Tết tình yêu

Đặng Duy Hưng


Có lẽ anh cũng như đa số người Việt tỵ nạn đến Mỹ đầu thập niên 80 không mong muốn gì hơn được đi chợ Tết. Đến đây anh không chỉ mong tìm lại hương vị ngày Tết quê hương mà còn hy vọng đâu đó gặp người quen!

Chiều hôm đó vừa xong việc về nhà tắm rửa thay bộ đồ mới là anh đi xe buýt công cộng xuống hội chợ. Nhìn hàng cờ vàng ba sọc đỏ dựng đứng dọc đường đi vào cổng chào, anh chợt nhớ đến những ngày sắp Tết ngồi sau lưng ba lái vespa chạy vòng quanh phố. Anh thầm nghĩ: “Nếu ba đang ở đây thì chắc khóc vui kỷ niệm một thời.”

Nhưng không ngờ anh gặp lại Xuân, mối tình ngây thơ thời trung học. Rất tiếc gia đình Xuân là một trong những gia đình vượt biên sớm nhất nên anh đã lỡ duyên với nàng. Giờ gặp lại, anh ngẩn ngơ vì nàng đang trong vòng tay kẻ khác. Dĩ nhiên anh rất buồn và đau đớn trong tâm tư nhưng ngoài mặt phải vui cho cô ấy yên lòng.

Đứng lịch sự nghe cô nói chuyện giọng nói theo kiểu “nhập gia tùy tục” nói câu nào cũng đa số tiếng Mỹ chen kẽ với ngôn ngữ cha ông, anh thấy hơi bối rối. Có lẽ đây là mốt thời thượng của giới trẻ thuở đầu chập chững trên đất khách quê người.

Bắt tay từ giã Xuân, anh vội vã mua bánh chưng, bánh tét cùng mứt gừng, mứt dừa, hột dưa ủng hộ trước khi ra về. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần sau chót anh đến hội chợ Tết cho đến ngày anh quen Laura.

Anh theo nghề nấu ăn chú tâm học hỏi nên chuyển chỗ làm liên tục cho đến ngày vào làm nhà hàng Ý nổi tiếng. Tính anh thích chế biến món ăn khởi đầu tặng cho khách hàng mới nên nhà hàng lúc nào cũng kín chỗ. Định mệnh hai đứa gặp nhau tối đó khi Laura đi ăn với bạn gái. Nàng làm nghề chiêu đãi viên hàng không bay khắp nước Mỹ, có lúc mỏi mệt thì Laura về làm văn phòng hay giúp đỡ khách lên máy bay. Rời quê, thị trấn nhỏ tiểu bang Minnesota, về thành phố kiếm việc làm rồi theo bạn bè về California.

Nào ngờ nàng mê anh chàng da vàng giỏi nấu ăn, cũng như anh không bao giờ nghĩ sẽ yêu một cô gái tóc vàng mắt xanh. Tối đó nàng bạo dạn nói: “Bà xã ở nhà thật may mắn!”

Anh cười lịch sự đáp: “Người nào thương tôi chắc là tới số bởi nghề nghiệp bận rộn tối ngày!”

Thế mà anh và nàng lại quen thân nhau như ông Trời xếp đặt từ trước. Một buổi chiều ghi khó quên, Vừa xuống máy bay, Laura gọi điện cho anh khi anh đang dọn bàn sắp đồ ăn lên cúng đón ông bà. Nàng đến nhìn trên bàn hương còn đỏ khói thơm tỏa quanh phòng; những món đồ ăn trên bàn đều lạ lẫm trong ánh mắt của nàng. Anh rót trà ngồi giải thích từng món ăn ý nghĩa truyền thống của người Việt ngày Tết. Chưa bao giờ anh thấy đôi mắt nàng
đam mê tìm tòi học hỏi những cái mới mẻ của nền văn hóa Á đông khác biệt như lúc này. Không biết bắt đầu từ nguyên nhân nào nhưng kể từ hôm đó nàng bắt đầu tự học tiếng Việt từ anh. Mỗi lúc bên nhau nàng đều tập phát âm từng chữ một. Không những vậy nàng còn ghi danh học tiếng Việt vào buổi tối nên không bao lâu Laura nói và viết tiếng Việt tiến bộ rất nhiều. Có người đàn ông Việt Nam nào không hạnh phúc khi người yêu ngoại tộc mê mệt học hỏi về phong tục và văn hóa xứ cha ông của mình.

Có một lần anh hỏi nàng: “Tại sao em yêu anh?”

Nàng ôm anh thật chặt như sợ tan thành mây khói: “Anh có nhớ em ngày ấy hỏi tại sao anh chọn nghề nấu ăn!? Anh trả lời bằng kể một câu chuyện người mẹ Việt Nam tâm sự trong bữa ăn gia đình. Bà nhắc nhở con cái ‘Mỗi lần thưởng thức món ăn ngon trên bàn đừng bao giờ quên nỗi khó nhọc của đầu bếp. Không chỉ họ bỏ công sức ra nấu nướng mà còn đi chợ hàng ngày tỉ mỉ lựa chọn từng bó rau miếng thịt tươi.’ Anh may mắn có người mẹ biết dạy dỗ đạo lý để con trai thành người đàn ông, người chồng gương mẫu. Em nghĩ rất ít gia đình Á đông nào làm như vậy! Một người con gái bất kể chủng tộc nào biết suy nghĩ không bao giờ bỏ qua những đàn ông như anh.”

Gần hai năm sau đó, anh mới có cơ hội dẫn nàng về Việt Nam ăn Tết. Nàng tạo cho anh và gia đình anh từ ngạc nhiên này đến sửng sốt khác, vì hình như nàng dành khá nhiều thời gian chuẩn bị học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người Việt khác. Dĩ nhiên ba mẹ anh sốc nhất khi nghe nàng nói tiếng việt thông thạo. Không những vậy nàng đóng vai người phụ nữ trong gia đình Việt Nam ngày giáp Tết. Nàng vào bếp phụ mẹ anh nấu ăn, học hỏi những món ăn truyền thống quê hương. Anh nhìn họ nói chuyện vui vẻ bên nhau như hai mẹ con. Thỉnh thoảng bà liếc mắt ngó anh hân hoan như tự hào về đứa con trai xa xứ.

Rồi ngày tháng đi nhanh như con thoi dệt vải. Tết đến rồi Tết đi nhưng tình yêu anh với nàng luôn đi chung sóng gió lẫn hạnh phúc êm đềm giống như bao cuộc hôn nhân khác. Giống như hai cây hoa đào trồng sân sau đến mùa Xuân nở rộ đem về thịnh vượng hạnh phúc cho đời; hết mùa chúng nó đứng bên nhau trụi lá nương vào nhau chờ đợi hết Đông.

Hôm nay anh nhìn nàng chỉ dẫn con gái sắp xếp mứt, bánh, xôi, thịt lên bàn giống như treo từng ornaments trên cây Noel. Hạnh phúc gia đình anh và nàng là vậy đó! Tất cả các mùa lễ hội trong năm đều đem niềm vui riêng biệt đến cho gia đình anh.

Hôm nay anh diện bộ đồ veston và hai mẹ con với hai bộ áo dài mới trông thật hoàn hảo. Bước qua cổng chào hội chợ Tết với hai hàng cờ vàng ba sọc đỏ sen vào cờ Hợp chủng quốc, anh tự nhủ: “Tết năm nay vui hay tâm hồn anh đang đầy ắp hạnh phúc Xuân về!”

Đặng Duy Hưng

Related posts