Tác giả Daniel Y. Teng
Cố Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị sau này sẽ không còn xuất hiện trên tờ 5 dollar của Úc nữa, mà thay vào đó, một thiết kế mới “tôn vinh văn hóa và lịch sử của Những Người Úc Đầu Tiên” — một thuật ngữ để chỉ Người bản địa Úc — sẽ thay thế cho vị quân chủ này.
Tờ 5 dollar của nước này có hình vị Nữ hoàng quá cố kể từ năm 1992 và dự kiến sẽ được thay thế bằng con trai của bà, Vua Charles III.
Tuy nhiên, hôm 02/02, Ngân hàng Dự trữ Úc đã thông báo về việc hoán đổi.
“Ngân hàng Dự trữ đã quyết định cập nhật tờ 5 dollar để có một thiết kế mới nhằm tôn vinh văn hóa và lịch sử của Những Người Úc Đầu Tiên. Thiết kế mới này sẽ thay thế bức chân dung của Nữ hoàng Elizabeth II. Mặt kia của tờ tiền sẽ vẫn có hình Quốc hội Úc,” ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố.
“Hội đồng Ngân hàng Dự trữ đưa ra quyết định này sau khi tham khảo ý kiến với Chính phủ Úc, chính phủ ủng hộ sự thay đổi này.”
Ngân hàng sẽ thảo luận với các đại diện của Người bản địa Úc, lưu ý rằng thiết kế mới sẽ mất “vài năm” để hoàn thiện và in ấn.
“Trong thời gian chờ đợi, tờ tiền [năm dollar] hiện tại sẽ tiếp tục được phát hành. Tờ tiền này sẽ có thể được sử dụng ngay cả sau khi tờ tiền mới được phát hành.”
Tờ 50 dollar hiện tại đã có hình người đàn ông bản địa nổi tiếng David Uniapon, một tác giả, nhà hoạt động, nhạc sĩ, và nhà thuyết giáo.
Trong khi tờ 5 dollar cũng có bức tranh khảm Forecourt Mosaic, vốn dựa trên bức tranh theo phong cách chấm Sa mạc Trung tâm (Central Desert) của Michael Nelson Jagamara.
Khuôn mặt của Vua Charles III dự kiến sẽ xuất hiện trên các đồng xu của Úc vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Ngân khố ủng hộ quyết định này, phe đối lập gọi đó là ‘điều vô nghĩa thức tỉnh’
Bộ trưởng Ngân khố thuộc Đảng Lao Động Jim Chalmers đã ủng hộ hành động này, gọi đó là “cơ hội để đạt được sự cân bằng tốt.”
“Tôi hoan nghênh quyết định của Ngân hàng Dự trữ độc lập nhằm bảo đảm cho tờ 5 dollar mới công nhận và tôn vinh văn hóa và lịch sử của Người bản địa Úc,” ông nói với các phóng viên ở Melbourne.
Ông nói: “Các đồng xu vẫn sẽ in hình quân chủ, nhưng tờ 5 dollar sẽ nói nhiều hơn về lịch sử cùng di sản và đất nước của chúng ta, và tôi thấy đó là một điều tốt.”
Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập liên bang Peter Dutton cho biết hành động này phù hợp với những lời kêu gọi thay đổi ngày tháng của Ngày Quốc Khánh Úc.
“Tôi biết phe đa số vốn ít lên tiếng không đồng tình với nhiều điều vô nghĩa thức tỉnh đang diễn ra, nhưng chúng ta phải nghe nhiều hơn từ những người đó ở trên mạng,” ông nói với 2GB Radio hôm 02/02.
Ông cho rằng Thủ tướng Anthony Albanese là “trung tâm” của quyết định này và thúc giục nhà lãnh đạo này thẳng thắn về điều đó.
“Nếu đấy là quyết định mà họ đã đưa ra, thì hãy thừa nhận nó, chỉ cần chịu trách nhiệm rồi giơ tay lên và nói rằng đây là lý do chúng tôi đưa ra quyết định đó,” ông nói.
“Tôi nghĩ đây là một cuộc tấn công khác nhằm vào các hệ thống quyền lực của chúng ta, vào xã hội của chúng ta và vào các thể chế của chúng ta,” ông nói thêm.
“Đây là một cuộc tấn công vào quốc ca, quốc kỳ, tên tuổi nước Úc như chúng ta đang thấy ở những nơi khác trên thế giới. Vì vậy, tôi chỉ nghĩ rằng quý vị phải đứng lên và nhiều người Úc hơn nữa phải được lắng nghe.”
Chủ nghĩa thức tỉnh bắt đầu truyền bá sâu rộng
Quyết định của Ngân hàng Dự trữ được đưa ra sau khi một vài công ty lớn của Úc, và các hội đồng địa phương đã chọn không tổ chức kỷ niệm ngày quốc khánh của nước này, nói rằng ngày đó nên là một “ngày tang thương.”
Ngày 26/01 là ngày Hạm đội Đầu tiên của Thuyền trưởng Arthur Phillip đến Sydney Cove (nay được gọi là Circular Quay) và thành lập khu định cư Âu Châu đầu tiên tại Úc. Trong nhiều năm, ngày này được tôn vinh là ngày khai quốc.
Các công ty đã làm điều này bao gồm đại công ty bán lẻ Kmart, chuỗi siêu thị Woolworths, công ty viễn thông lớn nhất nước Úc Telstra, Deloitte, KPMG, Ernst and Young, và Kênh 10 thuộc sở hữu của CBS.
Sự ra đời của “văn hóa xóa sổ” đã chứng kiến những lễ kỷ niệm hoặc giá trị truyền thống bị hạ thấp hoặc loại bỏ hoàn toàn.
Một công cụ để thúc đẩy văn hóa xóa sổ là “thức tỉnh” hoặc đi theo các mục tiêu công lý xã hội như đưa ra sự công nhận nhiều hơn đối với các quyền của người bản địa.
Tuy nhiên, một hành động như vậy thường phải trả giá bằng truyền thống của một quốc gia, một tình huống tương tự như các phong trào cộng sản bạo lực ở Trung Quốc, Nga, và Campuchia, theo hội viên nghiên cứu cao cấp Scott Powell của Viện Khám phá.
Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và bang giao Úc -Trung.
Cẩm An biên dịch