Ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu được đánh giá là đang trong giai đoạn bùng nổ, sau khi xung đột Nga – Ukraine đã mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất vũ khí. Theo đó, các nhà sản xuất vũ khí Đông Âu đang ráo riết sản xuất súng, đạn pháo và các vật tư quân sự khác với tốc độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tờ Reuters đưa tin, các đồng minh phương Tây đã cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kyiv kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2.
Theo báo cáo của Viện Kiel về Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức, Mỹ và Anh là các quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 3/10. Trong khi đó, 2 quốc gia Đông Âu là Ba Lan và Cộng hoà Séc lần lượt xếp thứ 3 và thứ 9.
Theo các chuyên gia, cuộc xung đột này đã mang đến những cơ hội to lớn cho ngành công nghiệp vũ khí trong khu vực. Do đó, các nhà sản xuất vũ khí đang tìm cách tăng năng lực sản xuất và thuê nhân công để săn đón các hợp đồng vũ khí béo bở.
Ông Sebastian Chwalek, Giám đốc điều hành của Tập đoàn vũ khí Ba Lan (PGZ) cho biết: “Từ góc độ thực tế về cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, có thể nhận thấy rằng, khá nhiều quốc gia đang muốn tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng. Điều này sẽ mở ra cơ hội mới để [ngành công nghiệp sản xuất vũ khí] thâm nhập vào thị trường sản xuất vũ khí và tăng doanh thu xuất khẩu trong những năm tới”.
Tập đoàn vũ khí Ba Lan (PGZ) thuộc sở hữu nhà nước đã kiểm soát hơn 50 công ty sản xuất vũ khí và đạn dược, từ xe vận chuyển bọc thép đến hệ thống máy bay không người lái. Đồng thời, PGZ cũng nắm giữ cổ phần trong hàng chục công ty khác.
Theo ông Chwalek, PGZ hiện có kế hoạch đầu tư tới 1,8 tỷ USD trong thập kỷ tới, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu mà công ty đặt ra trước khi bùng nổ xung đột Nga – Ukraine. Các quân nhân thuộc Lực lượng quân sự Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới 92 sử dụng xe tăng, pháo tự hành và các phương tiện bọc thép khác để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần thị trấn Chuguev, thuộc vùng Kharkiv, vào ngày 10/02/2022. (Ảnh: Sergey Bobok/AFP/Getty Images)
Ngay sau cuộc tấn công của Nga, một số quốc gia và nhà sản xuất vũ khí ở Đông Âu đã bắt đầu cung cấp vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô cũ cho Ukraine. Khi những kho dự trữ này cạn kiệt, các nhà sản xuất vũ khí đã tăng cường sản xuất cả thiết bị cũ và thiết bị hiện đại để duy trì nguồn cung. Nhờ số vũ khí đó mà Ukraine đã đẩy lùi được lực lượng Nga và giành lại nhiều vùng lãnh thổ.
Ông Chwalek nhấn mạnh rằng, PGZ hiện sẽ sản xuất thêm 1.000 hệ thống phòng không Piorun manpad di động vào năm 2023, tăng gần gấp đôi so với con số 600 vào năm 2022. Công ty cũng đã cung cấp hệ thống pháo và súng cối, lựu pháo, áo chống đạn, vũ khí nhỏ và đạn dược cho Ukraine.
Tuy nhiên, các công ty và quan chức từ chối cung cấp thông tin chi tiết về nguồn cung cấp quân sự cho Ukraine với lý do nhạy cảm về an ninh và thương mại, theo Reuters. Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine kiểm tra vũ khí mới, bao gồm cả các hệ thống chống tăng NLAW và các súng phóng lựu chống tăng cầm tay khác, ở Kyiv, hôm 09/03/2022. (Ảnh Getty Images)
Lịch sử ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu
Ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu xuất hiện từ thế kỷ 19, khi nhà sản xuất người Séc Emil Skoda bắt đầu chế tạo vũ khí cho Đế quốc Áo – Hung.
Các nhà máy khổng lồ ở Tiệp Khắc, Ba Lan và nhiều nơi khác trong khu vực đã tạo công ăn việc làm cho người dân bằng cách sản xuất vũ khí để phục vụ cho các cuộc xung đột trong Chiến tranh Lạnh.
“Cộng hòa Séc là một trong những cường quốc xuất khẩu vũ khí vì chúng tôi có nhân lực, cơ sở vật chất cũng như dây chuyền sản xuất cần thiết để tăng công suất. Đây là cơ hội tuyệt vời cho Séc. Đây cũng là minh chứng để các quốc gia khác thấy rằng, chúng tôi có thể trở thành một đối tác đáng tin cậy trong ngành công nghiệp vũ khí”, Đại sứ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jakub Landovsky nói với tờ Reuters.
Ông Siemon Wezeman, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển, chia sẻ: “Sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào năm 1991 và sự mở rộng của NATO trong khu vực đã thúc đẩy các công ty tiến hành hiện đại hóa”.
Các quan chức lưu ý thêm rằng Ukraine đã mua vũ khí và thiết bị thông qua quyên góp từ các chính phủ và hợp đồng thương mại trực tiếp giữa Kyiv với các nhà sản xuất. Một binh sĩ Ukraine cầm vũ khí chống tăng. (Ảnh: Getty Images)
Không chỉ là vấn đề kinh doanh
Ông Christoph Trebesch, giáo sư tại Viện Kiel, nhận định rằng, các quốc gia Đông Âu đã trở thành bên hỗ trợ đắc lực cho Ukraine. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để họ xây dựng ngành công nghiệp sản xuất quân sự của riêng mình.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc Tomas Kopecny cho biết, Ukraine đã nhận được lô vũ khí trị giá gần 2,1 tỷ USD và thiết bị từ các công ty của Séc, khoảng 95% trong số đó là giao hàng thương mại. Ông cho biết, xuất khẩu vũ khí của Séc năm nay sẽ cán mốc cao nhất kể từ năm 1989.
Phát ngôn viên Andrej Cirtek của Excalibur nhấn mạnh rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ là hoạt động kinh doanh.
Ông Cirtek nói: “Sau khi Nga phát động ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở Ukraine, việc giao hàng của chúng tôi cho quân đội Ukraine đã tăng lên gấp bội. Phần lớn người dân Séc vẫn hồi tưởng lại thời kỳ Nga xâm lược đất nước chúng tôi trước năm 1990. Do đó, chúng tôi không muốn quân đội Nga áp sát biên giới của chúng tôi thêm nữa”.
Lam Giang