Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Nhiều nước châu Âu siết chặt quy định phòng Covid-19 dịp lễ cuối năm

Thùy Dương

Nhà ga xe lửa King’s Cross, Luân Đôn, một đầu mối giao thông quan trọng nối Anh với lục địa Châu Âu ngày 17/12/2021. AP – Matt Dunham

Chỉ còn một tuần nữa đến Giáng Sinh, dịp lễ tết cuối năm rất quan trọng ở nhiều nước, nhưng với sự lây lan của biến thể Omicron, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu ngày càng thêm nghiêm trọng khiến chính quyền các nước phải tăng cường thắt chặt các biện pháp phòng dịch, sức ép đặc biệt gia tăng đối với những người chưa tiêm chủng.

Đan Mạch ghi nhận số ca nhiễm thường nhật cao kỷ lục, trong đó gần 25% liên quan đến Omicron. Kể từ Chủ Nhật 19/12, nhà hát, rạp phim, khán phòng biểu diễn nhạc, công viên vui chơi giải trí và bảo tàng sẽ phải ngưng hoạt động trong vòng 1 tháng. Nhìn sang Ailen, kể từ Chủ Nhật 19/12, quán bia rượu, thức uống giải khát và nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 22 giờ.

Trong khi đó, thứ Sáu 17/12/2021 là ngày thứ ba liên tiếp Anh Quốc ghi nhận số ca nhiễm thường nhật cao kỷ lục: 93.045 ca mới trong vòng 24 giờ. Ở Pháp, hiện giờ cơ quan y tế nhận định có khoảng 7-10% số ca nhiễm mới có liên quan đến biến thể Omicron. Kể từ hôm nay 18/12, Pháp tái áp dụng quy định chỉ có những ai có lý do cực kỳ quan trọng mới được sang Anh hoặc từ Anh sang Pháp.

Ngay trong nội bộ Liên Âu, nhiều nước Như Ailen, Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp cũng yêu cầu các du khách châu Âu, kể cả đã tiêm phòng đầy đủ, vẫn phải trình kết quả xét nghiệm âm tính. Đức hôm qua xếp Pháp và Đan Mạch vào danh sách các vùng có nguy cơ cao, những người nào đến từ hai nước này mà chưa tiêm phòng sẽ phải cách ly.

Riêng tại Pháp, hôm qua, thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo hàng loạt biện pháp hạn chế mới dịp lễ tết cuối năm: các buổi biểu diễn nhạc, bắn pháo hoa, tụ tập đông người trong đêm giao thừa đều bị cấm. Vào đầu tháng 01/2022, một dự luật đổi chứng nhận y tế thành chứng nhận vac-xin sẽ được đệ trình, theo đó để đến nhiều nơi như nhà hàng, các cơ sở văn hóa, giải trí … người dân bắt buộc phải có chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã lành bệnh và cũng đã tiêm liều tăng cường.

Trong khi đó, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran thông báo nếu được sự đồng ý của các cơ quan y tế, kể từ chiều 22/12 việc tiêm chủng sẽ được mở rộng cho tất cả trẻ em 5-11 tuổi. 

Căng thẳng biên giới Ukraina: Hoa Kỳ “sẵn sàng thảo luận” đề xuất về an ninh của Nga

Anh Vũ

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) hội đàm qua video với tổng thống Nga Vladimir Putin, từ Nhà Trắng, Washington, ngày 07/12/2021. AP – Adam Schultz

Theo AFP, ngày 17/12/2021, Washington tuyên bố sẵn sàng thảo luận đề xuất thỏa thuận của Matxcơva nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và NATO trong khu vực lân cận với Nga. Hoa Kỳ một lần nữa cảnh cáo nếu Nga xâm lược Ukraina sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề.

Trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng ở biên giới Nga – Ukraina, hôm qua 17/12, Matxcơva đã công bố tài liệu đề xuất thỏa thuận nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và NATO trong vùng giáp với nước Nga. Liền sau đó Washington đã cho biết sẵn sàng thảo luận các đề xuất của Nga sau khi tham khảo ý kiến của các nước Châu Âu.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki khẳng định, « sẽ không có thảo luận về an ninh Châu Âu mà không có sự tham gia của các đồng minh và đối tác Châu Âu của chúng tôi ».

Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng ẩn danh nói với báo chí rằng Hoa Kỳ « sẵn sàng thảo luận » các đề xuất của Nga cho dù trong đó có « một số nội dung mà Nga cũng biết là không thể chấp nhận được ». Ông này cũng nhấn mạnh thêm, « nếu có thêm cuộc xâm lược Ukraina, thì sẽ có những hậu quả nặng nề và cái giá phải trả sẽ rất đắt ».

Văn kiện mà Matxcơva đưa ra chủ yếu đòi cấm mọi hành động mở rộng NATO, lập các căn cứ quân sự Mỹ tại những nước thuộc Liên Xô cũ cũng như phát triển hợp tác quân sự với các quốc gia trên.

Trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu trên trước báo giới, thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Serguei Riabkov nhấn mạnh « điều cốt lõi là việc bảo đảm an ninh cho nước Nga phải được ghi trên văn bản và có hiệu lực pháp lý ». Ông cũng đề xuất mở đàm phán ngay trong ngày « thứ Bảy 18/12 » tại Genève.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sẽ đưa ra « trong tuần tới một đề nghị cụ thể » về khuôn khổ các cuộc thảo luận, sau khi đã tham khảo các đồng minh Châu Âu.

Theo ông Riabkov, các tài liệu đề xuất của Nga là nhằm « khôi phục lại mối quan hệ với phương Tây, bắt đầu từ một trang mới hoàn toàn ».

