Hà Nhật
Hồi bé, nhà tôi ở ngay Ngã ba Hoàn Lão, từ nhà nhìn vào là huyện đường Bố Trạch.
Lúc ấy, cha tôi có mấy người bạn thân trong huyện, đặc biệt là ở cái làng có tên là Cao Lao, trong đó nổi bật là mấy người cùng họ Lưu nhưng hình như thuộc hai chi khác nhau: Lưu Đức, Lưu Trọng.
Học lớp Nhất rồi lên trung học, tôi chung lớp với hai đứa là anh em nhà Lưu Đức.
Mãi đến khi vào Huế, học trung học tại trường Khải Định, tôi theo ban Toán (ban B), nhưng lại vớ vẩn mê văn chương, tôi sinh ra tật xấu mê đọc sách, mê thơ, để rồi khổ luỵ cả một đời.
Thế là từ đó, tôi biết và tự hào về một người đồng hương: Lưu Trọng Lư.
Tôi bắt đầu mê những câu thơ TIẾNG THU
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Tôi không hiểu gì cho lắm, nhưng cứ cảm thấy hay. Ở trên đời có thứ thơ lạ thế! Có lẽ, không cần gì nhiều, chỉ một bài thơ này là đủ, quá đủ để là nhà thơ Việt Nam của cả một thời kỳ! Ông đã tạo nên một thứ âm thanh chưa từng có cho thơ: tiếng thu.
Ông đã tạo nên một hình ảnh chưa từng có cho mùa thu: con nai vàng ngơ ngác
Lại còn: đạp trên lá vàng khô
Mà câu thơ của ông thật lạ:
Em không nghe mùa thu
Câu thơ cứ ngân vang trong tâm hồn như một nỗi xao xuyến mơ hồ.
Không phải ngẫu nhiên mà cái âm thanh này, cái tiếng thu này cũng trở thành nhan đề cho cả tập thơ của Lưu Trọng Lư.
Tuy thế, trong tập thơ này đâu chỉ có một bài thơ hay ấy.
Ai từng yêu quê hương, từng nhớ một quê hương, chắc chắn sẽ không thể không xao xuyến khi đọc những câu thơ này:
NẮNG MỚI
Mỗi nắng mới hắt bên sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng
….
Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đem trước giậu phơi
…
Rồi tôi đọc một bài thơ khá dài, có nhan đề GIANG HỒ”:
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn đầu non
Thôi đừng tơ tưởng vợ con chuyện nhà
Giờ này giờ của đôi ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người
Thật đúng là nghệ sĩ, thật đúng là Lưu Trọng Lư như tôi vẫn hình dung!
Sau 1954, tôi sống nhiều năm ở Hà Nội, nhưng lúc này tôi lại biết một ông Lưu Trọng Lư khác: Vụ trưởng một vụ thuộc Bộ Văn hoá.
Không biết cái ông vụ trường này có làm thơ nữa không, chắc là không, bởi nếu có thì ông đã cho in hay đăng báo rồi. Thế là hay.
Ngày trước, Thế Lữ là nhà thơ tiên phong của phong trào “Thơ Mới” nhưng không làm thơ nữa khi thấy thơ mình không còn “mới”.
Cứ thế, người ta nhớ Lưu Trọng Lư,
là nhà thơ của những giấc mơ, nhà thơ của mơ mộng, là con người của mơ mộng, là con nai vàng luôn luôn ngơ ngác trong đời.
Sống ở đời, được làm người sống bên cạnh một con người như Lưu Trọng Lư, thật là bình yên.
Lưu Trọng Lư có làm vụ trưởng, hay làm đến tổng đốc, tể tướng, chắc cũng chỉ là cái ông ấy thôi.
Sau 1975, một lần từ Phan Thiết vào Sài Gòn, tôi ghé thăm Tuân Nguyễn, thấy có chàng trẻ tuổi, tôi có ý hỏi, Tuân nói ngay:
– Con anh Lưu Trọng Lư
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
– Con anh Lư à? Rứa mi tên chi?
