Tin thế giới sáng Chủ Nhật: TQ nắm dữ liệu mấu chốt về nguồn gốc COVID-19, WHO hối thúc lập tức chia sẻ

TQ nắm dữ liệu mấu chốt về nguồn gốc COVID-19, WHO hối thúc lập tức chia sẻ

Bà Maria D Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật COVID-19 và là người đứng đầu chương trình bệnh mới nổi của WHO. (Ảnh chụp màn hình video của WHO)

Bà Maria D Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là người đứng đầu chương trình bệnh mới nổi, đã có bài công bố trên tạp chí học thuật Science kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngay lập tức chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Quan chức WHO kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức chia sẻ dữ liệu

Ngày 6/4, tạp chí học thuật hàng đầu thế giới Science đã đăng bài viết “Chia sẻ ngay lập tức tất cả dữ liệu SARS-CoV-2” (Share all SARS-CoV-2 data immediately), tác giả là bà Maria D Van Kerkhove – giám đốc kỹ thuật COVID-19 của WHO. Bài báo cho biết kể từ tháng 12/2019, khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở người mắc Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2 (SARS-CoV-2) được báo cáo tại Vũ Hán (Trung Quốc), giới y tế đã nhanh chóng đạt được đồng thuận: Chia sẻ và tìm hiểu sự thật về loại bệnh mới nổi này để ngăn chặn các đợt bùng phát mới.

Bà Van Kerkhove viết: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mức độ chính trị hóa này sẽ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm sự thật. Trong 39 tháng qua, khi số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo trên toàn thế giới đã tăng lên gần 7 triệu, nhưng dữ liệu khoa học về nguồn gốc của dịch bệnh này lại ngày càng ít đi, còn các cuộc tranh luận chính trị quanh vấn đề này lại ngày càng tăng lên”.

Tháng 3 năm nay, WHO đã biết giới khoa học Trung Quốc có dữ liệu về mẫu virus SARS-CoV-2 Vũ Hán được thu thập vào tháng 1/2020. Bà Van Kerkhove cho biết về vấn đề này: “Những dữ liệu đó lẽ ra phải được chia sẻ với cộng đồng y tế toàn cầu ngay lập tức, chứ không phải để đến sau đó tận 3 năm. Không thể tha thứ cho việc không kịp thời công bố dữ liệu về virus. Càng mất nhiều thời gian để tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch, càng khó tìm ra lời giải về đại dịch thì thế giới sẽ càng bất an hơn”.

Chuyên gia dịch tễ của WHO này nhấn mạnh, cần khẳng định rõ là việc truy tìm nguồn gốc của dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn thành, khác với xu thế lắng xuống của giới truyền thông, chưa khi nào WHO bỏ kế hoạch theo đuổi vấn đề này. Năm 2021 khi WHO thành lập Nhóm tư vấn khoa học để nghiên cứu nguồn gốc của mầm bệnh loại mới (Scientific Advisory Group for the study of the Origins of Novel Pathogens, SAGO), mục tiêu của họ là đưa ra các khuyến nghị cho WHO về mầm bệnh mới xuất hiện và tái xuất hiện, đặc biệt là nghiên cứu về nguồn gốc của loại mầm bệnh mới SARS-CoV-2.

Đến năm nay, WHO mới có được dữ liệu về mẫu virus COVID-19 do giới khoa học Trung Quốc thu thập vào đầu năm 2020 tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Gần đây, trình tự di truyền ban đầu của mẫu virus đã được tải lên trang web chia sẻ dữ liệu toàn cầu GISAID (Global Initiative on Sharing Avian Influenza Data), nhưng nó đã nhanh chóng bị xóa bỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quốc tế của SAGO đã chú ý đến thông tin này và tải xuống để nghiên cứu thêm.

Vào ngày 18/3, SAGO tuyên bố rằng dữ liệu về virus đó đã cung cấp manh mối quan trọng để hiểu vai trò lây truyền của chợ hải sản Hoa Nam khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Dữ liệu cho thấy một số động vật đã xuất hiện ở chợ hải sản Hoa Nam Trung Quốc có thể là vật chủ trung gian. Nhưng vấn đề cần làm rõ là không thể biết động vật bị nhiễm SARS-CoV-2 là do nó bị lây nhiễm từ chợ hay nó là nguồn lây nhiễm cho người ở chợ. Vấn đề này vẫn cần nghiên cứu, truy tìm nguồn gốc của những con vật này và xét nghiệm huyết thanh đối với những người lao động tại chợ động vật sống Vũ Hán hoặc trang trại nguồn. Nếu không có nghiên cứu như vậy, WHO không thể xác định triệt để được điểm khởi đầu của đại dịch COVID-19.

