Sau thời gian dài đối mặt và chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, cựu danh thủ Pelé đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30/12, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của “Vua bóng đá” khiến những người hâm mộ môn thể thao vua trên toàn thế giới tiếc thương. Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Brazil cho biết sẽ tổ chức quốc tang 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29/12 (theo giờ địa phương) để tưởng nhớ huyền thoại bóng đá Pelé. Riêng ở bang Sao Paulo, tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày, theo tờ AFP.
Cụ thể, tang lễ của “Vua bóng đá” Pelé sẽ được tổ chức tại sân vận động Vila Belmiro, nơi huyền thoại bóng đá người Brazil đã tỏa sáng và chơi rất hay trong phần lớn sự nghiệp của mình.
Ông đã trải qua quá trình điều trị ung thư ruột kết từ năm 2021. Bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo, nơi Pelé điều trị, cho biết ông qua đời lúc 15h27 ngày 29/12 do suy đa tạng vì bệnh ung thư ruột kết tiến triển liên quan đến tình trạng bệnh lý trước đây của ông.
Các nguyên thủ quốc gia, ngôi sao bóng đá, tổ chức thể thao toàn cầu và nhiều người hâm mộ đã gửi những lời tri ân dành cho Pelé, cầu thủ được mến mộ vì tài năng bóng đá và lòng trắc ẩn của mình.
Trong sự nghiệp, theo thống kê, Pelé đã ghi 1.279 bàn thắng sau 1.363 trận. Con số ấn tượng này được ghi nhận trong sách kỉ lục Guinness. Ông đi vào lịch sử bóng đá thế giới với 3 chức vô địch World Cup. Pelé từng được Ủy ban Olympic (IOC) vinh danh là “Vận động viên của thế kỷ”, đồng thời là “Cầu thủ bóng đá của thế kỷ” bởi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Phan Anh
Nga cho biết việc sáp nhập các vùng đất Ukraine đang diễn ra tích cực
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Sáu rằng quá trình sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine đang diễn ra một cách tích cực nhất, bất chấp quân đội Nga chịu những tổn thất đáng kể trong cuộc chiến đang diễn ra.
4 khu vực ở Ukraine mà Nga tổ chức trưng cầu dân ý để chuẩn bị sáp nhập
“Quá trình sáp nhập các nước cộng hòa này [Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR)] vào không gian pháp lý, kinh tế, xã hội và an ninh của Nga đang diễn ra rất tích cực,” ông Peskov nói, theo hãng thông tấn Nga TASS. “Tất nhiên, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là đảm bảo an ninh cho những khu vực này càng sớm càng tốt.”
Ông Peskov nói thêm rằng “đảm bảo an toàn cho dân thường sống ở đó là mục tiêu chính của hoạt động [quân sự đặc biệt].”
Tuy nhiên, bất chấp quy mô quân sự khổng lồ, Nga đã phải vật lộn để đạt được các mục tiêu quan trọng ở Ukraine sau hơn 10 tháng giao tranh. Cuộc chiến đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này đã cho phép Ukraine chiếm lại hàng ngàn dặm vuông lãnh thổ bị chiếm đóng trong những tháng gần đây.
Đầu tháng này, ông Peskov nói rằng Moscow không có kế hoạch chiếm thêm lãnh thổ từ quốc gia Đông Âu này, thay vào đó sẽ tập trung giải phóng 4 vùng lãnh thổ mà nước này sáp nhập vào tháng 9 là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ, cho biết động thái này là bất hợp pháp.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, hôm thứ Ba cho biết các lực lượng Nga ở Bakhmut, nằm ở khu vực Donbass phía đông Ukraine, có thể sắp đạt đến ngưỡng “đỉnh điểm”, tức không còn có thể tiếp tục tiến lên được nữa.
Vào tháng 11, các lực lượng Nga đã phải rút lui khỏi khu vực Kherson, cho thấy Moscow không còn coi việc mở rộng dọc theo bờ Biển Đen là mục tiêu trong cuộc chiến của mình.
Trước đó vào tháng 9, Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát khu định cư Yatskivka, phía đông sông Oskil ở khu vực phía đông Donetsk, theo Oleksiy Gromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Chính của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Tuy nhiên, ông Peskov hôm thứ Sáu nhấn mạnh rằng Nga được cho là có toàn quyền kiểm soát LPR và DPR, đồng thời nói rằng “mục tiêu chính của chúng tôi là để những vùng lãnh thổ này chiếm vị trí xứng đáng trong số tất cả các thực thể của Liên bang Nga.”
Cơ quan lập pháp của DPR đã thông qua hiến pháp bao gồm 10 chương và 83 điều, trong khi LPR cũng thông qua hiến pháp của riêng mình, TASS đưa tin hôm thứ Sáu.
Lê Vy
Mỹ tiếp tục đứng đầu về số lượng công ty giá trị nhất toàn cầu trong năm 2022
Theo dữ liệu do công ty tư vấn EY (Ernst & Young) công bố hôm 29/12, Mỹ là nơi đặt trụ sở của 61 trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu và tiếp tục giữ vị trí số một trong bảng xếp hạng năm 2022. Năm 2021, Mỹ cũng giữ vị trí đầu bảng với 62 công ty.
Cụ thể, sự thống trị của các công ty Mỹ trên thị trường toàn cầu trong năm 2022 trở nên rõ nét hơn khi trong top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất có đến 9 công ty có trụ sở ở “xứ cờ hoa”. Hãng công nghệ Apple đứng đầu với giá trị thị trường là 2.100 tỷ USD. Tiếp theo là tập đoàn dầu mỏ Saudi Arabia, Saudi Aramco, với giá trị vốn hóa 1.900 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Saudi Aramco đứng vị trí thứ 2 bảng xếp hạng, trở thành công ty duy nhất trong top 10 không có trụ sở ở Mỹ. Vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt thuộc về 2 tập đoàn công nghệ Microsoft và Alphabet của Mỹ với giá trị vốn hóa là 1.800 tỷ USD và 1.100 tỷ USD.
Thụy Sĩ giữ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với 3 trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Tập đoàn Nestlé được định giá 321,2 tỷ USD, xếp thứ 23, trong khi các công ty dược phẩm Roche và Novartis lần lượt xếp thứ 32 và 45.
Trong khi vị trí của Thụy Sĩ vẫn ổn định nhờ 3 đối thủ nặng ký kể trên, thì sự hiện diện chung của châu Âu trong bảng xếp hạng đã giảm dần. Trước cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập niên trước, 46 trong số 100 công ty hàng đầu là của châu Âu. Năm 2022, không có công ty nào từ châu Âu lọt vào top 10. Và trong top 100, chỉ có 15 công ty có trụ sở tại châu Âu, so với 19 công ty ở châu Á.
Vốn hóa thị trường châu Âu lớn nhất hiện nay là tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp, ở vị trí thứ 15. Có tổng cộng 5 công ty đến từ Pháp trong bảng xếp hạng, trong khi Anh có 4 đại diện trong top 100 công ty.
Trung Quốc và Hồng Kông có tổng số 15 công ty hiện nằm trong top 100, tăng so với 10 công ty hồi năm 2021. Ấn Độ có 2 công ty lọt top 100, trong khi Nhật Bản có 1 công ty.
Phan Anh