– Thì em chính là cái thằng “mi tên chi”
– À, thế thì mình biết rồi.
Có lẽ người quen biết Lưu Trọng Lư ngày trước, ai cũng biết câu chuyện ngộ nghĩnh một lần anh Lư đưa đứa con trai đi khám bệnh, khi bác sĩ khám xong, muốn biết tên cháu bé để ghi đơn thuốc, nhà thơ đã phải quay lại hỏi:
– Rứa mi tên chi?
Câu chuyện như một minh chứng cho cái bản chất mơ mộng sống trên mây của nhà thơ quê bọ Quảng Bình.
Cái đứa “mi tên chi” ấy, chính thức tên của nó là Lưu Trọng Văn!
Sau khi tôi chính thức chuyển vào Sài Gòn, tôi cũng chính thức gia nhập đội quân thiếu ăn. Lương tháng chỉ đủ sống vừa 5 ngày, tôi luôn luôn tìm cách để có việc làm thêm kiếm tiền. Ra khỏi cổng trường, tôi thường đến ngồi hầu đồng cả buổi, có khi cả ngày, bên một quán sách vỉa hè. Thỉnh thoảng cũng có người bạn làm nghề xuất bản sách giao cho một tập bản thảo để cho tôi được kiểm chút ít tiền bằng cái công việc gọi là “sửa mo-rát”. Chẳng bao nhiêu nhưng cũng mừng, ít còn hơn không.
Rồi một lần tình cờ thú vị đứa chủ quán sách giao cho một quyển sách in thử hầu như đã trọn vẹn, tôi chỉ đọc lại lần cuối.
Tôi đọc rồi choáng ngợp, bởi đây là một quyển hồi ký khá dày dặn của Lưu Trọng Lư.
Tập hồi ký đầy lòng nhân hậu về một tình yêu tuyệt vời. Ôi, cái ông nhà thơ đồng hương này sao mà hạnh phúc thế!
Hoá ra nhà thơ họ Lưu đã từng có một đời vợ, từng có hai đứa con, rồi goá bụa, phải gửi con lại Đà Nẵng cho nhà vợ nuôi nấng để ra Huế, chỉ chuyên viết báo và làm thơ.
Rồi chuyện kỳ lạ tuyệt vời đã đến. Hồi đó nhà thơ kết thân với một bậc danh cầm xứ Huế, là người hoàng phái. Đôi bạn như trở thành tri kỷ, nhiều lần đàm đạo suốt ngày không chán.
Tưởng chỉ có hai người, ai ngờ phía sau bức rèm, có một người lắng nghe không sót một lời. Nghe rồi mê, rồi say, rồi yêu, rồi đắm… Lô gich cuộc đời cứ thế, không đảo ngược được!
Người ấy là một cô gái thuộc hàng đẹp nhất Huế ngày đó, lại cũng là một tay danh cầm, nhất là những ngón đàn thập lục. Không ít chàng trai Huế ước ao đưa nàng về dinh! Hình như gia đình cũng đã hứa gả cho gia đình một bậc đại thần nào đó.
Vậy mà cô ấy đã bỏ hết, quyết đi theo tiếng gọi của trái tim. Bị gia đình ngăn cấm, cô trốn nhà để theo hẹn hò. Biết nhà thơ có hai con đang nương tựa bà con ở Đà Nẵng, cô tìm cớ theo tàu hỏa vào Đà Nẵng, rồi từ đó, càng quyết tâm: phải trở thành vợ nhà thơ, để trở thành mẹ cho hai đứa con mồ côi mẹ!
Sao trên đời lại có người con gái lãng mạn dữ dội đến thế, lại dịu hiền, sâu sắc, nhân hậu đến thế!
