Thượng Đỉnh Đông Á: Mỹ cam kết sát cánh cùng đối tác bảo vệ tự do hàng hải
Trọng Nghĩa
Trong cuộc họp trực tuyến ngày hôm qua 27/10/2021 của các lãnh đạo trong khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS (East Asian Summit), có sự tham dự của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại cam kết cùng với các đối tác trong khu vực bảo vệ tự do trên biển và dân chủ.
Trong một bản thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết là tổng thống Mỹ đã nhắc rằng Hoa Kỳ luôn luôn gắn bó với “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế” đồng thời bày tỏ thái độ “quan ngại trước các mối đe dọa trật tự đó”. Ông Joe Biden cũng nói rõ là nước Mỹ “sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác để hậu thuẫn cho dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và quyền tự do hàng hải”.
Thông điệp của tổng thống được cho là nhắm vào các hành động của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh không ngần ngại dùng biện pháp mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng biển, bất chấp phản đối của các láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines hay Malaysia.
Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ các nước Đông Nam Á trong hồ sơ Biển Đông, thường xuyên cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tại hội nghị, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nêu lên vấn đề Biển Đông. Phát biểu với báo chí sau hội nghị trực tuyến, ông Kishida cho biết là ông đã chuyển đến các lãnh đạo khác “lập trường kiên định” của Nhật Bản về an ninh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đại diện Bắc Kinh tham gia Thượng Đỉnh Đông Á, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã biện minh cho các hành động của Trung Quốc. Hãng tin Kyodo, trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết là phát biểu với hội nghị vào hôm qua, ông Lý Khắc Cường đã khẳng định rằng nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, “tình hình ở Biển Đông nhìn chung đã duy trì được sự ổn định, và chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra đối với tự do hàng hải và hàng không”
Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, trong phát biểu hôm qua tại Thượng Đỉnh Đông Á, tổng thống Mỹ Biden cho biết Washington sẽ bắt đầu đàm phán với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương về việc phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực, điều được cho là thiếu sót lớn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hiện nay.
Theo Reuters, một quan chức Mỹ cao cấp trong chính quyền Biden đã nói ngay sau đó là sáng kiến mà ông Biden loan báo “không phải là một thỏa thuận thương mại”, theo kiểu như Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ đã từ bỏ.
Thượng Đỉnh Đông Á là cơ chế tập hợp 10 nước Đông Nam Á ASEAN, ba nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), một nước Nam Á là Ấn Độ, hai nước châu Đại Dương (New Zealand và Úc) cùng với Mỹ và Nga.
Tổng thống Mỹ lên án Trung Quốc “hung hăng” và “cưỡng bức” Đài Loan
Thanh Hà
“Những hành động cưỡng bức và hung hăng của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”. Phát biểu tại thượng đỉnh Đông Á trực tuyến hôm 27/10/2021 tổng thống Joe Biden đã tuyên bố như trên. Cùng lúc, trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, tổng thống Thái Anh Văn, khẳng định tin Hoa Kỳ “bí mật” huấn luyện cho quân đội Đài Loan trước nguy cơ hòn đảo này bị Bắc Kinh xâm chiếm.
Tuần trước tổng thống Biden đã tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Hôm qua lãnh đạo Nhà Trắng trực tiếp bày tỏ lo ngại Trung Quốc có những hành động “cưỡng bức và hung hăng” gây bất ổn cho khu vực eo biển Đài Loan.
Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ thượng đỉnh Đông Á trực tuyến, quy tụ 10 thành viên Hiệp Hội Đông Nam Á-ASEAN và nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản … Thủ tướng Lý Khắc Cường đại diện cho Trung Quốc.
Cũng tổng thống Biden một lần nữa đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên biển khi nhấn mạnh Hoa Kỳ cam kết bảo vệ “tự do lưu thông hàng hải, vì những tuyến đường biển rộng mở, để giao thông hàng hải không gặp bất kỳ một trở ngại nào, kể cả trong vùng Biển Đông”.
Trên một mặt trận ngoại giao khác, Bắc Kinh đang tức giận vì ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đòi Đài Loan phải có được tiếng nói xứng đáng trong các định chế đa quốc gia trực thuộc Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh những thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan, trên đài truyền hình CNN cũng ngày 27/10/2021 tổng thống Thái Anh Văn xác nhận “sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Đài Loan”.
