Bạn ta, Băng Đình viết trong truyện “Phượng”: Chúng ta đánh mất quá nhiều, làm sao tôi có thể giữ mãi cái đã là dĩ vãng chung!
Có một đêm, đọc thơ Nguyễn Du, đến hai câu làm tôi xúc động bàng hoàng. Cảnh thì là thư phòng rộng rãi ấm cúng, đèn điện sáng tiện nghi; nhìn qua cửa kính ra ngoài vườn, gió đông lạnh đang vật vã các khóm cây. Câu thơ Nguyễn Du làm ở một thời chắc chắn là chưa văn minh và cảnh thì thật là nghèo nàn:
Tri giao mạc quái sầu đa mộng
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung.
Câu thơ như một giọt sương quá lớn tích tụ lại đầu ngọn lá để gieo nặng xuống thảm lá rụng ngoài hè, tạo nên tiếng ngân vang của sự sống. Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, hơn cả ý niệm về năm tháng, giọt sương đã cứ rơi điểm vào không gian tịch mịch của buỏi chớm đông. Giọt sương ấy chắc chẳng thể ý thức được cái việc làm đều đặn nhàm chán của mình hàng đêm lạnh như vậy.
Cũng đều đặn và âm thầm như quá khứ trở về.
***
Hồi ấy tôi đi dạy học ở Bà Rịa. Tuy tiện đường về Saigon, nhưng tôi cũng ít về. Những ngày nghỉ Chủ Nhật tôi thường nằm nhà, hay sang cụ Năm hàng xóm nói chuyện, hoặc đánh vài ván cờ. Cụ Năm rất cao cờ, đánh với tôi thường chấp một con ngựa. Cụ khiến con ngựa rất thần sầu. Khi thế quân dàn rất kín đáo, bất động, thì con ngựa di động rất bất ngờ, phá tan tung thâm mà thủ thắng. Tôi không tin cho lắm nhận xét của cổ nhân cho rằng: tính người làm sao thì khi đánh cờ nó lộ ra cả. Hà cứ gì phải đánh cờ, mà ở mọi hoạt động của con người, nếu đã có chút vận động đến tinh thần thì cá tính người đó hiện ra rõ ràng.
Con ngựa của cụ đi có cái lối nhanh và chắc, sét đánh không kịp bưng tai. Nếu có phải ví von thì đúng là con Xích thố của Quan Vân Trường tung hoành trong chốn thiên binh vạn mã, chém Nhan Lương, Văn Xú, khiến địch thủ chết mà không biết tại sao, vì trở tay không kịp. Thông thường đánh cờ với cụ, tôi chỉ thua. Thỉnh thoảng, có lẽ vì lịch sự, cụ để cho huề, hay thắng một nước tốt. Sự nhường nhịn rất khéo léo tế nhị, khiến đối phương cứ tưởng mình gặp lúc xuất thần mà thắng trận. Nó cũng làm cho mình không nản chí. Cũng có thể cụ cần người đánh cờ hợp với cụ. Tôi ít thấy cụ đánh cờ với một vài cụ cũng cao cờ trong xóm. Lại càng hiếm thấy cụ đánh cờ thế để ăn thua với những tay cờ thế chuyên nghiệp. Có lần tôi hỏi, thì cụ bảo: Đánh cờ nó cũng như sáng tạo nghệ thuật, như làm thơ phải có tri kỷ, hợp tính hợp nết thì mới tạo ra được những nước hay. Tôi là chúa sợ những ông đánh cờ “day tay mắm miệng”, hay ngoắt ngoéo lừa đảo. Binh thì có yếm trá, nhưng cờ thì yếm trá nó làm cho thành ra đê tiện. Tốt nhất là đừng đánh.
Cụ có người con trai út ở chung. Qua thời gian tôi được cụ tin cậy, nên cụ có cho biết đôi điều về gia cảnh. Người con trai trưởng của cụ hiện còn ở Bắc, tham gia kháng chiến chống Pháp và nghe nói nay cũng có chức vụ cao trong quân đội Bắc Việt. Người con gái vai chị của anh Tâm, con trai út, lấy chồng là sĩ quan đang đóng ngoài Quảng Trị.
Anh Tâm thỉng thoảng phải đi công tác xa, Chủ Nhật không về, ông cụ lại gọi tôi sang đánh cờ. Khi đến bữa, hai ông con làm quấy quá vài món nhâm nhi tí rượu. Cụ uống được rượu, nhưng lại rất chùng mực, không say sưa la lối bao giờ. Tính nóng, nhưng có lẽ là ở thời trai trẻ. Ngày nay cụ trầm tính đi nhiều. Có giận dỗi lắm thì chỉ nhếch mép cười gằn, mặt đanh lại. Những lúc ấy tôi thấy cụ ngồi trầm ngâm trước chiếc điếu bát cổ, tay vê mồi thuốc lào đặt vào nõ điếu, cẩn trọng châm lửa, rít một hồi tanh tách thật dòn dã. Tiếng điếu sôi lên như một chuỗi cười dài, rồi khói thuốc tỏa ra che phảng phất khuôn mặt quắc thước, với cặp mắt long lanh, vừng trán như rộng thêm ra với mái tóc bạc như cước. Những lúc ấy tôi thấy ở cụ hình ảnh mà có lẽ chỉ là tưởng tượng những người gọi là trượng phu trong cơn quốc biến.
Với cái tuổi của cụ lúc ấy, tôi nghĩ cụ phải là lớp người chuyển tiếp từ Cần Vương qua Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học Yên Báy. Điều gì đã khiến tôi nghĩ như thế? Tôi vẫn loay hoay tìm kiếm trong sử sách, trong những dấu ấn văn hoá mà sau này người ta gọi là truyền thống.
