Tin thế giới trưa thứ Bảy

Ông Mark Zuckerberg của Facebook thừa nhận đã bỏ lỡ một sự thay đổi lớn trong mạng xã hội

Ông Mark Zuckerberg của Facebook thừa nhận đã bỏ lỡ một sự thay đổi lớn trong mạng xã hội
Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg, nói tại một sự kiện ở Thành phố New York hôm 25/10/2019. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Ông Mark Zuckerberg thừa nhận rằng Meta đã không lường trước được những thay đổi lớn trong việc sử dụng mạng xã hội góp phần tạo nên thành công của đối thủ TikTok, mà ông gọi là “đối thủ cạnh tranh rất ấn tượng.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Stratechery hôm 12/10, ông Zuckerberg nói rằng ông “đã bỏ lỡ” cách mà mọi người hiện đang “tương tác với nội dung được khám phá” thông qua mạng xã hội.

Người sáng lập Facebook cho biết người dùng mạng xã hội đang ngày càng sử dụng “nguồn cấp dữ liệu” trên mạng xã hội của họ để tìm nội dung hữu ích, thay vì chỉ để chia sẻ nội dung với bạn bè và gia đình.

Mặc dù mọi người vẫn tương tác với nội dung đã đăng thông qua các dịch vụ mạng xã hội, nhưng ít người hơn dành thời gian để làm như vậy.

Ông Zuckerberg nói: Nói chung các xu hướng truyền thông xã hội “chuyển sang việc quý vị sử dụng nguồn cấp dữ liệu của mình để khám phá nội dung, quý vị thấy những điều thú vị, quý vị gửi chúng cho bạn bè qua tin nhắn và quý vị tương tác ở đó.”

“Vì vậy, trong thế giới đó, việc ai tạo ra nội dung mà quý vị đang tìm kiếm thực sự có phần ít quan trọng hơn, quý vị chỉ muốn nội dung tốt nhất.”

Meta đã rót hơn 15 tỷ USD vào dự án “metaverse” của mình kể từ đầu năm ngoái, nhưng kể từ đó đã báo cáo khoản lỗ hơn 5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của ứng dụng video TikTok do Trung Quốc sở hữu đã khiến Meta bất ngờ, sau khi không dự đoán được ứng dụng này sẽ cách mạng hóa việc sử dụng mạng xã hội.

Ông Zuckerberg nói rằng ông “có phần chậm chạp trong việc này vì ứng dụng đó không phù hợp với mô hình xã hội của tôi, đối với tôi ứng dụng này giống như một phiên bản YouTube ngắn hơn”

Sự trỗi dậy của TikTok và nội dung video ngắn

Sự phát triển của TikTok hiện là một mối đe dọa đáng kể đối với Facebook và đã vượt qua Facebook về mức độ phổ biến, đặc biệt là ở những người dùng trẻ tuổi.

Thành công của TikTok gắn liền với thuật toán độc đáo của nó, thuật toán này vượt trội trong việc đề nghị các video ngắn cho người dùng dựa trên thói quen xem và lịch sử người dùng của họ.

Ông Zuckerberg muốn Meta tập trung phát triển AI để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc, bằng cách đề nghị nhiều loại nội dung hơn cho người dùng đối với các ứng dụng hiện tại của mình, thay vì chỉ giới thiệu các đoạn clip ngắn.

Theo Bloomberg, công ty có trụ sở tại California này đang tập trung vào việc xây dựng Instagram Reels để đáp ứng với TikTok, với thuật toán AI mới của riêng mình.

Ông Zuckerberg nhận xét: “Đôi khi, tôi muốn xem những video cụ thể, nhưng rất nhiều lần, tôi chỉ muốn những thứ tốt nhất.” 

Cuộc phỏng vấn này diễn ra ngay sau khi Meta phát hành tai nghe thực tế ảo Quest Pro trị giá 1,500 USD vào tuần trước, để sử dụng cho cái gọi là “metaverse” của công ty công nghệ này.

Ông Zuckerberg đã tập trung vào tầm nhìn của mình về cái mà ông gọi là “metaverse”, một thế giới ảo nơi mọi người có thể làm việc, mua sắm và giao lưu.

Vị CEO này tuyên bố trong một bức thư rằng “metaverse ” cuối cùng “sẽ tiếp cận một tỷ người” và “lưu trữ hàng trăm tỷ USD thương mại kỹ thuật số” trong vòng một thập niên tới.

