- Quý Bình
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An nhận định rằng việc xây thủy điện nhỏ (thủy điện “cóc”) tại khu vực miền Trung là lợi bất cập hại. Ông Thành đặt câu hỏi: “Sao cứ phải nhăm nhe lên núi làm thủy điện? Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đằng sau dự án là tận dụng gỗ rừng khi tích nước?”.
Báo chí nhà nước dẫn lời ông Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An Trần Quốc Thành lên tiếng cảnh báo về thảm họa từ thủy điện công suất nhỏ (thủy điện “cóc”) sau thảm họa vùi lấp hàng chục người tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).
Theo ông Thành, dự án thủy điện “cóc” được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, nếu đầu tư thủy điện “cóc” ở khu vực miền Trung, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ thì lợi bất cập hại.
Lý do, ông Thành giải thích do khu vực này có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở.
“Việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính. Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du. Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích”, ông Thành nói về tác hại việc xây thủy điện “cóc”.
Ông Thành cho biết bình quân các nhà máy thủy điện “cóc” cứ 1MW tiêu tốn 1 – 10 ha rừng đầu nguồn.
“Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm 11 ha, dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đầu tư hết 290 – 500 tỷ đồng.
So với điện mặt trời, để xây dựng nhà máy điện mặt trời 1 MW cần khoảng 0,6 ha. Giả sử công suất hữu ích khoảng 50% thì cũng chỉ mất 1,2 ha đất. Như vậy so với thủy điện là tương đương vì thủy điện công suất hữu ích cũng khoảng 70% là tối đa. Suất đầu tư của hai hình thức này cũng ngang nhau.
Trong khi đó, đất giá trị canh tác nông nghiệp thấp, hoang hóa ở vùng miền Trung cũng như Bắc trung bộ còn rất nhiều, việc đầu tư dự án điện mặt trời góp phần chống lãng phí quỹ đất”, ông Thành cho hay.
Ông Trần Quốc Thành đặt câu hỏi: “Sao cứ phải nhăm nhe lên núi làm thủy điện? Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đằng sau dự án là tận dụng gỗ rừng khi tích nước? Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện “cóc” tổng công suất chỉ 105 MW. Rất cần rà lại để loại bỏ không chỉ ở tỉnh này mà tất cả các địa phương khác”.
Thuỷ điện Rào Trăng 3 nằm ở thượng nguồn sông Bồ, hạ nguồn sông A Lin. Cùng với thủy điện A Lin B1, B2 từ sông A Lin (huyện A Lưới), thủy điện Rào Trăng 4 ở bên dưới và thủy điện Rào Trăng 3 tạo thành hệ thống “thủy điện bậc thang” công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ.
Như vậy, trong một đoạn thượng nguồn sông ngắn chưa đầy 30km và dốc thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có tới 4 thủy điện công suất nhỏ.
Công trình nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 được giới chức tỉnh này cấp phép giao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008.
Năm 2016, Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thuỷ điện nhỏ của tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án thuỷ điện Rào Trăng 3.
Đáng chú ý, trước khi xảy ra thảm họa tại thủy điện Rào Trăng 3, các chuyên gia đã có cảnh báo trước.
Theo TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam), năm 2019, Viện đã điều tra hiện trạng trượt lở tại huyện Phong Điền, trong đó có khu vực thủy điện Rào Trăng 3 với tỉ lệ 1:50.000.
Các chuyên gia đã chỉ rõ các yếu tố nguy hiểm về địa hình tại khu vực này như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến. Đồng thời, có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực này.
“Tháng 6/2020, chúng tôi đã chuyển giao Đề án này cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, họ đã sử dụng như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Hòa nói.
Q
Nhiều nơi ngập trong biển nước, thủy điện Quảng Trị tiếp tục xả lũ 1.110 m3/s
Hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị xả nước qua tràn với lưu lượng ước đạt 1.110 m3/s, trong khi nhiều vùng hạ du của tỉnh này đang chìm trong biển nước.
Báo chí nhà nước dẫn lời ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị cho biết, từ 8h sáng hôm nay (17/10), các cửa xả tại hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị đã được mở hết, lưu lượng xả chảy qua tràn theo chế độ tự do ước đạt 1.110 m3/s.
Theo ông Lam, mưa lớn sẽ còn kéo dài, hồ hết khả năng trữ nước, do đó sẽ tiếp tục xả qua tràn với lưu lượng trên 1.000 m3/s.
Từ chiều tối hôm 16/10 đến trưa 17/10, Quảng Trị có mưa rất to, có nơi lượng mưa đo được lên đến 467,6 mm. Hiện mực nước trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu, Đakrông đã xấp xỉ và vượt báo động 3.
Trong sáng nay, tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị), Đài Dự báo khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết mực nước lũ đã lên đến 4,44 m, trên báo động 3 là 0,44 m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo khu vực khả năng vượt lũ lịch sử lần 2.
Hiện mưa lũ tại Quảng Trị làm 17 người chết, 3 người mất tích và 6 người bị thương, 43.000 hộ dân với 135.000 người bị ảnh hưởng ngập lụt. Tỉnh đã di dời khẩn cấp trên 8.000 hộ dân đến khu vực an toàn.
Trước đó, hôm 8/10, sau 2 ngày Quảng Trị xuất hiện mưa lớn với lượng kỷ lục có nơi trên 1.000 mm, cơ quan khí tượng ghi nhận lũ trên sông ở trạm Đông Hà đạt ngưỡng 4,7 m, cao hơn lũ lịch sử năm 1983 là 0,12 m.
14h hôm 11/10, Công ty thủy điện Quảng Trị nằm tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa xả lũ điều tiết nước hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị.
Hôm 12/10, tờ Nông nghiệp cho biết việc thủy điện lớn nhất trên sông Rào Quán xả lũ, kết hợp với mưa lớn kéo dài đã làm cho vùng hạ du của tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt trên diện rộng, hàng chục ngàn nhà dân chìm trong lũ.