Cụ giỏi chữ Hán và biết cả chữ Pháp, nhưng dường như không đỗ đạt gì. Tôi ít thấy cụ khoe chữ, nhưng thấy trong nhà treo một bức chữ, nét rất xương kính trên nền giấy ngà đã hoen ố, có lẽ cũng đã cũ vài chục năm. Hai câu thơ chữ Hán, tôi có hỏi thì cụ nói cho nghe:
Thử tâm thùy dự chiếu,
Minh nguyệt thượng giai tri.
Thơ của cụ Chu Thần, cụ nói, tôi tạm diễn nôm:
Lòng này ai đó có hay,
Hoạ chăng là ánh trăng đầy sáng soi.
Sách chữ Pháp tôi thấy cụ đọc rất bác tạp. Tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi khi thấy trong đám sách chính trị, lịch sử lại có cả sách về chiến thuật, chiến lược hành quân của Tây phương. Tôi nhủ thầm: ông già này không khéo mà là một đồng chí của Nguyễn Thái Học cũng nên. Nghĩ thế, nhưng không nói, cứ để tâm mà tìm hiểu dần.
Anh Tâm xem ra không hợp chuyện với cụ. Anh thích khoa học. Trong khi làm việc vẫn để ý học thêm anh ngữ để sang Mỹ du học. Anh thường nói đến chuyện phải học hỏi kỹ thuật để cho đất nước tiến bộ. Anh muốn kiến thiết, dù rằng Việt Cộng vẫn thường xuyên phá hoại những công trình kiến thiết tốn kém của miền Nam. Hình như anh có nỗi đam mê làm việc mà không chú trọng lắm đến tiền bạc. Làm việc để làm việc. Có người bảo như thế là gàn, là dại, ngốc nghếch; nhưng cụ thì không nói gì, luôn luôn vừa lòng với cuộc sống đạm bạc.
Tôi không thể ngờ được một người thâm trầm như thế, mà lại có lúc nổi cơn thịnh nộ. Một buổi chiều thứ Bảy, hết giờ dạy, tôi ghé thăm cụ, nhân tiện đem biếu bình rượu nếp ngon tôi đặt nấu riêng, lại có thêm gói phá lấu để ông con bù khú một bữa. Đến gần nhà tôi bỗng nghe có tiếng cụ quát: “Mày nghĩ làm sao mà cư xử như phường trôi sông lạc chợ. Con cáo nó chết ba năm còn biết quay đầu về núi...”
Đồ chừng có chuyện bất thường, tôi vội rảo bước xem cụ có cần gì đến sự giúp đỡ không. Tôi vào nhà thì thấy cụ đang cầm mảnh vải đỏ cũ, nhìn kỹ có mấy vết ố xậm xuống, như là vết máu khô. Mắt cụ quắc lên nhìn anh Tâm lúc ấy đang đứng vịn tay vào cái bàn thờ bằng gỗ tạp đã cũ, thỉnh thoảng có lỗ mọt.
Tôi chưa kịp hỏi gì thì cụ đã dịu nét mặt, buông miếng vải lên đùi, rồi mở hộp thuốc lào vê một điếu.Chuỗi cười của điếu thuốc vang lên tôi nghe như có tiếng sát phạt. Trong làn khói thuốc, tôi thấy mắt anh Tâm nhìn tôi nhu hàm ý cám ơn. Anh thong thả đi ra cửa. Cụ cũng không gọi lại, nhưng con mắt nhìn theo lại có vẻ ân hận. Chiêu một ngụm nước xong, cụ cầm miếng vải đưa tôi rồi nói:
- Nó lại bảo tôi vứt đi đấy, để chật nhà. Khốn nạn! mảnh vải nhỏ bằng này làm sao chật được
Nhà. Sao nó không vứt bớt mấy cái quần cái áo năm nào cũng mua mới kia đi. Vật mọn à? Có cái gì là mọn trong cuộc đời này. Một câu thơ là mọn, mà sao lại để tấc lòng đến nghìn đời. Nền văn hoá nào mà chẳng tạo từ những vật mọn. Không biết trân trọng từ những vật mọn thì làm sao biết trân trọng đến tính mệnh con người. Làm chính trị mà với tư cách của những phường trôi sông lạc chợ thì chỉ là ích kỷ, giai đoạn, cơ hội chủ nghĩa. Giòng dõi nhà tôi không có cái quân ấy.
Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, thì cụ đưa cho miếng vải đỏ rồi nói: Đây, thầy xem. Thầy có biết là cái gì không?
- Hình như là một lá cờ thì phải; mà sao như có dấu máu?
- Phải! Câu chuyện nó như thế này.
***
Cụ tổ tôi húy là Phẩm. Gọi là Quản Phẩm, vì làm quản tượng cho con voi trận của Chúa Trịnh Tông. Năm ấy là năm Bính Ngọ. Quân Tây Sơn theo kế của Cống Chỉnh kéo ra đánh Bắc Hà. Trận đánh đi vào chỗ bất lợi cho quân Bắc. Quân Quận Thạc bị hai đạo quân Tây Sơn bất ngờ đánh tan. Quận Thạc chỉ còn hơn mười thủ hạ và tám người con xúm quanh chân voi mà chiến đấu. Sáu con chết ở trước voi. Quận Thạc bèn bảo quản tượng ra hiệu cho voi quỳ xuống, rồi ông từ trên lưng voi nhảy xuống, cùng hai người con cướp đường mà chạy tháo thân.
Bấy giờ thì Chúa phải thân chinh. Chúa ngự trên lầu Ngũ Long dàn bày thế trận, ra lệnh ngũ quân chia đi đóng giữ các mặt: Hiệu Tả bộ giữ mặt Tây Long; hiệu Hữu Bộ giữ mặt Tây Hổ; hiệu Tiền Bộ giữmặt cửa thành; hiệu Hậu Bộ giữ khu Hậu Lâu, bờ hồ Thủy Quân; hai hiệu Nhưng, Kiệu thì ở trong thành hộ giá.