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (14/12) đã kêu gọi các các cuộc đàm phán « ngay lập tức » về bảo đảm an ninh cho Nga.

Việc NATO mở rộng đến một nước thuộc Liên Xô cũ là vượt qua làn ranh đỏ của Nga. Trong khi đó Ukraina và Gruzia đang muốn xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Với Washington thì tất cả các nước đều có quyền tự quyết định tương lai cũng như chính sách đối ngoại, không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.

Trung Quốc gây sức ép tập đoàn Đức Continental ngưng sử dụng linh kiện sản xuất tại Litva

Thùy Dương

Tòa Đại sứ Litva tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/12/2021, đã đóng cửa theo thông báo của Vilnius. AP – Mark Schiefelbein

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Lithuania (Litva) vẫn không ngừng gia tăng vì sự ủng hộ Đài Loan của Vilnius. Theo Reuters ngày 17/12/2021, hai nguồn tin thân cận cho hãng tin Anh biết Bắc Kinh đã gây sức ép buộc tập đoàn Đức Continental, nổi tiếng thế giới về sản xuất phụ tùng xe hơi, ngưng sử dụng các linh kiện được chế tạo từ Litva, quốc gia mới cho phép Đài Loan đặt cơ quan đại diện chính thức dưới tên gọi Đài Loan.

Continental, nhà cung cấp cho tất cả các hãng xe hơi lớn của Đức và cũng một trong những nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới, có cơ sở sản xuất ở Litva, chuyên chế tạo một số linh kiện điện tử như bộ điều khiển cho cửa và ghế xe được xuất khẩu trên toàn cầu, trong đó có cả các hãng xe Trung Quốc. Continental hiện giờ từ chối bình luận về việc liệu họ có nhận được từ Bắc Kinh yêu cầu cắt đứt quan hệ làm ăn với Litva hay không.

Tuy nhiên, các nguồn tin công nghiệp của Đức cho Reuters biết áp lực không chỉ nhắm đến tập đoàn Continental mà còn có hàng chục công ty khác, chủ yếu trong lĩnh vực xe hơi và nông nghiệp, cũng cảm nhận được sức ép từ Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc gây sức ép cho tập đoàn khổng lồ của Đức trong lĩnh vực phụ tùng xe hơi cho thấy những căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Litva đang lan sang cả lĩnh vực kinh doanh trong kỷ nguyên của các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng tới ngành chế tạo xe hơi của Đức, lĩnh vực kinh tế cột trụ của Đức, một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc.

Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc phủ nhận việc Bắc Kinh gây sức ép buộc các công ty đa quốc gia không sử dụng linh kiện do Litva sản xuất, mặc dù “các công ty của Trung Quốc không còn coi Litva là một đối tác đáng tin cậy”. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc thậm chí còn nhấn mạnh Litva phải xem lại mình để hiểu tại sao các doanh nghiệp của họ gặp khó khăn trong giao thương và hợp tác tại Trung Quốc.

Về phía Litva, cho dù thương mại trực tiếp với Trung Quốc chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng cơ quan đối ngoại của Vilnius cho biết các công ty hoạt động ở Litva đã hội nhập thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế các biện pháp gây áp lực kinh tế của Trung Quốc có thể khiến hoạt động của các doanh nghiệp này bị gián đoạn ở nhiều khâu khác nhau.

Trưng cầu dân ý Đài Loan về 4 vấn đề lớn: Cử tri nói ‘‘Không’’

RFI

Cử tri Đài Loan bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 18/12/2021 tại Đài Bắc. REUTERS – ANNABELLE CHIH

Hôm 18/12/2021, người dân Đài Loan được kêu gọi đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về 4 vấn đề mà kết quả có thể tác động đến mối quan hệ giữa hòn đảo với Hoa Kỳ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Đài Loan. Ý định hạ uy tín tổng thống Thái Anh Văn của đảng đối lập thân Trung Quốc bất thành.

Kết quả là khoảng 4 triệu cử tri bỏ phiếu « không » cho cả bốn vấn đề, nhiều hơn phe bỏ phiếu « Đồng ý ». Cử tri đã bỏ phiếu « không » đông đảo theo khuyến nghị của chính quyền Thái Anh Văn.

Vốn bị cáo buộc quá thân với Bắc Kinh, Quốc Dân Đảng – Kuomintang (KMT), đảng đối lập chính ở Đài Loan, đã hy vọng các lá phiếu của dân chúng trong 4 cuộc trưng cầu dân ý hôm nay 18/12/2021 sẽ là bằng chứng cho thấy người dân không tin tưởng vào chính phủ của tổng thống Thái Anh Văn. Để một quyết định được thông qua bằng con đường trưng cầu dân ý, phải có ít nhất 25% cử tri bỏ phiếu thuận, tương đương với khoảng 5 triệu phiếu bầu.

Một trong số chủ đề trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi nhất và được truyền thông nói đến nhiều nhất có liên quan đến lệnh cấm thịt heo có chứa ractopamine, một chất phụ gia tạo nạc. Chính phủ Đài Loan hồi năm 2021 đã cho phép nhập khẩu thịt heo với hy vọng tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận về tự do mậu dịch với Hoa Kỳ, nơi mà phụ gia ractopamine được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi.

Theo Reuters, cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi thứ hai là về việc thay đổi vị trí đặt một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng để bảo vệ rạn san hô. Vấn đề thứ 3 được đưa ra trưng cầu ý kiến của dân là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư trên hòn đảo. Vấn đề cuối cùng liên quan đến một số thể thức liên quan đến các cuộc trưng cầu dân ý.

Related posts