Trang truyền thông nhà nước Nga, TASS, đưa cảnh báo của một quan chức ngoại giao Nga với Ukraine, lần đầu nhắc tới khái niệm “Nhà nước liên minh”, ám chỉ Nga và Belarus là nhất thể, và rằng nếu Ukraine tấn công một trong hai quốc gia này thì sẽ dẫn tới “phản ứng quân sự tập thể”. Không rõ đây có phải là tuyên bố để “trải thảm” cho sự tham chiến rõ ràng hơn nữa của Belarus tại Ukraine hay không.
Belarus đã và luôn là đồng minh thân cận nhất của Nga, một tiếng nói ủng hộ hiếm hoi việc Nga xâm lược Ukraine từ ngày 24/2/2022. Quốc gia này đã cho phép Nga dùng lãnh thổ của mình làm bàn đạp cho cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Quốc gia láng giềng của Nga còn gây áp lực cho Ukraine khi triển khai lực lượng đặc nhiệm áp sát biên giới Ukraine vào tháng 5/2022. Thêm vào đó, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo các cuộc tập trận “sẵn sàng chiến đấu” đang được tiến hành; Belarus đã tổ chức tập trận chung với Nga hồi tháng 10/2022 tại địa điểm cách biên giới Ukraine chỉ 20km.
Các hành động của Belarus khiến Ukraine lo ngại sự tham chiến của nước này. Đặc biệt sau chuyến đi thăm Belarus của tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12/2022.
Tờ Reuters đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu Nhóm 7 nước cường quốc công nghiệp (G7) điều phái đoàn quan sát viên quốc tế đến gần biên giới. Bên cạnh đó, Pháp cảnh báo Belarus có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây nếu nước này can dự sâu hơn vào Ukraine.
Hôm nay (13/1/2023), trang tin tức của nhà nước Nga TASS, trích lời một nhà ngoại giao của Nga, đưa khái niệm về Nhà nước liên minh (ám chỉ Nga và Belarus là nhất thể), và cảnh báo rằng nếu Ukraine tấn công vào Belarus hoặc Nga (bất kỳ quốc gia nào trong hai quốc gia này) sẽ kích hoạt phản ứng tập thể.
Có thể tuyên bố này nhằm trải thảm cho sự tham chiến của Belarus ở Ukraine.
Nhận xét về các kịch bản có thể xảy ra khi Belarus tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine, Vụ trưởng Vụ CIS thứ hai của Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexey Polishchuk, đã đề cập đến học thuyết quân sự mới nhất của Nhà nước Liên minh, theo đó việc sử dụng vũ lực chống lại một trong hai thành viên Liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ Nhà nước Liên minh. Nhà ngoại giao này cho biết có những cam kết tương tự về hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có bất kỳ hành vi xâm lược nào, từ bên ngoài, chống lại Nhà nước liên minh.
“Nói cách khác, từ góc độ pháp lý, bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào của chế độ Kiev hoặc một cuộc xâm lược quân sự của Ukraine vào Belarus hoặc Nga sẽ đủ để gây ra phản ứng tập thể”, ông Polishchuk nhấn mạnh.
Theo Polishchuk, ngoài việc tham gia vào một chiến dịch quân sự, còn tồn tại các hình thức hỗ trợ khác trong Liên minh, chủ yếu là hợp tác quân sự và kỹ thuật.
“Các quốc gia chúng ta [Nga và Belarus] cung cấp vũ khí và linh kiện để sản xuất phần cứng quân sự cho nhau, hợp tác trong các vấn đề bảo vệ biên giới và tăng cường khả năng chiến đấu của hệ thống phòng không chung Nga-Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhiều lần cảnh báo về một cuộc tấn công của Ukraine vào Belarus hoặc bất kỳ hành động khiêu khích nào khác sẽ kích hoạt phản ứng tập thể của Nhà nước liên minh”, nhà ngoại giao giải thích.
Quang Nhật