Xét xử vụ Alibaba: Nguyễn Thái Luyện bị tuyên án chung thân
Chiều 29/12, TAND TP.HCM đã bác toàn bộ quan điểm bào chữa của các luật sư bảo vệ Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm, và tuyên mức án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện.
Cụ thể theo VnExpress, Tòa tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Bị cáo Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù; các bị cáo khác nhận 10-19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (có dự án “ma” của Nguyễn Thái Luyện) cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tách thửa, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị Công an TP.HCM tiếp tục làm rõ và thu hồi 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho hai cá nhân vì đây là tiền phạm tội.
VKS giữ nguyên quan điểm cho rằng có đủ căn cứ xác định Luyện có vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt các nhân viên lập 58 dự án “ma” trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, lừa bán cho hơn 4.500 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng.
Ngoài việc bị phạt tù chung thân, Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.
Hội An
Cựu đại tá nhận hối lộ 19 tỷ đồng thoát án chung thân vụ biển bảo kê xăng lậu
Liên quan đến vụ án cảnh sát biển bảo kê buôn xăng lậu. Chiều 29/12, Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của hai cựu thiếu tướng cảnh sát biển nhưng giảm án cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh từ chung thân xuống 22 năm tù do nộp khắc phục 5,6 tỷ đồng.
Theo báo VnExpress đưa tin, Tòa chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) về tội Nhận hối lộ, giảm từ chung thân xuống 20 năm. Cộng với 2 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp mức án sau phiên phúc thẩm là 22 năm.
Bản án cáo buộc ông Thế Anh được giao nhiều cương vị trọng yếu trong phòng, chống tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng, nhưng “vì tư lợi” đã đồng ý giúp đỡ, bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng và nhận hối lộ trên 19 tỷ đồng.
Cùng tội Nhận hối lộ, hai bị cáo cũng được tòa giảm án gồm: Lê Văn Phương (cựu phó Phòng CSGT Công an Trà Vinh) từ 3 năm 6 tháng xuống 3 năm và Phạm Hồ Hải (cựu trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên hải, Trà Vinh) từ 5 năm 6 tháng xuống 4 năm.
HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của 6 bị cáo còn lại, trong đó có hai cựu thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4) và Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3). Hai bị cáo do đó bị giữ nguyên mức án 15 năm và 12 năm tù, cùng về tội Nhận hối lộ.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 9/2019-2/2021, tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, 9 cán bộ đã tạo điều kiện cho đường dây của ông Hữu vận chuyển và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Số tiền hối lộ 9 người này đã nhận, được xác định khoảng 38 tỷ đồng.
Trong vụ án khác, trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu bị TAND Đồng Nai phạt 16 năm tù vì tội Buôn lậu, hôm 8/12.
Hội An
Tết 2023, Sóc Trăng, Bạc Liêu… cùng nhiều tỉnh xin cấp 15.400 tấn gạo cứu đói
14 tỉnh, thành phố đang trình Chính phủ cấp 15.400 tấn gạo cho người đói nghèo dịp Tết 2023. So với đợt hỗ trợ cứu đói Tết 2022, số tỉnh thành xin cấp gạo giảm 2 tỉnh, nhưng số gạo xin cấp tăng thêm 1.441 tấn.
296.970 kg cứu đói được chia cho huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng hồi tháng 9/2021 trong đợt dịch COVID-19. Tới nay, tỉnh này tiếp tục xin gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: soctrang.gov.vn)
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, cả nước đang có 14 tỉnh thành có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cấp gạo dự trữ quốc gia cho người nghèo. Ước tính tổng số lượng gạo là khoảng 15.400 tấn.
14 địa phương xin cấp gạo, từ bắc xuống nam, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Tại cuộc họp báo Chuyên đề do Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức chiều 26/12, ông Nguyễn Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết trong năm 2022, Cục Dự trữ Nhà nước các khu vực đã cấp hơn 107.300 tấn từ nguồn gạo dự trữ để hỗ trợ cho các địa phương; tổng giá trị khoảng 1.287 tỷ đồng.
Trong đó, cấp hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 13.959 tấn gạo cho 16 tỉnh; hỗ trợ cứu đói giáp hạt đầu năm 2022 là 10.370 tấn gạo cho 17 tỉnh; hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 đầu năm 2022 là 1.869 tấn gạo cho 3 tỉnh;
Hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán mất mùa là 4.171 tấn gạo cho 4 tỉnh; hỗ trợ học sinh là 67.223 tấn gạo cho 42 tỉnh, thành phố; hỗ trợ dự án rừng 9.534 tấn gạo cho 3 tỉnh; xuất viện trợ cho Philippin 200 tấn gạo để khắc phục hậu quả mưa bão.
Theo đó, so với đợt hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán, năm 2023, số tỉnh thành xin cấp gạo giảm 2 tỉnh thành, nhưng số gạo xin cấp tăng thêm 1.441 tấn. Trong đó, đáng lưu ý có 3 tỉnh tại vùng ĐBSCL, gồm Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu (Tết năm 2022, khu vực phía Nam chỉ có một tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ trong danh sách xin gạo).