Trung quân của giặc từ phía bãi sông tiến lại. Tông vẫn giữ nguyên trận pháp nói trên, thúc hiệu Tiền bộ tỉa súng bắn ra. Bắn một hồi lâu, quân giặc cúi mình tránh đạn xông vào. Bấy giờ Tông mới ăn bận đồ binh ở trên lầu xuống, trèo lên mình voi, cầm lá cờ đỏ chỉ ba cái và vẫy ba cái, rồi khua trống ra hiệu cho các quân sĩ sấn lên trước mặt. Quân sĩ nghe theo hiệu trống liều mạng tiến lên. Bên giặc dung súng hỏa mai bắn vào, các quân đều sợ mất viá, bỏ cả khí giới, chạy thục mạng ra mãi bờ sông.
Tông thấy quân lính tan tác, ngó lại quanh mình cũng không còn một người nào. May sao lúc ấy quân giặc không biết là Tông, tranh nhau xông vào phủ Chúa, không ai dám đến gần chân voi.
Trong chốn loạn quân, Chúa chẳng may bị trúng mũi tên ở cánh tay. Nghiến răng rút mũi tên ra, rồi lấy lá cờ quấn tạm, xong cởi bỏ nhung phục, đội khăn chữ đinh, ngồi núp vào ngăn hòm da phía sau yên voi, cố cho voi vào cửa Tuyên Vũ. Nhưng lúc ấy giặc đã vào được phủ và treo cờ. Chúa bèn cho voi đi ra bờ hồ Minh Đường, trông phía cửa ô Yên Phụ mà chạy.
Chạy như thế đến đêm thì tới Chèm. Ngoảnh lại thấy có lửa cháy ở Kinh thành. Tìm mãi mới được ba chiếc thuyền nan, chỉ đủ chở người qua sông, còn ngựa và voi phải để lại.
Chúa gạt nước mắt nói với cụ tổ tôi: “Chắc là Trời muốn bỏ nhà Trịnh ta. Cô đức bạc, chẳng còn gì đền đáp lòng trung nghĩa của ông. Có lá cờ này đã thấm máu cô, ông nên giữ lấy”. Tổ phụ tôi khóc và xin được chết trước mặt Chúa. Nhưng Chúa nắm lấy tay cụ và bảo: “Tấm lòng trung nghĩa của ông, cô đã biết rồi. Nhưng ông phải sống. Còn ông Quận đây theo cô vào sinh ra tử, ông phải cố mà trông nom lấy. Ông Quận tuy là giống vật, nhưng rất trung nghĩa. Cô đau xót nghĩ đến tình cảnh ông Quận lạc lõng, rồi nhỡ sa vào tay giặc thì không nỡ. Cô dù có mệnh hệ nào, thì còn lá cờ đó, ông với ông Quận thấy lá cờ ấy là thấy cô.”
Về sau Chúa bị tên Ba Đóm và Tuần Trang lừa bắt nộp cho giặc. Giữa đường Chúa tự sát. Người ta đồn rằng Nguyễn Huệ vốn không biết mặt Chúa, phải vời Chỉnh đến nhận mặt. Khi Chỉnh đến nơi, thấy mắt Chúa còn mở trừng trừng nhìn Chỉnh. Chỉnh sợ quá, lấy lễ thần tử quỳ lạy Chúa mới nhắm mắt. Vì thế Nguyễn Huệ sai lấy lễ Vua Chúa khâm liệm an táng rất trọng thể.
Sau đó Nguyễn Huệ dùng Chỉnh để thi hành chính sách an dân bằng cách tôn phù vua Lê. Một số quan lại đã từ lâu tránh loạn ở quê, lại lục tục ra làm quan khi có chiếu Vua vời. Các nhà nho đạt đạo, khôn ngoan thường thời loạn thì đi ẩn và thời bình thì ra làm quan. Họ cố gắng tổ chức lại triều chính. Nay không còn Chúa, thì quyền chính thống lại về vua Lê. Vua từ lâu không phải lo việc triều chính, mọi việc dân việc nước đều do Chúa gánh vác, nên vua rất nhàn rỗi. Nhưng cũng vì thế mà vua nghèo, muốn làm việc gì, hay ban thưởng cho ai cũng khó khăn.
Ông Quản Phẩm không giống như các quan; có lẽ vì ông ít chữ nghĩa, không đỗ đạt gì. Nhưng chính ông tự xếp vào hàng ngũ võ quan. Bao lâu thân thiết với con voi trận trải qua nhiều trận mạc, nên khi voi được phong Quận Công, ông cũng vinh lây. Ông với voi như mang chung một danh dự của người chiến binh. Ông thường nói với mọi người: “Ấy! tôi cứ lẩm cẩm như thế đấy. Các quan người ta có ăn có học muốn nói cái gì là “biến” là “thường”, là “tòng quyền” thì kệ người ta. Tôi chỉ biết đem tấm thân nam nhi góp mặt với đời thì cũng phải có cái hào khí nam nhi, trung thành với cái khí tiết, chứ sao lại viện dẫn sách nọ kinh kia để biện minh cho cái hèn yếu của mình. Nhà Chúa lấn át vua, nhưng không sử bạc với Vua, với các tôi con của Chúa. Khi tôi xông pha hòn tên mũi đạn cùng với ông Quận thì tôi thấy cả hai không sợ chết là vì sợ thẹn với danh dự của mình.
Các nhà nho thoái ẩn để giữ đạo thì mặc các ông ấy. Dù các ông ấy có khinh tôi là dân võ biền, cũng chẳng làm cho danh dự và khí tiết của tôi giảm đi kia mà”.
Nhiều quan nghe nói thế thì chỉ cười khẩy, ra ý khinh ông Quản ít học, không hiểu lẽ lui tới của người quân tử.
