Ngày 27/10, cơ quan công tố Hàn Quốc đã khởi tố 9 quản lý cấp cao và nhân viên (còn tại nhiệm và đã nghỉ việc) của Samsung, vì nghi ngờ có liên quan đến việc tiết lộ công nghệ chip tiên tiến của “hệ thống nước siêu tinh khiết” cho phía Trung Quốc.
Cơ quan công tố Hàn Quốc đã bắt giữ và truy tố 6 người trong đó có ‘ông A’ liên quan đến hệ thống nước siêu tinh khiết, còn 3 người khác cũng bị cáo buộc nhưng không bắt giữ. Theo cơ quan công tố Hàn Quốc, ‘ông A’ chịu trách nhiệm kinh doanh liên quan đến chất bán dẫn tại một công ty con của Tập đoàn Samsung, bị nghi ngờ nhận được tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống nước siêu tinh khiết và bản vẽ thiết kế từ các nhân viên kỹ thuật của Samsung khi ông chuẩn bị chuyển sang làm việc cho một công ty bán dẫn Trung Quốc vào tháng 8/2018, qua đó để rò rỉ thông tin kỹ thuật cho công ty Trung Quốc.
Nước siêu tinh khiết là nước loại bỏ các tạp chất khác nhau như ion, chất hữu cơ và vi sinh vật trong nước xuống dưới 1/10.000 tỷ đơn vị, được sử dụng cho các nhiệm vụ làm sạch khác nhau theo yêu cầu của kỹ thuật bán dẫn. Do nếu trong nước có tạp chất sẽ khiến sản phẩm không chuẩn nên nguồn nước siêu tinh khiết ổn định rất quan trọng trong công nghệ chất bán dẫn. Kể từ năm 2006, công ty điện tử Samsung đầu tư hàng năm hơn 30 tỷ won (khoảng 21 triệu USD) để phát triển hệ thống nước siêu tinh khiết.
Sau khi một quản lý cấp cao của ‘công ty B’ thầu xây dựng hệ thống nước siêu tinh khiết của Samsung đã thông qua chuyên gia công nghệ của Samsung sử dụng trái phép “mẫu thiết kế” công nghệ tiên tiến Samsung, ông ta đã chép tài liệu mô tả kỹ thuật này và giao nó cho ‘ông A’.
Ngoài ra, cơ quan kiểm sát Hàn Quốc cũng bắt tạm giam và truy tố ‘chuyên gia C’ từng làm việc tại Samsung, người này bị tình nghi làm rò rỉ tài liệu chứa công nghệ cốt lõi chất bán dẫn (bao gồm mô hình xưởng đúc) cho Intel, một đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài của Samsung. ‘Ông C’ là người chuẩn bị sang làm việc tại Intel đã nhân cơ hội làm việc tại nhà, sau khi đọc các tài liệu kỹ thuật bán dẫn có liên quan tại nhà đã chụp ảnh và lấy trộm các thông tin liên quan.
Samsung của Hàn Quốc là một trong những công ty công nghệ thường xuyên bị đánh cắp nhất. Vào tháng 5 năm nay, cơ quan công tố Hàn Quốc đã bắt và truy tố hai cựu chuyên gia của công ty con SEMES của Samsung và hai nhân viên khác của công ty đối tác bị cáo buộc làm rò rỉ công nghệ được gọi là “thiết bị làm sạch siêu giới hạn”. Công nghệ này sử dụng carbon dioxide siêu giới hạn ở trạng thái giữa thể lỏng và thể khí để làm sạch chất bán dẫn, giúp giảm thiểu tổn thất thiết bị và giảm tỷ lệ lỗi của chất bán dẫn siêu mịn. Thiết bị làm sạch siêu giới hạn được coi là chìa khóa cho công nghệ bán dẫn tiên tiến của Samsung.
Theo Văn phòng Công tố Tối cao Hàn Quốc, từ năm 2017 – 9/2022, số vụ rò rỉ công nghệ công nghiệp Hàn Quốc ra nước ngoài đã lên tới 112 vụ. Trong đó, về quy mô doanh nghiệp thì có 68 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 35 doanh nghiệp lớn; xét từ vấn đề lĩnh vực này thì nhiều nhất liên quan đến màn hình (26 vụ) và chất bán dẫn (24 vụ).
Kết quả cho thấy thiệt hại hàng năm của ngành công nghiệp Hàn Quốc do rò rỉ công nghệ là khoảng 56.200 tỷ won (khoảng 40 tỷ USD). Con số này tương đương với 2,7% GDP của Hàn Quốc vào năm 2021 và 60,4% tổng chi tiêu cho R&D của Hàn Quốc vào năm 2020.