Tuy nhiên, đã có phản hồi không tích cực về “metaverse” và tai nghe VR đi kèm của nó từ các nhà đầu tư hoài nghi, những người phàn nàn rằng dự án dài hạn mang lại ít lợi ích ngắn hạn.

Meta, công ty mẹ của Facebook, đã chứng kiến ​​giá trị cổ phiếu của mình giảm hơn 56% trong năm nay, khi nền tảng truyền thông xã hội này mất doanh thu tại quê nhà Hoa Kỳ.

Facebook cũng đã bị tổn thất khi Apple thay đổi hệ điều hành iOS để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, khiến hãng này thiệt hại 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo.

Các nhà quảng cáo trực tuyến cũng đang giảm chi tiêu của họ, trong khi ít doanh nghiệp hơn đặt nút đăng nhập Facebook trên trang web của họ, CNBC đưa tin.

Nhà phân tích tiếp thị Chris Curtis cho biết trên Twitter: “Số lần hiển thị quảng cáo trên Facebook tăng 14%, trong khi người dùng và thời gian dành cho nền tảng này không đổi. Tình trạng này giống như sự khởi đầu của một vòng xoáy tử thần và làm trải nghiệm của người dùng trở nên tồi tệ hơn khi họ đuổi theo doanh thu quảng cáo.”

Ông Zuckerberg cho biết hồi tháng Chín rằng đại công ty công nghệ này sẽ ngừng việc tuyển dụng và tái cấu trúc một số đội ngũ nhất định trong nỗ lực tái cấu trúc lớn đầu tiên sau khi trở thành một trong những công ty hoạt động kém nhất trên S&P 500 trong năm 2022.

Giá trị thị trường của Meta hiện giảm xuống còn khoảng 350 tỷ USD từ hơn 1 ngàn tỷ USD vào thời điểm đỉnh cao năm ngoái.

Theo CNBC, mặc dù thua lỗ, công ty công nghệ này vẫn tạo ra lợi nhuận 6.7 tỷ USD, kết thúc quý ba với hơn 40 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán thị trường.

Bryan Jung

Vân Du biên dịch

Ủy ban Hạ viện gửi trát đòi ông Trump khai chứng về vụ 6/1

Hôm 21/10, Ủy ban Hạ viện chịu trách nhiệm điều tra vụ xâm nhập Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 thông báo rằng họ đã gửi trát đòi khai chứng tới cựu Tổng thống Donald Trump.

Ủy ban này viết trong thư rằng họ đã “thu thập các bằng chứng áp đảo, từ hàng chục người được bổ nhiệm và những nhân viên cũ” của ông Trump rằng ông đã “giám sát nỗ lực nhiều phần nhằm lật ngược cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.” Cựu Tổng thống Trump đã phủ nhận những cáo buộc như vậy, khẳng định cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận nhằm chống lại ông.

“Chúng tôi nhận ra rằng trát đòi đối với một cựu Tổng thống là hành động mang tích lịch sử và quan trọng”. Những người đứng đầu Ủy ban 6/1 đã viết cho ông Trump: “Chúng tôi không xem nhẹ hành động này.”

Trong phiên điều trần công khai cuối cùng vào tuần trước, Ủy ban 6/1 đã nhất trí bỏ phiếu để ban hành trát đòi khai chứng đối với cựu Tổng thống Trump.

Ông Trump chưa trả lời công khai về trát đòi vừa được Ủy ban 6/1 ban hành. Tuy nhiên sau cuộc bỏ phiếu của ủy ban vào tuần trước, trong một bức thư dài 14 trang, ông đã gọi Ủy ban 6/1 là một nhóm “những kẻ côn đồ gian lận mang tính đảng phái cao, có chức năng duy nhất là hủy hoại cuộc sống của nhiều người Mỹ yêu nước và làm việc chăm chỉ.”

Bức thư có tiêu đề “Một cách ôn hòa và yêu nước”, đề cập đến câu nói của cựu Tổng thống đối với những người biểu tình ở Washington vào ngày 6 /1/2021. “Tôi biết rằng mọi người ở đây sẽ sớm diễu hành đến tòa nhà Quốc hội để tiếng nói của quý vị được lắng nghe một cách ôn hòa và yêu nước.”

