Thêm 64 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 9/6 ghi nhận 64 ca dương tính COVID-19, gồm 41 ca trong nước và 23 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
64 ca mới được ghi nhận từ số 9159-9222. Trong đó 23 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh gồm tại TP.HCM 15, Bà Rịa – Vũng Tàu 7, Long An một. 41 ca ghi nhận trong nước gồm tại Bắc Giang 24, Bắc Ninh 17, đều là các ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm ở Bắc Giang lên 3.333, Bắc Ninh 1.164. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 6.045, ghi nhận ở 39 tỉnh thành.
3 F5 trở thành F0
VnExpress – Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, sáng 8/6, thành phố ghi nhận một bệnh nhân Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố, là F5 liên quan chuỗi lây nhiễm thuộc ổ dịch truyền giáo Phục Hưng. Trường hợp này đã được cách ly từ trước.
F5 này nằm trong chuỗi lây nhiễm liên quan “bệnh nhân 6288”, hội viên nhóm truyền giáo Phục Hưng. Người này đã lây cho 5 trường hợp F1. Sau đó, 5 người này lây cho 19 người tiếp xúc diện F2, ba người diện F3, một người diện F4.
Trước đó, hai người diện F5 bị lây nhiễm được ghi nhận là chồng và con của thai phụ ngụ quận Tân Phú.
Cụ thể, ca 6770 vốn là F1, hội viên hội truyền giáo, lây cho đồng nghiệp (F2) trong toà nhà quận 1- ca 6907. Người đồng nghiệp lây cho em gái (F3) – ca 6781. Em gái lây cho đồng nghiệp trong ngân hàng ở quận 7, tức thai phụ ngụ quận Tân Phú (F4) – “bệnh nhân 6445”. Chồng và con thai phụ (F5) sau đó được ghi nhận mắc bệnh.
Hiện, 40 trong số 55 thành viên nhóm truyền giáo mắc COVID-19. Dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ, có chuỗi lây nhiễm ghi nhận vòng lây 4-5 chu kỳ (tức F4, F5 thành F0). Cụ thể, hai chuỗi ghi nhận bệnh nhân lây nhiễm đến vòng thứ 5 nêu trên.
Chuỗi lây nhiễm đến vòng 4, liên quan “bệnh nhân 6427”, Trường Mầm non song ngữ Kid Town. Các chuỗi lây nhiễm đến vòng 3, liên quan ca 6289 (khu nhà trọ ở hẻm 80 Dương Quảng Hàm, phường 5, Gò Vấp), 6301 (công ty Thiên Tú FN), 6424, 6787 (Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS).
Theo giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, chùm ca bệnh liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố, phát hiện từ ngày 26/5.
Ổ dịch này bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do phát tán, lây lan nhanh từ sinh hoạt tôn giáo tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân. Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, kể từ ngày 16/5 khi thành viên đầu tiên có triệu chứng cho đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh.
Nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Chuỗi lây có nhiều bệnh nhân nhất liên quan đến một công ty ở Tân Bình với số lượng ca nhiễm đã tăng lên đến 91 trường hợp.
Ngoài ra, chủng virus gây bệnh lần này là chủng Ấn Độ có đặc tính lây lan mạnh. Công tác điều tra dịch tễ để khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài do số lượng thành viên hội giáo nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu. Số lượng ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng 21/22 địa phương (ngoại trừ huyện Cần Giờ).
Sau 7 ngày áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố, số ca nhiễm phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, phần lớn phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Từ ngày 4/6 đến nay, tỷ lệ ca nhiễm từ khu cách ly, khu phong tỏa có xu hướng gia tăng.
“Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế”, ông Bỉnh nhận định. TP.HCM kỳ vọng khống chế dịch sau 15 ngày giãn cách.
Từ ngày 18/5 đến tối 8/6, TP.HCM ghi nhận ca 461 Covid-19 cộng đồng. HCDC khuyến cáo người dân trung thực trong khai báo y tế khi đi khám bệnh, tuân thủ quy định khu thực hiện cách ly tại nhà, cách ly tập trung, luôn nhớ thực hiện 5K khi ra khỏi nhà.
