WHO đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ

(Ảnh minh họa: Viacheslav Lopatin/shutterstock)

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đang xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với bệnh mpox, còn được gọi là bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở châu Phi.

“Tuy nhiên, cần có thêm kinh phí và sự trợ giúp để có được cuộc ứng phó toàn diện,” Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên nền tảng truyền thông xã hội X hôm Chủ nhật (04/8). “Tôi đang xem xét việc triệu tập một Ủy ban khẩn cấp về Quy định Y tế Quốc tế để tư vấn cho tôi, về việc liệu đợt bùng phát virus mpox có nên được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm hay không.”

Đến thứ Ba (06/8), vẫn chưa rõ khi nào WHO sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về loại virus này.

Một tuyên bố của ông Tedros được Science (Tập san Khoa học) đăng tải nói thêm rằng: “Loại virus này có thể và phải được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế cộng đồng tăng cường bao gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vắc-xin có mục tiêu cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.”

Tuyên bố của ông cho biết: “Việc mở rộng hơn nữa cuộc ứng phó toàn diện đối với virus mpox đang diễn ra ở các quốc gia bị ảnh hưởng là hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ngày càng lan rộng,” đồng thời kêu gọi “thêm tài trợ cho cuộc ứng phó toàn diện” bao gồm các yếu tố trong chẩn đoán, điều trị và vắc-xin.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: WHO)

Xác định dịch đậu mùa khỉ là ‘tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm’ là chỉ định mạnh nhất để báo hiệu cho một đợt bùng phát. Điều đáng lưu ý là một tuyên bố như vậy đã được ban hành cho Covid-19 vào thời điểm đầu đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Sau đó, WHO đưa ra chỉ định về đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ kéo dài từ năm 2022 đến năm 2023, trong khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp về loại virus này. Các quan chức cho biết trong đợt bùng phát đó, sự ảnh hưởng của dịch đậu mùa khỉ lên châu Âu và Hoa Kỳ chủ yếu là lây lan qua quan hệ tình dục đồng tính giữa nam giới.

Thông báo mới nhất được đưa ra khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng trong năm nay, bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 10 quốc gia Châu Phi, bao gồm cả Congo, nơi có hơn 96% tổng số ca mắc bệnh và tử vong.

Các quan chức cho biết, gần 70% số ca nhiễm bệnh ở Congo là trẻ em dưới 15 tuổi, nhóm này cũng chiếm 85% số ca tử vong.

CDC Châu Phi cho biết tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, ước tính có khoảng 14.250 ca nhiễm bệnh, gần bằng cả năm ngoái. So với 7 tháng đầu năm 2023, số ca mắc bệnh tăng 160% và số ca tử vong tăng 19%, lên đến 456 ca.

Báo cáo đầu tiên của Burundi và Rwanda về mpox là trong tuần này, trong khi những đợt bùng phát mới gần đây đã được báo cáo ở Cộng hòa Trung Phi và Kenya.

“Chúng tôi rất lo ngại về các ca bệnh đậu mùa khỉ đang tàn phá (khu vực thủ đô),” Bộ trưởng Y tế Cộng đồng Cộng hòa Trung Phi, Pierre Somse, cho biết hôm thứ Hai ngày 5/2.

Theo thông báo của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Quốc tế ngày 4/8 và trích dẫn của Bộ Y tế Uganda, có 2 ca nhiễm bệnh đã được xác nhận ở nước này.

Bộ Y tế Uganda cho biết: “Cả hai người đều có các triệu chứng như phát ban trên da, sưng hạch bạch huyết và tình trạng khó chịu nói chung – những triệu chứng này đều phù hợp với bệnh mpox.”

Trong khi đó, Bộ Y tế Kenya gần đây cho biết đã tìm thấy virus mpox trên một hành khách đi từ Uganda đến Rwanda tại một cửa khẩu biên giới ở miền nam Kenya. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế nói rằng chỉ cần có một trường hợp mpox duy nhất là đã đủ để đưa ra tuyên bố bùng phát.

