Quan Nguyệt
Vào những năm 1970, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng quyền lực nhà nước để kiểm soát sự gia tăng dân số. Hiện giờ, dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm sút không thể đảo ngược. Liên Hợp Quốc dự báo rằng, vào cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn khoảng 639 triệu người và chỉ chiếm 6% dân số toàn cầu.
Trong báo cáo ước tính toàn cầu vừa công bố, Liên Hợp Quốc dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1,4 tỷ hiện tại xuống còn 639 triệu vào năm 2100. Hai năm trước, họ dự báo con số này là 766,7 triệu. Dự báo này giảm xuống là do tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng.
Không chỉ là dân số giảm mà cơ cấu dân số của nước này cũng sẽ có sự thay đổi lớn. Liên Hợp Quốc dự báo, đến năm 2050, tỷ lệ số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc sẽ lên tới 31%. Đến năm 2100, tỷ lệ này sẽ chạm mốc 46%, gần bằng một nửa tổng dân số. Còn tại Hoa Kỳ, tỷ lệ này được dự báo là 23% vào năm 2050 và 28% vào năm 2100.
Nguyên nhân sâu xa khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm
Về nguyên nhân của viễn cảnh ảm đạm trên, đó là do Trung Quốc đã lạm dụng quyền lực nhà nước để trấn áp mạnh tỷ lệ sinh của người dân.
Vào tháng 2/1970, ông Chu Ân Lai, khi đó là Thủ tướng Trung Quốc, đã tuyên bố tại Hội nghị Công tác Kế hoạch Quốc gia rằng: “Nếu ngay cả việc tăng dân số cũng không lập kế hoạch được thì còn lập kế hoạch quốc gia gì nữa!”.
Tháng 7/1971, dưới sự thúc đẩy mạnh của ông Đặng Tiểu Bình, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã lần đầu tiên yêu cầu rõ ràng rằng đảng ủy và ủy ban cách mạng các cấp phải thực hiện nghiêm túc công tác kế hoạch hóa gia đình.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng việc giảm dân số có hai lợi ích. Một là, giảm tiêu thụ tài nguyên. Vào tháng 8/1963, ông Đặng Tiểu Bình nói rằng sự gia tăng dân số quá nhanh đã gây ra áp lực cực lớn về lương thực.
Hai là, bằng cách giảm số lượng thanh thiếu niên cần được nuôi dưỡng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số không lao động của Trung Quốc sẽ tăng lên, từ đó được hưởng lợi tức dân số.
Lợi tức dân số là chỉ việc tỷ lệ số người lao động trong tổng dân số tăng lên và đi kèm với đó là hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó. Việc hạn chế sinh đẻ cách đây 50 năm đã khiến cho lực lượng lao động ngày nay ở Trung Quốc giảm đi và có ít phụ nữ ở trong độ tuổi sinh đẻ hơn.
Ông Davy J. Wong (Hoàng Đại Vệ), một nhà kinh tế hiện sống tại Hoa Kỳ, nói với NTD rằng, Trung Quốc đã hạ thấp tỷ lệ sinh bằng cách nhân tạo và thu được lợi ích ngắn hạn nhưng về dài hạn, nó lại gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế và xã hội.
Ông Wong nói: “Về trung và dài hạn, vấn đề thứ nhất là toàn bộ xã hội không thể chuyển thành một xã hội tiêu dùng; thứ hai, sau khi những người này già đi, họ sẽ phải đối mặt với một xã hội già hóa ở mức độ nặng, vậy những người trẻ sẽ phải chăm sóc nhiều người già hơn, cơ cấu dân số sẽ rơi vào tình trạng bất cân đối; thứ ba, nó cũng sẽ làm biến dạng cơ cấu của toàn xã hội và cả cơ cấu gia đình”.
Theo quan điểm của một số chuyên gia, dự báo của Liên Hợp Quốc về dân số Trung Quốc vào cuối thế kỷ này vẫn còn quá lạc quan. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Victoria (Victoria University) của Úc và Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (SASS) của Trung Quốc dự báo, đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 525 triệu người.
Dân số Trung Quốc từng chiếm tới 1/3 dân số thế giới
Điều này sẽ đưa tỷ lệ dân số của Trung Quốc trên tổng dân số toàn cầu xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Trong lịch sử, dân số Trung Quốc từng chiếm tới 1/3 dân số thế giới trong một thời gian dài, với 37% vào năm 1820, sau đó ổn định ở mức 22% từ năm 1950 – 1980, nhưng chỉ còn chiếm 17% vào năm 2023.
