Hôm 19/1 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố rằng Ukraine càng sớm chấp nhận các yêu cầu của Nga thì cuộc xung đột càng sớm chấm dứt, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho hay rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu của mình “theo cách này hay cách khác” và chính quyền Ukraine nên chấp nhận lập trường của Nga và giải quyết trên bàn đàm phán.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu công thức hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine…
Tại cuộc họp báo hôm 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Tổng thống Ukraine đã đưa ra những đề xuất phi thực tế và vô lý về việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột. Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga sẵn sàng xem xét các đề xuất nghiêm túc từ phương Tây về các cuộc đàm phán liên quan tới Ukraine, nhưng cho đến nay Moscow vẫn chưa nhận được đề xuất nào.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới đây ám chỉ rằng Moscow có thể sẽ phải dùng đến các cuộc tấn công hạt nhân nếu họ không thắng trong cuộc chiến tranh với Ukraine bằng vũ khí thông thường.
“Thất bại của cường quốc hạt nhân trong chiến tranh thông thường có thể kích hoạt sự bùng nổ chiến tranh hạt nhân… Các cường quốc hạt nhân không thể thua trong các cuộc xung đột lớn mà sự sống còn của họ phụ thuộc vào đó”, ông Medvedev cho biết.