Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với lời kêu gọi từ một số quan chức tại các vùng lãnh thổ yêu cầu ông chính thức chấm dứt lệnh tổng động viên quân đội.
Tổng thống Putin đang phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng khi cuộc xâm lược Ukraine đang chững lại sau gần 9 tháng kể từ khi ông ra lệnh tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2. Ukraine đã phòng thủ phản kháng Moscow mạnh mẽ hơn dự đoán. Nhờ viện trợ quân sự của phương Tây, Kyiv đã ngăn chặn thành công quân đội Nga đạt được bất kỳ mục tiêu quân sự quan trọng nào.
Hồi tháng 9, Tổng thống Putin đã tuyên bố tổng động viên một phần quân dự bị nhằm tăng cường quân cho cuộc chiến ở Ukraine. Việc huy động quân dự bị được xem là một bước leo thang lớn của cuộc chiến trong bối cảnh Nga đang gặp nhiều thất bại trên chiến trường. Tuần này, Ukraine đã cáo buộc Nga bắt đầu một đợt huy động quân mới ở bán đảo Crimea.
Trong dấu hiệu mới nhất về sự bất mãn ngày càng gia tăng, quan chức các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Karelia, nằm ở phía Tây Bắc của Nga giáp với Phần Lan, đã gửi cho Tổng thống Putin một bức thư thúc giục ông ban hành một sắc lệnh cấm quân đội tiếp tục huy động quân do các tác động tiêu cực của nó đối với xã hội Nga.
Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba (22/11), Cô Emilia Salbunova, thành viên của Hội đồng Lập pháp Karelia, đã công bố bức thư có chữ ký của cô và các nhà lãnh đạo khu vực khác.
Trong bài đăng, cô lưu ý: “Vấn đề này ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của xã hội, là nguồn gốc gây lo lắng và làm gia tăng sự lo âu trong các gia đình và các tập thể lao động Nga, và nhiều người đã gặp vấn đề về sức khỏe. Chấm dứt việc này phải được hỗ trợ bởi một sắc lệnh.”
Cô lưu ý, các tuyên bố và phát biểu công khai của các nhà chức trách quân sự, những người cho biết việc huy động quân đã hoàn tất, “không phải là những hành vi chuẩn mực và do đó không có hiệu lực pháp lý”.
Hôm 22/11, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti rằng văn phòng của ông vẫn chưa nhìn thấy bức thư này.
Vào cuối tháng 10, chính quyền Nga tuyên bố, việc huy động một phần quân dự bị để bổ sung thêm 300.000 binh sĩ cho quân đội Nga đã kết thúc. Trước đó hồi tháng 9, Tổng thống Putin đã ra lệnh tổng động viên một phần sau khi Ukraine phản công thành công giành lại hàng nghìn dặm vuông bị Nga chiếm đóng trước đó và quân đội Nga đã chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng.
Bức thư được đưa ra sau khi Ukraine cáo buộc Nga bắt đầu tiến hành “đợt huy động quân bí mật” để tuyển thêm công dân Nga ở Crimea, đây là khu vực của Ukraine đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.
Hôm 21/11, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tố cáo, “các biện pháp huy động quân bí mật của các lực lượng chiếm đóng Nga đang diễn ra” tại Crimea. Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên, ông Peskov phản bác rằng “không có cuộc thảo luận nào về” đợt huy động quân thứ hai tại Điện Kremlin.
Tổng thống Putin chịu áp lực khi cuộc chiến ở Ukraine bế tắc
Mặc dù bức thư không phản đối hoàn toàn cuộc chiến hay các mục tiêu của Tổng thống Putin ở Ukraine, nhưng nó cho thấy Tổng thống Putin đang phải đối mặt với áp lực chính trị liên tục khi ông muốn xoay chuyển cuộc xâm lược sang hướng có lợi cho Nga. Mặc dù đã huy động một phần quân dự bị, nhưng Nga vẫn gặp nhiều khó khăn để giành chiến thắng trước Ukraine và quân đội Nga vẫn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.
Đầu tháng 11, quân đội Ukraine đã chiếm lại Kherson, một thành phố quan trọng đóng vai trò là cửa ngõ vào bán đảo Crimea, giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của Nga. Giữa những thất bại này của Moscow, một số bản tin tiết lộ, một số thành viên trong giới thân cận với Tổng thống Nga đã tỏ ra thất vọng với cách xử lý xung đột của ông.
Tuần trước, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga Michael McFaul cho hay, chế độ Putin đang “rạn nứt” khi giới tinh hoa Nga đang “hoang mang” về cuộc chiến.
Trong một lần xuất hiện gần đây trên đài truyền hình nhà nước Nga, cựu thành viên Viện Duma Quốc gia Nga Zakhar Prilepin, người từng ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine, đã thừa nhận rằng Moscow “rõ ràng” chưa sẵn sàng tiến hành bất kỳ cuộc tấn công mới nào.
Nhật Minh (Theo Newsweek)