Apple mất 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong 1 năm
Apple đã mất 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong 1 năm vừa qua, trong khi công ty công nghệ này phải đối mặt với đợt sụt giảm giá cổ phiếu mạnh. Vấn đề với chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.
Vốn hóa thị trường của gã khổng lồ công nghệ đã giảm xuống dưới 2 nghìn tỷ USD vào ngày 03/01, lần đầu tiên kể từ tháng 05/2021, một năm kể từ ngày nó trở thành công ty giao dịch công khai đầu tiên ở Thung lũng Silicon được định giá 3 nghìn tỷ USD.
Cổ phiếu của Apple Inc. đã giảm 3,7% trong ngày 03/01, do xuất hiện tin tức về việc nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của công ty suy yếu.
Việc mất giá đã xóa sạch 85 tỷ USD giá trị thị trường của nhà sản xuất điện thoại thông minh.
Giống như các công ty công nghệ lớn khác, Apple đang phải đối mặt với những khó khăn trong chuỗi cung ứng và nỗi lo suy thoái kinh tế, những thứ tác động xấu tới các nhà quảng cáo và chi tiêu của người tiêu dùng.
Nikkei Asia đã đưa tin vào ngày 02/01 rằng Apple đang nhận thấy nhu cầu suy yếu, đặc biệt là đối với một số thiết bị phổ biến nhất của hãng như MacBook, AirPods và Apple Watch.
Công ty được cho là đã thông báo cho một số nhà cung cấp để sản xuất ít bộ phận hơn cho những mặt hàng đó trong quý đầu tiên năm 2023.
“Apple đã cảnh báo chúng tôi về việc giảm đơn đặt hàng đối với hầu hết các dòng sản phẩm kể từ quý kết thúc vào tháng 12, một phần do nhu cầu không mạnh như vậy”, một quản lý tại một nhà cung cấp của Apple nói với Nikkei Asia.
Các nhà phân tích cũng lo ngại về mức độ phổ biến của các sản phẩm mới của Apple và khó khăn mà hãng gặp phải với các lô hàng iPhone 14 trong mùa mua sắm quan trọng sau khi nhà cung cấp chính của hãng ở Trung Quốc gặp phải gián đoạn liên quan đến đại dịch. Logo của công ty Apple được treo phía trên một cửa hàng bán lẻ của Apple vào ngày 28/11/2022 tại Chicago, Illinois, Mỹ. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Vấn đề với chuỗi cung ứng Trung Quốc
Apple cho biết họ đã chứng kiến “nhu cầu mạnh mẽ” đối với các thiết bị iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max nhưng dự kiến sẽ có ít lô hàng hơn dự đoán do các biện pháp phong tỏa của chính quyền Trung Quốc.
Công ty phải đối mặt với việc giảm sản lượng sản xuất từ các nhà máy ở Trung Quốc, dẫn đến tồn đọng các đơn đặt hàng.
Điều này dẫn đến thời gian chờ đáng kể để khách hàng có thể chạm tay vào các mẫu iPhone Pro phổ biến, làm ảnh hưởng đến thu nhập dịp lễ của Apple vào tháng trước.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, Foxconn, đã bị gián đoạn vào tháng 10, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành các biện pháp phong tỏa do đại dịch, theo sau đó là các cuộc biểu tình rầm rộ của công nhân.
Bất chấp thông tin từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng hoạt động vận hành hiện được cho là đang đạt tới gần 90% công suất tại nhà máy Foxconn, thời gian chờ giao hàng cho một chiếc iPhone 14 Pro vẫn còn khoảng hai tuần, theo trang web của Apple, CNN đưa tin.
Phó tổng giám đốc của nhà máy Wang Xue nói với Nhật báo Hà Nam: “Hiện tại, các đơn đặt hàng có vẻ tốt và các đơn đặt hàng sẽ đạt đỉnh từ bây giờ cho đến vài tháng sau Tết Nguyên đán”.
Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities cho biết, sự gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc đã khiến Apple mất khoảng 1 tỷ USD mỗi tuần do thiếu hụt doanh số bán iPhone chỉ trong tháng 11.
Apple gần đây đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.
Công ty công nghệ này đã nói với các nhà cung cấp rằng họ có kế hoạch chuyển một số dây chuyền lắp ráp sản phẩm của mình sang các nước như Ấn Độ và Việt Nam.
“Việc chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc sẽ không dễ dàng và đi kèm với những rào cản rõ ràng về hậu cần, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng khi việc chuyển hướng mạnh mẽ sang Ấn Độ và Việt Nam hiện đang bắt đầu với hệ sinh thái Apple được cảnh báo”, ông Ives viết vào ngày 04/12.
Ông nói rằng nếu Apple quyết định thực hiện một động thái nghiêm túc, hơn 50% hoạt động sản xuất iPhone toàn cầu của họ có thể được chuyển đến hai quốc gia đó vào năm tài chính 2025/2026.
Thiệt hại nặng nề của các công ty công nghệ lớn
Mặc dù cổ phiếu của Apple gần đây đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, nhưng các gã khổng lồ công nghệ khác cũng phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề.