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Nếu ông Trump quyết định chống lại trát đòi, thì có khả năng thách thức pháp lý này sẽ kéo dài hơn hiệu lực của sắc lệnh do Ủy ban 6/1 ban hành. Một số nhà phân tích bầu cử nhận định Đảng Cộng hòa có khả năng sẽ chiếm lại quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11 tới đây.

Ông Trump lên tiếng: “Chúng ta có một hệ thống Tư pháp hai cấp ở Hoa Kỳ không thể được phép tiếp tục. Phần lớn người dân tại đất nước chúng ta nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 chắc chắn là không trung thực, bao gồm cả việc nhiều Cơ quan lập pháp đã bị các chính trị gia, thẩm phán cấp địa phương và tiểu bang áp đặt những quy định và yêu cầu trọng yếu, điều này hoàn toàn BẤT HỢP PHÁP.”

Cựu tổng thống cũng cho rằng Ủy ban 6/1 được lập nên để chuyển sự chú ý của quần chúng khỏi các vấn đề chẳng hạn như lạm phát, giá xăng cao và nền kinh tế — những vấn đề vốn đang làm suy yếu xếp hạng tín nhiệm của ông Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ.

Các hồ sơ đang được Ủy ban 6/1 thu thập để theo đuổi trát đòi ông Trump sẽ đến hạn trước ngày 4/11 (4 ngày trước đợt giữa nhiệm kỳ năm 2022). Ủy ban cũng tuyên bố rằng bằng chứng về ông Trump sẽ được đưa ra vào ngày 14/11, hoặc khoảng 1 tuần sau cuộc bầu cử.

Ủy ban 6/1 viện dẫn việc 7 tổng thống trước đây đã điều trần trước Quốc hội sau khi rời nhiệm sở, trong đó có cựu Tổng thống Gerald Ford. Ủy ban cũng lưu ý rằng Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln đã điều trần trước Quốc hội khi ông còn đương nhiệm.

Vy An (Theo Epoch Times)

Nhà Trắng từ chối bình luận về việc ông Trump bị Ủy ban 6/1 triệu tập

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre (AP)

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ Sáu (21/10) nói rằng cô sẽ không bình luận về việc Ủy ban 6/1 ban hành trát đòi khai chứng đối với cựu Tổng thống Donald Trump.

Trát đòi khai chứng hay có thể hiểu là lệnh triệu tập ông Trump phải đến chất vấn tại Hạ viện đã được dấy lên lần đầu trong cuộc họp cuối cùng của Ủy ban 6/1 hồi giữa tháng Mười. Và tới thứ Sáu (21/10), Ủy ban do đảng Dân chủ kiểm soát đang điều tra vụ hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021 đã chính thức ban hành trát đòi đối với Tổng thống Mỹ thứ 45.

Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10, khi được hỏi liệu ông Trump có nên tuân thủ lệnh triệu tập, Thư ký báo chí Jean-Pierre đáp rằng: “Tôi sẽ chỉ nói ở khía cạnh rộng hơn về vấn đề này, bởi vì chúng tôi không bình luận về tất cả các cuộc điều tra đang diễn ra. Bộ Tư pháp là độc lập trong mọi cuộc điều tra”.

Cô Jean-Pierre cũng đã nhắc lại với các phóng viên rằng Tổng thống Joe Biden “đã từng nói tới điều này nhiều lần” và tuyên bố rằng: “Điều quan trọng là phải đi đến cùng vụ việc 6/1”.

“Như quý vị đã từng nghe ông ấy nói, 6/1 là một trong những ngày đen tối nhất của đất nước ta. Điều quan trọng đối với người dân Mỹ là họ phải biết chính xác điều gì đã xảy ra để nó không lặp lại nữa”, cô Jean-Pierre nói tiếp.

Ủy ban 6/1 gửi trát đòi tới ông Trump vào đúng này ông Steve Bannon bị kết án 4 tháng tù vì tội Khinh thường Quốc hội sau khi ông ta từ chối tuân thủ trát đòi của Ủy ban 6/1. Ông Steve Bannon là đồng minh thân cận, cựu cố vấn cấp cao của ông Trump.

Xuân Thành

Anh: Ông Boris Johnson đang vận động trong cuộc đua trở lại chức Thủ tướng

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đang bắt đầu có động lực trong cuộc đua để trở lại vai trò lãnh đạo chính phủ, tuy nhiên cũng xuất hiện chia rẽ sâu sắc về sự trở lại của ông và một số cảnh báo rằng ông sẽ đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn mới.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt đã trở thành ứng cử viên đầu tiên chính thức tuyên bố ý định tranh cử để trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ, nhưng ông Johnson và Rishi Sunak, từng là Bộ trưởng Tài chính của ông, đã dẫn đầu thăm dò về các ứng cử viên tiềm năng trước khi bỏ phiếu vào tuần tới.

