Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố rằng Ukraine vẫn “tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân”, sau khi truyền thông Anh quốc loan tin hôm Thứ Tư rằng Kiev có phương án nhanh chóng, chỉ trong vài tháng, “làm ra bom [nguyên tử] thô sơ tương tự quả bom thả ở Nagasaki năm 1945, trong tình huống Mỹ cắt viện trợ.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng cuối tháng 9 ông đã từng nói với Donald Trump, lúc đó còn là ứng viên tổng thống, rằng hoặc Ukraine có vũ khí hạt nhân hoặc là được gia nhập NATO sớm, nhưng sau đó ông Zelensky đã nhấn mạnh rằng thời điểm bấy giờ Ukraine đang không theo đuổi việc chế tạo vũ khí nguyên tử.
Tờ The Times and The Sunday Times hôm Thứ Tư đăng bài của Maxim Tucker cho hay Kiev có phương án có thể nhanh chóng làm ra vũ khí nguyên tử, tương tự quả bom “Fat Man” mà người Mỹ đã thả xuống Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Trong video đăng trên mạng xã hội vào cùng ngày, anh Tucker cũng khẳng định như vậy, và giải thích rằng “ở Kiev rõ ràng là người Ukraine thực sự lo lắng rằng khi Trump lên nắm quyền vào tháng 1, Mỹ sẽ bỏ rơi Ukraine.”
Trong video, anh Tucker nói rằng “phải mất ít nhất 6 tháng để làm ra vũ khí mà họ có thể dùng được, và họ không có muốn sẽ bị trễ, [khi mà] người Nga đã tới cổng của Kiev rồi.”
Theo truyền thông Anh, “Ukraine vẫn còn làm chủ 9 lò phản ứng đang hoạt động, và có tri thức đáng kể về hạt nhân mặc dù họ đã từ bỏ vị trí là cường quốc hạt nhân đứng thứ 3 trên thế giới vào năm 1996” và “khối lượng plutonium mà Ukraine có được ước lượng khoảng 7 tấn.”
Việc làm giàu Uranium khá phức tạp, đầu tư tốn thời gian. Nhưng mà, theo phương án được nói đến thì dùng plutonium đã có sẵn, “công nghệ này đầy thách thức, nhưng nằm trong tri thức chuyên môn của Ukraine,” và quả bom “thô sơ” ấy “đủ để phá hủy toàn bộ căn cứ không quân hoặc các cơ sở quân sự, công nghiệp hoặc hậu cần tập trung của Nga.”
Sau khi truyền thông Anh đưa tin về vấn đề Ukraine có phương án theo đuổi vũ khí hạt nhân để tự vệ trước Nga nếu bị Mỹ bỏ rơi, thì hôm Thứ Năm, ngoại trưởng Ukraine Heorhii Tykhyi đăng thông điệp trên mạng xã hội, nguyên văn như sau:
“Ukraine là cam kết theo NPT (Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân); chúng tôi không sở hữu, phát triển, hay có ý đồ có được vũ khí hạt nhân. Ukraine làm việc chặt chẽ với IAEA và hoàn toàn minh bạch để họ giám sát, mà điều đó loại bỏ tình huống sử dụng vật liệu hạt nhân vào các mục đích quân sự.”
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố rằng trong cuộc họp kín với Donald Trump, lúc bấy giờ đang là ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Zelensky đã ra yêu sách rằng để đảm bảo an ninh cho Ukraine thì hoặc Ukraine có được vũ khí hạt nhân hoặc gia nhập NATO sớm.
Tuy nhiên sau đó ông Zelensky đã nói rằng thời điểm bấy giờ Ukraine không tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân, và phương án dùng vũ khí hạt nhân để bảo đảm an ninh đã bị loại khỏi các cân nhắc.
Ông Zelensky lúc đó cũng nhắc tới Bản ghi nhớ Budapest 1994. Theo thỏa thuận lúc bấy giờ, Ukraine từ bỏ các năng lực quân sự hạt nhân, dưới sức ép của cả Mỹ và Nga, đổi lại là có được các đền bù cho phát triển và cam kết an ninh từ Mỹ, Anh, và Nga.
Tuy nhiên, theo phân tích của truyền thông Ukraine, người Ukraine bấy giờ đã biết rằng cam kết bảo đảm an ninh đó không có tính thiết thực, nhưng mà, Ukraine cũng tin rằng bản thân không có năng lực theo đuổi việc duy trì khối vũ khí hạt nhân mà họ thừa kế từ Liên Xô vào năm 1991.
Vấn đề vũ khí hạt nhân này bây giờ lại xuất hiện trở lại khi mà có các nhận định cho rằng khi ông Trump tái nhập Tòa Bạch Ốc, thì các khoản hậu thuẫn từ Mỹ sẽ không còn, thậm chí chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc theo cách mà giới cầm quyền Kiev không hài lòng.
Donald Trump, dự kiến sẽ là tổng thống thứ 47 của Mỹ, người được coi là sẽ chú trọng vào các chính sách vì người Mỹ (MAGA), hiện đang chỉ định các thành viên cho nội các của mình. Trong đó có Tulsi Gabbard, Elon Musk, Vivek Ramaswamy, Matt Gaetz, và Phó tổng thống JD Vance, là những người đã từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Biden trong vấn đề chiến tranh Ukraine, phản đối các khoản viện trợ khổng lồ cho Kiev.
Bà Gabbard, ông Ramaswamy, và ông Vance đều đã từng lên án việc chính quyền Zelensky đàn áp Kitô giáo (giáo hội có nguồn gốc lâu đời UOC). Ông Musk, mặc dù hỗ trợ mạng Internet vệ tinh Starlink cho Ukraine, nhưng nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng Crimea là thuộc về Nga.
Nhật Tân