Đầu tháng 10, báo tài chính The Wall Street Journal tiết lộ Hoa Kỳ điều thủy quân lục chiến sang Đài Loan để huấn luyện cho hải quân và lục quân nước này. Tuy nhiên theo lời tổng thống Đài Loan số lượng các quân nhân Mỹ hiện diện tại Đài Loan “không nhiều như báo chí loan tải” cho dù mối đe dọa Trung Quốc đang “lớn thêm từng ngày”. Tổng thống Thái Anh Văn cho biết bà “tin tưởng” Mỹ sẽ “bảo vệ” Đài Loan trước nanh vuốt của Bắc Kinh “trong trường hợp cần thiết”.
ASEAN – Úc nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”
Thu Hằng
Lần đầu tiên kể từ năm 1974, ngày 27/10/2021, ASEAN và Úc đã họp thượng đỉnh trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39. Trong tuyên bố chung, hai bên đồng ý thiết lập « quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi ».
Để đánh dấu sự kiện này, chính quyền Canberra đề xuất Sáng kiến Úc vì Tương lai ASEAN (The Australia for ASEAN Futures Initiative) và thông báo cấp thêm 124 triệu đô la Úc hỗ trợ các dự án hợp tác ứng phó với các thách thức nảy sinh trong vùng như an ninh y tế, khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, an ninh năng lượng… cũng như những ưu tiên trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương (AOIP).
Ngoài nhấn mạnh đến phục hồi kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu…, vấn đề Biển Đông được nhắc đến trong điều thứ 24 của Tuyên bố chung, theo đó ASEAN và Úc « tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông », « không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chiểu theo những quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ».
Đối với Úc, việc nâng tầm quan hệ với ASEAN là « một cốt mốc quan trọng nhấn mạnh đến cam kết của Úc đối với vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ-Thái Bình Dương », theo nội dung trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh. Dù các mục tiêu chiến lược cụ thể chưa được công bố, nhưng thủ tướng Scott Morrison hứa là Úc « sẽ hết sức ủng hộ ».
Còn hãng tin Reuters nhận định việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Úc cho thấy tham vọng của Canberra muốn đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, chỉ vài tháng sau khi cùng với Mỹ và Anh lập liên minh AUKUS với mục đích là kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Úc hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương với nhiều nước thành viên ASEAN như Indonesia, Malaisia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam.
Năm 2020, Bắc Kinh cũng đề xuất nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Sau buổi họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 26/10, thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết ASEAN và chủ tịch Tập Cận Bình sẽ họp thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11.
Iran và các láng giềng Afghanistan tìm kiếm lập trường chung đối với Taliban
Thu Hằng
Iran đã tổ chức họp với ngoại trưởng của sáu nước láng giềng Afghanistan ngày 27/10/2021 để tìm lập trường chung đối với lực lượng Taliban cầm quyền. Ngoại trưởng bốn nước Pakistan, Uzbekistan, Tadjikistan và Turkmenistan trực tiếp đến Teheran, còn ngoại trưởng Nga và Trung Quốc tham gia cuộc họp theo hình thức trực tuyến.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran:
“Cuộc họp này diễn ra nhưng không có đại diện của Taliban tham dự vì không được mời đến Teheran. Trong một thông cáo chung, bẩy nước đã yêu cầu lập một chính quyền và một chính phủ bao gồm mọi thành phần của xã hội Afghanistan, theo thông báo của ngoại trưởng Iran. Ông Hossein Amir-Abdollahian cũng khẳng định rằng tất cả các nước họp tại Teheran đều có chung quan ngại.
Ông phát biểu : « Tất cả các nước đều bày tỏ rất nhiều mối quan ngại : quan ngại về tình hình nhân quyền, số phận của phụ nữ, quan ngại về sự phát triển của khủng bố và các hoạt động của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, lo ngại về tình trạng nghèo đói gia tăng, về tình hình an ninh ở biên giới, cũng như những làn sóng di cư mới”.
Những nước tham gia họp ở Teheran, không chính thức công nhận Taliban, đã yêu cầu lực lượng đang cầm quyền ở Kabul cam kết là không gây bất kỳ mối đe dọa nào xuất phát từ Afghanistan nhắm vào họ.
Cuối cùng, tình trạng nghèo đói và bất ổn gia tăng khiến Iran và Pakistan đặc biệt quan ngại. Hai nước này lo những làn sóng di cư ồ ạt mới trong khi họ đã tiếp nhận vài triệu người Afghanistan trên lãnh thổ”.
