Tin thế giới sáng thứ Tư

Lo ngại về Trung Quốc, Liên Âu thúc đẩy mạnh quan hệ với các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương

Thùy Dương

Cờ của các nước thành viên NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 25/05/2017. AP – Geert Vanden Wijngaert

Liên Hiệp Châu Âu tìm kiếm các quan hệ đối tác kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, cũng như quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với Đài Loan nhằm củng cố ảnh hưởng ở châu Á sau sự rút lui quân sự hỗn loạn của phương Tây khỏi Afghanistan.

Theo dự thảo tài liệu chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà trang tin Nikkei Asia tiếp cận được, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tìm cách củng cố chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn có giá trị với các đối tác châu Á trong bối cảnh mối lo đại dịch gây ra nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng công nghiệp tăng cao. Bruxelles cũng muốn tổ chức đàm phán với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để giải quyết sự phụ thuộc chiến lược của Liên Âu vào nguồn cung cấp chất bán dẫn.

Trung Quốc cũng là tâm điểm trong các mối quan tâm của Liên Hiệp Châu Âu. Dự thảo chiến lược cảnh báo là những căng thẳng về các vùng lãnh thổ và vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp với nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, “có thể tác động trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng của châu Âu”.  

Tài liệu cũng cho thấy sự quan tâm của Bruxelles đối với việc hợp tác với liên minh Bộ Tứ – QUAD (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) về các chủ đề các bên cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, công nghệ hoặc vac-xin ngừa Covid-19.

Về quân sự, Liên Hiệp Châu Âu có kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập trận chung và ghé thăm cảng các nước đối tác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, để bảo vệ tự do hàng hải và chống cướp biển. Tuy nhiên, theo bình luận ngày 14/09/2021 của Nikkei Asia, các khía cạnh quân sự không được đề cập sâu rộng phản ánh năng lực quân sự chung của Liên Hiệp Châu Âu còn hạn chế và Bruxelles vẫn tiếp tục phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ trong các chiến dịch lớn.  

Hiện giờ, Liên Hiệp Châu Âu từ chối đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về dự thảo chiến lược, nói rằng Bruxelles không bình luận về những thông tin mà họ xem là bị rò rỉ.  

TT Mỹ Biden tổ chức thượng đỉnh trực tiếp với nguyên thủ Ấn – Nhật – Úc
Nhà Trắng hôm qua 13/09/2021 thông báo tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp đón thủ tướng các nước Ấn Độ, Nhật Bản và Úc vào ngày 24/09 tại Washington.

Thượng đỉnh Bộ Tứ – QUAD giữa tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và thủ tướng Úc Scott Morrison nhằm giúp các nước “củng cố mối quan hệ và tăng cường hợp tác” chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Bộ Tứ QUAD cũng muốn cam kết “xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” – ngôn từ ngoại giao thường được dùng để tố cáo tham vọng trong khu vực của Trung Quốc. Nhà Trắng nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của các nhà lãnh đạo QUAD lần này cho thấy khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thực sự là một trong những “mối ưu tiên” của chính quyền Joe Biden.  

AFP nhắc lại là khác với người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden hy vọng “hồi sinh liên minh ngoại giao” và thúc đẩy các đồng minh truyền thống của Washington thể hiện “lập trường thẳng thắn” để đối phó với Trung Quốc. 


Đài Loan thách thức Trung Quốc, cử một phái đoàn đến thăm ba nước Đông Âu

Minh Anh

Cờ Đài Loan trong buổi lễ hạ thủy tầu hộ vệ Ta Jiang do Đài Loan tự sản xuất ở căn cứ hải quân Tô Áo (Suao), huyện Nghi Lan (Yilan), Đài Loan, ngày 09/09/2021. AP – Chiang Ying-ying

Chính phủ Đài Loan ngày 14/09/2021 cho biết một phái đoàn ngoại giao do Vụ trưởng Vụ Châu Âu của bộ Ngoại Giao dẫn đầu sẽ đến thăm ba nước Slovakia, Cộng hòa Séc và Litva, bất chấp việc Bắc Kinh luôn phản đối các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.