Giá trị thị phần của Amazon và Meta lần lượt giảm khoảng 50% và khoảng 70% trong năm qua.
Trong khi đó, Apple chỉ mất khoảng 30% giá trị trong cùng kỳ.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Nga đưa tàu chiến trang bị tên lửa siêu thanh vào trực chiến
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai một tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương nhằm phô trương lực lượng quân sự khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Ngày 4/1, ông Putin tham gia một buổi lễ thông qua hội nghị truyền hình để đánh dấu việc hạ thủy tàu chiến Đô đốc Gorshkov. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và chỉ huy tàu khu trục Igor Krokhmal cũng tham gia sự kiện này.
“Con tàu được trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh mới nhất – ‘Zircon’ – không có hệ thống nào tương tự,” ông Putin nhấn mạnh trước khi ra lệnh cho con tàu chính thức được đưa vào phục vụ chiến đấu.
“Tôi muốn gửi lời chúc thủy thủ đoàn… thành công trong việc phục vụ lợi ích của Tổ quốc,” ông nói thêm.
Theo thông số ban đầu, tên lửa Zircon có tầm bắn trên 1.000km. Tốc độ Mach 8 của Zircon là một lợi thế bởi tàu đối phương có thể bị tấn công trước khi kịp phát hiện ra tên lửa này.
Bộ trưởng Shoigu cho hay, tàu khu trục này sẽ đi đến Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Ông nói thêm, con tàu có khả năng thực hiện “các cuộc tấn công chính xác và mạnh mẽ nhằm vào kẻ thù trên biển và trên đất liền”; trong khi các tên lửa siêu thanh trên tàu có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và có tầm bắn hơn 1.000 km.
Trước đó, Nga đã phóng thử tên lửa Zircon từ tàu chiến và tàu ngầm hồi năm ngoái, trong bối cảnh cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh nóng lên với Mỹ và Trung Quốc.
“Trọng tâm chính của nhiệm vụ sẽ là chống lại các mối đe dọa đối với Nga và hỗ trợ hòa bình và ổn định khu vực cùng với các nước thân thiện,” ông Shoigu lưu ý.
“Trong các cuộc tập trận, thủy thủ đoàn sẽ được huấn luyện triển khai vũ khí siêu thanh và tên lửa hành trình tầm xa,” ông tiếp tục.
Các cuộc thử nghiệm đã diễn ra bất chấp việc Moscow đang phải chịu tổn thất nặng nề về người và thiết bị trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm qua.
Các nhà phân tích nhận định, đặc điểm chính của vũ khí siêu thanh không phải là tốc độ – thứ đôi khi có thể bị các đầu đạn tên lửa đạn đạo truyền thống bắt kịp hoặc vượt qua – mà là khả năng cơ động của chúng.
Loại vũ khí này được coi là một biện pháp hữu hiệu để đạt được lợi thế trước bất kỳ đối thủ nào, bởi chúng có khả năng tránh được các lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm.
Minh Ngọc (Theo Al Jazeera)
Đài Loan lên kế hoạch phát gần 200 USD cho người dân trong dịp Tết 2023
Ông Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan, cho biết rằng chính quyền đang có kế hoạch phát 195 USD cho mỗi người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023, theo hãng tin Reuters.
“Thành quả kinh tế năm nay sẽ được chia sẻ cho mọi công dân, từ trẻ đến già”, ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan, cho biết. “Chúng tôi muốn chúc phúc cho tất cả mọi người trong dịp Tết Nguyên đán”.
Ông Tô cho hay rằng tổng cộng 140 tỷ Đài tệ (hơn 4,5 tỷ USD), một phần từ nguồn thu thuế, dự kiến được phân phát dưới dạng tiền mặt cho người dân. Mỗi người Đài Loan sẽ được nhận 6.000 Đài tệ (tương đương với 195 USD). Kế hoạch này nhiều khả năng sẽ được cơ quan lập pháp Đài Loan thông qua.
Nền kinh tế Đài Loan (vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, đã tăng trưởng 6,45% trong năm 2021) đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Đài Loan được xem là “cái nôi” của các sản phẩm công nghệ toàn cầu, trong đó có chip bán dẫn.
Kinh tế Đài Loan tăng trưởng ổn định trong đại dịch COVID-19 nhờ nhu cầu chip cho các thiết bị điện tử tiêu dùng tăng cao, do xu hướng làm việc tại nhà do giãn cách. Chính quyền cũng lên kế hoạch trích thêm 380 tỷ Đài tệ (12,4 tỷ USD) tiền thuế từ năm 2022 nhằm bảo vệ hòn đảo khỏi các cú sốc kinh tế toàn cầu, trong đó có trợ cấp giá điện, bảo hiểm lao động và y tế.
Dự kiến, tăng trưởng kinh tế Đài Loan sẽ chậm lại trong năm 2022 và 2023. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Đài Loan đã hạ ước tính tăng trưởng GDP trong năm 2022 xuống còn 2,91% so với 3,51% hồi tháng 9. Trong khi đó, năm 2023, Ngân hàng Trung ương đã dự báo GDP của nước này tăng trưởng 2,53%.
Phan Anh