Cù Tuấn, dịch
2-3-2023
Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm (2/3/2023) đã bầu ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước mới, trong một cuộc cải tổ lãnh đạo cao nhất của đất nước này trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng.
Trong một phiên họp bất thường, các nhà lập pháp đã xác nhận ông Thưởng, 52 tuổi, sẽ là Chủ tịch nước sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền đề cử ông vào ngày 1/3. Chủ tịch nước là một vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ nhưng là một trong bốn vị trí chính trị hàng đầu ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Thưởng đắc cử sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ bị bãi nhiệm vào tháng 1. Ông Phúc đã bị đảng quy trách nhiệm về “những vi phạm và sai trái” của các quan chức dưới quyền. Việc này được coi là sự leo thang lớn của phong trào “đốt lò” nhằm trấn áp nạn tham nhũng tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội với tư cách là tân Chủ tịch nước, ông Thưởng cho biết ông sẽ “kiên quyết” tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
“Tôi sẽ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”, ông Thưởng nói trong một tuyên bố được phát trên truyền hình nhà nước Việt Nam.
Ông Thưởng là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Việt Nam. Ông được coi là một cựu chiến binh của đảng, mà đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình tại trường đại học trong các tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản.
Ông được nhiều người coi là người thân cận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam, và là kiến trúc sư chính trong cuộc chiến chống tham nhũng của đảng.
“Chiến dịch đốt lò sẽ không hạ nhiệt trong tương lai gần”, Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer, một think tank của Đức, cho biết.
Các nhà ngoại giao và doanh nhân bày tỏ lo ngại về chiến dịch chống tham nhũng vì nó đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường ở Việt Nam do các quan chức lo sợ bị vướng vào chiến dịch.
Khôi phục khả năng dễ đoán định của nền chính trị
Một nhà ngoại giao ở Hà Nội cho biết việc ông Thưởng đắc cử là một bước đi quan trọng của Tổng Bí thư Trọng trong bối cảnh các ứng cử viên đang chạy đua để kế nhiệm ông, do nhà lãnh đạo 78 tuổi có thể từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2026.
Vị trí Tổng bí thư thường được chọn từ một trong tứ trụ, mà là các vị trí lãnh đạo hàng đầu.
Theo cổng thông tin trực tuyến của Quốc hội, ông Thưởng đắc cử với 98,38% phiếu bầu.
Các nhà phân tích và nhà đầu tư coi việc đắc cử của ông Thưởng là dấu hiệu cho thấy sự liền mạch trong các chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam.
“Sẽ không có thay đổi lớn nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam sau khi ông Thưởng đắc cử”, ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp và chuyên gia về Việt Nam tại ISEAS – Viện Yusof Ishak của Singapore cho biết.
Một nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, người từ chối nêu tên, cho biết việc đắc cử của ông Thưởng đã chấm dứt tình trạng không chắc chắn sau khi Chủ tịch nước Phúc bất ngờ bị cách chức.
Ông nói: “Điều đó có nghĩa là sự ổn định và khả năng dự đoán được [của chính trị Việt Nam] đã được phục hồi”.
Việt Nam là quốc gia nhận đầu tư nước ngoài lớn, với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường viện dẫn sự ổn định chính trị là lý do chính để đầu tư.