Quản Phẩm sau khi trông vời bóng Chúa đã sang sông, đành đưa voi đi về phía Sài Sơn để tránh giặc đuổi. Con voi rất khôn ngoan lặng lẽ đi, nhưng thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn về phía sông rộng. Vào được vùng rừng núi rồi, Quản Phẩm để voi ẩn náu trong rừng, một mình lần ra ven rừng kiếm lương thực và nghe ngóng tin tức. Toàn những tin bất lợi. Tin Chúa bị bắt rồi tự vẫn làm cho Quản Phẩm bàng hoàng. Ông thành ra ngơ ngẩn, thỉnh thoảng lại dở lá cờ đỏ ra nhìn rồi khóc. Tuy có lệnh chiêu an, nhưng Quản Phẩm và voi vẫn ẩn trong rừng. Nghe chuyện Lý Trần Quán bị học trò là Tuần Trang bội nghĩa sư đệ, lừa bắt Chúa đem nộp giặc lấy thưởng. Quản Phẩm tức lắm, kể chuyện cho voi nghe. Cứ theo lời của Quản Phẩm thì voi nghe cũng chảy nước mắt và rống lên rất thê thảm. Ông kề tai nó, hứa sẽ trừ khử Tuần Trang để báo thù cho Chúa, lúc ấy voi mới yên. Từ đó trên vai Quản Phẩm nặng thêm một trách nhiệm: Trách nhiệm báo thù và làm vui lòng con voi.
Việc binh lửa ở Bắc Hà tuy đã tạm lắng, nhưng hào kiệt nhiều nơi vẫn còn giữ binh khí để mưu việc xa xôi. Nguyễn Hữu Chỉnh dựa vào thế lực của Tây Sơn để tổ chức lại triều chính. Vua Lê từ nhiều đời bị Chúa áp chế, nay mới thật sự cầm quyền, nên bước đầu rất lúng túng. Vàng bạc trong kho cũng cạn, mà các quan thì vẫn còn ẩn náu chốn quê nhà, chưa chịu ra giúp vua. Mọi việc do đấy lại rơi vào tay Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhiều vị quan già vẫn còn chép miệng bàn nhau: Việc nước chưa thật yên, dân phong, dân khí chưa hồi. Các kẻ buổi đầu nhanh chân theo giặc đều được phong thưởng và đề bạt làm quan. Trong lớp người mới này có Tuần Trang được phong Tráng Nghĩa Hầu, gia chức Trấn thủ Sơn Tây.
Từ khi được làm quan, Trang tỏ ra kiêu hãnh, và trong chiếu rượu thường tự mãn về hành động thức thời của mình. Trang nói: “Các ông bảo tôi lại không quyền biến à? lại không tinh mắt à? Cứ thấy cái thái độ khúm núm sợ sệt của cụ Nghè Từ Liêm nhà tôi mà nực cười. Thật là dấu đầu lòi đuôi”. Khi cụ trách về nghĩa quân thần, sư đệ, kể cũng khó trả lời. Cụ thầy trách: “Chúa là Chúa chung thiên hạ, mà ta thì là thầy mày.Nghĩa cả vua tôi sao mày nỡ thế!”
Các ông nghĩ tôi nói thế này có quán thông không?: “Quan lớn không bảo tôi trước để tôi trót lỡ ra mắt Chúa. Nếu Chúa sống ở trong tay tôi, rồi nữa quân Nam đến hỏi tội tôi, quan lớn có thể cãi hộ không? Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý Chúa không bằng quý thân, tôi không thể để quan lớn làm lỡ”.
- Bẩm quan, thật là minh bạch, đanh thép
- Thời loạn ly chính là lúc để anh hùng xuất lộ. Cái thời này cũng giống như một hồi ở Tam Quốc. Các ông nghè nhiều chữ có làm nên trò trống gì đâu.
- Nhịa!
- Cứ thành tâm mà nói, quan Tiết Chế ngày nay cũng có đức dung người. Tôi chỉ ăn mày thánh được ít chữ, ấy thế mà lập được chút công, ngài cũng ban tước rồi cất nhắc lên đến chức này. May ra rồi hoạn lộ hanh thông, lên Niết ty lúc nào không biết đấy!
- Quan lớn thì chúng con thấy hoạn lộ thênh thang mở rộng, rồi phú quý không biết đến thế nào mà lường được. Mà trộm xem diện tướng lại được cả phú, quý, thọ, khang đấy. Bẩm bà lớn nhà, nếu năm nay có tin mừng thì sang năm hạ sanh quý tử, được cả khoa lẫn hoạn làm vẻ vang cho cả họ ta.
- Tội nghiệp, bà cả nhà tôi mới mất, không được nhìn thấy bước đường công danh của tôi.
Tuần Trang, bây giờ là quan lớn, tỏ ra rất mẫn cán, đắc lực. Không những lùng bắt được những người chống đối ẩn nặc trong huyện, mà còn cho người sang dò xét cả những phủ huyện xung quanh, để hễ có gí bất lợi cho Tây Sơn và Chỉnh thì kịp thời báo cáo để trấn áp ngay. Ý Trang muốn tó dạ mẫn cán, để mau lên ty niết.
Vì thế, một số bạn bè cũ xa lánh Trang, vừa do sợ hãi, vừa do khinh bỉ. Trang biết thế nhưng cứ làm bừa. Khắp cả vùng Kinh Bắc mỗi lần thấy Trang về thì người ta bảo nhau đóng cổng đóng ngõ. Trang đôi khi muốn ghé thăm bạn cũ, sai lính gọi công thì trong chỉ có tiếng chó sủa ran. Biết rõ thái độ của bạn bè và người làng nước xưa, từ đó Trang cũng ít về.
Khi ngồi ở lỵ trấn Sơn Tây, Trang cố tỏ ra người biết chữ bằng cách tìm thăm các nhà khoa bảng ở ẩn. Có khi về tận Mọc và lân la xuống Sơn Nam Hạ.
Một hôm, Trang đang ngồi uống rượu với mấy người bạn mới, thì có người xin yết kiến, nói là ở Hoàng Mai lên bẩm việc cơ mật. Trang cho vào, rồi cứ chễm chệ ngồi trên sập mà phán:
- Ngươi định bẩm chuyện gì?