Chuyên gia WHO Van Kerkhove đã viết trên tạp chí Science: “Mỗi mẩu dữ liệu mới có thể giúp thế giới ngăn chặn một đợt đại dịch mới trong tương lai, cũng có thể thành công trong việc ngăn chặn những đợt đại dịch tồi tệ hơn. Không chia sẻ thông tin chỉ thúc đẩy quá trình chính trị hóa hoạt động truy tìm nguồn gốc (về đại dịch) và khiến cho mọi giả thiết đều trở thành khả thi”.

Bà cho rằng chính quyền Bắc Kinh còn nhiều dữ liệu chưa chia sẻ, bao gồm cả việc buôn bán động vật hoang dã và động vật nuôi ở Trung Quốc, dữ liệu xét nghiệm người và động vật ở Vũ Hán và trên khắp Trung Quốc, dữ liệu hoạt động của các phòng thí nghiệm coronavirus của Vũ Hán, dữ liệu về ca bệnh tiềm ẩn sớm nhất…. WHO tiếp tục kêu gọi chính quyền ở Bắc Kinh và tất cả các nước ngay lập tức chia sẻ bất kỳ dữ liệu nào về nguồn gốc của SARS-CoV-2.

“Thời gian không còn nhiều”, cuối cùng bà Van Kerkhove cảnh báo.

WHO: Bắc Kinh có dữ liệu quan trọng về nguồn gốc COVID-19

Dựa trên nguồn tin mà các kênh truyền thông hàng đầu như AP, CNN, Reuters… đưa tin, tại Geneva vào ngày 6/4 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khi trả lời về sự bùng phát COVID-19 và nguồn gốc của loại virus này: Nếu không thể có được đầy đủ dữ liệu về dịch COVID-19 do chính quyền Bắc Kinh nắm giữ thì không thể đưa ra kết luận.

Ông Tedros lưu ý: “Mọi giả thuyết đều cần xem xét, đó là lập trường của WHO và đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu Trung Quốc hợp tác về vấn đề này. Nếu chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ công khai thông tin dữ liệu họ có thì chúng tôi sẽ biết chuyện gì đã xảy ra, hoặc nó (virus) bắt đầu như thế nào”.

Từng có thời gian ngắn vào tháng 3, dữ liệu từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19 được giới nghiên cứu y tế Trung Quốc tải lên cơ sở dữ liệu quốc tế, bao gồm trình tự gen được tìm thấy trong hơn 1000 mẫu môi trường và động vật được thu thập tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán vào tháng 1/2020. Những dữ liệu đó cho thấy DNA từ nhiều loài động vật, bao gồm cả chó gấu trúc, có trong các mẫu môi trường, khi xét nghiệm SARS-CoV-2 những mẫu này cho thấy kết quả dương tính (SARS-CoV-2 là virus gây ra đại dịch COVID-19), cho thấy chúng là “đường lây nhiễm có khả năng nhất” đối với dịch bệnh này.

Vũ Hán được biết đến là thành phố đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch COVID-19.

Ông Tedros cho biết Trung Quốc có dữ liệu quan trọng về nguồn gốc của COVID-19 và kêu gọi hãy nhanh chóng chia sẻ dữ liệu đó.

Thiên Thanh, Vision Times

Tên lửa nhiệt áp của Nga ‘thổi bay’ trung tâm Bakhmut

Tạ Linh

Hình ảnh từ đoạn video quay từ trên cao ghi lại cảnh đạn nhiệt áp của pháo TOS-1A tấn công các mục tiêu ở trung tâm Bakhmut.

Newsweek ngày 7/4 đăng đoạn video quay từ trên cao ghi lại cảnh đạn nhiệt áp của pháo TOS-1A tấn công các mục tiêu ở trung tâm Bakhmut, chảo lửa đã chứng kiến cuộc giao tranh dữ dội giữa Nga và Ukraine trong thời gian qua.

Đoạn phim vệ tinh được Rob Lee, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, đăng trên Twitter, cho thấy khoảnh khắc tên lửa chạm đất, gây ra một vụ nổ lớn. Thiệt hại do cuộc không kích gây ra vẫn chưa rõ ràng.

Rob Lee viết: “MLRS nhiệt áp TOS-1A của Nga tấn công vào trung tâm Bakhmut. Thật không may, đây là vũ khí rất hiệu quả trong địa hình đô thị ngay cả khi phải đối đầu với quân phòng thủ ở các vị trí kiên cố”. 

Đoạn video ban đầu được đăng bởi một người dùng tài khoản Telegram tên là Wagner Orchestra, người ca ngợi cuộc tấn công, nói rằng các tên lửa đã “nghiền nát” lực lượng Ukraine.

TOS-1 hoặc TOS-1A, còn được gọi là Buratino, là một bệ phóng tên lửa đa nòng 30 nòng hoặc 24 nòng với đầu đạn nhiệt áp được thiết kế để tấn công lực lượng ở các vị trí kiên cố cũng như các phương tiện bọc thép hạng nhẹ cùng với phương tiện vận tải trên địa hình trống trải.

