Năm ngoái, tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm xuống còn 76,1 tuổi – mức thấp nhất trong 25 năm qua, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Câu hỏi là tại sao? Nói ngắn gọn, người Mỹ đang không khỏe mạnh. Nếu nước Mỹ có bất kỳ hy vọng nào về việc xoay chuyển tình thế, thì những sự thật khó chịu phải được khám phá và thảo luận.
Một trong những lý do chính khiến người Mỹ chết trẻ hơn là vòng eo ngày càng phình to của họ. Béo phì ở mức trung bình đã được chứng minh là nguyên nhân làm giảm khoảng 3 năm tuổi thọ.
20 năm trước, tỷ lệ béo phì ở Mỹ là dưới 15%. Ngày nay, gần 40% người Mỹ trưởng thành từ 20 tuổi trở lên bị béo phì. Đến năm 2030, gần một nửa số người Mỹ trưởng thành (49,2%) sẽ bị béo phì. Đến năm 2050, từ 60% đến 80% dân số trưởng thành sẽ bị béo phì.
Người lớn không phải là đối tượng duy nhất gặp rắc rối. Ngày nay, 20% trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ bị béo phì. Vào cuối thập kỷ này, 26,3% trẻ từ 5 đến 9 tuổi sẽ bị béo phì. Điều này chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được. Theo Văn phòng Tham chiếu Dân số, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng cao sẽ có tác động bất lợi đến tuổi thọ của Mỹ.
Có nên áp dụng ‘thuế béo’ kiểu Nhật?
Nước Mỹ không còn ở thời điểm mà có thể yêu cầu mọi người bỏ chiếc bánh rán xuống và đi dạo. Khoảng 80% người Mỹ hầu như không tập thể dục.
Quý vị nghĩ sao về việc đưa ra “thuế béo”? Thật nực cười, nhiều độc giả sẽ hét lên rằng không một quốc gia nào lại đưa ra biện pháp quyết liệt như vậy. Vâng, một quốc gia đã làm điều đó, và quốc gia ấy là Nhật Bản.
Năm 2008, Nhật Bản đưa ra Luật Metabo. Luật này yêu cầu tất cả nam và nữ trong độ tuổi từ 40 đến 74 phải được chủ lao động đo cân nặng và vòng eo. Đàn ông bị cấm có vòng eo lớn hơn 33,5 inch (khoảng 85 cm); đối với phụ nữ là 35,4 inch (khoảng 90 cm). Để hiểu rõ hơn về những con số này, một người đàn ông Mỹ trung bình có vòng eo là 40,2 inch (khoảng 102 cm); phụ nữ Mỹ trung bình có vòng eo là 38,7 inch (khoảng 98 cm). Việc cân đo tại Nhật diễn ra mỗi năm một lần. Người lao động không đạt được tiến bộ nào về cân nặng và vòng eo sẽ bị phạt; người sử dụng lao động cũng bị phạt theo.
Chính phủ Nhật Bản muốn giảm 25% tỷ lệ béo phì của đất nước. Kết quả, 14 năm sau, chỉ có 3,6% dân số Nhật Bản bị béo phì.
Đương nhiên, một số độc giả sẽ buộc tội tôi cổ vũ việc đo vòng eo bắt buộc và gia tăng kỳ thị dựa trên cân nặng. Tôi không. Tôi chỉ đơn giản là thảo luận về một chính sách mà chính phủ Nhật Bản đã đưa ra – một chính sách có hiệu quả, tôi có thể nói thêm như vậy. Cần biết rằng, Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới.
Đúng là cách tiếp cận của chính phủ Nhật Bản trong việc kiểm soát bệnh béo phì còn lâu mới hoàn hảo. Ngoài ra, nó có thể sẽ không hoạt động nổi ở Mỹ – nơi có chủ nghĩa cá nhân cao. Tuy nhiên, một cái gì đó phải được thực hiện tại nước Mỹ.
‘Củ cà rốt’ kiểu Anh thì sao?
Nếu cây gậy kiểu Nhật nghe có vẻ quá cực đoan, quý vị nghĩ sao về việc sử dụng củ cà rốt để thay thế?
Năm ngoái, trong nỗ lực giải quyết đại dịch béo phì tại Vương quốc Anh, chính phủ Anh đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu tặng thưởng (phiếu mua hàng quần áo và những thứ tương tự) cho những người bắt đầu tập thể dục và ăn uống lành mạnh hơn. Theo The Guardian, những người tham gia chương trình sẽ phải đeo “thiết bị giống như Fitbit” để theo dõi tổng số bước đi của một cá nhân và tuân theo lời khuyên về dinh dưỡng. Những người tăng cường tập thể dục và tham gia các sự kiện có tổ chức (như chạy bộ 5K, v.v.) sẽ được thưởng điểm. Chương trình dự kiến sẽ được triển khai trong năm nay.
Một lần nữa, một số người sẽ chỉ trích cách tiếp cận của Vương quốc Anh, cho rằng chương trình đó chịu rất nhiều sự can thiệp từ phía nhà nước. Có lẽ thế. Nhưng để giải quyết vấn đề béo phì, không có giải pháp hoàn hảo nào tồn tại. Nước Mỹ nhận ra rằng họ đang tiến gần đến điểm không thể quay lại.
Khi Tess Holliday, người mẫu ngoại cỡ Mỹ nặng 279 pound (khoảng 127 kg), kiếm được từ 25.000 đến 50.000 USD mỗi tháng, thì những câu hỏi nghiêm túc phải được đặt ra. Đây không phải là lời chỉ trích dành cho bà Holliday. Đây là điều đáng phê phán của xã hội. Không có gì tích cực khi bị béo phì. Béo phì không phải là điều đáng được tôn thờ, được ủng hộ và được khuyến khích theo chiều hướng tích cực. Quý vị có nhớ rằng khi nào tham ăn từng được coi là một tội lỗi chết người? Ngày nay, nó được coi là một đức tính tốt. Có một lý do khiến bộ phim mới của Brendan Fraser, “The Whale”, gây ấn tượng mạnh. Đó là nhân vật của Fraser, một người đàn ông mắc bệnh béo phì, là đại diện cho 25 triệu người Mỹ.
Tôi hiểu rằng cân nặng là một chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, sự tích tụ quá nhiều chất béo có liên quan đến chứng trầm cảm nặng, ý định tự tử và hành vi cố gắng tự tử. Nếu nước Mỹ tiếp tục phớt lờ vấn đề to lớn này, thì họ đang hướng tới một thế giới của những nỗi đau về kinh tế, tâm lý và sống còn. Sau tất cả, và trên tất cả mọi thứ khác, sức khỏe là chìa khóa của hạnh phúc.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Xuân Hoa