Có thông tin cho rằng gần đây Triều Tiên vẫn đang thực thi các vụ hành quyết thị chúng khủng khiếp để răn đe và nâng cao lòng trung thành với nhà lãnh đạo cao nhất Kim Jong-un.
Hành quyết vì vi phạm trong hoạt động dược phẩm
Ngày 7/11, theo nguồn tin ở tỉnh Gangwon (Triều Tiên) của DailyNK (Hàn Quốc), vào cuối tháng 9 một người đàn ông (‘ông A’ – khoảng 50 tuổi, ở thành phố Wonsan tỉnh Gangwon) đã bị hành quyết thị chúng trước sự chứng kiến của hàng xóm và đồng nghiệp.
Nghề nghiệp của ‘ông A’ là bác sĩ. Trong hoàn cảnh thiếu thuốc, ông mua nguyên liệu từ Trung Quốc và tự sản xuất thuốc kháng sinh như penicillin và streptomycin để bán cho bệnh nhân, bằng cách sản xuất và bán thuốc bất hợp pháp như vậy, cho phép ông kiếm được nhiều tiền.
Thực tế ở nơi thiếu thuốc như Triều Tiên, việc các cá nhân thu mua nguyên liệu để bào chế và bán thuốc, hoặc chưa qua cấp phép nhập lậu thuốc của Trung Quốc để bán, không phải là chuyện hiếm.
Tuy nhiên tháng 5 năm nay, Chính phủ Triều Tiên đã chính thức công nhận thực tế đã có trường hợp nhiễm COVID-19, kể từ khi ra mắt hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp cao nhất, họ đã đẩy mạnh thanh trừng nghiêm ngặt đối với các loại hành vi về thuốc sản xuất bất hợp pháp hoặc nhập lậu. Trong bối cảnh này, nhà cầm quyền độc tài Kim Jong-un của Triều Tiên đã tuyên truyền bằng cách lấy số thuốc phòng bị yêu cầu phân phát cho các gia đình khốn khổ đang cần thuốc, thậm chí mở cuộc họp khẩn cấp để lên án việc tích trữ hoặc phân phối bất hợp pháp, đẩy mạnh trấn áp sản xuất và phân phối thuốc bất hợp pháp.
Trong quá khứ, ‘ông A’ đã từng bị phạt vì tội sản xuất thuốc bất hợp pháp, và lần này ông tái phạm nên bị buộc tội hình phạt cao nhất.
Vì việc ở Triều Tiên vấn đề sản xuất và phân phối trái phép thuốc men diễn ra phổ biến, nên những người đến chứng kiến hành quyết vì vấn đề này đều tỏ ra kinh hoàng, ý thức rõ nếu bây giờ vi phạm quy định của nhà cầm quyền sẽ bị kết án cao nhất: hành quyết.
Tuy nhiên, trước đó cũng từng có trường hợp quan chức cấp cao bị hành quyết vì vấn đề mua vật tư y tế của Trung Quốc. Ví dụ vào ngày 23/4/2021, một quan chức cấp cao giấu tên của Triều Tiên tiết lộ với Daily North Korea (Hàn Quốc) rằng trước đây ông Kim Jong-un học ở Đức, vì vậy ông luôn có ấn tượng tốt về thiết bị y tế tiên tiến của Đức. Ngay sau khi bùng phát dịch COVID-19 vào năm ngoái, ông Kim đã ra lệnh xây dựng Bệnh viện Đa khoa Pyeongjang, đồng thời chỉ thị các trang thiết bị y tế bên trong phải sử dụng thiết bị hạng nhất của các nước châu Âu, trong đó có Đức. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các lệnh trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc khiến Triều Tiên có rất ít kênh để có được vật tư y tế của châu Âu, nên có quan chức cấp cao phụ trách mua sắm của Triều Tiên đã đến Trung Quốc để mua các vật liệu y tế rẻ hơn. Khi ông Kim Jong-un biết về vụ việc đã rất tức giận và ngay lập tức xử tử quan chức phụ trách. Được biết, người bị hành quyết là một quan chức phụ trách các vấn đề xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Hành quyết trong quân đội
Các vụ hành quyết thị chúng gần đây cũng thường xuyên được thực hiện trong quân đội hơn.
Theo một nguồn tin cùng ngày 7/11 kể về vụ ‘ông B’ (ngoài 40 tuổi) là trung đội trưởng của một lữ đoàn thuộc Cục An ninh huyện Kyongsong tỉnh Hamgyong Bắc. Mới đây, ông này đã bị hành quyết ngay trước mắt đông đảo binh sĩ vì tội điều động lính tham gia xây dựng nhà ở riêng lẻ và nhận hối lộ.
Cục Cảnh vệ là đơn vị cảnh vệ đặc biệt chịu trách nhiệm về an ninh đối với các thành viên gia đình của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên. Thông tin cho hay đơn vị ‘ông B’ phụ trách an ninh cho khu biệt thự đặc biệt ở huyện Kyongsong.
