Một phương tiện truyền thông của Thụy Điển mới đây đã điều tra được rằng du học sinh Trung Quốc buộc phải cam kết trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước khi họ đến Thụy Điển theo một chương trình do chính quyền Trung Quốc tài trợ.
Dagens Nyheter (DN), một tờ báo của Thụy Điển, ngày 12/01 đưa tin rằng du học sinh đăng ký theo học các chương trình tiến sĩ tại Thụy Điển thông qua Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) phải ký tên vào nhiều loại thỏa thuận và phải tuân theo các quy định bí mật.
Những thỏa thuận này yêu cầu người nhận học bổng cam kết trung thành với ĐCSTQ, “phục vụ lợi ích của chế độ” và không bao giờ tham gia “các hoạt động” trái với ý muốn của chính quyền Trung Quốc.
Theo DN, nếu du học sinh vi phạm thỏa thuận thì thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc sẽ mắc nợ tài chính đối với nhà nước.
Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển Mats Persson đã phản ứng gay gắt trước điều tra của DN về thỏa thuận bí mật giữa chính quyền Trung Quốc và các nghiên cứu sinh ở Thụy Điển.
“Tôi coi vấn đề này là rất nghiêm trọng và chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn”, ông Persson nói. Ông cho biết thêm, trước Giáng sinh, chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các trường đại học Thụy Điển rằng họ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn hoạt động gián điệp, DN đưa tin.
Viện Công nghệ Hoàng gia (KTH), Đại học Lund và Đại học Uppsala nằm trong số các trường đại học Thụy Điển đã nhận sinh viên Trung Quốc thông qua CSC.
Ông David Gisselsson Nord, Phó trưởng khoa Y Dược thuộc Đại học Lund, cho biết: “Điều khiến tôi thực sự lo lắng là có thông tin cho rằng người bảo lãnh của sinh viên, thường là người thân, không thể rời khỏi đất nước [Trung Quốc] trong một thời gian dài khi sinh viên đang ở nước ngoài”.
“Đây chính xác là cách hoạt động của các chế độ độc tài – đó là gia đình [của du học sinh] bị bắt làm con tin ở quê nhà. Thật là xấu xa”, ông Nord nói với DN.
Vì lý do này, một số trường đại học Thụy Điển hiện đã ngừng hợp tác hoàn toàn với CSC.
Nhiệm vụ của người nhận học bổng
CSC, được thành lập vào năm 1996, trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Cơ quan này có nhiệm vụ thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế với nhiều trường đại học trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Nga.
Mỗi năm, CSC tài trợ cho hàng chục nghìn nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học tập.
Tờ thông tin về chương trình năm 2022 đã mô tả rằng tổ chức này có kế hoạch gửi 20.000 ứng viên đủ điều kiện ra nước ngoài.
Nhiều người nhận học bổng từ CSC đã lên Zhihu, một nền tảng trực tuyến của Trung Quốc, để thảo luận. Trong các bài đăng, họ nói rằng người nhận học bổng phải báo cáo với CSC mỗi khi họ rời nước sở tại để đi họp, đi du lịch hay khi họ quay về Trung Quốc; viết báo cáo cho chính quyền vài tháng một lần; và phải chịu hình phạt nếu ở lại nước sở tại sau khi tốt nghiệp.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch