Các trận động đất liên tiếp khiến hơn 2,000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Syria
Theo các nhà chức trách địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hai trận động đất mạnh hôm 06/02 đã khiến ít nhất 1,541 người ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và 910 người khác ở miền bắc Syria thiệt mạng.
Tuy nhiên, số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng cao khi các nhân viên cứu hộ cố gắng kéo những người sống sót ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.
Trận động đất đầu tiên, mạnh 7.7 độ richter, xảy ra lúc 4 giờ 14 phút sáng giờ địa phương.
Tâm chấn của trận động đất này nằm ở huyện Pazarcik thuộc tỉnh Kahramanmaras phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa quốc gia (AFAD).
Ngoài Kahramanmaras, trận động đất đầu tiên đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ là Gaziantep, Sanliurfa, Diyarbakir, Adana, Adiyaman, Malatya, Osmaniye, Hatay, và Kilis.
Chín giờ sau, lúc 1 giờ 24 phút chiều giờ địa phương, một trận động đất thứ hai mạnh 7.6 độ richter tấn công cùng khu vực, dẫn đến việc nhiều người thiệt mạng và bị thương hơn, đồng thời khiến sự tàn phá thêm phần nghiêm trọng.
Theo AFAD, tâm chấn của trận động đất thứ hai nằm ở huyện Elbistan, tỉnh Kahramanmaras.
“Có nhiều tòa nhà bị sập trong khu vực này,” ông Abdulkadir Aytac, một thợ làm bánh 52 tuổi ở Elbistan, cho biết ngay sau trận động đất thứ hai.
“Những tòa nhà vẫn còn đứng vững đều ở trong tình trạng tồi tệ,” ông Aytac nói với The Epoch Times. “Nếu có dư chấn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tòa nhà sụp đổ.”
Theo các bản tin địa phương, cho đến nay, hơn 2,400 người sống sót đã được tìm thấy từ đống đổ nát, mặc dù người ta lo sợ rằng hàng ngàn người khác vẫn bị mắc kẹt.
Ông Orhan Tatar, Cục trưởng phụ trách động đất và giảm thiểu rủi ro của AFAD, được hãng Thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời nói rằng vẫn còn “hoạt động động đất nghiêm trọng tại khu vực này.”
Ông nói thêm rằng các dư chấn lên tới 6.7 độ richter có thể sẽ tiếp tục trong vài giờ tới.
Trận động đất kép này cũng gây thiệt hại lớn ở miền bắc Syria, nơi các cơn rung chấn mạnh đã xảy ra ở các tỉnh Idlib, Aleppo, Hama, Latakia và Raqqa.
Theo Bộ Y tế Syria, ít nhất 910 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, mặc dù những con số này dự kiến sẽ tăng thêm.
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được cho là đã ra lệnh cho chính phủ của ông cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ “bất kỳ và mọi sự viện trợ cần thiết.”
Chia sẻ trên Twitter, ông Biden cho biết ông “vô cùng đau buồn trước những thiệt hại về nhân mạng và sự tàn phá do trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây ra.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chia buồn tới Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc điện đàm tới người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Theo Ban Giám đốc Truyền thông của Ankara, ông Putin cũng đề nghị trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ thiên tai.
Lên tiếng ngay trước trận động đất thứ hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả vụ việc này là “thảm họa thiên nhiên lớn nhất” kể từ trận động đất năm 1939 ở tỉnh Erzincan thuộc miền trung Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 32,000 người thiệt mạng.
Năm 1999, tỉnh Izmit phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ bị rung chuyển bởi một trận động đất mạnh 7.6 độ richter khiến hơn 17,000 người thiệt mạng.
Adam Morrow
Nguyễn Lê biên dịch
Tổng thống Zelenskyy thừa nhận tình hình miền Đông Ukraine ngày càng khó khăn
Hôm 4/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết tình hình miền Đông nước này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh Nga tung thêm nhiều quân vào chiến trường.
Điện Kremlin đang nỗ lực để giành được một chiến thắng quan trọng trên chiến trường sau nhiều tháng thất bại. Các lực lượng Nga đang dốc toàn lực để giành quyền kiểm soát thị trấn Bakhmut cũng như kiểm soát một tuyến đường tiếp tế trọng yếu gần đó của lực lượng Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Quân đội Nga cũng đang cố gắng chiếm thành phố khai thác than Vuhledar, cách Bakhmut khoảng 120 km về phía Tây Nam. Cả hai đều thuộc tỉnh Donetsk.
“Chúng tôi phải nói rằng tình hình chiến trường rất khó khăn, và ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đối phương đang ngày càng đổ thêm nhiều lực lượng vào để phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine”, ông Zelenskyy nói trong phát biểu bằng video hằng đêm.
“Tình hình ở Bakhmut, Vuhledar, Lyman và các hướng khác hiện rất khó khăn”, ông cho biết.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar viết trên Telegram rằng, nỗ lực của quân Nga nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ ở Bakhmut và Lyman đã thất bại.
Vào tháng 10/2022, quân đội Ukraine đã giành lại Lyman, nơi nằm ngay phía bắc Bakhmut.
Ngày 3/2, ông Zelenskyy tuyên bố lực lượng của Ukraine sẽ chiến đấu vì Bakhmut “đến chừng nào còn có thể”, nhưng tình hình ở đó ngày càng trở nên khó khăn với các lực lượng Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine vẫn đưa ra báo cáo hằng ngày về các cuộc giao tranh trên chiến trường ở khu vực này, còn các blogger quân sự Nga thì khẳng định quân Nga đã giành được một số thành công dọc tiền tuyến.
Điện Kremlin thừa nhận rằng, cuộc chiến ở Bakhmut đã gây tổn thất to lớn về nhân mạng cho quân Nga.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Petro Chernyk cho rằng, mức thương vong cao cho thấy Moscow không có khoảng hòa hoãn để hồi sức sau các cuộc giao tranh, đồng thời làm suy yếu động lực chiến đấu của binh sĩ Nga.
“Đây sẽ là điều kiện tuyệt vời để Ukraine tiến hành các cuộc phản công”, ông Chernyk nói với đài truyền hình 24 Kanal của Ukraine.
Tổng thống Ukraine tước quyền công dân của một số cựu chính trị gia
Hôm 4/2, Tổng thống Ukraine đã thông báo tước quyền công dân của một số cựu chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn để “làm sạch đất nước” khỏi những kẻ thân Nga.
“Hôm nay tôi ký các văn bản liên quan để thực hiện một bước nữa trong việc bảo vệ và làm sạch đất nước khỏi những kẻ đứng về phía kẻ xâm lược”, Tổng thống Zelenskyy phát biểu, theo hãng tin Reuters.
Ông không công bố danh tính những người này, nhưng cho biết số cựu chính trị gia bị xử lý mang cả quốc tịch Nga.
Theo truyền thông nhà nước Ukraine, danh sách này bao gồm một số chính trị gia cấp cao từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych (2010 – 2014).
Theo hãng thông tấn RBC – Ukraine, trong số cựu chính trị gia bị tước tư cách công dân có cựu Bộ trưởng Khoa học – Giáo dục Dmytro Tabachnyk, cựu Phó thủ tướng Andriy Klyuyev và cựu Bộ trưởng Nội vụ Vitaliy Zakharchenko.
Ukraine đã tước quyền công dân Ukraine của không ít người, đồng thời tiến hành trừng phạt hàng trăm cá nhân và doanh nghiệp Nga cùng Belarus kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, 63 quân nhân Nga đã được Ukraine trả tự do.
Tổng cộng có 63 quân nhân Nga, bao gồm cả những người thuộc diện “nhạy cảm” đã trở về từ các vùng lãnh thổ do Kyiv kiểm soát, Bộ Quốc phòng Nga nói với các phóng viên hôm thứ Bảy (4/2).
Đặc biệt, những người thuộc diện “nhạy cảm” đã được trả tự do sau một quá trình đàm phán phức tạp có sự tham gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Bộ Quốc phòng Nga cho biết tất cả các quân nhân này hiện đã ở Nga và đang được hỗ trợ y tế. Họ cũng đã có cơ hội liên lạc với gia đình.
Huyền Anh tổng hợp
Chuyên gia dự đoán một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới sắp bùng phát ở Trung Quốc
Kể từ tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến một đợt bùng phát Covid-19 lớn trên cả nước, với tỷ lệ lây nhiễm ước tính lên tới hơn 80%. Các chuyên gia dự đoán rằng một làn sóng lây nhiễm khác đang cận kề.
Trong cuộc họp báo vào ngày 30/1, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 chung ở nước này đã bước vào giai đoạn “mức độ dịch bệnh thấp”, dịch bệnh ở nhiều nơi đang có xu hướng “giảm dần”.
Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến công chúng ngờ vực về thông tin Covid-19 mà chính quyền công bố.
Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã phát hiện ra các biến thể phụ của Omicron dễ lây truyền, chẳng hạn như CH.1.1, XBB.1.5, BQ.1.1, BQ.1 và XBB.
Ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), nhà virus học hàng đầu của Trung Quốc kiêm Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Trung Quốc, dự đoán rằng, làn sóng lây nhiễm Covid-19 tiếp theo ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 5 và tháng 6 năm nay. Ông ước tính rằng tỷ lệ lây nhiễm của đợt tiếp theo sẽ dao động từ 25% đến 50% và các triệu chứng sẽ nhẹ hơn so với đợt hiện tại.
Ông Xing Mingyou, một chuyên gia y tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Trung Quốc, cũng đưa ra dự đoán với phương tiện truyền thông Trung Quốc Yangtze River Daily rằng, đợt lây nhiễm tiếp theo sẽ yếu hơn đợt trước, đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 3 đến tháng 5.
2 nhóm cư dân có nguy cơ lây nhiễm cao
Theo ông Lu Mengji, một nhà virus học người Đức gốc Trung Quốc, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ tăng cao từ cuối tháng 3 trở đi do khả năng miễn dịch của người dân suy giảm, tờ China News Weekly đưa tin hôm 1/2. Ngoài ra, ông cũng dự báo một đợt Covid-19 khác sẽ bùng phát vào tháng 5 và tháng 6.
Ông Lu cho biết hiện nay nhiều người cao tuổi đã bị nhiễm bệnh và những người có thể chất kém có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu họ bị tái nhiễm.
Tiến sĩ Liu, Giáo sư tại một trường cao đẳng y học cổ truyền Trung Quốc ở Canada và là Giám đốc của Phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc Kangmei, nói với The Epoch Times vào ngày 31/1 rằng dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp.
“Tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng dịch bệnh đã đạt đến ‘mức độ dịch bệnh thấp’ là quá lạc quan và vội vàng. Không thể xem nhẹ rủi ro do lượng người đi lại đông, vùng nông thôn có thể gặp rủi ro lớn hơn. Người cao tuổi có khả năng tử vong cao”.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 ở người cao tuổi là cực kỳ thấp.
The Epoch Times đã nhận được một tài liệu nội bộ do chính quyền thành phố Hạ Châu, tỉnh Quảng Tây ban hành vào ngày 19/1 cho thấy người cao tuổi trong thành phố không muốn tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Nhiều người dân Trung Quốc lo ngại rằng, vaccine do Trung Quốc sản xuất có thể gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn, do đó họ không khuyến khích người thân cao tuổi của mình đi tiêm vaccine.
Theo Tiến sĩ Liu, phần lớn các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc là do biến thể BA.5 của Omicron. Điều đáng lo ngại hơn cả là biến thể XBB1.5 hiện đã lan rộng ra toàn thế giới.
“Một số người gọi biến thể này là ‘Orthrus’, chó ngao hai đầu trong thần thoại Hy Lạp, vì nó có khả năng tránh được phản ứng miễn dịch và có khả năng lây nhiễm cao. Tiêm phòng và tiêm nhắc lại là vô ích. Làn sóng lây nhiễm tiếp theo có thể sẽ sớm bùng phát ở Trung Quốc và thậm chí có thể xuất hiện làn sóng thứ ba”, ông nói.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Trung Quốc: Camera khắp mọi nơi, 1 cột điện có 12 camera
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng một bài báo vào ngày 5 tháng 2, lấy thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô làm ví dụ, tuyên bố rằng “việc bàn giao dữ liệu lớn giúp quản trị xã hội thông minh hơn.” Điều này làm cho trường hợp mất tích của nam sinh Hồ Hâm Vũ gần đây thu hút rất nhiều sự chú ý trên mạng.
Cách đây không lâu, Tôn Thiên Chú, một giáo sư người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, đã viết một bài báo trên tờ Da Ji Yuan dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Bài báo chỉ ra rằng, ông đã từng được mời tham gia khóa huấn luyện diễn thuyết trong các đơn vị bên trong chính quyền TQ. So với công ty thông thường, thì các cơ quan này đã có một tham vọng to lớn hơn về giám sát kỹ thuật số và mạng thông tin.
Ông ấy nói: “Có một phép ẩn dụ rằng kỹ thuật số hóa là một lưỡi dao sắc do sự tiến bộ khoa học kỹ thuật trao cho chính quyền TQ. Chính quyền TQ đã cầm được con dao này từ trên xuống dưới, sẵn sàng mài dao lia lịa bất cứ lúc nào đối với người dân của mình.”
Bài báo của “Nhân dân nhật báo” hãnh diện kể về cách mà họ bắt giữ những chiếc xe “tiếp nhiên liệu bất hợp pháp” và huy động các phòng ban như công an thành phố, từ thương mại, khẩn cấp, giám sát thị trường,… để bắt giữ một “nghi phạm tiếp nhiên liệu di động bất hợp pháp” tại hiện trường.
Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật cao của TQ lại không thể giúp ích gì cho việc tìm người bị thất lạc.
Gần đây, CNN dẫn lời người dùng mạng xã hội Trung Quốc nói rằng, tại sao một cậu bé 15 tuổi có thể biến mất không dấu vết ở một đất nước mà “camera an ninh và giám sát công nghệ cao có mặt khắp nơi”.