Ca dương tính COVID-19 tử vong là người bán bánh mì ở Gò Vấp
Zing – Chiều 8/6, bác sĩ Nguyễn Đức Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết ca nghi nhiễm nCoV tử vong sáng cùng ngày là người bán bánh mì, ngụ tại hẻm trên đường Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp.
Theo điều tra ban đầu của ngành y tế, trường hợp tử vong là nữ, 57 tuổi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Gò Vấp trưa 7/6 và phát hiện dương tính COVID-19 qua khám sàng lọc. Khi nhập viện, bệnh nhân có diễn tiến lâm sàng nặng nhanh, trải qua một lần ngưng tim tại Bệnh viện Gò Vấp trên nền có bệnh lý tiểu đường và cao huyết áp.
Đêm 7/6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị do diễn tiến nặng; tuy nhiên, người này tử vong trên đường chuyển viện. Chồng của nữ bệnh nhân được xác định dương tính COVID-19 và đã được đưa đi cách ly tập trung, điều trị.
Điều tra dịch tễ ban đầu tại nơi bệnh nhân sinh sống, bác sĩ Bảo cho biết, đây là hẻm có nhiều người theo đạo sinh sống. Nữ bệnh nhân cùng chồng có giao lưu thường xuyên với hàng xóm.
Ngày 8/6, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa con hẻm và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đối với người ở trong hẻm và khu vực xung quanh.
Hiện, ngành y tế chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca này và đang tích cực truy vết.
Trước đó, đêm 29/5, ngành y tế đã thực hiện lấy mẫu toàn bộ 50.000 người dân phường 15, quận Gò Vấp, sau khi phát hiện 5 mẫu gộp có kết quả nghi nhiễm nCoV. Tuy nhiên, thời điểm đó, lực lượng chức năng chưa phát hiện ca nghi nhiễm kể trên.
Trước đó, TP.HCM ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 tử vong đầu tiên là BN5463, con gái của bà chủ quán bánh canh O Thanh ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Bệnh nhân 5463 có cơ địa tăng huyết áp, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, đã lọc màng bụng 6 năm nay. Người phụ nữ này bị viêm phổi nặng, diễn tiến hô hấp ngày càng xấu, sốc nhiễm trùng kém đáp ứng vận mạch liều cao và tử vong ngày 2/6.
Sợ bị cách ly, 8 người trốn trong thùng xe tải giữa trời nóng 40 độ
Tuoitre – Chiều 8/6, giới chức huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của huyện vừa xử lý 8 người có hành vi trốn tránh kiểm soát y tế.
Trước đó vào ngày 7/6, xe tải do anh Mai Văn M. (trú huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) chạy hướng Bắc – Nam ghé vào chốt kiểm soát y tế ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền) để khai báo y tế.
Trong thời gian chờ phê duyệt, lực lượng công an ở chốt phát hiện dấu hiệu khả nghi nên đã cho kiểm tra xe. Qua kiểm tra phát hiện 8 người trốn sau thùng xe chở máy móc được che bạt kỹ càng giữa thời tiết nắng nóng.
Tám người trên được mời xuống làm việc và khai nhận họ đi từ Nam Định về Huế, do sợ khai báo y tế và cách ly 21 ngày nên trốn trên thùng xe khi qua chốt kiểm soát dịch bệnh.
Ông Thái cho biết 8 người trên sau khi rà soát dịch tễ thấy không phải đi từ vùng dịch trở về nên lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính, chứ không đưa đi cách ly tập trung.
Dự kiến cách ly tập trung 7 ngày với người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin
Zing – Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 8/6 đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước. Hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.
Cũng theo Bộ Y tế, ở một số địa phương khác, những trường hợp mắc đơn lẻ từ người nhập cảnh trái phép hoặc người tiếp xúc với ca bệnh ở ổ dịch cũ vẫn có thể tiếp tục được ghi nhận.