Với việc 14 tỉnh thành đang xin cấp tổng số gạo 15.400 tấn, ông Hà cho biết đang chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, từ đó các Cục Dự trữ khu vực cấp xuất cho các địa phương.
Minh Sơn
Quảng Nam: Một kế toán phòng giáo dục ‘giúp’ giám đốc trúng thầu gần 10 tỷ đồng
Hối lộ hơn 1,5 tỷ đồng cho một kế toán phòng giáo dục huyện ở Quảng Nam, hai giám đốc đã thông thầu để được trúng gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục gần 10 tỷ đồng.
Ngày 28/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với 3 người để điều tra về hành vi Đưa hối lộ và Nhận hối lộ quy định tại Điều 364 và Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Ba bị can gồm:
– Ông Nguyễn Văn Quốc (SN 1986, trú tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông Trí Phát;
– Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1977, trú tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) – Giám đốc Công ty TNHH Tin học viễn thông Việt Com;
– Ông Nguyễn Đức Thuận (SN 1973, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) – nguyên Kế toán Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy theo Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2018, Phòng GD&ĐT các huyện của tỉnh Quảng Nam được cấp nguồn kinh phí và giao làm chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm trang thiết bị. Trong đó, Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang được giao làm chủ đầu tư thực hiện 4 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy và học.
Trong quá trình tổ chức đấu thầu các gói thầu trên, ông Quốc và bà Thủy đã thỏa thuận và đưa hối lộ cho ông Thuận số tiền 1,52 tỷ đồng để ông Thuận giúp ông Quốc trúng các gói thầu.
Sau đó, ông Thuận đã giúp ông Quốc trúng thầu 4 gói thầu với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.
Theo đó, sau 4 năm kể từ khi khởi động dự án, ông Thuận bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi Nhận hối lộ; còn ông Quốc và bà Thủy bị khởi tố để điều tra về hành vi Đưa hối lộ.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Việc cán bộ nhận hối lộ cho công ty trúng thầu không phải là hiếm. Vẫn tại tỉnh Quảng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Hội An sau khi nhận 400 triệu đồng hối lộ đã giúp Công ty Đại Phát Tín trúng gói thầu 7,3 tỷ đồng.
Tới ngày 28/6, ông Nguyễn Quốc Tiến – Tổng giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Hội An và ông Trần Quang Kim Sơn – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Đại Phát Tín đã bị khởi tố để điều tra về hành vi Đưa và nhận hối lộ.
Vụ việc xảy ra trong dự án thí điểm vận chuyển hành khách du lịch bằng xe điện 4 bánh tại TP. Hội An năm 2019. Công ty CP Công trình công cộng Hội An là doanh nghiệp cổ phần, có 51% vốn Nhà nước.
Khánh Vy
Bắc Ninh: Thu phí ‘bôi trơn’ 6,5 tỷ đồng, GĐ, PGĐ Trung tâm đăng kiểm bị khởi tố
Theo Công an tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2020 đến tháng 12/2022, Trung tâm đăng kiểm 99 – 03D thu khoảng 6,5 tỷ đồng phí “bôi trơn” để bỏ qua một số lỗi kỹ thuật của xe ô tô.
Ngày 29/12, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can về hành vi “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ án xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99 – 03D (thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ).
Các bị can bị khởi tố gồm: Dương Trung Lâm (SN 1980, ở phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh) – Giám đốc Trung tâm; Dương Đình Phú (SN 1985, ở xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) – Phó Giám đốc Trung tâm và 12 đăng kiểm viên.
Kết quả ban đầu xác định từ năm 2018 đến nay, Dương Trung Lâm, Dương Đình Phú và các đăng kiểm viên đã thống nhất thu “phí bôi trơn” với số tiền từ 200.000 – 500.000 đồng/xe.
Khi đi đăng kiểm xe, chủ xe phải chi số tiền “bôi trơn” trên để được bỏ qua một số lỗi kỹ thuật của xe ô tô, như khí thải không đạt thì chỉnh lại, đèn phanh không sáng thì bỏ qua. Việc thu tiền từ các chủ xe khi đi đăng kiểm do các đăng kiểm viên trực tiếp thu tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng.
Đến cuối ngày, Trần Văn Nhất (đăng kiểm viên của trung tâm) và các đăng kiểm viên khác tập hợp lại số tiền thu ngoài này, rồi chia cho mọi người làm việc tại trung tâm đăng kiểm ngày hôm đó.
Theo Công an tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2020 đến tháng 12/2022, đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 99 – 03D thu khoảng 6,5 tỷ đồng phí “bôi trơn”.
Trong đó, năm 2020 thu khoảng 1,3 tỷ đồng; năm 2021 thu khoảng 1,6 tỷ đồng; từ tháng 1 đến tháng 12/2022 thu khoảng 3,6 tỷ đồng.
Phạm Toàn