Quan chấm câu bằng miếng thịt to tướng, vừa nhai nhồm nhoàm vừa ra ý lắng nghe.
Khách là một thư sinh, vẻ khúm núm:
- Bẩm, chuyện có liên quan đến Chúa.
- Chúa nay đã yên mồ yên mả rồi!
- Bẩm quan lớn có nghe lời ta thán của ngài Tiết Chế?
- Ngài nói sao?
Đây là lời ngài nói với ông Long vốn là bậc thượng tân của ngài: “Chúa không chịu tin lòng ta, nên tự hủy hoại đời mình. Nếu Chúa còn sống, chắc ta sẽ đặt vào một địa vị thanh nhàn, không để phải mất danh tộc.”
- Thế thì ngài định thế nào?
- Không hiểu sao ngài biết Chúa trong trận chiến cuối cùng có cưỡi voi, mà con voi này đã được phong Quận Công, nên ngài ra lệnh phải đi tìm cho được con voi và tên quản tượng. Ngài nói sẽ thưởng thật hậu cho ai biết và chỉ chỗ ẩn nấp của voi.
Quan gật gù, nhíu mày dường như hiểu câu chuyện.
- Thế anh chỉ muốm bẩm ta về việc ngài Tiết Chế muốn tìm con voi ấy à?
- Bẩm, còn việc cơ mật khác liên quan đến tin tức con voi.
Nói rồi anh ta đưa mắt nhìn mấy người xung quanh chiếu rượu. Hiểu ý, quan cười nhẹ nói:
- Đây là chỗ tâm phúc cả, ngươi không ngại gì. Cứ nói.
- Bẩm có người nói con voi hiện đang ở nơi vùng trấn nhậm của quan lớn.
- Thật thế à?
- Nhưng tên quản tượng và con voi rất khôn ngoan, chỉ hơi động ổ là đã lẩn nhanh như chạch.
- Con voi to lớn dềnh dàng như thế làm sao mà ẩn nấp kín đáo được! Hoặc người ta có nói quá?
- Bẩm không quá đâu ạ! Tên Quản Phẩm có hành tung bí mật lắm. Vừa nghe đồn ở Sơn Nam, thoắt cái đã thấy nói ở Kinh Bắc. Hắn đi có một mình, còn con voi không biết ở đâu? Chỉ có bắt được hắn mới tra ra chỗ nấp của voi.
- Thế thì chắc anh mới có tin tức về tên Quản Phẩm ấy phỏng?
Tên thư sinh lại nhìn quanh chiếu rượu như ngầm nói với Tuần Trang là ở đây đông người quá, sợ lộ. Hiểu ý, quan buông đũa, đứng dậy đi vào buồng bên và vẫy anh thư sinh đi theo.Hai người thì thào với nhau một lúc thì quan ra ngoài thét lính đóng ngựa.Rồi quan và người thư sinh hai người hai ngựa đi cùng với 4 người lính võ trang bằng thanh quất và tay thước. Các thuộc hạ hầu rượu quan, theo lệnh vẫn ở lại đánh chén nốt mâm rượu.
Đoàn người ra khỏi làng, âm thầm theo đường về Bất Bạt. Họ vào làng, gặp người lý trưởng, nói nhỏ to một lúc lại lên đường. Lần này có thêm lý trưởng và ha itên người nhà khoẻ mạnh cầm tay thước. Còn lý trưởng đeo một thanh kiếm cổ.
Lúc bấy giờ là cuối giờ Thân. Trời vào cuối thu nên đã hơi lạnh và mặt trời đã hơi xế bóng. Con đường qua rừng thưa không lấy gì làm khó đi, nhưng vì chờ mấy người đi bộ, nên ngựa cũng thủng thỉnh từng bước. Dường như sốt ruột nên quan khẽ hỏi anh thư sinh để cho quên thời gian:
- Có đúng là ở chân núi Tam Đảo không? Đến đấy khéo mà tối quá.
- Bẩm tin mật báo rõ ràng. Quản Phẩm có hẹn gặp một người nào từ Kinh Bắc sang.
- Có khi lại cánh Quận Tảo cũng nên?
- Bẩm, không rõ lắm. Hình như chúng định đưa voi về Kinh Bắc.
- Làm sao mà sang sông lúc này?
- Bẩm, cũng nghe nói thế. Quan Nghè chúng tôi cho là họ định dương Đông kích Tây, chứ bây giờ đâu còn thuyền bè quan quân mà đưa được voi qua sông cái.
- Phải! Làm thế thì thanh động lắm.
Càng gần chân núi thì rừng cây càng dày. Nắng chiều đã tắt. Trời tối hẳn. Đang đi, thư sinh gò cương ngựa, dơ một ngón tay lên môi ra dấu im lặng, rồi nhẹ nhàng xuống ngựa. Quan cũng xuống ngựa theo và đi sâu vào mấy lùm cây. Họ nghe tiếng xì xào sau đám cây rậm rạp. Lúc ấy trời tối mịt.Nghe lỏm qua giọng nói thì dường như những người sau lùm cây đang bàn nhau về một việc gì quan trọng lắm.
Quan cau trán, hai môi mím chặt, rón rén đi lại gần chỗ phát ra tiếng nói. Rồi quan dơ tay vẫy cho mấy ngươi đi theo. Kẻ dao, người tay thước tiến sát vào lùm cây. Họ thấy sau lùm cây rậm, nơi một bãi cỏ nhỏ nổi lên mấy phiến đá lớn,có 4 người đang nói chuyện. Họ ăn mặc ra dáng nhà nông, nhưng ai cũng có dắt theo dao đi rừng.Họ nói mà không cần giữ ý, vì cho rằng ở giữa rừng không sợ ai nghe thấy:
-Bên Bắc ngài định thế nào? Đưa ông Quận sang thì phải đóng bè gỗ lớn. Hay cứ để lại bên này, khi nào xuất sư có ông Quận xông xáo.
