Hai quan chức Mỹ nói với tờ Reuters rằng, nước này đang cân nhắc việc cung cấp các thiết bị phòng không HAWK đời cũ trong kho lưu trữ cho Ukraine để giúp Kyiv phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Moscow.
Trước đó, Mỹ đã gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa Stinger, một hệ thống phòng không tầm ngắn, nhỏ hơn để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga. Tên lửa đánh chặn HAWK được cho là một phiên bản nâng cấp so với hệ thống tên lửa Stinger.
Chính quyền ông Biden sẽ sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (Presidential Drawdown Authority – PDA) ) để chuyển giao thiết bị HAWK dựa trên công nghệ từ thời chiến tranh với Việt Nam. Hệ thống này đã được nâng cấp nhiều lần.
Quyền Rút vốn của Tổng thống cho phép Tổng thống duyệt kế hoạch chuyển giao khí tài và dịch vụ quân sự từ Bộ Quốc phòng mà không cần Quốc hội phê chuẩn trong trường hợp khẩn cấp.
Tờ Reuters không thể xác định Mỹ có bao nhiêu hệ thống HAWK và tên lửa để chuyển giao. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Hệ thống HAWK có gì?
MIM-23 HAWK là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung do công ty Raytheon của Mỹ thiết kế và phát triển, được đưa vào sử dụng từ năm 1960. MIM-23 thường được trang bị 4 đài radar, 6 bệ phóng và một số thành phần hỗ trợ khác. Hệ thống HAWK có khả năng đối phó tên lửa.
Hệ thống phòng không trang bị đạn tên lửa MIM-23A dài 5,08m; đường kính thân 0,37m; sải cánh 1,19 m; lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 54 kg và trọng lượng phóng 584 kg. Tên lửa sử dụng động cơ M22E8 có thể hoạt động với tầm bắn từ 2- 25 km, độ cao tác chiến tối thiểu là 60 m, độ cao tương tác tối đa là 11.000 m.
Bên cạnh đó, nó cũng có thể phóng tên lửa MIM-23B có trọng lượng 627 kg mang đầu đạn lên đến 75 kg. MIM-23B lắp đặt động cơ M112 với lực đẩy lớn hơn cho phép nó bay với tốc độ hành trình đạt Mach 2,4; phạm vi tiêu diệt mục tiêu lên đến 35 km với độ cao tối đa 18 km.
Lục quân Mỹ đã thay thế HAWK bằng hệ thống MIM-104 Patriot tiên tiến hơn vào những năm 1990. Đến năm 2000, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng loại biên hệ thống này để chuyển sang sử dụng tên lửa FIM-92 Stinger di động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy rằng Washington sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến sau một cuộc tấn công tên lửa tàn khốc của Nga hồi đầu tháng này.
Tờ Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói thêm rằng, nước này có khả năng sẽ gửi tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống HAWK đến Ukraine vì Washington lo ngại rằng các hệ thống này không còn đủ tốt. Các vũ khí này đã được lưu trữ trong kho của Washington trong nhiều thập kỷ.
Các quan chức Mỹ cho hay, nước này sẽ cân nhắc về Quyền Rút vốn của Tổng thống vào cuối tuần này. Theo đó, quyết định này có thể sẽ chỉ bằng một nửa quy mô của các gói hỗ trợ an ninh gần đây, với trị giá khoảng 700 triệu USD.
Hiện vẫn chưa rõ liệu tên lửa đánh chặn HAWK có được chuyển tới Ukraine hay không, nhưng các quan chức Mỹ trước đó đã cảnh báo rằng quy mô và thành phần của các gói viện trợ quân sự có thể thay đổi nhanh chóng.
Hôm 14/10, Bộ Quốc phòng Mỹ (Department of Defense-DoD) đã chi một gói viện trợ quân sự lên tới 725 triệu USD, theo một thông cáo báo chí của DoD,
“Sự ủy quyền này là đợt rút thiết bị thứ 23 của Chính quyền ông Biden khỏi kho dự trữ của DoD cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ an ninh chưa từng có cho Ukraine và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để đảm bảo Ukraine có được sự hỗ trợ cần thiết”, theo một thông cáo báo chí của DoD ngày 14/10.
Gói viện trợ nâng tổng số viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine lên tới 17,6 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra,
Theo đó, Đức gần đây đã chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên như đã cam kết cho Ukraine. Khoản đóng góp quan trọng này sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng vệ tốt hơn trước các cuộc không kích của Nga.
Đức gần đây cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho Ukraine hai hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II, 50 xe bọc thép Dingo và 4 xe pháo tự hành Panzerhaubitze
Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cung cấp 4 bệ phóng HAWK để tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine.
Kể từ tháng 1/2021, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 18,2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 17,6 tỷ USD đã được chi sau khi Nga xâm lược nước này vào cuối tháng Hai. Kể từ năm 2014, Mỹ đã chi hơn 20,3 tỷ USD cho an ninh của Ukraine.
Lam Giang