Cùng ngày khi cơ quan công tố Hàn Quốc buộc tội 9 quản lý cấp cao và nhân viên của Tập đoàn Samsung, Hiệp hội Kinh tế Quốc gia Hàn Quốc đã công bố “Kết quả khảo sát ý kiến về mức độ bảo vệ của công nghệ tiên tiến Hàn Quốc”, đối tượng khảo sát là 26 chuyên gia bảo mật từ giới học thuật và ngành công nghiệp, họ là người đứng đầu các công ty công nghệ và giáo sư đại học.
Giám đốc Yoo Hwan-ik của bộ phận công nghiệp Hiệp hội Kinh tế Quốc gia Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc là nước có khả năng cạnh tranh cao về các công nghệ tiên tiến bao gồm chất bán dẫn, nguy cơ bị thất thoát công nghệ cốt lõi và nhân lực trình độ cao là rất lớn, để công nghệ và tài sản vô hình được bảo vệ an toàn thì cơ quan chức năng Hàn Quốc phải nâng cao cảnh giác của toàn xã hội và hoàn thiện hệ thống bảo vệ hơn nữa.
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu Kinh doanh Quốc tế Thụy Sĩ (IMD) công bố vào tháng 6, năm 2022 Hàn Quốc đứng thứ 3 thế giới về lĩnh vực “cơ sở hạ tầng khoa học”, nhưng ở “độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” thì Hàn Quốc chỉ đứng thứ 37.
Theo Ngô Tâm, Epoch Times
Mỹ cáo buộc Triều Tiên cố giấu các lô hàng đạn dược cho Nga
Theo thông tin tình báo của Mỹ mới được giải mật hôm 2/11, Triều Tiên đã bí mật cung cấp cho Nga một số lượng đáng kể đạn pháo để sử dụng trong chiến tranh Ukraina, CNN đưa tin.
Các quan chức Mỹ tin rằng các lô hàng bí mật của Triều Tiên – cùng với máy bay không người lái và các loại vũ khí khác mà Nga mua được từ Iran – là thêm một bằng chứng nữa cho thấy ngay cả kho vũ khí pháo thông thường của Matxcova cũng đã cạn kiệt sau 8 tháng tham chiến.
Thông tin tình báo gần đây cho thấy các lô hàng đang được tiến hành diễn ra khoảng hai tháng sau khi cộng đồng tình báo Mỹ nói rằng họ tin rằng Nga đang trong quá trình mua hàng triệu tên lửa và đạn pháo từ Triều Tiên để sử dụng trên chiến trường Ukraina.
Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về truyền thông chiến lược John Kirby cho biết trong một tuyên bố với CNN: “Vào tháng 9, CHDCND Triều Tiên đã công khai phủ nhận rằng họ có ý định cung cấp đạn dược cho Nga. Tuy nhiên, thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng Triều Tiên đang ngấm ngầm cung cấp cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina một số lượng đáng kể đạn pháo, đồng thời làm xáo trộn điểm đến thực sự của các lô hàng vũ khí bằng cách cố gắng làm cho nó có vẻ như chúng đang được gửi đến các nước ở Trung Đông hoặc Bắc Phi”.
Các quan chức đã không cung cấp bằng chứng hỗ trợ các cáo buộc mới. Thông tin tình báo được giải mật cũng không cung cấp chi tiết về số lượng vũ khí là một phần của các chuyến hàng, hoặc cách chúng sẽ được thanh toán.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi xem những lô hàng này có được nhận hay không”, Kirby cho biết thêm.
Hai tuần trước, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines lập luận rằng “việc kiểm soát xuất khẩu đang buộc Nga phải chuyển sang các nước như Iran và Triều Tiên để cung cấp, bao gồm cả UAV, đạn pháo và tên lửa”.
Trần Phong
Hãng Tesla đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt xe điện chống đạn vào năm 2023
Hãng Tesla đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất hàng loạt xe ô tô điện có khả năng chống đạn Cybertruck vào năm 2023, tức chậm 2 năm so với kế hoạch sản xuất ban đầu kể từ khi tỷ phú Elon Musk ra mắt sản phẩm này vào năm 2019, theo tờ Reuters.
Cụ thể, trong một thông báo vào tháng trước, hãng Tesla cho biết họ đang thực hiện công tác chuẩn bị tại một nhà máy ở Austin (tiểu bang Texas) để xây dựng mẫu xe mới, dự định sản xuất sớm từ giữa năm 2023.
“Chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng phát triển xe điện Cybertruck”, tỷ phú Elon Musk tuyên bố.
Tesla hiện vẫn chưa công bố giá chính thức cho xe Cybertruck cũng như chưa tiết lộ phiên bản sản xuất hàng loạt hay nêu chi tiết nguồn cung pin cho mẫu xe mới.
Năm 2019, Tesla dự kiến mức giá ban đầu chưa tới 40.000 USD, song giá mặt hàng xe nói chung đã tăng cao hơn kể từ đó. Tesla cũng tăng giá toàn bộ dòng sản phẩm của mình.
