BBC yêu cầu ĐCSTQ ngừng tấn công các phóng viên truyền thông nước ngoài đưa tin lũ lụt ở Hà Nam

Phụng Minh

Cảnh tượng đường hầm Kinh Quãng sau khi cơn bão qua đi (ảnh: Youtube/万维TV).

Sáng ngày 27/7, đài BBC của Anh đã ra tuyên bố yêu cầu chính quyền Trung Quốc “hành động ngay lập tức”, ngừng quấy rối các phóng viên truyền thông nước ngoài đã đưa tin về lũ lụt ở Hà Nam, theo Epoch Times.

Tuyên bố nói rằng cuối tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi mạng xã hội lan truyền thông tin về nơi ở của các phóng viên BBC đã tới để đưa tin về trận lụt ở Hà Nam. Các phóng viên từ các phương tiện truyền thông khác cũng bị bao vây bởi đám đông giận dữ vì họ bị nhầm là phóng viên của BBC. Tuyên bố có đoạn: “Trung Quốc phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn cuộc tấn công nguy hiểm khiến các phóng viên báo chí nước ngoài rơi vào tình thế nguy hiểm”.

Phóng viên BBC tuyên bố rằng những cuộc tấn công nhằm vào họ đã được chính quyền Trung Quốc “lên kế hoạch cẩn thận”, với mục đích cản trở các báo cáo.

Trên phương tiện truyền thông xã hội, các nhóm dư luận viên ngũ mao (5 hào hay 50 xu) đã gọi báo cáo của BBC về trận lũ lụt ở Hà Nam là “tin đồn của BBC” (#BBCSlander) và thẻ trên mạng xã hội bắt đầu bằng #BBCSlander đã được xem hơn 100 triệu lần. Một số người đã bị kích động và quấy rối các phóng viên truyền thông nước ngoài, khiến các phóng viên và gia đình của họ phải nhận những lời đe dọa bạo lực qua điện thoại.

The BBC calls for immediate action by the Chinese government to stop the attacks on journalists following reporting on the floods in Henan Province. pic.twitter.com/gQsRM0svKR— BBC News Press Team (@BBCNewsPR) July 27, 2021

Phóng viên BBC Stephen McDonell cho biết: Đây là một phần của “chiến dịch quấy rối có chủ đích” của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là chống lại BBC. Ông đặt câu hỏi về “những gì có thể được che giấu” trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Đợt quấy rối mới nhất bắt đầu vào thứ Bảy tuần trước. Tài khoản Weibo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hà Nam đã đăng thông tin của phóng viên BBC Robin Brant trên Internet, nhắc nhở công chúng cảnh giác với cuộc phỏng vấn của phóng viên này, và thậm chí còn cung cấp những bức ảnh bị nhầm là phóng viên BBC, kêu gọi trên cư dân mạng cung cấp nơi ở của anh ở Trịnh Châu.

Trên mạng xã hội, một số lượng lớn người của nhóm 50 xu đã tấn công các phóng viên truyền thông nước ngoài. Có người viết: “Nếu ai gặp họ, hãy dùng búa đập chết họ; dùng búa đập cho đến khi bà của người đó không thể nhận ra”. Một bài đăng khác nói rằng hàng trăm người đang tìm kiếm các phóng viên truyền thông nước ngoài và chuẩn bị trình báo cảnh sát.

Video: Phóng viên BBC đưa tin về thảm họa Hà Nam bị một nhóm côn đồ bao vây. https://www.youtube.com/embed/MbCfJdNKxsQ

Chủ nhật tuần trước tại Trịnh Châu, Hà Nam, một nhóm côn đồ đã bao vây Mathias Boelinger của trang Deutsche Welle và Alice Su của Los Angeles Times. Họ nhầm Bollinger với Robin Brant. Một số người đã vặn cánh tay anh, còn một số khác thì dùng điện thoại di động chụp ảnh và mắng nhiếc anh, cho rằng anh tung tin đồn thất thiệt, bêu xấu Trung Quốc và “dằn mặt” anh.

Bollinger viết trên Twitter: “Họ tiếp tục lôi kéo tôi, la hét rằng tôi là kẻ xấu, và bảo tôi ngừng vu khống Trung Quốc.” “Một người (đang cố gắng) lấy điện thoại của tôi.” Một người cũng lấy ra một bức ảnh của Robin Brant và liên tục hỏi: “Đây có phải là anh không?”.

Sau đó tình hình dịu đi. Bollinger nói rằng nếu Robin Brant thực sự bị bao vây, thật khó để tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. “Môi trường truyền thông hiện nay ở Trung Quốc thực sự rất khủng khiếp”.

Steven Butler, Điều phối viên Dự án Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, cho biết: “Hành vi quấy rối các nhà báo nước ngoài đang đưa tin đã đạt đến mức không thể chấp nhận được. Chính quyền Trung Quốc nên cung cấp một môi trường an toàn cho các nhà báo đưa tin về thảm họa thiên nhiên hoặc bất kỳ vấn đề nào khác, cho dù họ là nhà báo trong nước hay quốc tế, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2″.

Tuy nhiên, thực tế là mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc đối với các nhà báo nước ngoài đã tăng lên theo cấp số nhân. Trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 18 phóng viên của The New York Times, Tạp chí Phố Wall và The Washington Post đã bị trục xuất.

Một số nhà báo nước ngoài, trong đó có John Sudworth của BBC, các nhà báo Úc Bill Birtles và Michael Smith, đã buộc phải rời đi nhanh chóng do lo ngại cho sự an toàn của họ.

Related posts