Sau này tôi nghiệm ra rằng: cái bản tính này, phẩm chất này, hình như là bản chất trời sinh của một hạng con gái Huế, nhất là những cô gái con nhà quý tộc.
Rồi tôi cũng nghiệm ra rằng, như một lẽ bù trừ, phụ nữ ở Huế được phân ra thành hai hạng rõ ràng: một hạng là những người rất lãng mạn, rất lý tưởng; một hạng thì rất thực tế, thực dụng, khôn ngoan đến… sợ luôn!
Nhà thơ đồng hương của tôi có lẽ được Trời ban thưởng cho một quà tặng hiếm có trên đời.
Cô gái Huế đã trốn nhà, cùng người yêu tìm nơi nương náu trong một xóm trọ ngoại ô Đà Nẵng để không ai có thể dò tìm được.
Sau tháng Tám 1945, cô gái Huế ôm con về, quỳ xin mẹ tha thứ. Bây giờ còn làm gì được. Thế nhưng người mẹ nhận cháu ngoại mà nhất định không tha tội cho con gái. Thế là cô bồng con theo chồng trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ, rồi ôm con tập kết ra Bắc, trở thành giảng viên…
Thời gian ở Sài Gòn, tôi có một lần ghé thăm nhà Lưu Trọng Văn, thoáng gặp mẹ anh, chỉ kịp nói với bà một câu:
– Chị ạ, anh Lưu Trọng Lư đúng là người hạnh phúc nhất trên đời!
Trong năm 2000, tôi nhận đến hơn 10 buổi bình thơ cho HTV7. Một trong mấy buổi đầu tiên, tôi quyết dành cho thơ Lưu Trọng Lư.
Tôi đã thật bất ngờ khi phải đi viếng tang một người phụ nữ: phu nhân nhà thơ Lưu Trọng Lư, thân mẫu Lưu Trọng Văn.
Nói bất ngờ vì trước đó, bà vẫn khỏe, vẫn đẹp, vẫn toát lên vẻ cao quý của một bậc mệnh phụ.
Đến viếng tang bà, tôi gặp mấy người mà tôi vẫn biết tiếng: Lưu Trọng Hải, Lưu Trọng Ninh, Lưu Trọng Bình, Lưu Trọng Văn.
Hôm ấy tôi càng thấm thía một niềm tin của dân gian từ xưa: Phúc đức tại mẫu.
Những người con của ông Lư thật đã có một người mẹ tuyệt vời.
Lưu Trọng Lư là một nhà thơ hoàn toàn xứng đáng với danh xưng mà đời dành cho ông, đất nước và quê hương dành cho ông. Nếu thuộc tính đầu tiên của nhà thơ là mơ mộng, thì ông Lư là số một. Sống đẹp như thơ, đẹp hơn thơ, ở nước ta xưa nay chỉ có Lưu Trọng Lư!
Trong mấy năm chiến tranh, tôi có mấy lần đạp xe trên con đường đê đi ngang qua làng Cao Lao. Trước mặt làng là sông Gianh với loi thoi những đám cây bần, cây sú… Sau làng là núi đồi cằn khô. Không hiểu thứ phong thuỷ này có phải là thứ sơn thanh thủy tú đã tạo nên cho đời, cho Quảng Bình, cho Việt Nam, một con người của của mơ mộng, một nhà thơ của những giấc mơ?
TB: Sau này, có người cho rằng bài thơ Tiếng thu, đặc biệt là hình ảnh con nai vàng, chịu ảnh hưởng của một bài thơ Nhật. Có thể khẳng định: cái ông Lư ấy, đến thơ mình còn không đọc, ông còn đọc thơ ai! Vả lại, thời đó, thơ Nhật chưa có chút “xâm lấn” nào vào Việt Nam! Tôi nhớ hình như ý kiến này là của ông Nguyễn Vỹ, lúc làm chủ tờ Phổ Thông ở Đà Lạt, vào năm 1954.
H.N