‘Ông B’ chỉ huy lực lượng canh gác trên đường lộ số 1 dẫn đến biệt thự là đường dành riêng cho ông Kim Jong-un. Điều tra phát hiện ‘ông B’ nhờ cấp dưới giúp khi xây nhà riêng, hơn nữa ông này thường trấn lột tiền cấp dưới, sau đó cấp giấy chứng nhận đi du lịch hoặc cung cấp các kỳ nghỉ cho cấp dưới đưa hối lộ.
Một cán bộ bộ đội tại hiện trường vụ hành quyết thị chúng đã kể rằng vi phạm của ‘ông B’ là cú đánh nặng vào công tác bảo vệ của cơ quan đứng đầu, đó là hành vi làm mất kỷ luật của quân đội. Sau cuộc hành quyết thị chúng thì toàn trung đội người này phụ trách đã giải tán, thay vào đơn vị mới được giao nhiệm vụ canh gác Đường số 1 dẫn đến biệt thự.
Theo nguồn tin, Triều Tiên vốn ưa tạo ra bầu không khí khủng bố thông qua các vụ hành quyết thị chúng để mọi người phải quán triệt theo chỉ thị và mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Thời gian gần đây, do khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người tỏ thái độ bất mãn nên nhà cầm quyền thúc đẩy mạnh hơn các phiên tòa hay xử tử hình công khai, để triệt để loại bỏ động thái bất bình trong dân chúng.
Kinh hoàng chuyện hành quyết thị chúng
Theo nguồn tin như từ The Sun và DailyNK, chuyện hành quyết tại Triều Tiên thường xuyên hơn kể từ tháng 12/2011 khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. “Báo cáo vấn đề hành quyết thời Kim Jong-un” do tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc Transitional Justice Working Group (TJWG) cập nhật nội dung cuộc điều tra được công bố vào năm 2019. Theo đó, nội dung có thêm 27 chứng cứ về các địa điểm hành quyết dưới thời Kim Jong-un. Các cáo buộc tội danh bao gồm: 7 vụ xem hoặc phát tán phim Hàn Quốc, 5 vụ mua bán dâm, 5 vụ liên quan đến ma túy, 4 vụ buôn người, 3 vụ dâm loạn và 3 vụ ý đồ giết người, trong đó có tới 23 vụ bị hành quyết thị chúng (có 21 vụ xử bắn và 2 vụ treo cổ). Địa điểm hành quyết chủ yếu ở bãi đất trống, sân bay, cánh đồng, bờ sông và rừng cây.
Báo cáo dẫn tin một người đào tẩu Triều Tiên tiết lộ chuyện vào năm 2012, anh ta chứng kiến một vụ hành quyết thị chúng. Tử tù đó đang ở trong tình trạng gần chết và bị kéo vào nơi hành quyết như một con chó, sau đó bị bắn trước công chúng; trong một vụ hành quyết khác vào năm 2014 ở Hwanghae Bắc, tù nhân bị trói vào cột và bị hành quyết trong tình trạng miệng bị nhét đầy đá; một nhân chứng khác tiết lộ vụ hành quyết thị chúng một người đàn ông ở Bình Nhưỡng vào năm 2012 hoặc 2013, người cha tử tù buộc phải ngồi ở hàng ghế đầu để chứng kiến cuộc hành quyết, sau đó nhìn con trai ông bị súng phun lửa thiêu hủy thi thể.
Một vụ hành quyết khác vào năm 2012 đối với một trẻ vị thành niên, cậu ta bị hành quyết bằng súng trường AK-47. Một người đào tẩu Triều Tiên mô tả rằng đứa trẻ bị bắn chết ngay tại chỗ, máu me be bét, sau đó thi thể còn bị phanh đôi bỏ vào bao tải rồi ném đi.
Năm 2017, một phụ nữ tên Hee Yeon Lim (26 tuổi) đào tẩu khỏi Triều Tiên cũng tiết lộ về các hoạt động khủng bố trong nội bộ của Triều Tiên. Cô là con gái của một sĩ quan quân đội cấp cao của Bình Nhưỡng. Có một hôm cô cùng bạn học đến sân vận động của trường quân sự và chứng kiến cảnh 11 nhạc công bị trùm đầu và trói trước khẩu pháo cao xạ, họ bị bắn tan tác trước mặt khoảng chục ngàn người xem.
Theo nguồn tin, nhiều công nhân và sinh viên Triều Tiên bị bắt buộc phải xem các vụ hành quyết và nhìn vào ánh mắt tuyệt vọng của các tù nhân trước khi chết. Một nhân chứng cho biết vào năm 2012, anh ta nhìn thấy chất lỏng chảy ra từ não của người bị hành quyết, mọi người được lệnh xếp hàng để ai cũng có thể nhìn thấy khuôn mặt của người bị hành quyết, điều đó như một lời cảnh báo cho mọi người.
Vương Quân, Vision Times