 lên Nga
Nga gần đây đã thông qua “trưng cầu dân ý” để sáp nhập bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/10 công bố đợt trừng phạt nghiêm khắc thứ 8 nhắm vào động thái này của Nga. Ngoài việc mở rộng lệnh cấm thương mại xuất nhập khẩu đối với Nga, 30 cá nhân và 7 thực thể Nga cũng được bổ sung vào danh sách trừng phạt.
Ngày 6/10, trang web chính thức của Liên minh châu Âu (EU) thông báo Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua vòng 8 trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Động thái này nhằm đáp trả là lệnh điều động quân sự của Nga và thôn tính lãnh thổ của Ukraine làm tiếp tục leo thang chiến tranh Nga-Ukraine.
“Hội đồng châu Âu quyết định, kể từ hôm nay, phạm vi địa lý của các hạn chế được đưa ra vào ngày 23/2 – bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Luhansk, sẽ được mở rộng để với cả Zaporizhzhia và Kherson”, tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho hay.
Vòng trừng phạt thứ 8 đối với Nga bao gồm lệnh cấm thương mại xuất nhập khẩu mới của EU trị giá khoảng 7 tỷ euro (6,9 tỷ USD). Vòng trừng phạt cũng tạo cơ sở cho khuôn khổ pháp lý cần thiết để thực hiện giới hạn giá dầu của Nga mà G7 đã dự thảo trước đó.
Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của Liên minh Châu Âu và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục đánh vào nền kinh tế của Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga, trên đà giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ nước này và làm ổn định giá năng lượng toàn cầu”.
Lệnh cấm thương mại nhập khẩu mới của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm của Nga liên quan đến thép thành phẩm và bán thành phẩm của Nga, máy móc, thiết bị điện, nhựa, xe cộ, dệt may, giày dép, da, gốm sứ, một số sản phẩm hóa chất và đồ trang sức không phải vàng.
Lệnh cấm thương mại xuất khẩu mới bao gồm than cốc (được sử dụng trong các nhà máy công nghiệp của Nga), một số linh kiện điện tử (được tìm thấy trong vũ khí của Nga), các sản phẩm kỹ thuật được sử dụng trong lĩnh vực hàng không và một số sản phẩm hóa học, nhằm hạn chế sự phát triển của công nghiệp quốc phòng và quân sự của Nga. các khả năng.
Các lệnh trừng phạt còn nhắm vào 30 cá nhân và 7 thực thể ở Nga bao gồm cả những người làm việc tại Bộ Quốc phòng Nga, quan chức do Nga bổ nhiệm ở các khu vực mới sáp nhập. Bức ảnh cho thấy một tàu sân bay bọc thép MT-LB của quân đội Nga bị phá hủy trên cánh đồng ở ngoại ô Izyum, vùng Kharkiv, miền đông Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 14/9/2022. (Ảnh: Juan Barreto/AFP/Getty Images)
Đáng chú ý, gói trừng phạt này cấm các công dân EU trở thành thành viên hội đồng quản trị trong các công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga. “Nga không nên được hưởng lợi từ kiến thức và chuyên môn của những chuyên gia châu Âu”, ông Borrell nhấn mạnh.
Ngoài ra, thông báo của EU nêu rõ, gói trừng phạt mới tạo cơ sở để áp giới hạn giá với việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển cho nước thứ 3. EU sẽ sớm công bố mức giá trần sau khi chi tiết được thảo luận trong EU và Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).
Phản ứng trước gói trừng phạt thứ 8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev tuyên bố, các nước phương Tây đã không thành công trong việc cô lập Nga.
Huyền Anh
Anh Quốc nói một nửa Hạm đội xe tăng của Ukraine “được Nga trang bị”
Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, cuộc phản công của các lực lượng Ukraine đạt được thành công là nhờ một phần vào các xe tăng mà Ukraine thu giữ được của Nga.
Dù Ukraine phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ quân sự của phương Tây trong cuộc chiến của mình, nhưng khối lượng các vũ khí mà nước này chiếm được từ Nga cũng chiếm một tỷ lệ lớn, theo Bộ Quốc phòng Anh.
Bộ cho biết hôm thứ Sáu rằng Ukraine có khả năng đã bắt giữ được ít nhất 440 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Nga và khoảng 650 xe bọc thép khác kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Bộ này tính toán rằng “hơn một nửa đội xe tăng dã chiến của Ukraine có thể là các xe tăng bị giữ của Nga.”
Các quan chức quốc phòng cho biết: “Việc các binh lính Nga không phá hủy các thiết bị nguyên vẹn trước khi rút lui hoặc đầu hàng cho thấy tình trạng huấn luyện kém và mức độ kỷ luật chiến đấu thấp của họ”.
Tuyên bố nói thêm rằng đội hình của Nga đang bị “căng thẳng nghiêm trọng trong một số lĩnh vực” và với việc “quân đội ngày càng mất tinh thần, Nga có thể sẽ tiếp tục mất vũ khí hạng nặng.”
Các phát hiện này phù hợp với các tài liệu khác về việc vũ khí của Nga bị bỏ lại trên chiến trường khi quân đội của Vladimir Putin vội vàng rút lui.
Một binh sĩ Ukraine có tên Birdie nói với The Telegraph rằng quân đội Nga đã “bỏ lại một lượng lớn phương tiện và đạn dược” trong cuộc phản công Kharkiv. Trong khi đó, The Wall Street Journal đưa tin rằng quân đội Nga đã từ bỏ một số lượng lớn xe tăng, xe bọc thép khác, pháo và thiết giáp.
Ukraine trước đây đã rất khó khăn để đọ sức với Nga về hỏa lực và Kyiv phụ thuộc lớn vào các thiết bị của Nga hoặc Liên Xô.
Trang web Oryx, một trang web mã nguồn mở chuyên theo dõi việc sử dụng và tổn thất thiết bị quân sự, đã thống kê được 449 xe tăng Nga bị Ukraine bắt giữ tính đến hôm thứ Sáu.
Lực lượng Vũ trang Ukraine đã đăng một dòng tweet chế giễu vào ngày 11 tháng 9 nói rằng Nga “đang cố gắng duy trì vị thế là nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn nhất cho quân đội Ukraine.”
Quân đội Ukraine “yêu thích loại đạn chiến lợi phẩm của mình,” dòng tweet viết thêm.
Ngân Hà (theo Newsweek)