Dorothy Li
Theo một báo cáo mới, một số lượng kỷ lục các triệu phú dự kiến sẽ rời khỏi Trung Quốc cộng sản trong năm nay, một diễn biến có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này.
Theo báo cáo ngày 18/06 của Henley & Partners, một công ty tư vấn nhập cư đầu tư của Anh, Trung Quốc đang trên đà mất đi khoảng 15,200 triệu phú vào năm 2024, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và làm lu mờ kỷ lục 13,800 triệu phú do chính nước này thiết lập vào năm 2023.
Các điểm đến truyền thống hàng đầu dành cho người giàu Trung Quốc tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn bao gồm Hoa Kỳ, Canada, và Singapore. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người có tiền ở Trung Quốc quan tâm đến Nhật Bản.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng địa chính trị là một trong những yếu tố thúc đẩy các triệu phú Trung Quốc tìm kiếm những chân trời mới, ông Dominic Volek, người đứng đầu bộ phận khách hàng tư nhân của công ty, cho biết trong báo cáo.
Cuộc di cư chưa từng có của những người giàu Trung Quốc và tài sản của họ có thể khiến những thách thức kinh tế của Trung Quốc càng thêm nghiêm trọng.
Các nhà phân tích nhập cư cho biết trong báo cáo: “Nhìn chung tăng trưởng tài sản ở quốc gia này đã chậm lại trong vài năm qua, điều đó có nghĩa là những dòng vốn chảy ra có thể gây thiệt hại nhiều hơn bình thường.”
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình phục hồi không đồng đều sau đại dịch. Trong khi các lĩnh vực sản xuất và xuất cảng của Trung Quốc đã có sự cải thiện thì nhu cầu trong nước vẫn còn yếu, gây căng thẳng cho các đối tác thương mại. Các chính phủ phương Tây và một số nền kinh tế mới nổi đang lo ngại về làn sóng ngày càng tăng những mặt hàng xuất cảng giá rẻ do Trung Quốc sản xuất, điều mà họ cho rằng đang đe dọa đến việc làm và các doanh nghiệp trong thị trường nội địa của họ.
Trong lúc Bắc Kinh tiếp tục tập trung vào việc tăng cường sản xuất trong lĩnh vực năng lượng thay thế, thì hồi tháng Năm Hoa Kỳ đã công bố dự định áp thuế 100% đối với xe điện (EV) nhập cảng từ Trung Quốc vào năm 2024.
Đầu tháng này, Liên minh Âu Châu (EU) đã áp đặt thêm thuế nhập cảng đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Đáp lại, hôm 17/06 Bộ thương mại Trung Quốc đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt heo nhập cảng từ EU, làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và khối gồm 27 quốc gia thành viên này. Một số nhà phân tích cảnh báo, một cuộc chiến thương mại tiềm ẩn giữa Brussels, Hoa Thịnh Đốn, và Bắc Kinh có thể làm giảm hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, lĩnh vực địa ốc từng là trụ cột tăng trưởng kinh tế của nước này đang tiếp tục chuyển biến xấu đi.
Trong tháng Tư, Fitch Ratings đã điều chỉnh triển vọng về nền kinh tế Trung Quốc từ ổn định sang tiêu cực, mặc dù tổ chức này vẫn giữ trái phiếu chính phủ ở mức A+. Cơ quan này trích dẫn những rủi ro ngày càng tăng đối với lĩnh vực tài chính công của đất nước khi chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng và quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực địa ốc đang gặp khó khăn.
Những điểm đến hấp dẫn nhất
Trong khi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) được xếp hạng là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới đối với các triệu phú di cư — chủ yếu là do thuế thu nhập bằng 0, lối sống xa hoa, và chương trình “thị thực vàng” cung cấp cho người ngoại quốc quyền cư trú dài hạn, có thể gia hạn tại quốc gia vùng Vịnh này — thì theo báo cáo, các triệu phú Trung Quốc thích tìm nơi cư ngụ mới ở Hoa Kỳ, Canada, và đất nước Singapore gần đó.
Henley & Partners kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ chứng kiến dòng vốn ròng của 3,800 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, nhưng công ty không cung cấp thông tin chi tiết về quốc tịch của họ. Những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao đề cập đến những người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên những tài sản có tính thanh khoản cao có thể đầu tư được.
Theo ông Misha Glenny, ký giả và hiệu trưởng Viện Khoa học Con người ở Vienna, trong những năm gần đây, Canada đã chứng kiến “sự gia tăng đáng kể” về dân số Trung Quốc, đặc biệt là ở British Columbia.
Ông Glenny cho biết trong báo cáo của Henley & Partners: “Vancouver đã trở thành một trong những điểm đến đáng mơ ước nhất ở Bắc Mỹ, với dân số tăng trưởng hơn ¼ triệu người trong thập niên qua, với các hoạt động kinh doanh mới mọc lên khắp nơi và chi phí nhà ở tăng vọt.”
Theo báo cáo, ngoài những điểm đến hấp dẫn truyền thống này, Nhật Bản đã nổi lên như một điểm đến mới cho người nhập cư sau đại dịch COVID-19. Các tỷ phú Trung Quốc đang ngày càng hướng đến các khu vực đô thị như Tokyo.
Báo cáo cho biết: “Lối sống ở Nhật Bản rất hấp dẫn… Hơn nữa, mặc dù trải qua một thập niên khó khăn, nền kinh tế tổng thể của Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi.” Vân Du biên dịch