– Việc xuất sư chưa thể tính vội được. Để ông Quận ở đây, giặc nhiều tai mắt, nhỡ ra…
-Không sợ, mình đã đưa vào rú kín lắm. Đây đến đó mất hơn ngày đường.
-Tôi chỉ e thằng Trang.
-Ông Quản đừng lo. Thằng Trang thì để rồi khi đại quân trẩy về, tôi sẽ liệu cho nó.
Nghe đến đây, quan dơ tay ra lệnh cho mấy người đi vòng qua bụi cây để bao vây. Rồi tay lăm lăm thanh quất, quan đi thẳng vào bãi trống quát lớn:
- À! Chúng mày to gan thật, dám bàn việc quốc gia ở đây. Bay đâu trói chúng nó lại.
Không nghe tiếng dạ quen thuộc, quan hơi chột dạ nhìn quanh thì đã bị ba ngọn dao chĩa vào người.
- Biết điều bỏ ngay dao xuống.
Rồi lại thấy chính lý trưởng với mấy tùy tùng vừa cười vừa đi tới. Cả gã thư sinh cũng có tay thước. Tất cả bao vây quan vào giữa. Biết mình sa bẫy, quan mặt cắt không còn hột máu, đành buông dao chịu trói. Họ áp giải quan đi qua một truông hẹp, tới một gò đất cao, trên có một ngôi đền cổ nhỏ, cạnh đền có một con voi lớn đứng sừng sững cao gần bằng nóc đền. Quan đoán có lẽ là con voi trận đã được phong làm Quận Công thì lại càng sợ, và nghĩ rộng ra, chắc đám người bắt quan có liên quan đến Chúa Trịnh.
Trong miếu đã lên đèn nhang. Ngoài sân trời rất tối, không nhìn thấy mặt người. Một giọng nói oai nghiêm từ trong miếu phát ra:
Các chú bật hồng lên.
Mấy ngọn đuốc sáng soi rõ cảnh trong miếu và ngoài sân. Hai người áp giải quan đẩy quỳ xuống trước mặt một người trạc 40 tuổi, nét mặt quắc thước, chiếc áo dài đen bó lấy thân hình vạm vỡ. Người này quắc mắt nhìn quan rồi dõng dạc nói:
- Thằng này là Tuần Trang đây hở?
- Bẩm chính hắn.
Quay lại người đứng sau lưng, ông nói:
- Chú Quản xử nó thế nào là tùy chú.
- Thưa, việc là việc chung, có quan hệ đến nho phong, sĩ khí Bắc Hà ta. Xin để công luận phán xét để lấy đó làm gương cho những kẻ làm tôi phản Chúa, làm trò phản thày.
- Được! Đây có ông Cử Tân là trưởng tràng của quan Nghè Từ Liêm, xin để ông chủ trì lấy công đạo. Chúng tôi, con nhà võ thô mãng, chỉ biết xông pha tên đạn.
- Quan Lãnh nói thế, chúng tôi mạn phép không cho là đúng lắm. Lúc quốc gia hữu sự, trách nhiệm ở tất cả con dân. Nhưng quan đã có lòng ủy thác cho, thì chúng tôi xin đảm trách. Có gì chưa hoặc không đạt, xin quan cùng chư vị bổ khuyết cho.
Quay ra Tuần Trang, ông Cử dằn giọng quát:
- Trang, mày cũng có lúc này nhỉ! Hãy để tội mày đấy. Bây giờ để ta thắp hương thỉnh thày về rồi sẽ xử tội mày.
Nói xong, ông vào miếu, đốt 3 nén hương cắm vào chiếc lư hương bằng đá, rồi thì thụp lễ và lẩm bẩm khấn. Khi quay ra người ta thấy có ngấn nước mắt đọng trên gó má xạm đen. Trang vẫn quỳ trước sân. Ở cạnh miếu, con voi dậm chân, chốc chốc lại tung vòi rống lên một tiếng, xem ra vẻ giận dữ lắm.
- Trang, mày còn nhớ tao không?
- Bẩm có.
- Mày cũng đã từng ngậm cái bút lông thỏ mà sao lại bất nhân, bất nghĩa đến thế! Bán Chúa, bán thày cầu vinh. Có học trò nào lại như thế không? Tao cho mày nói để chư quân biết rõ bụng dạ sài lang của mày trước khi xét xử. Nào, nói đi. Có ai xử bạc với mày không? Mày phải biết quan Nghè đã tự táng để tạ tội với Chúa vì có đứa học trò bất tiếu là mày. Thế mà mày vẫn nhơn nhơn nhậm chức, nhận tước của giặc.
- Thầy Cử nói với quân bạc ác ấy làm gì! Quản Phẩm đứng cạnh con voi lên tiếng.
- Mày có biết ai đấy không? Cái người mày đang đi tìm để đem đổi lấy vinh hoa phú quý đấy.
- Lúc Chúa đi lánh nạn, quan thày không bảo tôi đó là Chúa, chỉ nói đó là một quan lớn.
- Mày định lấy bàn tay che mặt trời sao. Đây, tao nhắc lại cho mày nghe, kẻo mày cứ kêu oan. Mày muốn lừa dối cả thiên hạ mà. Cái lúc mày gắng tra hỏi khiến Chúa đã phải giận dữ nói: “Vua Chúa phải có mệnh Trời. Chính thật Đại Nguyên Soái Đoan Nam Vương là tao. Nếu có chết về tay ngươi nữa, cũng là mệnh Trời. Tha hồ cho mày làm gì thì làm.”
- Thế rồi đến khi quan thày biết mày định nộp Chúa cho giặc, đã nói gì với mày? Chắc mày cũng quên? Để tao nhắc cho mày nhớ:
- Quan thày bảo: “Chúa là Chúa chung thiên hạ, mà ta là thày mày. Nghĩa cả vua tôi sao mày nỡ thế? Mày lại nói thế nào? Bây giờ mày nhắc lại cái câu ấy đi. Chính miệng mày nhắc lại. Rồi ta sẽ liệu cho mày”.