Cybertruck được giới thiệu là một loại phương tiện trang bị kính chống đạn. Kể từ năm 2019, công ty đã 3 lần trì hoãn dự án sản xuất hàng loạt, từ cuối năm 2021 sang cuối năm 2022, rồi tới đầu năm 2023 và gần đây nhất là giữa năm 2023.
Việc sản xuất hàng loạt Cybertruck sẽ mang cho Tesla một trong những phân khúc lợi nhuận cao nhất của thị trường Mỹ và là đối thủ cạnh tranh với xe bán tải chạy điện thương hiệu Ford và Rivian.
Hồi tháng 1, ông Musk nêu rõ tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện là lý do trì hoãn dự án ra mắt Cybertruck vào năm 2023. Đến tháng 5, Tesla đã ngừng nhận đơn đặt hàng cho Cybertruck bên ngoài Bắc Mỹ.
Ấn Độ: Chất lượng không khí tại New Delhi đạt ngưỡng “nguy hiểm”
Chất lượng không khí ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào sáng ngày 3/11 đã ở ngưỡng “nguy hiểm“ khi mà khói từ hoạt động đốt rơm rạ tại khu vực miền Bắc kết hợp với các chất gây ô nhiễm khác tạo ra màn khói bụi màu xám độc hại bao trùm nơi này.
Cụ thể, theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, chỉ số bụi mịn PM 2.5, loại độc hại nhất có thể đi vào máu, ở mức 588 vào sáng 3/11, cao gấp gần 40 lần so với ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Người dân có thể cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng, thường xuyên chảy nước mắt và ngứa cổ họng sau khi đi ngoài đường nhiều giờ đồng hồ.
Vào mùa đông hàng năm, thời tiết mát mẻ hơn, người dân đốt rơm rạ gây khói kết hợp với khí thải của các phương tiện giao thông và các nguồn phát thải khác đã tạo ra màn khói bụi độc hại đặc quánh bao trùm New Delhi, làm giảm tầm nhìn của thành phố gồm 20 triệu dân này.
Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch ở bang Punjab và các bang khác vẫn diễn ra hàng năm bất chấp những nỗ lực của chính quyền thuyết phục người nông dân sử dụng các biện pháp khác. Theo Bộ trưởng Môi trường Bhupender Yadav, hiện số vụ đốt rơm rạ ở bang Punjab đã tăng hơn 19% so với năm 2021. Giới chức thủ đô New Delhi cũng đã đưa ra những kế hoạch khác nhau nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay như tạm ngừng các hoạt động xây dựng, nhưng biện pháp này ít hiệu quả.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet hồi năm 2020, trong năm 2019, tại Ấn Độ có khoảng 1,67 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí, trong đó gần 17.500 người ở New Delhi.
Ở một diễn biến khác, hôm 31/10 vừa qua, cảnh sát Ấn Độ thông báo, ít nhất 120 người đã thiệt mạng sau khi một cây cầu đi bộ từ thời thuộc địa bị sập, khiến hàng loạt người bị rơi xuống dòng sông bên dưới.
Các nhà chức trách cho biết rằng tối ngày 30/10, các dây cáp giữ cầu đã bị đứt khi gần 500 người bao gồm phụ nữ và trẻ em đang tổ chức một lễ hội tôn giáo trên và xung quanh cây cầu treo gần 150 tuổi này ở thành phố Morbi, miền Tây Ấn Độ.
Điều này đã làm cây cầu với cấu trúc yếu ớt ở bang Gujarat đổ sập xuống sông, khiến hàng loạt người rơi xuống nước, trong khi những người khác cố gắng bám vào vật liệu hư nát một cách tuyệt vọng.
Phát biểu với đài AFP qua điện thoại từ hiện trường, ông P Dekavadiya, lãnh đạo cảnh sát ở thành phố Morbi, cho hay: “Cho đến nay, chúng tôi đã vớt được 120 thi thể. Con số này có thể sẽ tăng lên khi hoạt động tìm kiếm tiếp tục”. Ông còn nói thêm rằng hơn 130 người đã được giải cứu.
Cây cầu này bắc qua sông Machchhu cách thành phố chính Ahmedabad thuộc bang Gujarat khoảng 200km về phía tây, chỉ mới mở cửa lại vài ngày trước đó sau nhiều tháng sửa chữa.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Ý gặp các nhà lãnh đạo EU
Lần đầu tiên Thủ tướng cánh hữu mới của Ý Giorgia Meloni sẽ gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày thứ Năm (3/11) kể từ khi bà được bầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự.
Nữ lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Meloni đã cam kết sẽ đặt quyền lợi của Ý lên hàng đầu. Chuyến công du của bà đang được chú ý rất nhiều bởi vì nhiều người lo ngại về mối quan hệ không kiểm soát được giữa chính phủ dân túy ở Rome với các cường quốc khác trong EU.