Dân số đông là nền tảng của một nền văn minh thịnh vượng. Ví dụ, Đế chế La Mã và nhà Hán là hai quốc gia đông dân nhất thế giới vào thời đại của họ và cũng là hai trung tâm sáng tạo, đổi mới lớn trên thế giới lúc bấy giờ. Vào thời đỉnh điểm, dân số của Đế chế La Mã được ước tính là 60 triệu đến 80 triệu người, trong khi dân số thời nhà Hán là khoảng 60 triệu người.
Dân số thời nhà Đường vào thời kỳ đỉnh cao là hơn 80 triệu người. Dân số thời nhà Tống sau đó được ước tính là 120 triệu người, lớn hơn dân số của bất kỳ quốc gia nào ở Châu Âu. Khi đó, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ, điển hình là việc phát minh ra thuốc súng và in ấn.
Liệu Trung Quốc có tránh được viễn cảnh 600 triệu dân hay không?
Vẫn còn 76 năm nữa từ nay đến cuối thế kỷ này. Nếu người Trung Quốc bắt đầu nỗ lực tăng tỷ lệ sinh kể từ bây giờ, liệu họ có thể đảo ngược viễn cảnh ảm đạm đó hay không? Ông Wong cho rằng việc này khá khó khăn.
Ông Wong nói: “Vì những người có khả năng sinh con hiện nay thuộc thế hệ kế hoạch hóa gia đình nên vốn dĩ tỷ lệ dân số của nhóm này tương đối ít. Có những người đã cố gắng đẻ khá nhiều sau khi [chính sách] được nới lỏng, nhưng sự đóng góp của họ còn hạn chế bởi vì tỷ lệ những người như vậy tương đối nhỏ. Còn thế hệ 9x, 2000 thì chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong toàn bộ cơ cấu dân số, không nhiều bằng số người sinh vào những năm 1970 và 1980”.
Ngoài ra, môi trường kinh tế và xã hội ngày càng xấu ở Trung Quốc cũng đã làm giảm nhu cầu sinh con của người dân nước này và khiến tỷ lệ sinh giảm.
Ông Wong chỉ ra: “An sinh xã hội ở đó không được đảm bảo, tình hình kinh tế hiện tại đang đi xuống. Ngoài ra, dân số đang già đi, đồng nghĩa với lực lượng sản xuất không đủ, cho nên họ không thể gánh vác quá nhiều thứ từ việc sinh con mang lại. Những người trẻ tuổi không phải là không muốn sinh con, mà là vì sau khi sinh con, [chính quyền] không có đủ nguồn lực xã hội để hỗ trợ họ, dù là về tài chính hay không gian sinh tồn. Toàn bộ môi trường đã rơi vào một vòng luẩn quẩn”.
Các cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc than thở rằng họ không thể nuôi nổi con cái. Một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Tài chính Suning của Trung Quốc cho thấy, dự tính, để nuôi một đứa trẻ thì cần khoảng 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ VND). Ngoài ra, việc mua nhà trong khu vực nhà ở đúng tuyến với các trường học, trại hè và du học đều là những khoản chi phí đáng kể.
Sau khi con cái tốt nghiệp đại học, chúng có thể không tìm được việc làm và sẽ phải tiếp tục sống dựa vào cha mẹ. Theo số liệu chính thức, trong tháng 1 và tháng 2 năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc (không bao gồm học sinh, sinh viên) lần lượt là 14,6% và 15,3%.
Môi trường xã hội bất công, trong đó những người có quyền thế áp bức dân thường, đã khiến một bộ phận thanh niên Trung Quốc phải hét lên: “Thời đại ‘cắt hẹ’ đến đời tôi là kết thúc, tôi sẽ không sinh con”.
“Cắt hẹ” là cụm từ mới xuất hiện ở Trung Quốc trong vài năm gần đây, được dùng để ám chỉ việc chính quyền bóc lột của cải của các giới và các tầng lớp người dân Trung Quốc. Hẹ là một loại cây dễ trồng, hễ cắt lại mọc, giống như xén lông cừu.
Minh Lý biên dịch