Cù Tuấn
Nga đã tấn công các mục tiêu quân sự trên khắp Ukraina vào ngày 16/4 để trả đũa cho vụ đánh chìm tàu chiến của họ ở Biển Đen và để chuẩn bị cho một cuộc tấn công dự kiến ở khu vực phía đông Donbas, mà các nhà phân tích cảnh báo có thể kéo dài và đẫm máu.
Các mục tiêu của Nga bao gồm các xưởng trong một nhà máy xe tăng Kyiv, nhà máy quân sự sản xuất tên lửa chống hạm Neptune đã đánh chìm tàu Matxcơva và một cơ sở sửa chữa phần cứng quân sự ở Mykolaiv, miền nam Ukraina, mà Bộ Quốc phòng Nga cho biết là đã bị phá hủy. Các cuộc tấn công cũng đã dội tên lửa xuống một sân bay ở miền trung Ukraina, cảng Odessa ở Biển Đen, một trung tâm mua sắm ở phía đông bắc thành phố Kharkiv và phía tây thành phố Lviv.
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, lực lượng Ukraina đang chiến đấu tại Mariupol sẽ được sống nếu hạ vũ khí xuống và rời khỏi cứ điểm nhà máy Azovstal vào lúc 6-13h ngày 17/4 (giờ Matxcơva). “Chúng tôi đảm bảo bất cứ ai hạ vũ khí xuống sẽ được tha mạng. Theo thỏa thuận chúng tôi đề xuất, lực lượng cố thủ trong nhà máy thép Azovstal sẽ rời đi lúc 6-13h (10-17h ngày 17/4 giờ Việt Nam – PV) mà không mang theo vũ khí hoặc đạn dược”, TASS dẫn lời thượng tướng Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, nói. Ông Mizintsev còn cho biết đề nghị của Matxcơva xuất phát từ “tình hình khủng khiếp” tại nhà máy Azovstal, cũng như “thuần túy từ nguyên tắc nhân đạo”. Kyiv chưa lập tức phản ứng trước tuyên bố trên.
Liên Hiệp quốc hôm thứ Bảy cảnh báo rằng, việc đóng cửa các cảng trên Biển Đen, nơi thường xuyên xuất khẩu lượng ngũ cốc nuôi sống 400 triệu người, có thể gây ra thảm họa lương thực toàn cầu, gây chết đói, di cư hàng loạt và bất ổn chính trị.
Bộ trưởng Năng lượng Đức đã kêu gọi người dân cắt giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách kéo rèm cửa và hạ nhiệt độ trong nhà, như một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Vụ đắm tàu chiến Matxcơva của Nga đang được người Ukraina tôn vinh như một chiến thắng mang tính biểu tượng, với một bài hát mới của một trong những nhạc sĩ nhạc rock nổi tiếng nhất đất nước này. Vadym Krasnooky, ca sĩ chính của Mad Heads, đã ra mắt phiên bản acoustic của “Cruiser Matxcơva” tại một cuộc họp báo. Ông nói rằng ông đã viết bài hát này sau vụ đắm tàu Matxcơva, niềm tự hào của Hạm đội Biển Đen của Nga, mà Lầu Năm Góc xác nhận hôm 15/4 đã bị hai tên lửa Neptune của Ukraina tấn công.
Mad Heads là một ban nhạc từng chơi nhạc rock, hillbilly và nhạc psychobilly rock kể từ khi thành lập cách đây 25 năm, đã ngừng biểu diễn khi Nga xâm lược Ukraina vào cuối tháng 2. Ông Krasnooky đã solo với guitar acoustic để biểu diễn ca khúc mới này tại Lviv. Trong bài hát có điệp khúc: “Ôi con tàu, ôi con tàu, Matxcơva bùng cháy! Bùng cháy! Cháy trong địa ngục mãi mãi”.
Ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu vào đêm muộn hôm thứ Bảy rằng “tình hình ở Mariupol vẫn còn nghiêm trọng nhất có thể“. Ông tiếp tục cầu xin thêm viện trợ quân sự, và cũng nói rằng ông sẵn sàng cho “một con đường thương lượng” để sơ tán người dân khỏi thành phố bị bao vây. “Quân sự hoặc ngoại giao – bất cứ điều gì để cứu người“, ông nói.
Ngày 16-4, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, đã than phiền trên mạng xã hội Twitter rằng, Ukraina vẫn chưa nhận được số vũ khí họ yêu cầu và thúc giục các nước châu Âu gửi vũ khí “ngay bây giờ”. Trong thời gian gần đây, đã có những tuyên bố tăng thêm viện trợ quân sự cho Ukraina và theo đó là các loại vũ khí có công dụng mạnh mẽ hơn.
Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, thiệt hại của quân đội Ukraina và lính đánh thuê nước ngoài là 23.367 người. Ông Konashenkov nói thêm, tuyên bố gần đây của Tổng thống Zelensky trên truyền thông phương Tây rằng Ukraina có khoảng 2.500 đến 3.000 quân nhân thiệt mạng là nói dối.
