Hùng Bân
Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande Group bị gãy vốn và hiện đang lâm vào khủng hoảng nợ. Ngày 8/9, một sản phẩm của Evergrande đã hết kỳ hạn nhưng không được hoàn lại tiền. Từ ngày 10/9, một số lượng lớn nạn nhân đã tập hợp tại các công ty Evergrande trên khắp Trung Quốc và trụ sở Thâm Quyến Evergrande để đòi tiền. Ngay cả nhân viên Evergrande cũng là nạn nhân, họ cũng đến để đòi lại tiền lương “mồ hôi nước mắt” của mình.
Một số người cho vay và là nạn nhân của Evergrande nói với phóng viên của báo Epoch Times rằng họ không thể chấp nhận “phương án hoàn tiền” mà công ty này đề xuất vào ngày 10/9, vì lo lắng rằng một khi việc thanh toán bị trì hoãn, tiền của họ sẽ không thể lấy lại được nữa.
Vào ngày 11/9, hàng trăm người đã tập trung tại Trung tâm Hành chính Thâm Quyến. Đoạn video trực tiếp cho thấy phía chính quyền đã điều động một lượng lớn cảnh sát và xe buýt đến chờ sẵn. Một số người bị cảnh sát bắt lên xe, một số khác quỳ trước tòa thị chính khóc lóc, số khác chặn xe của lãnh đạo Evergrande trước cổng tòa nhà trụ sở…nhiều người trong số họ bị kích động và kêu khóc: “Tất cả tiền đã đổ vào ngôi nhà, phải làm sao bây giờ? Muốn ép người ta phải nhảy lầu sao? Họ không thể giải quyết được vấn đề rồi!”
Nạn nhân đã tập trung tại các điểm kinh doanh của Evergrande trên khắp cả nước để đòi lại tiền
Một ngày trước đó, tại 12 địa điểm kinh doanh trên khắp cả Trung Quốc, bao gồm Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Giang Tây, Hồ Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Thượng Hải, Trùng Khánh, Trung tâm Evergrande Quảng Châu và trụ sở Evergrande Thâm Quyến, một số lượng lớn nạn nhân đã tập trung lại để đòi lại tiền. Sự việc kéo dài đến tận đêm khuya, một số người không muốn rời đi, nhiều người ngủ vật vạ trên sàn nhà.
Đoạn video cho thấy đám đông đã đưa ra các yêu cầu chủ yếu của họ đối với ban quản lý Evergrande: “Cho dù (các sản phẩm tài chính của Evergrande) đến hạn hay chưa đến hạn, chúng tôi yêu cầu nhất định phải tạm dừng hợp đồng ngay lập tức, không cần tính lãi suất, tất cả tiền gốc phải được thu hồi toàn bộ. Thứ hai, Evergrande phải đưa ra một khoảng thời gian có thể chấp nhận được, ví dụ như cuối tháng 9, cuối tháng 10, còn như nói 3 năm, 5 năm chắc chắn là không thể được!”
Vào ngày 10/9, đại diện pháp lý Đỗ Lượng (Du Liang) của Evergrande đưa ra “phương án hoàn trả cho các sản phẩm của Evergrande” bằng lời: “số tiền gốc ít hơn 100.000 Nhân dân tệ sẽ được hoàn trả khi đến hạn; số tiền gốc 100.000 NDT đến kỳ hạn sẽ được hoàn trả một nửa, nửa còn lại được hoàn trả 1 năm sau đó; số tiền gốc từ 100.000 NDT đến 300.000 NDT sẽ không được hoàn trả khi đáo hạn mà sẽ được hoàn trả trong vòng 4 năm tiếp theo; số tiền gốc trên 300.000 NDT thì sẽ không được hoàn trả khi đáo hạn mà sẽ được hoàn trả trong vòng 5 năm tới.”
Tuy nhiên, phương án này khiến dư luận bất bình.
Người cho vay dưới bút danh Tiểu Từ nói với phóng viên tờ Epoch Times: “Bây giờ mọi người đang tẩy chay kế hoạch hoàn trả của ông ấy. Kế hoạch này là để kéo tất cả mọi người vào chỗ chết và cuối cùng sẽ không hoàn tiền. Hiện giờ, mục đích bảo vệ quyền lợi của mọi người là phản đối phương án hoàn trả [trên] của Evergrande.”