Taliban gặp đại diện ngoại giao 14 nước ở Qatar
Cùng ngày với cuộc họp của 7 nước láng giềng tại Teheran, ông Amir Khan Muttaqi, hiện giữ chức ngoại trưởng của chính quyền Taliban, đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận tại Doha (Qatar) với đại diện ngoại giao của 14 nước, trong đó có Nhật Bản, Đức và Hà Lan.
Một người phát ngôn của ông Muttaqi, được trang NHK của Nhật Bản trích dẫn, cho biết người đứng đầu ngành ngoại giao của Taliban đã yêu cầu các nước trên công nhận chế độ hiện nay ở Afghanistan, đề nghị họ hợp tác để dỡ phong tỏa tài sản của chính phủ Afghanistan, đặc biệt là các biện pháp do Hoa Kỳ ban hành.
Tư pháp Liên Âu tuyên phạt Ba Lan một triệu euro mỗi ngày chậm thi hành án
Trọng Nghĩa
Vào hôm 27/10/2021, Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu đã ra phán quyết phạt Nhà nước Ba Lan một triệu euro mỗi ngày chậm thi hành án lệnh của Tòa về việc giải thể Phòng Kỷ Luật thuộc Tòa Án Tối Cao Ba Lan.
Đối với định chế tư pháp cao cấp nhất của Liên Hiệp Châu Âu, Tòa Án Tối Cao Ba Lan không thể được coi là một tòa án độc lập hoặc vô tư, không thiên vị và Phòng Kỷ Luật thuộc định chế này thậm chí không thể được coi là một tòa án theo nghĩa của cả luật châu Âu lẫn luật Ba Lan.
Vào ngày 14 tháng 7 vừa qua, Tòa Án Công Lý Liên Âu đã ra lệnh cho Ba Lan là phải đình chỉ hoàn toàn hoạt động của Phòng Kỷ Luật này. Chính quyền Ba Lan đã hứa xem xét vấn đề nhưng đến nay không thấy bất kỳ động tĩnh nào, trong lúc định chế tư pháp Liên Âu lại ghi nhận là Phòng Kỷ Luật đó trong thực tế vẫn tiếp tục hoạt động.
Do đó, Ba Lan sẽ phải trả 1 triệu euro tiền phạt mỗi ngày chừng nào mà phòng này chưa bị bãi bỏ.
Chính quyền và đảng cầm quyền ở Ba Lan dĩ nhiên đã cực lực đả kích phán quyết của Tòa Án Công Lý Liên Âu. Thông tín viên RFI Damien Simonart từ Vácxava tường trình:
“Lừa đảo, tống tiền”, thứ trưởng Tư Pháp Ba Lan Sebastian Kaleta khẳng định là Tòa Án Công Lý Châu Âu đã vượt quá quyền hạn của mình.
Còn Ryszard Terlecki, cánh tay phải của ông Jaroslaw Kaczynski , lãnh đạo đảng PiS, thì thản nhiên nói với các nhà báo là không cần hoảng sợ về án phạt này vì “Chúng ta vẫn chưa trả bất cứ khoản nào”, ám chỉ rằng Warsaw có thể sẽ không tuân thủ phán quyết.
Tuy nhiên, nhân vật này cũng vớt vát rằng dự luật giải thể Phòng Kỷ Luật đã sẵn sàng nhưng thủ tục thông qua đã bị trì hoãn một chút.
Về phía đối lập, ông Borys Budka của đảng Cương Lĩnh Công Dân đã kêu gọi chính phủ thông qua luật này ngay trong tuần này để tránh phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ do “sự ngoan cố vô lý của Kaczynski.”
Cuối cùng, đối với nghị sĩ châu Âu Radoslaw Sikorski theo xu hướng tự do, thì ông “Kaczynski phải lựa chọn: Trở về với nhà nước pháp quyền hoặc Polexit, tức là rởi khỏi Liên Âu!”
Pháp chủ trương tiếp tục đối thoại với Ba Lan
Trong bối cảnh quan hệ Ba Lan-Liên Âu căng thẳng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hôm qua đã tiếp đón đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda tại Paris.
Theo ông Macron, cuộc tiếp xúc là “cơ hội để tiếp tục đối thoại về cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng về Nhà nước pháp quyền” giữa Buxelles và Vacxava.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn “tiếp tục đối thoại sâu rộng” với Ba Lan để giải quyết bất đồng. Theo điện Elysée, người đứng đầu Nhà nước Pháp cũng đã nêu bật với tổng thống Ba Lan về “những lo ngại của ông về sự độc lập của cơ quan tư pháp Ba Lan”.