Cuối tuần qua, các quan chức y tế ở Nam Phi đã thông báo rằng nước này hiện có 22 ca mắc bệnh mpox, trong đó có 3 ca tử vong. “Các hoạt động theo dõi và truy tìm dấu vết tiếp xúc đang diễn ra tại các cộng đồng bị ảnh hưởng ở cả 2 tỉnh. Bộ Y tế kêu gọi tất cả những người đã tiếp xúc với những ca nhiễm bệnh nên hợp tác với các quan chức y tế trong quá trình theo dõi dấu vết tiếp xúc, để sàng lọc và chẩn đoán nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị này,” Bộ Y tế Nam Phi cho biết trong một tuyên bố được công bố vào ngày 4/8.

Theo trang web của CDC Hoa Kỳ, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mpox bao gồm: phát ban ở bàn chân, bàn tay, mặt, ngực và miệng hoặc gần bộ phận sinh dục. Phát ban có thể hình thành vảy và ban đầu trông giống như mụn nước hoặc mụn nhọt, có thể gây ngứa hoặc đau.

Theo cơ quan y tế, các triệu chứng khác bao gồm sốt, sưng hạch, ớn lạnh, đau nhức, kiệt sức và các triệu chứng về hô hấp như ho, nghẹt mũi hoặc đau họng.

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ như thế nào

Trong phần hỏi đáp trên trang web của WHO, liên quan đến việc điều trị cho người mắc bệnh đậu mùa khỉ, WHO hướng dẫn người mắc bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của cơ sở y tế, các triệu chứng thường tự mất mà không cần điều trị. Nếu cần, có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt để làm giảm các triệu chứng. Lưu ý, với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần giữ cho cơ thể đủ nước, ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc. Người tự cách ly cần chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân bằng cách làm những việc yêu thích, giúp bản thân cảm thấy thoải mái, luôn duy trì liên lạc với người thân qua công nghệ, tập thể dục trong thời gian cách ly và đề nghị được trợ giúp về sức khỏe tâm thần nếu cần.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ tránh gãi, chú ý rửa tay trước và sau khi chạm vào các nốt ban và vị trí tổn thương, giữ cho da khô ráo, không băng kín vết thương (nếu không thể tránh được việc phải ở cùng phòng với người khác – cần che các nốt ban bằng quần áo hoặc băng gạc cho tới khi cách ly lại). Có thể làm sạch các nốt ban bằng nước vô trùng hoặc sát khuẩn. Súc miệng bằng nước muối để vệ sinh các tổn thương trong miệng, tắm bằng nước ấm chứa natri bicabonat (thuốc muối) và muối Epsom giúp làm dịu các tổn thương trên cơ thể. Có thể dùng Lidocaine (thuốc gây tê tại chỗ) bôi vào miệng và các tổn thương xung quanh để giảm đau.

Nhiều năm nghiên cứu về các phương pháp điều trị bệnh đậu mùa đã dẫn tới sự phát triển các sản phẩm có thể hiệu quả trong điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Một loại thuốc kháng virus đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat) đã được Cơ quan Quản lý Thuốc châu Âu phê duyệt hồi tháng 1/2022 cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Kinh nghiệm về các loại thuốc điều trị này trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ bùng phát vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc này thường đi kèm với việc thu thập thông tin nhằm giúp nâng cao kiến thức về cách sử dụng các loại thuốc này một cách tốt nhất trong tương lai.

Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến điều trị trực tiếp của người có chuyên môn để có được phương pháp đảm bảo và liều lượng an toàn.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Theo thông tin trích từ phần hỏi đáp trên trang của WHO, sở dĩ bệnh được lấy tên là đậu mùa khỉ là vì được phát hiện đầu tiên vào năm 1958 ở đàn khỉ bị bắt giữ cho mục đích nghiên cứu. Sau đó bệnh này được phát hiện ở người vào năm 1970.

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, truyền nhiễm từ động vật, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Bệnh đậu mùa khỉ có gây bệnh nặng hoặc tử vong không

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người có thể có các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Khánh Ngọc, theo Associated Press, The Epoch Times và WHO

Related posts