Ông Trần, một người cho vay khác, nói ông cho rằng mục đầu tiên của kế hoạch này là hoàn toàn vô nghĩa. Ông nói: “Bởi vì các sản phẩm quản lý tài sản đều là từ 100.000 Nhân dân tệ trở lên, không có sản phẩm dưới 100.000 NDT. Còn các phương thức thanh toán khác bên dưới, đã nói rõ rằng, bạn dù đã đầu tư bao nhiêu tiền, thì năm nay bạn cũng không thể lấy lại tiền, nhanh nhất cũng phải đến năm sau, nhưng có chuyện gì xảy ra vào năm sau? Ai mà biết được?”.
Ông Trần nói: “Evergrande có nhiều tài sản như vậy, cái gì nên bán thì hãy bán đi, sẽ có ngay tiền mặt. Hầu hết mọi người đều mua phần quản lý tài chính này. Nếu phần này không được thanh toán thì xã hội sẽ không ổn định, họ (công ty) nên trả lại tiền của phần này của người dân trước.”
Lo ngại về tương lai không chắc chắn của Evergrande, tất cả các bên đều yêu cầu trả lại tiền
Đoạn video cho thấy, không chỉ nạn nhân của Evergrande đến đòi tiền, mà các nhà thầu và người bán các dự án của Evergrande cũng đến để đòi tiền lương. Ngày 6/9, Dự án Hồ Bắc Hoàng Thạch Evergrande bị nợ lương, các nhân viên bán hàng ở tuyến đầu đã đến kéo biểu ngữ phản đối. Vào ngày 10/9, các nhân viên của Evergrande đã giơ một tấm biểu ngữ trước tòa nhà và hét lớn: “Hãy trả lại tiền mồ hôi nước mắt của nhân viên.”
Anh Tiểu Trương (bút danh), một người cho vay của Evergrande, nói với báo Epoch Times rằng tin đồn về việc Evergrande có thể tuyên bố phá sản vào ngày 20/9, khiến anh ta cảm thấy bi quan về tương lai của tập đoàn này và đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Anh nói: “Mọi người đều biết rằng phương án này đã được báo cáo với chính quyền Thâm Quyến và Quảng Đông. Một khi chính quyền đồng ý, vấn đề sẽ bị định cứng lại. Vậy còn có thể nói gì nữa? Thảm nhất là vào hai ngày cuối tuần vừa qua, Trung tâm Evergrande như thể vườn không nhà trống, nếu như đến ngày 20 Evergrande phá sản, thì còn mong đợi gì để trì hoãn thanh toán?”
Evergrande không thể hoàn tiền khi đáo hạn, các cơ quan chính quyền đùn đẩy việc giải quyết
Công ty Quản lý Tài chính Evergrande được thành lập vào năm 2015, có trụ sở chính tại Thâm Quyến. Các bản ghi trò chuyện chảy ra từ nhóm WeChat công ty Evergrande cho thấy, một số nhân viên nói rằng 99% nhân viên công ty cũng đã mua các sản phẩm của công ty. Ngày 8/9, một sản phẩm của Evergrande đã hết kỳ hạn nhưng không được hoàn lại tiền. Ngày 10/9, rất đông nhân viên đã tập trung tại trụ sở Thâm Quyến Evergrande để đòi quyền lợi của mình.
Một số nạn nhân đã gọi điện cho Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm & Ngân hàng Trung Quốc và các cơ quan chính phủ khác, nhưng phản ứng của các cơ quan này đều là đùn đẩy cho nhau. Trong đó, nhân viên của Cục Tài chính Thâm Quyến trả lời: “Chúng tôi không chắc liệu Evergrande có thuộc Cục Tài chính hay không, hay là thuộc Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc hoặc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc? Nó hiện không có trong danh sách P2P của chúng tôi.”
Trong ngày 10/9, các phóng viên của Epoch Times đã liên tục gọi đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của Evergrande nhưng đều không thể kết nối.
Hùng Bân, Epoch Times