Trong một cuốn sách sẽ được xuất bản vào thứ Sáu (4/11), Thủ tướng Meloni chỉ trích: “Một châu Âu xâm lấn vào những việc nhỏ và vắng mặt trong những vấn đề lớn,” đồng thời đề xuất: “Brussels không nên làm những gì Rome có thể làm tốt nhất.”
Trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Meloni sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Lãnh đạo Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola.
Đây sẽ là cuộc chạm chán trực tiếp đầu tiên của thủ tướng mới của Ý với các nhà lãnh đạo châu Âu kể từ khi bà von der Leyen chọc giận các đảng cánh hữu của Ý trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 bằng cách cảnh báo những hậu quả nếu quốc gia hình chiếc ủng quay lưng lại với các nguyên tắc dân chủ.
Tuy nhiên, phát biểu với đài AFP, nhà phân tích chính trị Lorenzo Codogno nhận định, nữ thủ tướng đầu tiên của Ý, người đứng đầu chính phủ cực hữu nhất kể từ Thế chiến thứ hai, sẽ đến thủ đô Brussels của Bỉ để ngoại giao, chứ không phải chiến tranh.
Ông nhận xét: “[Thủ tướng] Meloni là người thực dụng và muốn được thừa nhận là một nhà lãnh đạo chính thống và ôn hòa.”
Bước đi một cách thận trọng
Nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro dự kiến sẽ nhấn mạnh tính cấp thiết đối với các biện pháp cụ thể của châu Âu nhằm cắt giảm giá năng lượng cao ngất trời, cuộc chiến mà người tiền nhiệm của bà, Thủ tướng Mario Draghi đã khởi xướng.
Nhà phân tích Codogno chỉ ra: “Trọng tâm thực sự sẽ là năng lượng … vấn đề cấp bách nhất khi mùa đông đang đến gần,” đồng thời ông dự đoán, Thủ tướng Meloni sẽ quyết tâm “thể hiện sự liên tục với chính phủ Draghi”.
Trước đây, Thủ tướng Draghi đã cùng các nước khác trong EU kêu gọi tiến hành các giải pháp trong toàn khối để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra, thay vì cách tiếp cận đơn độc gây tranh cãi của Đức.
Thủ tướng Meloni cũng tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của cựu lục địa phải được giải quyết “ở cấp độ EU.”
Nhật báo Messagero của Ý bình luận, chuyến công du của bà “sẽ không có kết quả thực tế ngay lập tức,” nhưng nó sẽ giúp Thủ tướng Melogi đánh giá “triển vọng là gì” để kêu gọi sự giúp đỡ từ EU trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của đất nước.
Ông Sebastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors cho hay, về phần mình, các nhà lãnh đạo EU hy vọng sẽ sử dụng cuộc họp để “hiểu rõ hơn những gì [Thủ tướng] Meloni dự định làm”.
Ông Maillard nhận xét, “Ngoài các thông điệp xoa dịu”, trong đó Thủ tướng Meloni cam kết ủng hộ NATO và phương Tây cũng như tách ly đảng “Brothers of Italy” của mình khỏi chủ nghĩa phát xít, thì “bà vẫn còn khá mơ hồ về các mục tiêu của mình”.
Brussels sẽ bước đi một cách thận trọng, để tránh đẩy Thủ tướng Meloni về phía các chính phủ chủ nghĩa dân tộc khác trong EU như Hungary và Ba Lan.
Khó có khả năng xảy ra một trận tranh đấu quyết định giữa Ý và EU về quỹ phục hồi sau đại dịch của EU, vốn đang tài trợ gần 200 tỷ euro (197 tỷ đô la) cho Ý với điều kiện nước này phải thực hiện các cải cách quan trọng.
Nhà phân tích Codogno lưu ý, mặc dù Thủ tướng Meloni cho biết bà muốn “điều chỉnh” kế hoạch để tính đến chi phí năng lượng và nguyên liệu thô ngày càng tăng, nhưng những điều chỉnh đó, nếu có, sẽ được xử lý ở mức độ kỹ thuật.
Ông Maillard đồng ý rằng “về các vấn đề kinh tế, [Thủ tướng Meloni] không có lợi ích gì trong việc chọn một cuộc chiến với châu Âu. Nếu bà cư xử tồi với châu Âu, điều đó sẽ đi ngược lại với lợi ích của người Ý.”
Tuy nhiên, Brussels khó có thể tránh được một cuộc xung đột với Ý ở một mức độ nào đó về vấn đề nhập cư, một vấn đề nóng bóng về nhân quyền ở Ý. Ý từ lâu đã trở thành quốc gia tiền tuyến đối với người di cư muốn đến châu Âu.
Ngân Hà (Theo AFP)