Sáng 27/8: Sài Gòn test nhanh 950,000 mẫu, hơn 32,000 mẫu dương tính

Hiểu Minh

Sài Gòn lấy gần 950.000 mẫu test nhanh, hơn 32.000 mẫu dương tính

Zing – Chiều tối 26/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ 23/8 đến 25/8, thành phố đã lấy 947.000 mẫu test nhanh ở vùng đỏ, cam, đạt kết quả như kế hoạch.

Trong số đó có 32.700 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 3,4%. Tuy nhiên, vẫn còn một số quận, huyện vùng vàng, xanh triển khai xét nghiệm chậm, có nơi đạt tỷ lệ chưa tới 50%. Đây là hạn chế phải tập trung giải quyết thời gian tới.

Thành phố trải qua 89 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần kể từ 31/5. Từ 27/4 đến tối 26/8, địa phương ghi nhận hơn 194.000 ca nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu bỏ ngay ‘giấy phép con’

Thanh Niên – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, chỉ đạo ngay các tỉnh, thành phố bãi bỏ các quy định khác nhau cản trở lưu thông hàng hoá, hạn chót là chiều 28/8.

Cụ thể, trong công điện khẩn gửi các địa phương đêm qua, 26/8, Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với Thành uỷ, UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, lưu thông hàng hoá.

Tại cuộc họp, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống nhất việc lưu thông hàng hoá. Lý do, hiện nay một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng như: yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của Giấy xét nghiệm COVID-19 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm); giấy xét nghiệm COVID-19 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với sở công thương trước khi vào địa phương.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT khẩn trương làm việc với các địa phương để thống nhất trong triển khai thực hiện, bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường chống dịch.

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai việc thống nhất quy trình kiểm tra xe vận tải theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT.
Đặc biệt, chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8, các văn bản của Chính phủ về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Đồng thời, các địa phương phải chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát về Bộ GTVT trước 15 giờ chiều mai 28/8, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Công an TP.HCM không cấp giấy đi đường cho tổ chức chở oxy, suất ăn

Zing – Chiều 26/8, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM chỉ cấp giấy đi đường cho cá nhân thuộc diện được lưu thông theo quy định của UBND TP.

Trả lời vấn đề các cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện chở bình oxy, cung cấp suất ăn cho lực lượng tuyến đầu, người dân khó khăn có được cấp giấy đi đường hay không, thượng tá Hà cho hay quan điểm Công an TP.HCM rất quý và chia sẻ tình cảm này.

Tuy nhiên, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các tổ chức này chỉ mang tính nhỏ lẻ và vận chuyển mỗi lần vài chục đến vài trăm suất ăn sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, dù hiểu là thiện nguyện là việc tốt nhưng đơn vị không thể cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng này. Ông cho rằng nên có sự tập trung lại theo tổ chức hoặc chuyển về tổ công tác đặc biệt để đưa về các nơi có nhu cầu.

Thượng tá Hà thông tin thêm, đối với những trường hợp vận chuyển oxy, thuốc men có giấy tờ kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hợp đồng vận chuyển hỗ trợ đội ngũ phòng chống dịch thì được phép lưu thông và không cần giấy đi đường.

Mặt khác, người dân đi tiêm vaccine, tái khám, có bệnh án, có thông tin rõ ràng thì được phép di chuyển cũng không cần giấy đi đường.

Di dời 2.000 người dân quận Bình Thạnh để bảo đảm giãn cách

Baotintuc – Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, tính đến 18 giờ ngày 26/8, đã có trên 600 người trong số 2.000 người dân sống tại các khu trọ, nhà lụp xụp, nhà trên ven kênh, hẻm sâu và đặc biệt là hộ gia đình có người trên 65 tuổi, bệnh lý nền thuộc các Phường 12 và 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã được dời về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và Khu chung cư 1050, quận Bình Thạnh để bảo đảm phòng, chống dịch và an sinh xã hội trong những ngày giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngoài chỗ ở, mỗi người dân còn được hỗ trợ 500.000 đồng tiền mặt, túi an sinh, tiêm vaccine phòng COVID-19 và hàng ngày được chính quyền địa phương cung cấp suất ăn, lương thực thực phẩm cho đến hết 15/9.

Theo ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh cho hay, việc di dời không chỉ bảo đảm người dân được hỗ trợ về đời sống, chăm lo về y tế mà còn hạn chế tối đa việc lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19.

Xông gì để giảm các triệu chứng COVID-19?

Thanhnien – Bác sĩ chuyên khoa 2, Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Chúng ta có thể tìm những lá có sẵn ở địa phương để nấu một nồi nước xông tại nhà như sau:

– Lá có tác dụng kháng sinh: Lá hành, lá tỏi, kim ngân hoa, sài đất, bồ công anh…

– Lá có tác dụng hạ sốt: Lá tre, lá trúc, đậu săng, lá duối…

– Lá có tinh dầu, có tác dụng sát trùng đường hô hấp: Lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu…

Mỗi thứ một nắm nhỏ, tổng cộng khoảng 200-300 gram, rửa sạch lá, cho vào nồi khoảng 2-3 lít nước, đun sôi. Đặc biệt, những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại khoảng 10-15 phút, bắc ra.

Khi xông trùm chăn kín cả người nếu xông toàn thân, kín 1 vùng nếu xông bộ phận. Thí dụ, xông tai mũi họng thì trùm kín vùng đầu mặt cổ và nồi xông, mở nồi nước xông từ từ cho hơi nóng của nước và mùi tinh dầu bốc lên toàn thân hay bộ phận. Xông từ 10 – 20 phút. Xông hơi xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh.

Hải Phòng: Hai chị em chết đuối sau trận mưa gây ngập lụt

Tuoitre – Chiều 26/8, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Công an Hải Phòng tổ chức tìm kiếm cháu Đ.G.L. (12 tuổi) và em gái là Đ.K.C. (11 tuổi) bị đuối nước tại khu vực hồ Tiên Nga, thuộc phường Gia Viên.

Trước đó vào khoảng 13h chiều cùng ngày, hai chị em L. có ra khu vực trước cửa nhà thuộc khu dân cư ven hồ Tiên Nga để chơi. Thời điểm này, dù trời đã tạnh mưa nhưng nước hồ lên cao, tràn lên cả mặt đường nên không thể phân biệt được mặt đường với lòng hồ.

Trong lúc chơi đùa ở ven đường, 2 cháu bé bị ngã xuống lòng hồ và mất tích. Nhận tin báo, người dân cùng với lực lượng chức năng đã khẩn trương tìm kiếm.

Công an quận Ngô Quyền huy động xuồng máy và lực lượng người nhái để tìm kiếm các nạn nhân. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến cuối ngày 26-8, thi thể của hai cháu bé đã được tìm thấy ở gần khu vực nhà nạn nhân. 

Tại hiện trường, xung quanh hồ Tiên Nga có nhiều hộ dân sinh sống và chỉ nằm cách hồ một con đường nhỏ, không có lan can để ngăn cách với con đường này.

Trong ngày 26/8, Hải Phòng xảy ra mưa lớn bất thường khiến hàng loạt phố phường bị ngập úng sâu đến gần 1m, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Related posts