Cho “mượn vaccine” có phải chuyện khôi hài thời Covid-19?

Lê Thiếu Nhơn

25-7-2021

Ngày 23/7, trên mạng xuất hiện văn bản của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đồng ý cho tập đoạn Vin Group mượn 5 nghìn liều vaccine Moderna, khiến dư luận một phen hoảng hốt. Văn bản này là giả hay thật, mà khó tin đến mức khôi hài như vậy?

Công chúng vừa mới ngỡ ngàng khi vợ chồng một cô hoa khôi khoe khoang được “ông ngoại” sắp xếp đặc cách tiêm vaccine Pfizer của Mỹ, thì lại có thêm một sự “ưu ái” khác thường nữa từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM dành cho tập đoàn Vin Group ư?

Câu chuyện của cô hoa khôi được đặc cách tiêm vaccine thì báo chí bàn tán ầm ĩ khiến Thủ tướng phải chỉ đạo “làm rõ việc tiêm vaccine không cần đăng ký”, còn câu chuyện Vin Group mượn 5 nghìn liều vaccine thì báo chí câm bặt. Đây là một điều không quá khó hiểu, bởi lâu nay hễ tin tức nhạy cảm nào liên quan đến Vin Group đều được các lãnh đạo báo chí nêu lý do để im lặng là “chưa xác định được thực hư, và họ là đối tác quan trọng của chúng ta”.

Có lẽ nhờ Vin Group biết cách “chăm sóc chu đáo” các lãnh đạo báo chí, nên mọi rắc rối về truyền thông đều được hóa giải nhẹ nhàng chăng? Nếu văn bản của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM là giả mạo, thì tại sao báo chí không giúp họ đính chính?

Mặt khác, tại sao báo chí không cho phóng viên tìm hiểu kỹ càng để đánh động cơ quan chức năng xác định tính chân thực của văn bản kia một cách công khai, như cách mà báo chí đã làm với cô hoa khôi tiêm vaccine nhờ “ông ngoại”?

Thử hỏi, nếu văn bản cho mượn vaccine là giả, thì bao giờ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM lên tiếng tự giải oan cho mình?

Tập đoàn Vin Group đã từng đóng góp tài chính cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 là điều đáng trân trọng, nhưng nguyên tắc cơ bản của việc phân phối vaccine phải dựa trên sự minh bạch, công bằng và bình đẳng. Không thể “trông mặt bắt hình dong” để cho… mượn vaccine trớ trêu như vậy. Bởi lẽ, khi mọi người cùng xếp hàng thì không ai có quyền ném ra một cục tiền để chen lên phía trước một cách kém tự trọng và vô văn hóa.

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM lấy quyền gì để cho tập đoàn VinGroup mượn 5 nghìn liều vaccine Moderna? Phải chăng, đó là tài sản riêng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM? Xin thưa, thông qua tổ chức chia sẻ vaccine toàn cầu COVAC, thì Chính phủ Mỹ đã viện trợ 3 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam. Nghĩa là, số lượng vaccine Moderna là công sản, phải được sử dụng theo tiêu chí thống nhất của Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 quốc gia.

Dù tập đoàn Vin Group có sở hữu bệnh viện Vinmec, thì cũng chỉ là một tổ chức tư nhân. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM không thể giúp tư nhân thao túng công sản dưới mọi hình thức. Tại sao lại cho tập đoàn Vin Group mượn, mà không cho cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa nào đó? Tập đoàn Vin Group mượn 5 nghìn liều vaccine thì khi nào họ trả? Và tại sao họ lại mượn vaccine Moderna mà không mượn vaccine khác?

Hãy nhớ rằng, tập đoàn Vin Group không có khả năng sản xuất vaccine, và họ cũng không phải đối tác có thể thương lượng trực tiếp với tổ chức chia sẻ vaccine toàn cầu COVAC, thì họ lấy đâu ra vaccine Moderna để trả lại? Không lẽ mượn vaccine Moderna lại trả bằng vaccine ít được ưa chuộng hơn? Theo tinh thần giao dịch sòng phẳng, mượn tiền Việt thì trả tiền Việt, mượn ngoại tệ thì trả ngoại tê, mượn vaccine Mỹ mà trả vaccine Tàu thì ai hài lòng?

Dù giải thích bằng những ngôn từ hoa mỹ và thống thiết nào, thì việc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho tập đoàn Vin Group mượn 5 nghìn liều vaccine Moderna đều không thể chấp nhận. Bởi lẽ, TP.HCM đang là tâm dịch, đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội suốt hai tháng, nên rất cần chiến dịch tiêm vaccine rộng khắp cho người dân để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã căn cứ vào đâu để có quyết định cao hứng kiểu tùy tiện như vậy? Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh phải ưu tiên vaccine cho TPHCM chống dịch, thì một đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác này lại ngang nhiên tạo cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Đẩy lùi Covid-19 đang là nhiệm vụ cấp bách của cả nước. Các chiến lược và các biện pháp ngăn ngừa phải được quán triệt và thông suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị thì mới mong đạt được kết quả “chống dịch như chống giặc”. Vì vậy, cần lấy lại sự liêm chính cho hoạt động phân bổ vaccine, không thể để vaccine là thứ “mật” để “mượn”.

Related posts