Đài CNN đưa tin từ thành phố St. Petersburg của Nga, cho biết thành phố thông báo tướng Vladimir Frolov đã thiệt mạng ở Ukraina. Thiếu tướng Frolov là phó tư lệnh quân đoàn 8 của Nga. Thị trưởng St. Petersburg Alexander Beglov đã tham dự lễ tang và nói tướng Frolov đã “hy sinh anh dũng” vì người dân ở Donbass.
Theo Đài CNN, Tổng thống Ukraina Zelensky và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã điện đàm vào ngày 16-4. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về hỗ trợ quốc phòng cho Ukraina và tăng cường biện pháp trừng phạt với Nga.
Thủ tướng Anh Boris Johnson điện đàm với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào chiều ngày 16-4. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về giải pháp an ninh lâu dài cho Ukraina. Ông Johnson khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với đồng minh để hỗ trợ Ukraina và sẽ gửi xe bọc thép cho nước này trong những ngày tới.
Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Phó thủ tướng Nga Iryna Vereshchuk, cho biết, 700 binh sĩ và hơn 1.000 dân thường Ukraina đang bị Nga bắt giữ, trong đó có hơn một nửa là phụ nữ. Ukraina cũng đang giữ khoảng 700 tù binh Nga. Tổng cộng 1.449 người Ukraina đã sơ tán khỏi các thành phố thông qua hành lang nhân đạo trong ngày 16-4, ít hơn so với 2.864 người một ngày trước đó.
Hãng tin TASS đưa tin, người đứng đầu hải quân Nga là đô đốc Nikolai Yevmenov đã gặp gỡ các thành viên thủy thủ đoàn của soái hạm Matxcơva bị chìm. Thủy thủ đoàn cho biết họ vẫn tiếp tục phục vụ trong hải quân Nga.
Ukraina tuyên bố vũ khí dùng để tấn công soái hạm Matxcơva là tên lửa Neptune, được nước này phát triển dựa trên mẫu tên lửa có từ thời Liên Xô. Bộ Quốc phòng Nga thì cho rằng, chiến hạm Matxcơva bị nổ kho đạn sau một vụ cháy, nhưng không nói rõ nguyên nhân.
Đài CNN dẫn lời quan chức vùng Lugansk là Serhii Haidai, cho biết, cơ sở hạ tầng dân sự địa phương bị thiệt hại nặng nề sau các cuộc không kích của Nga. Trong ngày 16-4, Nga đã làm hư hại hàng chục tòa nhà, bao gồm một nhà máy lọc dầu và một bệnh viện. Nga cũng đang không kích nhiều thành phố ở Ukraina trong đó có Kiev và Lviv, đồng thời tập trung lực lượng về phía Kharkov.
Ngày 16-4, Hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga nói, trong số các mục tiêu, bao gồm 43 chốt chỉ huy của Ukraina, Nga còn không kích 67 khu vực tập trung nhân lực và thiết bị của Ukraina. Lực lượng phòng không Nga cũng cho biết đã hạ 1 chiến đấu cơ Su-25 của Ukraina tại thành phố Izyum thuộc khu vực Kharkov.
Tại khu vực thủ đô Kiev và thành phố Nikolaev, Nga sử dụng tên lửa độ chính xác cao để diệt 16 mục tiêu, bao gồm 11 xe quân sự của Ukraina tại nhiều ngôi làng, theo ông Konashenkov. “Các tòa nhà sản xuất của 1 nhà máy xe tăng ở Kiev và 1 cơ sở sửa chữa thiết bị quân sự ở Nikolaev đã bị vũ khí có độ chính xác cao của Nga phá hủy“, ông Konashenkov nói.
Phía Ukraina cũng cập nhật thông tin đã phá hủy nhiều xe, thiết bị của Nga. Theo hãng thông tấn Ukrinform, Nga tổn thất ít nhất 16 thiết bị quân sự trong ngày 15-4 (giờ địa phương), gồm hai xe tăng T-72, hai đơn vị pháo tự hành, một máy bay trinh sát không người lái…
Hãng tin Reuters đưa tin, máy bay Nga đánh bom nhiều khu vực ở thành phố Lviv, trong khi tên lửa giáng xuống thành phố Kiev và Kharkov của Ukraina trong ngày 16-4. Vụ tấn công cơ sở sửa chữa xe tăng ở quận Darnytskyi của Kiev đã tạo ra tiếng nổ lớn và cột khói khổng lồ. Chính quyền Kiev nói, ít nhất 1 người thiệt mạng trong vụ việc.
Đợt tấn công diễn ra tiếp sau tuyên bố ngày 15-4 của Nga rằng sẽ tăng cường không kích để đáp trả các hành động “khủng bố”, chỉ vài giờ sau khi Matxcơva xác nhận chiến hạm Matxcơva chỉ huy thuộc hạm đội Biển Đen của nước này bị chìm. Phía Ukraina và Mỹ nói con tàu bị trúng tên lửa của Ukraina, trong khi Nga nói tàu chìm do bị cháy rồi nổ hầm chứa đạn pháo.