Covid-19: Tiết lộ mới về việc Viện Virus Học Vũ Hán Trung Quốc đã biến đổi gien của virus corona
Trọng Nghĩa
Theo tiết lộ của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 27/10/2021, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ mới đây đã công bố một số tài liệu xác nhận rằng các phòng thí nghiệm tại Viện Virus Học Vũ Hán đã tiến hành việc nghiên cứu và biến đổi gien của các loại virus corona, điều mà Trung Quốc cho đến nay không hề chính thức công nhận.
Trong một lá thư gởi đến Quốc Hội Mỹ vào tuần trước, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ NIH đã thừa nhận sự kiện tổ chức phi chính phủ Mỹ EcoHealth Alliance, vốn làm việc chặt chẽ với NIH, trên thực tế đã tài trợ cho một số công trình nghiên cứu tại Viện Virus Học Vũ Hán, đặc biệt là nghiên cứu về việc tăng thêm chức năng cho các loại virus corona ở loài dơi, thường được xem là tiền thân của virus gây dịch Covid-19.
Các công trình nghiên cứu đó nhằm biến đổi gien của virus, để gia tăng khả năng lây nhiễm qua người của loại virus này. Những nghiên cứu loại này thường bị giới khoa học phản đối vì rất nguy hiểm cho con người.
Theo Le Figaro, lá thư của Viện Y Tế Quốc Gia cũng cho thấy là tổ chức EcoHealth Alliance đã vi phạm các điều kiện tài trợ được quy định, khi không báo cáo một kết quả nghiên cứu theo đó khả năng lây nhiễm của một mầm bệnh đã được nhân lên gấp mười lần.
Hơn nữa, theo Le Figaro, EcoHealth Alliance còn bị tố cáo là thiếu minh bạch khi không tiết lộ bản chất kết quả của những nghiên cứu thao tác gien này, đã được Viện Y Tế Quốc gia Hoa Kỳ mô tả là “bất ngờ”.
Vấn đề đặt ra là tiền mà tổ chức EcoHealth Alliance đã sử dụng để tài trợ cho công việc của Viện Virus Học Vũ Hán lại là công quỹ của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh buộc giới tỉ phú Trung Quốc chia sẻ tài sản
Thu Hằng
Năm 2020, Trung Quốc đã có thêm 307 tỉ phú mới, theo bảng xếp hạng Hồ Nhuận (Hurun Rich List) công bố ngày 27/10/2021. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện có 1.185 tỉ phú đô la. Để thực hiện chính sách « thịnh vượng chung » của chủ tịch Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục nhắm đến giới tỉ phú địa ốc và công nghệ cao. Thậm chí, ông chủ của tập đoàn bất động sản Evergrande đang gặp khó khăn cũng được lệnh rút hầu bao.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh:
““Thịnh vượng chung”, khẩu hiệu quý giá của Mao Trạch Đông và hiện giờ là của chủ tịch Tập Cận Bình, có nguy cơ gây tốn kém cho các tỉ phú ở Trung Quốc. Từ vài tuần nay, những người giầu nhất được đề nghị tái phân phối một phần thu nhập của họ, kể cả qua việc quyên góp từ thiện.
Nhưng mệnh lệnh còn trực tiếp hơn nhiều đối với ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin). Theo Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu ông chủ của Evergrande phải rút hầu bao để xóa khoản nợ khổng lồ của tập đoàn bất động sản do ông làm chủ, được thẩm định lên đến 260 tỉ euro.
Kết quả là ngày 22/10, Evergrande đã chuyển 72 triệu euro để trả khoản lợi tức đầu tiên và hạn cho đợt chuyển tiếp theo là thứ Bẩy 30/10. Nằm trong số lãnh đạo doanh nghiệp giầu nhất châu Á năm 2017 với khối tài sản trị giá 39 tỉ euro, ông Hứa Gia Ấn hiện giờ không còn nằm trong danh sách 10 người giầu nhất của bảng xếp hạng Hồ Nhuận. Về phần Mã Vân (Jack Ma), nhà sáng lập Alibaba bị lùi xuống vị trí số 5, với 34 tỉ đô la tài sản cá nhân.
Bỏ xa giới chủ bất động sản và công nghệ, ông Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), 67 tuổi, chủ sở hữu tập đoàn nước đóng chai, vẫn là người giầu nhất Trung Quốc trong bảng xếp hạng. Ông chủ của nước khoáng Nongfu Spring còn đứng đầu công ty Công nghệ Sinh học và Dược phẩm Wantai (Wantai Biological Pharmacy Enterprise), đã tận dụng thu lợi từ chủ trương xét nghiệm Covid-19 đại trà ở Trung Quốc”.