Các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện nhanh. Vì vậy, các ý kiến thống nhất cần tích cực chuẩn bị các giải pháp từ sớm để trong tình huống dịch xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu công nghiệp thì tổ chức xét nghiệm ngay từ những ngày đầu.
Liên quan đến công tác đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài, Ban Chỉ đạo lưu ý phải hoàn thiện về quy trình khép kín.
Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh trong một tuần nữa để Bộ Y tế nghiệm thu, đưa vào hoạt động chính thức, bởi nhu cầu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về rất lớn.
Hệ thống công nghệ này kết hợp với quy định đang được Bộ Y tế hoàn thiện sẽ tạo thành chu trình quản lý khép kín từ khi tiếp nhận nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, khi cách ly tập trung cho đến lúc hết thời gian theo dõi y tế tại nhà.
Theo Ban Chỉ đạo, các đối tượng nhập cảnh sẽ được phân loại thành nhóm khác nhau, trong đó những người nhập cảnh đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ được kiểm tra bằng những xét nghiệm khác nhau để khẳng định việc tiêm vaccine đã có tác dụng. Những người này dự kiến được rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống khoảng một tuần.
Bắt tạm giam 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh
Tuoitre – Chiều 8/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh này là các ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với ông Thắng, ông Vinh còn có ông Lê Mộng Điệp, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa.
Theo các quyết định tố tụng được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra quyết định phê chuẩn, 3 bị can trên bị khởi tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo khoản 3 điều 229 Bộ luật hình sự. Hiện lực lượng chức năng đang thực hiện lệnh khám xét và các thủ tục tố tụng đối với 3 bị can trên.
3 bị can này bị khởi tố do có liên quan đến sai phạm trong việc cho thực hiện 2 dự án trên núi Chín Khúc (thuộc địa bàn TP Nha Trang, huyện Diên Khánh và Cam Lâm).
Thứ nhất là Dự án sinh thái Cửu Long Sơn Tự: Dự án này trước đây có tên là Khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành – khu B, quy mô sử dụng đất khoảng 513ha trên núi Chín Khúc, phần lớn là diện tích đất trồng rừng. Sau 4 lần điều chỉnh (2009-2015), dự án có nhiều thay đổi so với ban đầu, trong đó diện tích phục vụ cho dịch vụ tâm linh tăng lên hơn 5ha.
Điều bất ngờ là trong quyết định chủ trương đầu tư do ông Nguyễn Chiến Thắng – chủ tịch tỉnh Khánh Hòa – ký vào ngày 20/10/2015, có 7.500m2 đất ở lâu dài trên đỉnh núi Chín Khúc.
Dù chưa chuyển mục đích đất rừng sang đất ở, nhưng trong quyết định giao đất của UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 23/10/2015, 7.500m2 này được ghi là đất ở nông thôn, tỉnh giao có thu tiền sử dụng đất, người mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
Mãi đến ngày 18/9/2019, ông Đào Công Thiên – phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa mới ký quyết định điều chỉnh cho công ty nêu trên thuê 7.500m2 đất đã giao trước đó theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và loại đất được ghi là “đất trồng rừng sản xuất”!
Dù chưa đủ điều kiện để thi công dự án như chưa có quy hoạch 1/500 được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có thiết kế… nhưng Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đã san ủi tổng cộng 44ha trên núi Chín Khúc để làm dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự mà không bị các cơ quan chức năng Khánh Hòa xử lý.
Thứ hai là Dự án Biệt thự Sông núi Vĩnh Trung: Là dự án được đổi tên từ dự án Đầu tư trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung. Sau thời gian dài điều chỉnh (2011-2018), dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 2/7/2018 với quy mô 19,65ha nhằm đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái, do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án này được phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Tuy nhiên khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa hoàn thiện trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư và điều kiện khởi công xây dựng, thì chủ đầu tư đã cho thi công san nền là không phù hợp quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.