Mimi Nguyen Ly
Khí phát ra từ một vụ rò rỉ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Biển Baltic hôm 27/09/2022. (Ảnh: Lực lượng Tuần Duyên Thụy Điển qua Getty Images) Tây Dương
Thụy Điển đã từ chối đề nghị thành lập một nhóm điều tra chung chính thức với Đan Mạch và Đức để điều tra các vụ rò rỉ gần đây của đường ống Nord Stream 1 và 2 do Nga sở hữu.
Ông Mats Ljungqvist, công tố viên Thụy Điển liên quan đến cuộc điều tra hình sự của nước này về những vụ rò rỉ trong đặc khu kinh tế của Thụy Điển, nói với Reuters rằng nước này sẽ không tham gia nhóm Điều tra Chung từ cơ quan hợp tác tư pháp Eurojust.
Theo Eurojust, Nhóm điều tra Chung là “một trong những công cụ tiên tiến nhất được sử dụng trong hợp tác quốc tế về các vấn đề hình sự, bao gồm thỏa thuận pháp lý giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai hoặc nhiều Quốc gia nhằm mục đích thực hiện điều tra tội phạm”. Những nhóm như vậy được thành lập trong một khoảng thời gian cố định, thường là 12–24 tháng.
Điều này có nghĩa là Thụy Điển sẽ phải chia sẻ thông tin từ cuộc điều tra của chính họ về những vụ rò rỉ đường ống Nord Stream mà quốc gia này đã từ chối nói rằng thông tin này là bí mật. Ông Ljungqvist nói với Reuters rằng thông tin được bảo mật này “liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia”.
Ông Ljungqvist đưa ra nhận xét này sau khi trang tin tức Der Spiegel của Đức đưa tin về một tình huống tương tự, dẫn các nguồn tin an ninh Đức ẩn danh. Trang này nói rằng Thụy Điển đã từ chối ý định chia sẻ thông tin mà họ phát hiện trong cuộc điều tra về vụ rò rỉ đường ống Nord Stream với Đức và Đan Mạch, nói rằng “mức độ bảo mật của kết quả điều tra là quá cao để chia sẻ chúng với các quốc gia khác.”
Ông Ljungqvist lưu ý rằng ngoài nhóm điều tra chính thức được đề nghị, thì mặt khác Thụy Điển đã hợp tác với Đan Mạch và Đức để điều tra vụ rò rỉ đường ống Nord Stream.
Theo Reuters, một phát ngôn viên của cơ quan an ninh Thụy Điển cho biết cảnh sát an ninh đang hợp tác chặt chẽ với các nhà chức trách khác, cũng như quốc tế, trong khuôn khổ cuộc điều tra tội phạm của Thụy Điển.
Hôm thứ Sáu (14/10), một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức nói với các phóng viên rằng Cảnh sát Liên bang Đức đã hoàn tất phần điều tra vụ bị cáo buộc là phá hoại đường ống và đã bàn giao những phát hiện của họ.
Trước đó vài ngày, vào hôm 11/10, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Magdalena Andersson của Thụy Điển cho biết nước này không thể chia sẻ thông tin với Nga về cuộc điều tra rò rỉ đường ống Nord Stream. “Ở Thụy Điển, cuộc điều tra sơ bộ được giữ bí mật và điều đó cũng được áp dụng trong trường hợp này,” bà nói, hãng thông tấn The Associated Press đưa tin.
Trước đó, cơ quan An ninh Thụy Điển đã thông báo hôm 06/10 rằng, dựa trên kết quả điều tra sơ bộ của họ, những vụ rò rỉ từ đường ống Nord Stream có thể là do “sự phá hoại nghiêm trọng” và “các vụ nổ” có thể là nguyên nhân gây ra rò rỉ.
Bốn vụ rò rỉ
Tổng cộng bốn lỗ rò rỉ đã được phát hiện trên đường ống Nord Stream — hai trên Nord Stream 1 và hai trên Nord Stream 2 — vào cuối tháng Chín, làm dấy lên những nghi ngờ và lo ngại lan rộng, trong đó gồm cả NATO, về sự phá hoại này. Trong khi cả hai đường ống Nord Stream, đi qua Biển Baltic từ Nga đến Đức, đều không hoạt động, cả hai đều chứa đầy khí và khí này đã rò rỉ lên mặt nước. Nord Stream 1 gần đây đã ngừng cung cấp khí đốt và Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động.
Vụ rò rỉ thứ tư, ngoài khơi miền nam Thụy Điển, được lực lượng Tuần Duyên Thụy Điển báo cáo hôm 29/09. Ba vụ rò rỉ trước đó đã được báo cáo vào ngày 26/09. Nord Stream AG, nhà điều hành mạng lưới đường ống này, đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo về thời điểm xảy ra ba vụ rò rỉ là gần nhau. Họ nói với các phóng viên rằng: “Việc phá hủy xảy ra cùng ngày đồng thời trên ba dây của đường ống dẫn khí ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là chưa từng có.”
Trước khi có báo cáo về ba vụ rò rỉ đó, các vụ nổ đã được ghi nhận dọc theo đường ống Nord Stream. Một vụ nổ đầu tiên đã được các nhà địa chấn học ở phía đông nam đảo Bornholm của Đan Mạch ghi nhận vào sáng thứ Hai (26/09). Một vụ nổ thứ hai, mạnh hơn ở phía đông bắc hòn đảo này vào đêm hôm đó tương đương với một trận động đất 2.3 độ Richter. Các trạm địa chấn ở Đan Mạch, Na Uy, và Phần Lan cũng ghi nhận những vụ nổ này.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Ngoại quốc của Nga nói với hãng thông tấn TASS của Nga hôm thứ Sáu (14/10) rằng họ có dữ liệu tình báo về các vụ phá hoại tại hai đường ống này, nhưng không nêu chi tiết.
Nord Stream 1 từng là nguồn cung cấp khí đốt chính của Nga cho Âu Châu cho đến cuối ngày 19/08, khi công ty dầu khí nhà nước Nga Gazprom ngừng cấp khí đốt để bảo trì. Hồi đầu tháng Chín, Gazprom thông báo họ đã từ bỏ kế hoạch khởi động lại dòng khí qua đường ống dẫn đến Đức vô thời hạn, nói rằng sự cố rò rỉ dầu trong một tuabin quan trọng vẫn chưa được khắc phục. Nga đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt quốc tế đối với cuộc chiến ở Ukraine vì ngăn cản việc bảo trì định kỳ đường ống.
Trong khi đó, Nord Stream 2 chưa bao giờ đi vào hoạt động. Hồi tháng Hai, Đức đã ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí đốt này ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết việc từ chối chứng nhận đường ống là để đáp trả việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Nguyễn Lê biên dịch