Sau khi nhiều nhà lập pháp Iran kêu gọi chính quyền thực hiện các hình phạt hà khắc đối với người biểu tình, hôm thứ Ba (8/11), Quốc hội Iran đã bỏ phiếu áp đảo để ủng hộ áp dụng hình phạt tử hình đối với người biểu tình.
Iran đã và đang trải qua các cuộc biểu tình và bất ổn dân sự với mức độ chưa từng có kể từ sau cái chết của cô Mahsa Amini vào ngày 16/9. Cô Mahsa, một phụ nữ trẻ người Kurd 22 tuổi, đã bị “cảnh sát đạo đức” của Iran bắt giữ vì bị cáo buộc là đội khăn trùm đầu “không đúng quy cách” trong chuyến viếng thăm thủ đô Tehran. Cảnh sát bị cáo buộc đã đánh đập dã man cô Mahsa trong thời gian giam giữ. Vụ đánh đập được cho là đã dẫn đến cái chết của cô do vết thương ở đầu gây ra tử vong. Tuy nhiên, chính quyền Iran đã bác bỏ cáo buộc này.
Sau cái chết của cô Mahsa, đã xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn quốc mà Iran chưa từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ. Những người biểu tình nữ giới đã thực hiện các hành động phản kháng gây chú ý như đốt khăn trùm đầu và cắt tóc của mình ở nơi công cộng bất chấp các quy định của chính phủ Hồi giáo Iran dưới sự lãnh đạo của giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.
Trong những ngày gần đây, các nhà lập pháp Iran đã kêu gọi áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những biểu tình đã bị bắt giữ. Hôm 7/11, CNN đưa tin, một bức thư có chữ ký của 227 thành viên quốc hội Iran kêu gọi rằng những người biểu tình phải bị trừng phạt hà khắc, đó “sẽ là bài học thích đáng trong thời gian ngắn nhất có thể”.
Theo Reuters, phát ngôn viên của chính phủ Iran Masoud Setayeshi nhấn mạnh: “Hiện giờ, công chúng, ngay cả những người biểu tình không ủng hộ bạo loạn, yêu cầu các cơ quan tư pháp và an ninh xử lý một cách kiên quyết, có tính răn đe và hợp pháp một số ít những người gây nhiễu loạn.”
Ngày 8/11, Quốc hội Iran đã làm điều đó, khi bỏ phiếu ủng hộ áp dụng hình phạt tử hình đối với tất cả những người biểu tình đang bị giam giữ như “bài học nghiêm khắc” đối với tất cả những người nổi dậy. Số lượng thành viên quốc hội Iran ủng hộ hình phạt này chiếm đa số áp đảo, 227 trong tổng số 290 thành viên, tương ứng với số nhà lập pháp đã ký vào bức thư.
Chưa rõ khi nào các vụ hành quyết sẽ được thực hiện, nhưng nhiệm vụ này có khả năng sẽ có ảnh hưởng rất lớn. CNN đưa tin, tính đến ngày 10/11, khoảng 14.000 người đã bị bắt vì liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây. Hôm 8/11, giảng viên người Mỹ gốc Iran Karim Sadjadpour của tổ chức Carnegie Endowment, ước tính, con số người biểu tình bị giam giữ là gần 15.000 người.
Trong một bài đăng trên Twitter, giảng viên Sadjadpour, một nhà phân tích chính sách về Iran, lưu ý: “Trong 8 tuần qua, chế độ Iran đã giết hơn 300 người, bỏ tù gần 15.000 người, và đe dọa hành quyết hàng trăm người khác, nhưng phụ nữ Iran vẫn kiên trì. Hôm nay, các nữ sinh viên đại học đã lột bỏ khăn trùm đầu bị ép buộc của họ và hô vang ‘tôi là một phụ nữ tự do.’”
Một số nhân vận nổi tiếng ở Iran đang kêu gọi các chính phủ nước ngoài phản ứng trước động thái mới của chế độ Iran.
Hôm Chủ nhật (6/11), trên Twitter, nhà báo Omid Memarian đã lên án: “Thật vô nhân đạo! sau khi giết chết hàng trăm người biểu tình trên đường phố và một cuộc đàn áp bạo lực, 227 nghị sĩ ở Iran đã gọi những người biểu tình là “kẻ thù của Chúa” (Mohareb) và yêu cầu cơ quan tư pháp đưa ra các bản án “trừng phạt” [hành quyết]. Thế giới nên phản ứng. Thật nguy hiểm!”
Phản ứng trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iran, trong bài đăng trên Twitter, nhà hoạt động kiêm nhà báo Masih Alinejad đã chỉ trích: “227 thành viên trong Quốc hội gồm 290 ghế ở Iran đã kêu gọi Cơ quan Tư pháp đưa ra các bản án tử hình đối với những người bị bắt trong cuộc nổi dậy đang diễn ra. Họ muốn hành quyết những người biểu tình vô tội, những người đã hô vang Phụ nữ Cuộc sống Tự do. Thế giới phải ngăn chặn hành động khủng bố này.”
Gia Huy (Theo Newsweek)