Trong khi Nga đang cố gắng khiến cây cầu Crimea trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt, các chuyên gia cho rằng có thể mất vài tháng để sửa chữa toàn bộ.
Hôm thứ Bảy (8/10), cầu Crimea trên tuyến đường tiếp tế quan trọng cho quân đội Nga tham chiến ở Ukraine phát nổ, khiến một phần cây cầu bị sập và hư hỏng nặng. Nga cho biết nguyên nhân là do nổ xe tải trên cầu. Tuy nhiên tuyên bố này làm dấy lên nghi ngờ.
Wall Street Journal (WSJ) cho biết, một số chuyên gia phá dỡ sau khi phân tích đoạn video về vụ nổ đã đặt nghi vấn về lời giải thích do Nga cung cấp. Họ cho rằng vụ nổ chắc chắn xuất phát từ gầm cầu, do một con tàu có người lái hoặc không người lái mang theo chất nổ, hoặc bởi thuốc nổ tập trung năng lượng do các thợ lặn đặt vào.
Washington Post cho biết, mặc dù Ukraine không công khai thừa nhận trách nhiệm về vụ nổ, nhưng đã từng công khi nói sẽ tấn công cây cầu hồi tháng 6, gọi nó là mục tiêu “số một” vì nó có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Cây cầu là lối đi chính cho tàu hỏa và xe tải để vận chuyển quân đội và vũ khí của Nga từ lục địa Nga đến Crimea, sau đó đưa đến quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine.
Sau vụ nổ, các quan chức Moscow cho biết các liên kết giao thông qua cầu đang dần được khôi phục, và sẽ có những phương thức thay thế để vận chuyển các nguồn cung cấp thiết yếu – chẳng hạn như sử dụng phà. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Chính phủ Nga không có lịch chính xác khi nào cây cầu hoạt động trở lại hoàn toàn.
Hôm Chủ nhật, Bộ Giao thông Vận tải Nga cho biết các chuyến tàu chở khách và hàng hóa đường dài một lần nữa khởi hành từ Crimea và đi qua cây cầu để đến Nga. Nhưng cơ quan chức năng của Nga không cho biết liệu các đoàn tàu có bắt đầu đi từ Nga đến Crimea hay không. Ô tô cũng được phép qua cầu, nhưng vẫn cấm xe tải.
WSJ đưa tin, các chuyên gia cho biết họ không chắc liệu cấu trúc của cây cầu có đủ kiên cố để chịu được các phương tiện hạng nặng hay không.
Ông David MacKenzie, giám đốc kỹ thuật cấp cao của COWI Holding A/S, một công ty Đan Mạch cung cấp dịch vụ tư vấn cầu, hầm và đường sắt, cho biết Nga sẽ mất vài tháng để sửa chữa toàn bộ các phần hư hại của cây cầu.
Ông McKenzie cho biết các hạn chế đối với giao thông xe tải và tàu hỏa có thể vẫn được duy trì, do lo ngại rằng kết cấu phụ của cây cầu đã bị hư hại.
Nga cũng cho biết họ sẽ khởi động lại các dịch vụ phà ở eo biển Kerch, ngăn cách Nga và Crimea, để chở hành khách và hàng hóa. Trước khi cây cầu này được xây dựng, phà vẫn là phương tiện liên kết trực tiếp chính giữa hai bờ eo biển.
Thiệt hại đối với cây cầu sẽ gây ra thách thức đối với hệ thống hậu cần của quân đội Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào vận tải đường sắt và đang trong trạng thái căng thẳng. Hiện tại quân Nga ở miền nam Ukraine đang cố gắng đẩy lùi các cuộc phản công của Ukraine, và giữ vững những vùng đất mà họ đã chiếm đóng trong những tuần đầu của cuộc chiến.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (The Institute for the Study of War), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn tại Washington, cho biết thiệt hại đối với cây cầu sẽ không làm gián đoạn vĩnh viễn các tuyến tiếp tế của Nga, nhưng có thể gây ra các vấn đề lớn trong ngắn hạn. Các quan chức Nga có thể sẽ tăng cường kiểm tra an ninh đối với tất cả các phương tiện qua cầu, làm tăng thêm sự chậm trễ trong việc vận chuyển thiết bị quân sự, nhân viên và vật tư của Nga tới Crimea.
Nga đã bắt đầu xây dựng cây cầu khổng lồ, dài khoảng 19km (khoảng 12 dặm) bắc qua eo biển Kerch sau khi Moscow sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu và trị giá 3,6 tỷ USD. Nó là một biểu tượng hữu hình cho tuyên bố chủ quyền của Moscow đối với Crimea.
Quân đội Ukraine gần đây đã triển khai phản công mạnh mẽ trên chiến trường. Họ sử dụng Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) phá hủy hầu hết các cây cầu bắc qua sông Dnipro, khiến thành phố Kherson do Nga chiếm đóng và các khu vực lân cận của nó bị chia cắt khỏi các vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát.
Cuộc phản công của Ukraine đã đạt được những bước tiến ổn định ở miền nam trong tháng qua. Ở phía đông bắc, họ đã tiến triển nhanh hơn, giành lại hàng ngàn dặm vuông lãnh thổ từ tay người Nga chỉ trong vài ngày vào tháng trước.
Ukraine đã sử dụng HIMARS để phá hủy một giao lộ đường sắt được sử dụng bởi quân đội Nga ở khu vực Donetsk hôm thứ Bảy. Đầu mối đường sắt này có thể đóng vai trò như một tuyến đường tiếp tế khác cho quân đội Nga đang chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.
Trương Đình, Epoch Times