Sau đây là một số thông tin được giáo sư Tôn Thiên Chú tiết lộ với Da Ji Yuan:
Giáo sư Tôn cho biết, khi ông trò chuyện với một lãnh đạo công an phụ trách xây dựng hệ thống mạng internet ở thành phố Nam Kinh, quê hương của ông, để thảo luận về các vấn đề liên quan. Đầu tiên, vị lãnh đạo công an đã hỏi ông đoán xem có bao nhiêu camera ở Nam Kinh?. Trung bình mỗi năm, công dân Nam Kinh được thu thập dữ liệu khuôn mặt bao nhiêu lần?. Số chứng minh thư của mỗi người được phân tích trung bình bao nhiêu lần ở Nam Kinh mỗi năm?.
Giáo sư Tôn Thiên Chú đã đưa ra một số con số dựa trên phỏng đoán trực quan. Và câu trả lời của viên cảnh sát còn hơn cả chục lần những gì ông dự đoán.
Cảnh sát thuận tay chỉ vào một cột điện và nói với Giáo sư Tôn: “Ông xem, có 12 camera trên cái cột đó.”
Lãnh đạo công an, giải thích với ông rằng có một hệ thống tên là Thiên Nhãn (nghĩa là mắt trên trời), có thể thu thập hàng trăm triệu dữ liệu khuôn mặt mỗi ngày. Những dữ liệu này, cộng thêm dữ liệu từ các công ty khác và báo cáo từ nhiều hệ thống khác, có thể nhận dạng chân dung của bất kỳ người nào trong vòng vài phút và kết luận đưa ra thậm chí có thể hiểu bạn hơn cả chính bạn.
Giáo sư Tôn cũng cho biết ông là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Công tác Tư tưởng và Chính trị của Đại học Giao thông Thượng Hải. Tại buổi chia sẻ về chuyển đổi kỹ thuật số của trường ĐH, họ tự hào chia sẻ cách tận dụng dữ liệu lớn đến từ mọi hướng, để đánh giá cả tư tưởng chính trị của giáo viên và học sinh. Họ còn nói rằng chỉ trong một tháng, họ đã sử dụng dữ liệu từ truyền thông xã hội, trình duyệt điện thoại di động và hành trình di chuyển để nhắm mục tiêu vào hàng chục sinh viên có thể có “khuynh hướng chính trị lớn”.
Tạ Linh
Ukraine: Số lính Nga tử trận vượt 130.000 khi chiến tranh gần chạm mốc 1 năm
Cuộc chiến sẽ chạm mốc một năm vào ngày 24/2 tới đây và tổn thất của Nga tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt. Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Bảy tuyên bố rằng 720 binh sĩ Nga đã thiệt mạng vào ngày hôm trước, nâng tổng số lên 130.590 binh sĩ Nga thiệt mạng vào ngày thứ 346 của cuộc chiến.
"You cannot run away from weakness; you must some time fight it out or perish; and if that be so, why not now, and where you stand?"
— Defense of Ukraine (@DefenceU) February 4, 2023
Robert Louis Stevenson
Total combat losses of the enemy from Feb 24 to Feb 4: pic.twitter.com/l0glUxnSyT
Đây là mức tăng hơn 5.000 trường hợp tử vong của lính Nga kể từ thứ Bảy tuần trước và hơn 10.500 người trong 14 ngày qua. Số người chết ở Nga có thể lên tới 140.000 người vào thời điểm đánh dấu một năm chiến tranh trong tháng này, theo số liệu trung bình hàng ngày gần đây của Ukraine.
Ngoài ra, hôm thứ Bảy, Nga còn mất 3 xe tăng, 11 xe pháo, 4 máy bay không người lái và 13 xe cùng thùng nhiên liệu vào ngày hôm trước, theo Bộ Quốc phòng Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự đoán, Điện Kremlin vẫn tiếp tục gửi thêm quân tới tiền tuyến và các trận chiến khốc liệt sẽ tiếp tục diễn ra ở cả tiền tuyến và trong các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.
“Trong 346 ngày của cuộc chiến này, tôi thường phải nói rằng tình hình ở mặt trận rất khó khăn. Và tình hình đang trở nên khó khăn hơn”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu tối thứ Bảy. “Tình hình rất khó khăn ở Bakhmut, Vuhledar, gần Lyman và các hướng khác.”
Ukraine đang bắt đầu chuẩn bị nhận thiết bị quân sự từ nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm 31 xe tăng M1 Abrams từ Mỹ và 14 xe tăng Leopard 2 từ Đức. Cộng hòa Séc, Ba Lan và Bulgaria đã gửi xe tăng trong khi Vương quốc Anh, Pháp, Slovakia và Na Uy cũng đã cam kết gửi xe tăng.
Nhật Minh