Ngày 15-4, Chính phủ Đức thông báo kế hoạch viện trợ quân sự hơn 1 tỉ Euro (hơn 1 tỉ USD) cho Ukraina, sau khi chính quyền Kiev phàn nàn về việc không nhận được vũ khí hạng nặng từ Berlin. Theo Hãng tin AFP, gói viện trợ này sẽ nằm trong ngân sách bổ sung của Đức trong năm nay. Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết Berlin đã quyết định tăng viện trợ quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng lên “tới 2 tỉ Euro”, trong đó phần viện trợ lớn nhất được dành để viện trợ quân sự cho Ukraina.
Trong bài đăng trên Twitter ngày 15-4, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng xác nhận, phần lớn gói viện trợ trị giá 2 tỉ Euro (hơn 2,1 tỉ USD) “sẽ chủ yếu dành cho Ukraina”. Ukraina phải dùng khoản viện trợ này để mua các trang thiết bị quân sự. Tuyên bố nói trên của Chính phủ Đức được đưa ra sau các chỉ trích ngày càng tăng từ phía Ukraina và một số đối tác Liên minh châu Âu như Ba Lan và các nước Baltic về việc Berlin thiếu hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Sau Bỉ, đến Ý và Romania ra quyết định cấm cửa các tàu Nga từ ngày 17-4. Nhiều nước phương Tây đã thực hiện chiến dịch trừng phạt toàn diện đối với Matxcơva, bao gồm cả việc đóng cửa không phận cùng nhiều biện pháp hạn chế khác. Ngày 16-4, truyền thông Ý đưa tin, nước này sẽ đóng cửa các cảng đối với tàu Nga bắt đầu từ ngày 17-4, bao gồm cả những tàu đã đổi cờ từ ngày 24-2.
Tờ La Stampa dẫn nguồn từ giới chức cảng của Ý khẳng định, các tàu Nga hiện đang neo đậu tại các cảng của Ý sẽ phải lập tức rời đi khi kết thúc hoạt động thương mại. Tương tự, giới chức Hải quân Romania ra thông cáo báo chí tuyên bố, bắt đầu từ ngày 17-4, các tàu mang cờ Nga sẽ bị cấm cập các cảng của Romania, ngoại trừ các tàu có mục đích cứu hộ nhân đạo và vận chuyển năng lượng. Trước đó, hôm 15-4, Bỉ cũng ban hành lệnh cấm tương tự.
Theo hãng tin Reuters, sáng sớm 16-4, có nhiều vụ nổ xảy ra ở Kiev và thành phố Lviv. Thị trưởng Kiev, ông Vitali Klitschko cho biết, lực lượng cứu hộ và y tế đang làm việc tại hiện trường một vụ nổ ở ngoại ô thành phố. Ông Klitschko thông báo trên Telegram rằng, đã có 1 người chết và nhiều người bị thương sau vụ không kích của Nga nhắm vào khu hành chính Darnytski. “Lực lượng phòng không của chúng ta đã làm tất cả để bảo vệ người dân”, vị thị trưởng từng là vô địch quyền Anh thế giới viết.
Theo hãng tin Reuters, ngày 16-4, Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo cấm nhiều quan chức và chính khách Anh nhập cảnh nước này, gồm Thủ tướng Boris Johnson, Ngoại trưởng Liz Truss, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cùng khoảng 10 người khác. Tuyên bố của bộ nói trên nêu rõ quyết định được đưa ra nhằm đáp trả việc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt giới chức Nga.
Hãng tin TASS của Nga dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, Anh đang cố tình làm leo thang tình hình xung quanh Ukraina bằng cách cung cấp vũ khí sát thương và phối hợp với các nỗ lực tương tự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, việc nhiều nước áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn chống Nga là “vô nghĩa và phản tác dụng”.
Theo hãng tin Reuters, Ukraina khẳng định, sẽ làm việc tối đa với Thổ Nhĩ Kỳ để có thêm sự hỗ trợ và hiểu biết cho dù không hoàn toàn thoải mái với việc Thổ Nhĩ Kỳ cũng có liên hệ chặt chẽ với Nga. “Chúng tôi sẽ rất vui nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia trừng phạt Nga và ngừng các chuyến bay với Nga nhưng chúng tôi hiểu thực tế”, nhà ngoại giao ẩn danh của Ukraina cho biết.
Ông Vitali Klitschko, thị trưởng thành phố Kiev của Ukraina, lên tiếng kêu gọi những người dân đã di tản khi lực lượng Nga tiến hành bao vây thành phố, khoan trở về nhà của mình. Theo ông, dù lực lượng Nga đã rút khỏi khu vực Kiev để dồn quân về miền Đông và các cuộc không kích cũng hiếm hoi gần đây nhưng ông lo sợ việc soái hạm Matxcơva của Nga bị trúng tên lửa và chìm ngoài Biển Đen có thể là động cơ khiến Nga tấn công trở lại vào Kiev.