Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền Trung Quốc, việc kiểm soát ngôn luận kinh khủng hơn, hệ quả những biệt danh để ám chỉ ông Tập liên tục xuất hiện, tuy nhiên “biệt danh” chính thống mới đây được CCTV công bố không khác gì chơi xỏ ông Tập.
Ngày 9/8, trang thông tin trực tuyến Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng trong chuyên mục “Nhà lãnh đạo nhân dân Tập Cận Bình” bài viết “Tập Cận Bình – người của hành động”, vị trí bài cũng được trang trọng đặt ở đầu trang web. Bài viết ca ngợi Tập Cận Bình là con người của hành động, qua đó ca ngợi những thành tựu chính trị của ông Tập mà đặc biệt việc thành lập Tân khu Hùng An (ở Bảo Định tỉnh Hà Bắc).
Thời điểm bài viết ngay lúc nhà chức trách liên tục phải xả lũ để bảo vệ Bắc Kinh và tân khu Hùng An. Nhà bình luận kỳ cựu Cai Shenkun đã tweet vào ngày 9/8 rằng trong thời khắc này mà CCTV tung ra bài viết “nặng ký” như vậy là “trò nịnh hót xỏ lá” điển hình! Bài viết cho thấy tính chất lố bịch khi mà bối cảnh Trung Quốc đang hứng chịu nhiều vấn nạn: Suy thoái kinh tế khiến số người thất nghiệp tràn lan, lũ lụt khiến người dân điêu đứng, quan hệ quốc tế căng thẳng với Mỹ và phương Tây…
Gần đây, nhiều nơi ở Đông Bắc và Bắc Trung Quốc đã hứng chịu mưa lớn do ảnh hưởng bão Doksuri, nhà chức trách đã phải xả lũ gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở một số vùng của tỉnh Hà Bắc như Trác Châu, Bá Châu… Nhưng mãi đến ngày 8/8, ông Thủ tướng Lý Cường mới xuất hiện để chủ trì cuộc họp của thường vụ Chính phủ, tại cuộc họp đã cho biết “lãnh đạo Tập Cận Bình đích thân triển khai và đích thân chỉ đạo công tác cứu trợ thiên tai” – tuyên bố khiến công luận có quan điểm nghi ngờ ông Lý Cường đổ trách nhiệm việc xả lũ gây lũ lụt vào ông Tập Cận Bình.
Vấn đề biệt danh thay nhau “chào đời”
Công luận Trung Quốc lý giải việc ông Tập có nhiều biệt danh như vậy cũng là do ông ta ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, ví dụ sau khi cộng đồng mạng bị ngăn dùng từ “bánh bao” để ám chỉ Tập Cận Bình thì họ lại nghĩ ra biệt danh mới…
Một trong những “biệt danh” mới nhất của ông Tập được cộng đồng mạng Weibo Trung Quốc dùng là các mũi tên “↗↘↗” (ngữ điệu phiên âm đọc tên Tập Cận Bình), lý do vì vấn đề kiểm soát ngôn luận nên trên mạng xã hội Weibo không thể tìm kiếm được theo từ khóa “Tập Cận Bình”, vì vậy có người khi viết chỉ trích Tập Cận Bình để tránh kiểm duyệt đã dùng các mũi tên “↗↘↗” thay cho tên “Tập Cận Bình”. Thế nhưng hiện nay tìm kiếm từ khóa “↗↘↗” trên Weibo cũng không tìm thấy kết quả nào, cho thấy nó cũng đã bị chặn.
Về vấn đề này, có cư dân mạng đã bình luận: “Thật lợi hại, hãy xem liệu cơ quan kiểm duyệt ĐCSTQ có chặn hết được Từ điển Tân Hoa xã hay không”.
Được biết Từ điển Tân Hoa xã là một quyển từ điển tiếng Trung do Nhà xuất bản Thương mại Trung Quốc xuất bản, đây là từ điển tiếng Trung bán chạy nhất được tham khảo phổ biến nhất trên thế giới.
Lâm Sam, Vision Times