AFP dẫn lời ông Trần Lập Khoát (Chen Li Kuo), vụ trưởng Vụ Châu Âu cho biết phái đoàn gồm 65 thành viên, trong vòng 10 ngày từ 20-30/10/2021, sẽ lần lượt đến thăm ba nước Slovakia, Cộng Hòa Séc và Litva nhằm xúc tiến các mối quan hệ thương mại và đầu tư.

Đây cũng là ba nước Đông Âu đã hỗ trợ vac-xin ngừa Covid-19 cho Đài Loan. Cả ba nước này cũng bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ với hòn đảo tự trị, bất chấp những phản đối từ Trung Quốc.

Hãng tin Pháp nhắc lại, hồi tháng 7 năm nay, Litva là quốc gia đầu tiên cho mở văn phòng đại diện có tên là « Đài Loan » tại Vilnius thay vì là Đài Bắc. Đầu năm 2021, Litva thông báo rời diễn đàn hợp tác 17+1 của Trung Quốc với sự tham dự của các quốc gia Đông – Trung Âu.

Trước đó, cuối năm 2019, chính quyền Praha cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận kết nghĩa với Bắc Kinh và ký thỏa thuận với Đài Bắc trong chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan do lãnh đạo Thượng Viện Cộng hòa Séc, Milos Vystrcil dẫn đầu. Sự việc đã khiến Bắc Kinh nổi giận.

Hiện tại, chỉ có 15 nước trên thế giới vẫn công nhận Đài Loan, mà Trung Quốc luôn xem là một « tỉnh nổi loạn » và đe dọa sáp nhập hòn đảo này với Hoa Lục bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh cũng không ngừng gia tăng sức ép đối với nhiều nước đồng minh của Đài Loan, nhất là kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống năm 2016.


Afghanistan : Tổng thư ký LHQ cảnh cáo ý đồ áp đặt lệnh trừng phạt

Minh Anh

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trả lời họp báo về tình hinh nhân đạo ở Afghanistan, Geneve, Thụy Sĩ, ngày 13/09/2021. AP – SALVATORE DI NOLFI

« Đối thoại với Taliban để giúp đỡ tốt hơn người dân Afghanistan ». Tổng thư ký Antonio Guterres, trong cuộc họp ngày hôm qua 13/09/2021 với các nước thành viên Liên Hiệp Quốc bàn về Afghanistan đã kêu gọi như trên. Gần một tỷ đô la hỗ trợ đã được nhiều nước hứa đóng góp.

Hội thảo về Afghanistan được tổ chức vào lúc cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo có nguy cơ đẩy toàn bộ người dân Afghanistan xuống dưới ngưỡng nghèo khổ. Do vậy, theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói chuyện với những thành phần Hồi Giáo cực đoan là việc cần thiết.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường thuật :

« Antonio Guterres không chỉ kêu gọi đại biểu các nước thành viên – bị phân tán tâm trí vào đầu phiên họp – phải trật tự, mà còn kêu gọi họ nên gánh vác các trách nhiệm. Đối mặt với tình trạng khẩn cấp nhân đạo, việc xem xét có nên tin vào Taliban hay không khi phe này khẳng định sẽ tôn trọng nữ quyền và các sắc tộc thiểu số không còn là một ưu tiên.

Điều quan trọng là làm thế nào tiếp cận được 11 triệu người dân Afghanistan đang trông đợi một sự hỗ trợ nhân đạo. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc còn cảnh cáo mọi ý đồ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tân chủ nhân của Kabul.

Ông nói : “Đừng nên ảo tưởng. Chúng ta không muốn tìm cách biến Afghanistan thành một nước Thụy Điển mới, hay một Thụy Sĩ mới. Nhưng có một số quyền cơ bản phải được áp dụng tại Afghanistan và đó mới chính là trọng tâm sứ mệnh của chúng ta với Taliban. Cho dù những người đại diện cho một đất nước, bất kể họ là ai, hành xử kém, tôi không tin rằng việc áp đặt một trừng phạt tập thể nhằm vào toàn thể người dân sẽ làm nên chuyện.”

Đối với Liên Hiệp Quốc, nỗi lo ở đây chính là phải nhìn thấy các định chế quốc tế tiếp tục phong tỏa nguồn dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Rồi một cuộc khủng hoảng tiền tệ đi kèm theo khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo.

Theo ông Antonio Guterres, nếu kinh tế Afghanistan vẫn thiếu tiền mặt, hệ quả sẽ “rất tàn khốc”, có nguy cơ dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt sang các nước khác trong khu vực ».