Những người thay thế bà Liz Truss, người đã từ chức vào thứ Năm sau sáu tuần hỗn loạn, phải đảm bảo có được 100 đề cử từ các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ vào thứ Hai.

Với việc đảng Bảo thủ chiếm đa số trong Quốc hội và có thể phớt lờ những lời kêu gọi tổng tuyển cử trong hai năm nữa, lãnh đạo đảng mới sẽ trở thành Thủ tướng – người thứ năm của Anh trong sáu năm.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Bảo thủ sẽ bị mất ưu thế nếu một cuộc bầu cử quốc gia được tổ chức ngay bây giờ.

Ông Johnson chưa chính thức tuyên bố sẽ tranh cử nhưng 5 bộ trưởng trong nội các đã ủng hộ ông, trong khi các báo cáo truyền thông cho rằng ông Sunak sẽ trở thành ứng cử viên đầu tiên đạt ngưỡng tham gia cuộc tranh cử trước thời hạn hôm thứ Hai.

Ông Johnson dường như vẫn được các đảng viên yêu thích, mặc dù một cuộc thăm dò của YouGov với 3.429 người trưởng thành được thực hiện vào thứ Sáu cho thấy 52% người Anh sẽ không hài lòng khi thấy ông trở lại làm Thủ tướng.

Nhà lập pháp bảo thủ James Duddridge cho biết ông Johnson nói với ông rằng ông “sẵn sàng” và cựu lãnh đạo sẽ bay trở lại Anh vào thứ Bảy.

Nhưng một số người đặt câu hỏi liệu ông Johnson có thể giành được 100 đề cử hay không. Nhiệm kỳ Thủ tướng kéo dài ba năm của ông đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi những vụ bê bối và cáo buộc về hành vi sai trái.

Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague nói rằng sự trở lại của ông Johnson có thể là ý tưởng tồi tệ nhất mà ông từng nghe trong gần nửa thế kỷ là một đảng viên. Ông nói rằng nó sẽ dẫn đến một “vòng xoáy tử thần” cho đảng Bảo thủ.

Ông Sunak, nhà cựu phân tích của Goldman Sachs, người đã trở thành Bộ trưởng Tài chính ngay khi đại dịch COVID-19 tấn công và về chỉ xếp sau bà Truss trong cuộc lựa chọn lãnh đạo vừa qua, là người được các nhà cái yêu thích nhất, theo sau là ông Johnson.

Người chiến thắng sẽ được công bố vào tuần sau. Nếu chỉ có một ứng cử viên với hơn 100 đề cử từ các nhà lập pháp vào thứ Hai thì người đó sẽ được công bố là người chiến thắng. Nếu ba ứng cử viên đạt đến ngưỡng này, một cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp vào thứ Hai sẽ loại bỏ một ứng cử viên, với các thành viên trong đảng sẽ chọn giữa hai người còn lại và người chiến thắng được công bố vào thứ Sáu.

Các đảng phái đối lập, một số tờ báo và thậm chí một số nhà lập pháp Bảo thủ đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử.

Lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer cho biết “đảng Bảo thủ không thể phản ứng với những xáo trộn mới nhất của họ bằng cách chỉ cần nhấp ngón tay và xáo trộn những người đứng đầu mà không có sự đồng ý của người dân Anh”.

“Họ không có nhiệm vụ đưa đất nước trải qua một cuộc thử nghiệm khác.”

Nhà lãnh đạo tiếp theo sẽ kế thừa một nền kinh tế hiện chìm trong suy thoái, với lãi suất tăng và lạm phát trên 10%, khiến hàng triệu người phải siết chặt chi phí sinh hoạt.

Lê Vy

Bà Meloni thành lập chính phủ Ý mới, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên

Bà Giorgia Meloni. (Nguồn: MikeDotta / Shutterstock)

Hôm thứ Sáu (21/10), liên minh do chính trị gia người Ý, bà Giorgia Meloni, đứng đầu đã chính thức thành lập chính phủ mới. Bà Meloni, 45 tuổi, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Ý.