Nga ra mắt TOS-1 vào tháng trước tại khu vực Donbass, mặc dù các lực lượng của họ được biết là đã sử dụng chúng từ lâu kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu. Các bộ quốc phòng phương Tây xác nhận rằng hệ thống TOS-1A đã được sử dụng ở Ukraine trong vòng vài tuần sau khi chiến sự bùng nổ.

Bakhmut, nằm ở phía đông Ukraine trong vùng Donetsk và từng là một địa điểm du lịch nổi tiếng trước xung đột, giờ đây trở thành đống đổ nát sau nhiều tháng pháo kích. 

Mát-xcơ-va hiện chỉ kiểm soát khoảng một nửa khu vực Donetsk. Để giành được nửa còn lại, lực lượng Nga phải đi qua Bakhmut, nơi vẫn đang hứng chịu các cuộc phản công dữ dội của quân đội Ukraine, bất chấp tổn thất của cả hai bên. Hiện tại, thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine, lực lượng này tiếp tục ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.

Mặc dù các lực lượng Ukraine tiếp tục bảo vệ Bakhmut khi họ chống lại các cuộc tấn công của Nga, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Tư ngày 5/4 cũng đã gợi ý rằng, ông có thể ra lệnh rút quân trong trường hợp lực lượng Ukraine phải đối mặt với sự bao vây của Nga.

Ông nói: “Đối với tôi, điều quan trọng nhất là không để mất binh lính nào. Tất nhiên, các tướng lĩnh ở đó sẽ đưa ra các quyết định chính xác”.

Tuy nhiên, ông Zelensky cũng ám chỉ chưa đến lúc rút lui, đồng thời khẳng định quân đội Ukraine vẫn đang giữ vững Bakhmut và tiếp tục hiện diện bên trong thành phố.

Nga thất cử trước 3 cơ quan Liên Hiệp Quốc vì Ukraina

Liên Thành

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).

Hãng thông tấn Anh – Independent – mới đây cho biết, Nga đã thua trong cuộc bầu cử trước ba cơ quan của Liên Hiệp Quốc trong tuần này, một dấu hiệu cho thấy sự phản đối cuộc xâm lược Ukraina của nước này hơn một năm trước vẫn còn mạnh mẽ.

Trong các cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC), Nga đã bị Romania đánh bại áp đảo để giành một ghế trong Ủy ban về Địa vị Phụ nữ. 

Nga cũng thua Estonia trong việc trở thành thành viên ban điều hành của cơ quan nhi đồng LHQ UNICEF. 

Ngoài ra, nước này đã bị Armenia và Cộng hòa Séc đánh bại trong các cuộc bỏ phiếu kín để trở thành thành viên của Ủy ban Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Hình sự.

Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield cho biết sau cuộc bỏ phiếu: “Đây là một tín hiệu rõ ràng từ các thành viên ECOSOC rằng không quốc gia nào nên giữ các vị trí trong các cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc khi họ vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

42 máy bay Trung Quốc vượt đường trung tuyến

Liên Thành 9 giờ trước 60 lượt xem

Bộ Quốc phòng Đài Loan sáng nay ngày 8/4 cho biết họ đã phát hiện 42 chiến đấu cơ Trung Quốc – J-10, J-11 và J-16, băng qua đường trung tuyến. (ảnh: Italy24).

Theo hãng tin Reuters, 42 chiến đấu cơ Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan hôm 8/4. 

Sự việc diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan để trả đũa cuộc gặp của Tổng thống Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Cuộc tập trận kéo dài ba ngày, được công bố một ngày sau khi bà Thái Anh Văn trở về từ Mỹ.

Quân đội Trung Quốc cho biết, họ đã bắt đầu các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu và tập trận “Kiếm chung” xung quanh Đài Loan. 

Bộ Quốc phòng Đài Loan sáng nay ngày 8/4 cho biết họ đã phát hiện 42 chiến đấu cơ Trung Quốc – J-10, J-11 và J-16, băng qua đường trung tuyến.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, ĐCSTQ đang sử dụng chuyến thăm Hoa Kỳ của bà Thái “như một cái cớ để tiến hành các cuộc tập trận quân sự, điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực”.

“Quân đội Đài Bắc sẽ ứng phó với thái độ bình tĩnh, hợp lý và nghiêm túc, đồng thời sẽ canh gác và giám sát theo nguyên tắc ‘không leo thang cũng như không tranh chấp’ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc gia”.

Một quan chức cấp cao của Đài Loan quen thuộc với việc lập kế hoạch an ninh trong khu vực nói với Reuters rằng, phi cơ chỉ bay qua đường trung tuyến một thời gian ngắn. Phía Đài Loan khẳng định tình hình “như dự kiến” và có thể kiểm soát được. Chính phủ Đài Loan đã diễn tập nhiều kịch bản khác nhau để phản ứng.

Related posts