Hôm 22/3, Quốc hội Thụy Điển đã chính thức thông qua dự luật cho phép nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh Thụy Điển vẫn đang chờ sự chấp thuận cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phản ứng trước việc Nga xâm lược Ukraine, Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã nhanh chóng tìm cách gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vào năm ngoái. Tuy nhiên, quá trình này không hề suôn sẻ vì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cho đến nay vẫn chưa xác nhận tư cách thành viên của Thụy Điển.
Dự luật được Quốc hội gồm 349 ghế của Thụy Điển thông qua hôm 22/3 với đa số áp đảo, trong đó có 296 phiếu thuận và 37 phiếu chống (43 nhà lập pháp vắng mặt).
Sau cuộc tranh luận kéo dài gần 7 giờ đồng hồ, 6 trong số 8 đảng đại diện trong Quốc hội ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Chỉ có Đảng Cánh tả và Đảng Xanh phản đối dự luật này. Đây là rào cản nội bộ cuối cùng trước khi nước này tiến tới gia nhập liên minh quân sự phương Tây gồm 30 thành viên.
Nếu được kết nạp vào liên minh NATO, Thụy Điển sẽ chấm dứt hai thế kỷ duy trì chính sách trung lập.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 22/3, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã bày tỏ sự lạc quan về cơ hội của Thụy Điển gia nhập NATO vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Vilnius, Litva vào tháng 7/2023.
“Điều hiển nhiên là Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của Vilnius”, quan chức này cho hay.
“Việc trở thành thành viên NATO là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Thụy Điển và góp phần đoàn kết an ninh trong toàn bộ khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom phát biểu trước Quốc hội trong phiên tranh luận trước cuộc bỏ phiếu, theo hãng tin AP.
Vẫn còn những rào cản
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Đến nay, đã có 28 trên tổng số 30 quốc gia thành viên NATO chấp nhận để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập tổ chức này. Hai nước thành viên chưa nhất trí việc kết nạp là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi là trở ngại lớn hơn cả.
Hồi tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu thuyết phục Ankara đồng ý để 2 nước này gia nhập NATO. Stockholm và Helsinki cho biết họ đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.
Hôm 17/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Quốc hội nước này sẽ xúc tiến việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, mở đường cho nước này gia nhập liên minh trước Thụy Điển.
Cùng ngày, Quốc hội Hungary cũng nói rằng họ sẽ bỏ phiếu phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan vào ngày 27/3 và không có Thụy Điển.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển với lý do nước này từ chối dẫn độ các thành viên đảng công nhân người Kurd (PKK). Ankara coi PKK là tổ chức khủng bố.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc cả Thụy Điển và Phần Lan vì đã “quá mềm mỏng” đối với các nhóm khủng bố này.
Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trở nên căng thẳng sau cuộc biểu tình ở Stockholm hôm 21/1. Theo đó, một nhà hoạt động chống Hồi giáo đã đốt bản sao của kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm. Đây được cho là hành động xúc phạm đối với người Hồi giáo, càng khiến Ankara tức giận và thờ ơ trước nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với hai nước Bắc Âu.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Trong nước cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Bộ trưởng Tư pháp Morgan Johansson của Đảng Dân chủ Xã hội – đảng lớn nhất của Thụy Điển từng phản đối nước này gia nhập NATO – nói rằng việc gia nhập liên minh NATO nhằm “tìm kiếm các giải pháp mang lại an ninh tối đa cho người dân Thụy Điển trong mọi tình huống”.
Bên cạnh đó, ông Hakan Svenneling, thành viên của Đảng Cánh tả Thụy Điển đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khi nói rằng: “Thật khó để tham gia vào một liên minh quân sự với các quốc gia phi dân chủ và chứng kiến nền dân chủ bị thu hẹp [trong liên minh này]”.
Đảng Cánh tả Thụy Điển và Đảng Xanh đều lên án cuộc xâm lược của Nga nhưng phản đối việc gia nhập NATO. Ông Hakan Svenneling lập luận rằng, việc nước này gia nhập NATO đồng nghĩa với việc Thụy Điển đang tiến gần đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc trở thành một phần của liên minh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hai nước láng giềng Bắc Âu là các đồng minh truyền thống về văn hóa, kinh tế và chính trị vì Thụy Điển không xảy ra xung đột quân sự trong 200 năm qua và Phần Lan vẫn duy trì chính sách trung lập kể từ Thế chiến II.
Hôm 1/3, Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn nước này gia nhập NATO. Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.340 km với Nga.
Huyền Anh tổng hợp