- Tôi quên rồi.
- À! Quân này to gan thật, cái câu mày định lừa dối cả thiên hạ ấy mà.
- Tôi nói: “Quan lớn không bảo tôi trước để tôi trót lỡ đến ra mắt Chúa. Nếu Chúa sống ở tay tôi, rồi nữa quân Nam đến hỏi tội tôi, quan lớn có thể cãi hộ không? Sợ thày không bằng sợ giặc, quý Chúa không bằng quý thân, tôi không thể để quan lớn làm lỡ.”
- Phải! mày bẻm mép lắm. Mày còn chối là không biết Chúa nữa thôi. Tao đây, nhân danh kẻ sĩ mà xử mày để tạ tội với thiên hạ. Kẻ sĩ trung là trung với cái biểu tương vua chứ có phải trung với một ông bạo chúa đâu. Quan thầy chết đẹp. Không kẻ nào dị nghị được bụng trung
Quân của ngài. Tại sao người ta lại đòi vua ra vua, là một đấng minh quân? Mày phải hiểu đấy là cái dụng ý của kẻ sĩ khi hành động chứ. Vua chẳng hành sử ra vua thì người ta cũng bỏ đi cơ mà. Mày cứ xem con voi kia, không thể nói là nó có dạ trung quân được, nhưng cái lòng mến chủ của nó người đời phải đưa lên làm cái nghĩa, cái biểu tượng ăn ở có trước có sau. Thiên hạ có thế mới dung nhau được mà đạt đến cảnh thái bình chứ. Xử mày là xử cả cái lũ vô lại, biết chữ mà không hiểu dụng tâm của cổ nhân, câu nệ vào kinh sách đến trở thành hủ nho: giặc mạnh thì theo giặc, thế gọi là quý thân à? Nước mất đâu phải vì giặc mạnh, mà chỉ vì trong nước có nhiều kẻ hèn yếu.
Hay là mày bảo Chúa không có ơn gì với mày thì mày không phải giữ chữ trung. Kẻ sĩ trong thiên hạ hành động vì nghĩa khí, đâu phải vì cái ơn mọn. Nước Nam là nước chung. Vua cũng chỉ là dân nước Nam. Vua hay Chúa có thể chết, nhưng nước Nam không thể thay thế được. Mày đã hiểu chưa?
Quản Phẩm bỗng lên tiếng:
- Thầy cử nhân danh sĩ lâm mà xử. Tôi cũng xin phép góp thêm chút ý mọn của kẻ thất phu này.
- Ông Quản cứ nói.
- Việc chính pháp là noi theo đại nghĩa. Xưa đức Thái Tổ ta tuy có chiếu xá tội những kẻ lầm đường theo giặc, mà cũng vẫn phải trừng trị những tên ngoan cố lòng lang dạ sói, để cho hào kiệt các nơi tỏ rõ được chính khí. Tên Trang này không phải vì ngu si mà nối giáo cho giặc, phạm tội bất trung bất nghĩa. Hắntỏ ra rất thông minh, có khẩu tài, như thế tội lại càng nặng lắm. Lũ thất phu chúng tôi cần đại nghĩa tỏa sáng để mà phát huy chính khí.Thầy cử cứ nhìn ông Quận kia, cái vẻ bồn chồn của ông cũng đủ nói lên hào khí của con nhà võ rồi.
Hai ngày sau, lính huyện tìm thấy xác quan huyện nát be bét trên một bãi đất trống gần chân
Núi Tam Đảo. Người ta chỉ nhận ra quan nhờ bộ quần áo. Câu chuyện chạy rất nhanh, và khi lọt đến tai Hữu Quân thì ngài có vẻ bồn chồn sợ hãi trước phản ứng thiếu thiện cảm của nhân dân Bắc Hà.
***
Lịch sử vẫn đi những bước định mệnh của nó. Những kẻ thắng trận về sau tha hồ bôi nhọ những địch thủ của mình. Tổ phụ tôi, từng đời lưu truyền lá cờ điều ấy. Dù về sau có người thành đạt, nhưng các sắc phong vẫn không được đặt ở chính điện. Lâu dần, mọi người trong họ coi lá cờ ấy như một biểu tượng vinh quang nhất của giòng dõi chúng tôi. Cóngười nói danh tự của tổ phụ tôi được phối hưởng ở từ đường họ Trịnh. Tôi cũng không đi tìm hiểu, vì xét thấy không cần thiết, nên không biết là đúng hay sai.Từ khi mất nước, họ nào không là bách tính.
Khi ra đi vào Nam, bài vị tổ tiên nhớ trong lòng. Nhưng trong cái bị cói duy nhất tôi vẫn mang theo lá cờ. Được cái may, lúc quân hồi vô phèng, chẳng ai thắc mắc xét hỏi gì. Lạ! thầy ạ! Có những đêm thao thức, tôi nhìn lên lá cờ thấy hiển hiện nhiều khuôn mặt. Các vị khác mình không biết là ai. Nhưng hình Đề Thám và Nguyễn Thái Học thì rõ lắm. Chắc thày cũng cho tôi là già lẩn thẩn?
-Dạ không! Hiện tượng ám thị ấy có thật.
– Tôi thì nghĩ khác. Giòng dài lịch sử ấy là một sức nặng trong tâm tư mọi người. Lịch sử có tiếng cười và nước mắt; có nhục có vinh. Vinh hay nhục là do nhận định phê phán, chứ bản thân của lịch sử như một giòng trôi chảy, mà các con dân đều chỉ là những phần tử trong cái giòng chảy ấy. Anh không thể nguyền rủa hay đem tâm tình của thời đại để tâng bốc hay xỉ vả người xưa, mà chỉ nên đối diện sự thật lịch sử, từ đó rút ra bài học hay kinh nghiệm mà giải quyết những vấn đề của thời đại mình. Nếu không có sức nặng lịch sử, con người trôi nổi như một phần tử bị tách rời, chẳng có gì để mà khóc cười. Chẳng lẽ lại lấy việc mất một mối tình với người đàn bà làm nỗi sầu hận to bằng Trời hay sao?
