Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến Ukraine, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh liên quan tới trục xuất trẻ em. Nhưng liệu điều này có nghĩa là nhà lãnh đạo Nga sẽ thực sự có khả năng phải hầu tòa ở The Hague?
Các quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt giữ ông Putin và ủy viên tổng thống Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova, nếu họ đi đến những quốc gia này.
Công tố viên ICC Karim Khan khi được hỏi liệu bất kỳ quốc gia nào trong số 123 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân đến không, đã trả lời rằng “Đúng vậy”.
Dù điều đó có thể gây khó khăn cho việc đi lại của ông Putin, ICC không có lực lượng cảnh sát riêng để thực thi lệnh của mình và hoàn toàn dựa vào cách hành xử của các quốc gia ICC.
Các quốc gia không phải lúc nào cũng thực hiện theo phán quyết như vậy, đặc biệt khi nó liên quan đến một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm như ông Putin.
Cựu lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir đã đến thăm một số quốc gia thành viên ICC bao gồm Nam Phi và Jordan mặc dù có lệnh bắt giữ của ICC.
Matthew Waxman, giáo sư tại Trường Luật Columbia, cho biết đây là “một bước rất quan trọng của ICC nhưng khả năng ông Putin bị bắt là rất mong manh”.
Nga, giống như Hoa Kỳ và Trung Quốc, không phải là thành viên của ICC.
Moscow đã bác bỏ các lệnh chống lại ông Putin. Nga không dẫn độ công dân của mình trong mọi trường hợp.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga “không công nhận thẩm quyền của tòa án này và vì vậy từ quan điểm pháp lý, các phán quyết của tòa án này là vô hiệu”.
Trên thực tế, Nga đã ký Quy chế Rome thành lập tòa án nhưng không phê chuẩn để trở thành thành viên, và sau đó rút lại chữ ký theo lệnh của ông Putin vào năm 2016, sau khi ICC mở cuộc điều tra về cuộc chiến năm 2008 ở Georgia.
Cecily Rose, trợ lý giáo sư về luật quốc tế công tại Đại học Leiden, cho biết ông Putin khó có thể bị kết án vì tội ác chiến tranh “trừ khi có sự thay đổi chế độ ở Nga”.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng kiến một số nhân vật cấp cao cuối cùng phải đối mặt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, ông Khan của ICC cho biết.
Ông nói: “Có rất nhiều ví dụ về những người nghĩ rằng họ nằm ngoài tầm kiểm soát của luật pháp… họ đã phải hầu tòa. “Hãy nhìn Milosevic hoặc Charles Taylor hoặc Karadzic hoặc Mladic.”
ICC đã kết án cựu lãnh đạo Liberia, Charles Taylor, vào năm 2012 về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic chết trong phòng giam ở The Hague năm 2006 khi đang bị xét xử tội diệt chủng tại tòa án tội ác chiến tranh Nam Tư.
Cựu lãnh đạo người Serbia ở Bosnia, Radovan Karadzic, cuối cùng đã bị bắt vào năm 2008 và bị tòa án kết tội diệt chủng, còn thủ lĩnh quân sự của ông ta, Ratko Mladic, bị bắt vào năm 2011 và bị kết án tù chung thân.
ICC không thể xét xử vắng mặt các nghi phạm nhưng ông Khan cho biết tòa án có “những phần kiến trúc khác” để thúc đẩy các vụ việc được tiến hành.
Lê Vy (theo AFP)