Hôm 16/3, Ba Lan tuyên bố sẽ chuyển giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine trong những ngày tới. Động thái này khiến Ba Lan trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết trong một cuộc họp báo: “Khi nói đến máy bay MiG-29 vẫn đang hoạt động để bảo vệ không phận Ba Lan, một quyết định đã được đưa ra ở cấp cao nhất. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi đang gửi MiG tới Ukraine”.
Ba Lan – thành viên NATO đầu tiên gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine
Trao đổi với đài CNN hôm 9/3, Tổng thống Ba Lan nói rằng Warsaw “sẵn sàng bàn giao các máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine như một phần của liên minh quốc tế”.
Động thái mới nhất của Ba Lan đánh dấu bước ngoặt to lớn đối với Ukraine trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Từ năm ngoái, Kyiv đã không ngừng kêu gọi phương Tây gửi máy bay chiến đấu cho nước này, nhưng Washington và các đồng minh NATO đã từ chối yêu cầu này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 16/3 cho biết Ba Lan đã thông báo cho Mỹ về quyết định chuyển giao máy bay chiến đấu tới Ukraine.
Bà Karine Jean-Pierre nói: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình, bao gồm cả Ba Lan để cung cấp viện trợ cho Ukraine”.
Cùng ngày, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết, động thái của Ba Lan sẽ không khiến Hoa Kỳ gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, cụ thể là chiếc F-16.
“Điều đó cũng không thể thay đổi tính toán của chúng tôi đối với F-16”, ông nói.
Ông nói thêm: “Đây là những quyết định về chủ quyền đối với bất kỳ quốc gia nào và chúng tôi tôn trọng những quyết định đó”.
“Họ có quyền quyết định không chỉ những gì họ tặng mà còn cả cách họ mô tả điều đó”, ông Kirby cho biết nhưng không nêu rõ về phản ứng của chính quyền ông Biden trước động thái của Ba Lan.
Ông Kirby nói: “Tôi không cho rằng chúng ta nên mô tả quyết định của Ba Lan bằng cách này hay cách khác”.
Năm ngoái, Ba Lan đã đề xuất gửi những chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine thông qua một căn cứ của Mỹ-NATO, nhưng Mỹ đã từ chối tiến hành hoạt động chuyển giao này.
Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao vào ngày 13/3, phát ngôn viên Ned Price đã né tránh câu hỏi của The Epoch Times về lý do tại sao Hoa Kỳ không gửi F-16 đến Ukraine.
“Về vấn đề F-16, những gì chúng tôi đã làm là cung cấp cho các đối tác Ukraine những gì họ cần cho cuộc chiến mà họ đang phải đối mặt vào lúc này và phương hướng mà cuộc chiến đó đang tiến triển”.
“Và quý vị không nhất thiết phải tin lời chúng tôi về hiệu quả của phương pháp đó”.
“Quý vị có thể nhìn vào quyết tâm, sự kiên trì, gan góc của các đối tác Ukraine cũng như thành công mà họ đã đạt được. Theo một phương diện nào đó, Ukraine đã thành công phần nào khi nhận được số tiền viện trợ an ninh to lớn từ Hoa Kỳ và khoảng 50 quốc gia trên thế giới”.
“Đây là những quyết định mà chúng tôi đưa ra trên cơ sở năng động, xem xét chính xác nhu cầu trong cuộc đối thoại với các đối tác Ukraine, trong cuộc trò chuyện với các đối tác của chúng tôi ở châu Âu, ở NATO và trên toàn thế giới”.
‘Cối xay thịt Bakhmut’ đe doạ đến kế hoạch phản công của Ukraine
Theo tờ New York Post, các phi công của Lực lượng Không quân Ukraine đã có kinh nghiệm điều khiển những chiếc MiG-29 từ thời Liên Xô và có thể sử dụng chúng ngay lập tức thay vì phải mất hàng tháng trời để học cách vận hành MiG-29.
Lực lượng không quân Ba Lan có tổng cộng 28 máy bay MiG-29 đang hoạt động kể từ năm 1989. Tuần trước, khi được hỏi Warsaw có thể giao bao nhiêu máy bay cho Kyiv, ông Piotr Szrot, người đứng đầu văn phòng Tổng thống, nói rằng “chắc chắn” sẽ ít hơn 14 chiếc.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự thiết yếu trị giá 27,5 tỷ USD, bao gồm cả thiết bị và đạn dược.
Nhưng theo nguồn tin của tờ New York Times, số viện trợ về vũ khí và tài chính kể trên vẫn quá ít ỏi so với tốc độ “đốt vũ khí” của binh lính Ukraine trong nỗ lực cố thủ tại chảo lửa Bakhmut.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã cảnh báo Kyiv rằng việc bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày sẽ không kéo dài được bao lâu, và có thể gây nguy hiểm cho kế hoạch phản công của Ukraine nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ do lực lượng của Moscow kiểm soát.
Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cho biết họ sẵn sàng cung cấp hàng nghìn quả đạn pháo và tên lửa cho Ukraine vào mùa xuân này, trong khi các nước thuộc Liên minh châu Âu đang tập trung nguồn lực để sản xuất và mua thêm đạn dược.
Tuy nhiên, một nguồn tin quốc phòng Mỹ ẩn danh nói với tờ Times rằng các đối tác NATO của Ukraine không có đủ đạn dược để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine và việc sản xuất thêm đạn dược sẽ mất vài tháng, nếu không muốn nói là vài năm.
Các nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra quyết định đứng lên và bảo vệ Bakhmut, nơi mà lực lượng chính quy của Moscow và nhóm lính đánh thuê Wagner đã cố gắng chiếm giữ trong nhiều tháng và phải trả giá đắt bằng sinh mạng của binh lính cả hai bên.
Quân đội Ukraine hiện đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: giữ Bakhmut bằng mọi giá, bất chấp nguy cơ bị phản công; hoặc để quân địch chiếm được thành phố chiến lược có thể mở đường cho quân Nga giành thêm lãnh thổ.
Các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều về tầm quan trọng của Bakhmut. Một số người cho rằng các lực lượng Ukraine đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ của Nga tại “cối xay thịt Bakhmut” để giúp Kyiv có thêm thời gian trước khi phản công. Trong khi đó, có ý kiến cảnh báo rằng Ukraine có thể sẽ sớm cạn kiệt nhân lực và đạn dược nếu còn “đốt vũ khí” với tốc độ như hiện nay.
Huyền Anh tổng hợp