Người đứng đầu Đảng Anh em Ý, bà Meloni, đã lãnh đạo liên minh Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25/9, và sẽ điều hành chính phủ cánh hữu nhất của Ý kể từ Thế chiến thứ II.

Phủ Tổng thống Italy ngày 21/10 ra thông báo cho biết Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã tiếp đón bà Giorgia Meloni và trao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho nhà lãnh đạo đảng trung tả Anh em Italia (FdI).

Ngay sau tuyên bố, bà Meloni cũng nhận được lời chúc mừng từ Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ Hội đồng châu Âu.

Sau khi bà Meloni tổ chức các cuộc tham vấn với Tổng thống Sergio Mattarella tại cung điện Quirinale, quan chức chính phủ – ông Ugo Zampetti, nói với phóng viên: “Giorgia Meloni đã chấp nhận nhiệm vụ, và đã đệ trình danh sách các bộ trưởng của bà ấy.”

Sau đó bà Meloni đã đọc danh sách các bộ trưởng, gồm 6 phụ nữ khác trước truyền thông. Tổng cộng 9 bộ trưởng đã được phân bổ cho các chính trị gia của Đảng Anh em Ý, 5 chức vụ cho Đảng Liên đoàn và Đảng Forza Italia (Nước Ý tiến lên), và 5 vị trí nội các khác cho các nhà kỹ trị (quan chức công nghệ).

Chính phủ mới sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào sáng thứ Bảy (22/10), sau đó sẽ đối diện với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở cả 2 viện trong Quốc hội vào tuần tới.

Liên minh của bà Meloni bao gồm Đảng Forza Italia của ông Silvio Berlusconi và Đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini.

“Chúng tôi đã cho thấy rằng chúng tôi nên được trao quyền để thành lập một chính phủ mới,” bà Meloni nói trước khi gặp Tổng thống Mattarella. Bà được bao quanh bởi 2 đồng minh cánh hữu chính – ông Salvini và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Chính phủ thứ 68 của bà Meloni ở Ý phải đối mặt với những thách thức khó khăn kể từ năm 1946, gồm suy thoái kinh tế đang rình rập, chi phí năng lượng gia tăng, và cách xây dựng một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến Ukraine.

Bà Meloni cũng liệt kê “các vấn đề cấp bách ở cấp quốc gia và quốc tế” trong nhận xét ngắn gọn của mình, cụ thể là giá năng lượng tăng cao gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình, doanh nghiệp và cuộc chiến ở Ukraine. Các nước thành viên EU đang bất đồng ý kiến về chiến lược, do lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông tới.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Italy dự kiến ​​sẽ giảm 0,2% trong năm tới. Cùng với Đức, Ý là một trong hai quốc gia khu vực đồng euro phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng. Điều này phần lớn là do cả hai nước đều phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Đến nay, Ý đã chi hơn 66 tỷ euro (64,3 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi những tác động tồi tệ nhất của giá năng lượng tăng và có thể cần nhiều hơn nữa. Một trong những ưu tiên hàng đầu của bà Meloni trên cương vị thủ tướng, là quyết định cung cấp bao nhiêu tiền cho các công ty và hộ gia đình tiếp tục bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Meloni đã thề sẽ không tăng khoản vay của đất nước. Tuy nhiên, bà đang phải chịu áp lực từ đồng minh Salvini và đảng của ông, phải chi nhiều hơn để giúp người Ý đối phó.

Vẫn phải xem liên minh của bà sẽ hoạt động như thế nào trong bối cảnh chia rẽ nội bộ trong những tháng tới.

Chính phủ mới sẽ thay thế chính phủ do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Mario Draghi lãnh đạo. Hôm thứ Sáu (21/10), ông Draghi đã tham dự hội nghị thượng đỉnh EU tại thủ đô Brussels trong sự kiện cuối cùng của ông trên cương vị thủ tướng.

Chia sẻ trên Twitter, lãnh đạo đảng Tiến lên Italy (FI), cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi khẳng định: “Liên minh trung hữu đã đề cử bà Giorgia Meloni với Tổng thống Mattarella để thành lập chính phủ mới. Tôi chắc chắn rằng nhờ sự hỗ trợ thiết yếu của Forza Italia, Thủ tướng mới sẽ có khả năng dẫn dắt đất nước theo hướng tăng trưởng.”

Bình Minh

Related posts