TT Nga Putin tiếp đồng nhiệm Assad, chỉ trích sự can thiệp của nước ngoài vào Syria

Thùy Dương

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đồng nhiệm Syria Bachar Al Assad tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 14/09/2021. AP – Mikhail Klimentyev

Đón tiếp tổng thống Syria Bachar Al Assad tại Moscow ngày 13/09/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Syria, hoan nghênh việc phiến quân và thánh chiến Hồi Giáo bị thiệt hại đáng kể.

Trong cuộc gặp trực tiếp hiếm hoi với đồng nhiệm Syria, tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định « những kẻ khủng bố đã chịu thiệt hại đáng kể » ở Syria, nơi mà theo ông lực lượng của chính phủ kiểm soát tới « 90% lãnh thổ ». Tuy nhiên, theo thông cáo ngày 14/09 của điện Kremlin, ông Putin nhận định « vấn đề chính » của Syria là sự can thiệp của nước ngoài vào lãnh thổ Syria.  

Đối với nguyên thủ Nga, việc các lực lượng vũ trang nước ngoài « hiện diện ở một số vùng thuộc lãnh thổ Syria » mà không thông qua « quyết định của Liên Hiệp Quốc » và « không có sự đồng ý » của Syria rõ ràng là « trái với luật pháp quốc tế » và không giúp Syria đạt được nhiều nỗ lực nhất để củng cố đất nước và những tiến bộ trong công cuộc tái thiết đất nước. Theo AFP, tổng thống Nga cũng khẳng định Bachar Al Assad đang làm rất nhiều để đối thoại với các đối thủ chính trị.  

Về phía Bachar Al Assad, ông ca ngợi tổng thống Putin về những kết quả quan trọng mà Nga và Syria đạt được trong việc giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiến binh thánh chiến chiếm đóng và diệt trừ chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, Bachar Al Assad thừa nhận « các tiến trình chính trị » để chấm dứt chiến tranh Syria đã đình lại và theo ông, đó là do ảnh hưởng mang tính « phá hoại » của một số Nhà nước. Tổng thống Syria coi việc « một số quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào người dân Syria » là hành vi « chống nhân loại, chống Nhà nước và phi pháp ».


Covid-19 : Số ca nhiễm tăng gấp đôi ở đông nam Trung Quốc

Minh Anh

Tranh cổ động về Covid-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/09/2021. AP – Andy Wong

Tại Trung Quốc, theo thông báo của giới chức y tế hôm nay, 14/09/2021, số ca nhiễm mới tại tỉnh Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc) đã tăng gấp đôi. Các biện pháp hạn chế đã được thiết lập nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ủy Ban Y Tế Quốc Gia cho biết phát hiện 59 ca nhiễm mới ở Trung Quốc trong ngày 13/09, so với con số 22 người ngày hôm trước. Tất cả những ca nhiễm mới này đều nằm ở tỉnh Phúc Kiến.

Ngoài ra, theo AFP, chỉ trong vòng có bốn ngày, giới chức y tế ghi nhận đã có 102 ca nhiễm Covid-19 mới tại ba thành phố của tỉnh Phúc Kiến trong đó có Tư Minh (Xiamen) – một địa điểm du lịch quan trọng và có 50 triệu dân. Dịch bệnh bùng phát trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ mừng Quốc Khánh, ngày 01/10, một kỳ nghỉ quan trọng cho ngành du lịch Trung Quốc.

Nhật Bản tiếp tục tặng vac-xin cho Đài Loan và nhiều nước láng giềng
Về phần mình, Tokyo loan báo trao tặng thêm 1,3 triệu liều vac-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 cho Đài Loan và nhiều nước khác tại châu Á.

Cụ thể, theo như tuyên bố của ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, được Reuters trích dẫn, Nhật Bản sẽ tặng thêm 500 ngàn liều vac-xin cho Đài Loan, 400 ngàn cho Việt Nam, 300 ngàn cho Thái Lan, và 100 ngàn cho Brunei. Tính đến ngày 14/09, Nhật Bản đã viện trợ hơn 23 triệu liều vac-xin AstraZeneca sản xuất tại Nhật Bản đến nhiều nước phía nam trong vùng và các đảo quốc Thái Bình Dương.

Related posts