Xuân Lan
Hôm 26/4, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng cảnh báo trước làn sóng kỷ lục về số ca nhiễm mới và số ca tử vong do virus Vũ Hán ở Ấn Độ, đồng thời nói rằng tổ chức này đang gấp rút giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên rằng: “Tình hình ở Ấn Độ quá đỗi thương tâm.”
Ông phát biểu khi Ấn Độ chống chọi với làn sóng nhiễm bệnh thảm khốc khiến các bệnh viện quá tải, trong khi các lò hỏa táng hoạt động hết công suất.
Sự gia tăng các ca nhiễm trong những ngày gần đây đã khiến nhiều gia đình bệnh nhân phải lên mạng xã hội để cầu xin có được oxy và giường bệnh. Thủ đô New Delhi đã phải kéo dài thời gian đóng cửa thêm một tuần.
Ông Tedros nói: “WHO đang làm mọi thứ có thể, cung cấp các thiết bị và vật tư quan trọng.”
Ông cho biết cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã gửi “hàng nghìn máy tinh chế oxy, bệnh viện dã chiến di động lắp ghép sẵn và vật tư phòng thí nghiệm”.
WHO cũng cho biết họ đã chuyển hơn 2.600 chuyên gia của mình từ các chương trình khác nhau đến làm việc với các cơ quan y tế Ấn Độ nhằm giúp ứng phó với đại dịch.
Đất nước 1,3 tỷ dân này đã trở thành điểm nóng mới nhất của đại dịch đã giết chết hơn 3 triệu người trên toàn thế giới.
Mỹ và Anh đã hỗ trợ máy thở và vật liệu vắc-xin để giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng, trong khi một loạt quốc gia khác cũng cam kết hỗ trợ.
Sự gia tăng toàn cầu
Kể từ khi virus corona chủng mới xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, căn bệnh này đã giết chết hơn 3,1 triệu người trong số ít nhất 147 triệu người bị nhiễm, theo một thống kê từ các nguồn chính thức do AFP tổng hợp.
Ông Tedros hôm thứ Hai đã than thở rằng số các ca nhiễm mới trên toàn cầu đã gia tăng liên tục trong chín tuần qua.
Ông nói: “Nói một cách tổng thể, tuần trước có nhiều ca nhiễm trên toàn thế giới như trong năm tháng đầu tiên của đại dịch.”
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng 572.200 người chết và hơn 32 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Brazil và Mexico.
Ấn Độ, đất nước ở vị trí thứ tư, trong những ngày gần đây đã lên vị trí thứ hai, và lập kỷ lục về số lượng ca nhiễm trong ngày từ trước đến nay.
Quốc gia này đã ghi nhận 2.812 ca tử vong và 352.991 ca nhiễm mới chỉ trong ngày thứ Hai – mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, nói với các phóng viên: “Sự tăng trưởng theo cấp số nhân mà chúng tôi đã thấy trong trường hợp con số thực sự, thực sự kinh hoàng.”
Bà cảnh báo rằng Ấn Độ không phải là duy nhất, chỉ ra rằng một số quốc gia đã chứng kiến ”quỹ đạo gia tăng lây nhiễm tương tự”.
“Điều này có thể xảy ra ở một số quốc gia … nếu chúng ta mất cảnh giác”, bà nói.
“Chúng ta vẫn đang ở trong một tình huống mong manh.”
Ảnh hưởng đến chương trình Covax
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ đã ảnh hưởng đến chương trình Covax nhằm cung cấp khả năng tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19, đặc biệt tập trung vào 92 quốc gia nghèo hơn.
Trước khi có sự gia tăng đột biến các ca nhiêm, Ấn Độ đã xuất khẩu hàng chục triệu mũi tiêm AstraZeneca do Viện Huyết thanh thực hiện trong nước thông qua Covax, được đồng điều hành bởi WHO, Liên minh vắc-xin Gavi và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Phòng dịch (CEPI).
Nhưng khi các ca nhiễm bắt đầu tăng cao, New Delhi đóng băng việc xuất khẩu vắc-xin để ưu tiên cho Ấn Độ.
Theo WHO và Gavi, điều này đã khiến cho chương trình Covax sẽ thiếu khoảng 90 triệu liều vắc-xin dự kiến dành cho 60 quốc gia có thu nhập thấp vào tháng 3 và tháng 4.
Giám đốc Gavi, Seth Berkley, nói trong cuộc họp báo: “Vắc-xin đã không được cung cấp vì cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ. Bây giờ chúng đang được sử dụng trong nước”.
Ông cho biết Covax đang “xem xét các lựa chọn khác” trong khi chờ nguồn cung cấp trở lại.
Ngoài ra, các đối tác của Covax đã kêu gọi các quốc gia có vắc-xin dư thừa chia sẻ chúng với chương trình.
Cho đến nay, khoảng 40,8 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được phân phối đến 118 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua Covax.