Người Trung Quốc Đại Lục đổ xô ‘du lịch vắc-xin’ đến Hồng Kông để tiêm mRNA

Sân bay Tứ Xuyên Trung Quốc. (Nguồn: B.Zhou/ Shutterstock)

Dịch vụ tư nhân đang hấp dẫn du khách từ Trung Quốc đến Hồng Kông và Ma Cao với quảng cáo chào mời vắc-xin mRNA, hiện không có ở Đại Lục do chính quyền Bắc Kinh từ chối dùng vắc-xin của nước ngoài, theo The Guardian đưa tin 13/1.

Sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero-COVID hơn một tháng trước, và dỡ bỏ hạn chế đi lại ở biên giới đầu tuần này, thì sẽ có lượng lớn du khách Trung Quốc di chuyển các nơi sau một thời gian dài bị phong tỏa và cũng là vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Trong bối cảnh đó, dường như sẽ có rất nhiều người từ Đại Lục tới Hồng Kông để tiêm vắc-xin mRNA.

Trong suốt đại dịch, Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép sử dụng vắc-xin sản xuất trong nước cho công dân của mình, từ chối phê duyệt vắc-xin do nước ngoài sản xuất. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu y tế đã đưa ra quan ngại về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc sử dụng virus bất hoạt so với vắc-xin mRNA hiện có ở những nơi khác.

Hiện nay, vẫn khó có thể định lượng được nhu cầu mua vắc-xin ở nước ngoài, nhưng một loạt dịch vụ cung cấp các gói du lịch và tiêm chủng tự túc ở Hồng Kông và Ma Cao đã nổi lên trong những tuần gần đây. Các phòng khám ở Thái Lan và Singapore cũng đã báo cáo sự quan tâm ngày càng tăng từ du khách Trung Quốc.

Vắc-xin mRNA của BioNTech/Pfizer được cung cấp miễn phí cho cư dân Hồng Kông và Ma Cao. Hôm thứ Năm (12/1), chính quyền Hồng Kông tuyên bố sẽ không cung cấp miễn phí bất kỳ loại vắc-xin nào cho những người không cư trú từ tuần tới, do “nhu cầu gia tăng gần đây.” Giá cho các mỗi liều thuốc do tư nhân cung cấp cho những người không cư trú ở Hồng Kông dao động từ khoảng 1.300 đô la Hồng Kông đến 2.000 đô la Hồng Kông (160–250 USD).

Trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, C3HongKong Life, một dịch vụ du lịch vắc-xin dành cho người Đại Lục, đã quảng cáo đặt chỗ từ ngày 8/1 để mọi người đi du lịch đến Hồng Kông và nhận được liều thuốc với giá 1.680 đô la Hồng Kông (205 USD).

Đó là gói du lịch vắc-xin với đầy đủ “hướng dẫn của chuyên gia, cuộc hẹn tiêm vắc-xin, sắp xếp hành trình khứ hồi, đón tại biên giới và các dịch vụ khác.”

Đại học Khoa học và Công nghệ Ma Cao có một website để mọi người đặt lịch tiêm vắc-xin với giá khởi điểm là 1.360 đô la Hồng Kông. Tất cả các cuộc hẹn —khoảng 100 cuộc hẹn một ngày— được đặt kín chỗ cho đến giữa tháng 2/2023.

Nhân viên tại một công ty du lịch xuyên biên giới, xBorder, cho biết họ đã tạo điều kiện cho “rất nhiều” người đi du lịch đến MaCao —nơi các hạn chế nhập cảnh được nới lỏng hơn so với Hồng Kông— vào quý cuối cùng của năm 2022 và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nhiều người muốn đi Hồng Kông.

Tuy nhiên, nhân viên này nói thêm rằng nhiều người bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát gần đây của Trung Quốc đã phải đợi 3 tháng trước khi họ có thể được tiêm vắc-xin. Một số thành phố của Trung Quốc đã báo cáo tỷ lệ lây nhiễm lên tới 70-90% trong tháng trước.

Một người phụ nữ đã đăng trên Weibo rằng cha cô ấy gần đây đã mắc COVID và cô ấy lo sợ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của ông ấy sẽ trở nên tồi tệ hơn sau một đợt khác. Cô nói: “Mặc dù bố tôi đã hồi phục nhưng ông vẫn rất sợ bị nhiễm bệnh lần nữa.” Sau khi thấy có sẵn vắc-xin ở Hồng Kông, cô cho biết dự định đưa cả gia đình đi tiêm.

Shanghai Fosun Pharmaceutical Co., nhà phân phối vắc-xin BioNTech/Pfizer ở khu vực Trung Quốc, cũng đang quảng cáo “hãy đến Hồng Kông để tiêm vắc-xin.”

Vào tháng 12, vắc-xin của công ty đã được đăng ký như một loại dược phẩm, mở rộng khả năng cung cấp ở Hồng Kông và được chấp thuận cung cấp cho du khách.

Đầu tuần này, tờ Financial Times đã đưa tin một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, China Citic Bank International, đang cung cấp cho khách hàng Đại Lục mới một lần tiêm mRNA miễn phí nếu họ cho vào tài khoản 4 triệu đô la Hồng Kông (500 nghìn USD).

Trên mạng, một số người Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sử dụng vắc-xin trong nước, nghi ngờ về các sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Những người khác bày tỏ sự thất vọng rằng việc tiếp cận với vắc-xin mRNA đòi hỏi chi phí đi lại và cá nhân.

“Sau 40 năm ‘cải cách và mở cửa’ người dân Đại Lục vẫn đang sống ở những hòn đảo bị cô lập,” một cư dân mạng nói.

Một blogger y tế nổi tiếng trên Weibo, Tiến sĩ Xu Chao, tuần trước đã kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin, khuyên về lợi ích của việc tiêm vắc-xin mRNA.

“Rõ ràng, vắc-xin mRNA cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung cho những người trước đây chỉ được tiêm vắc-xin [Trung Quốc],” ông Xu viết. “Xét rằng nhiều người ở Trung Quốc đã không tiêm liều thứ ba trong một thời gian dài và nguy cơ lây nhiễm gần đây rất cao, điều cực kỳ quan trọng là phải có được biện pháp bảo vệ thực sự và hiệu quả càng sớm càng tốt.”

Thiên Đức

Related posts