Ngừng lại, rít một hơi thuốc lào. Nghe tiếng kêu mạnh mẽ của điếu thuốc, tôi nghĩ cụ còn rất khoẻ, trung khí đầy rẫy, hẳn phải là người có luyện võ. Thế mà đã lâu tôi không thấy cụ tỏ lộ ra. Cụ chiêu một chén trà, tôi thấy nét mặt cụ đã hoà hoãn.
- Tôi hỏi thày, thày cũng là người đọc được chữ Ta. Thế thì sử Ta với sử Tàu cứ theo ý thày thì có bao nhiêu phần trăm xác thực? Lấy cái gì kiểm chứng? Chỉ đành tin vào sử quan thôi. Sử có chép gì về việc cụ tổ tôi đâu; cũng như sử đã cho chúng ta thấy rất nhiều điều phải tra vấn. Mà cứ càng đem những lập luận duy lý vào thì càng thấy xa lịch sử, xa thực tế và chủ đích.Thế là rời mất truyền thống đấy.
Thày biết tôi đã lâu, nhưng tôi cũng chưa có dịp nói đôi điều về tôi. Cái nghĩa vong niên thế là chưa trọn. Lúc tôi còn trẻ, tuy ở buổi giao thời, nhưng việc tôi đi học chữ Tây, sau khi đã có vốn khá về Hán học, không phải là nhằm kiếm một chân ký lục. Cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ chẳng khi nào làm cái việc tranh bá đồ vương cả. Cái nghĩa thành nhân của Nguyễn Thái Học đã được nung nấu từ lâu, đâu phải chỉ bất chợt lúc sắp hy sinh mới nói ra. Sau này, có kẻ nói những điều ấu trĩ rằng các nhà cách mạng trong buổi suy tàn, muốn tranh đấu để được những địa vị xưa, hay là ganh ghét với các ông tân học đang được Tây ban cho chức tước, quyền lợi. Chúng tôi hiểu cái lẽ biến dịch. Sự việc có bao giờ quay trở lại đâu. Thành nhân tức là làm trọn cái lý tưởng của nhà nho lo cho dân tự do, phú cường. Còn cái việc đạt một địa vị trong xã hội, đâu phải là mục đích tối hậu.Như vậy, quá khứ nhục nhằn đau thương của dân tộc, đè nặng lên tâm hồn của tất cả chúng ta, những người còn dám nhận mình là người Việt Nam. Nào phải chỉ là đuổi Tây dành độc lập, mà con đường còn chông gai gấp bội.Không có thực lực thì đuổi được thằng Tây này đi, lại sẽ có thằng Tây khác đô hộ. Mình yếu hơn người, kém người thì chẳng tránh được người ta bắt nạt.
- Cụ nói chí phải. Anh em chúng con cũng thấy phải tự lập, tự cường mới được. Nhưng mà nước mình nghèo quá, dân trí mình không được cao nên dễ bị phỉnh gạt. Mình còn cần nhiều năm duy tân mới tiến bằng người. Mà chiến tranh cứ thế này thì làm sao?
-Chỗ thày với thằng Tâm nhà tôi không còn xa lạ gì mà bảo phải giữ ý giữ tứ. Tôi thật thất vọng vì nó quá.
– Con thấy anh ấy học gỉỏi, lại chí thú, không chơi bời gì. Thế là được quá đi chứ còn gì nữa. Anh Tâm có nói với con là sẽ xin học bổng sang Mỹ học, khi về nước thế nào chẳng làm giám đốc.
-Tôi thất vọng cũng vì nó định theo đuổi việc học với mục đích đó. Cũng chỉ là để vinh thân phì gia. Khí tiết, nghĩa khí con người đâu có tuỳ thuộc vào học vị, mà là vào quá trình tu thân. Cụ tổ nhà tôi ít chữ, nên dùng lá cờ để răn dạy con cháu. Thày thấy đó, vật thì khinh mà cái tình, cái nghĩa thì trọng. Giòng dõi nhà tôi nhìn vào đấy mà học bài học trung nghĩa. Đối tượng có thể thay đổi theo đà tiến hoá, nhưng tình nghĩa thì vẫn là một, tạo nên khí phách và bản lĩnh của người con trai. Tôi vốn ít nói. Thày liệu, lúc nào rảnh rỗi, anh em bảo nhau cho nó hiểu được những vật mọn mà người xưa trân trọng để lại.
– Vâng! Con nghĩ người cần học và đã học được bài học này chính là con đây.
-Không dám! Thày nhớ khuyên bảo nó cho tôi.
***
Về sau tôi xuống miền Tây dạy học, việc đi lại thăm nom cụ thân sinh ra anh Tâm cũng thưa. Tết năm 1973, tôi về chúc thọ cụ thì mới hay cụ đã quy tiên. Còn anh Tâm thì là Thiếu úy Địa phương quân đóng ở một vùng rừng núi nguy hiểm, vì thế mà thư từ không liên lạc được, khiến tôi chẳng có tin tức gì. Ngay khi cụ thất lộc, anh Tâm cũng không về đưa đám được.Một người cháu họ đã chu tất cho cụ. Đám tang vắng vẻ, có hai cây gậy treo ở đầu đòn và mấy người hàng xóm tốt bụng đi theo.
Cuối tháng Tư năm 1975, khi miền Nam xụp đổ, quân hồi vô phèng. Có nhiều tướng lãnh và trí thức khôn ngoan chạy được thân trước. Anh Tâm cùng vài đồng đội khi được lệnh buông súng, đã ngồi sát nhau thành vòng tròn, hai quả lựu đạn nổ cùng một lúc.
Lá cờ điều ấy không biết lưu lạc về đâu? Ngọc Vân