Đặng Duy Hưng
Người phụ nữ này nhà nghèo phải bận rộn với công việc chạy xe máy giao hàng. Một hôm cô ghé vào quán giao một lô hàng bánh kẹo rồi xin một chai Lavie 5 lít rỗng để chạy qua cây xăng mua trữ 5 lít xăng.
Sau đó khi chạy tới chỗ vắng, cô ấy mới bỏ hàng xuống đổ xăng vào xe. Cô không dám đổ tại cây xăng vì sợ người khác phải chờ đợi một thời gian dài cho động tác cô bỏ hàng xuống lấy chỗ trống mở cốp để đổ xăng. Và sau đó cô phải tốn thêm thời gian chất hàng lên xe trở lại.
Cô ấy là một người biết cách hành xử ở chỗ công cộng. Không vì sự tiện dụng cho bản thân mình mà làm ảnh hưởng đến thời gian của người khác.
Sự tử tế trong hành xử cho ta thấy cô “biết người biết ta ” hay ông bà dạy “ăn trông nồi
ngồi trông hướng.” Đây là bắt nguồn ở nền tảng gíáo dục của gia đình cô ấy.
Và một câu chuyện khác…
Một người đàn ông VN 75 tuổi ở Mỹ lái xe vào tiệm Mc Donald drive-in. Bên này ai ai cũng chạy theo cuộc sống nên thời gian hạn hẹp. Drive-in là một kiểu mua đồ ăn không cần vào tiệm. Tất cả khách hàng lái xe dọc hành lang đặt món ăn thức uống rồi trả tiền bốc đem đi.
Ông đã đứng tuổi nên lẩn thẩn quên lên quên xuống. Thêm vào đó, ông nói tiếng Mỹ ngọng nghịu tốn nhiều thời gian để đặt món ăn. Cô gái trẻ da trắng ngồi trong chiếc xe phía sau không vừa ý thò đầu ra xe vừa tạo âm thanh vỗ tay vào cửa xe.
Ông già im lặng không nói gì sau khi đặt đồ ăn lái xe lên cửa sổ trả tiền. Ông đề nghị với cô thu ngân trả tiền luôn cho đồ cô gái phía sau. Trong ý nghĩ cô thu ngân trái tim ông “React the rudeness with kindness and compassion. Don’t treat people like they treat you.” (Hành xử với sự khiếm nhã bằng sự tử tế và thương cảm. Đừng hành xử với người như họ đối với bản thân mình.)
Nhưng có ai ngờ “thấy vậy mà không phải vậy.” Khi ông lái lên cửa sổ tới để nhận đồ ăn vừa nhìn vào gương chiếu hậu. Ông thấy khuôn mặt cô gái bây giờ đã hoàn toàn thay đổi khi nghe cô thu ngân báo là cô không phải trả tiền.
Ông trong tay cầm hai tờ đặt đồ ăn đã thanh toán xong tự nhủ trong lòng:
“Đừng thấy người da mầu mà khinh rẻ phân biệt. Trẻ phải có cha mẹ giáo dục biết kính trọng người lớn tuổi! Phải cho nó bài học nhớ đời.”
Ông đưa hai tờ giấy, lạnh lùng lấy luôn hai phần đồ ăn rồi lái xe đi thẳng. Nhìn phía sau ông thấy cô gái ‘sốc’ mặt tái xanh giận dữ. Cô bây giờ phải lái vòng quanh đặt lại đồ ăn bởi mấy xe phía sau bấm còi không vừa ý. Cô ta đã bị “gậy ông đập lưng ông.”
Và câu chuyện sau chót…
Trong giải thưởng phim ảnh Oscar năm ngoái (2022), trên sân khấu tài tử hài Christ Rock bị diễn viên Will Smith lên tát vào mặt. Christ Rock chia sẻ tâm sự nỗi lòng của bản thân mình về cái tát chấn động toàn thế giới trên Netflix.
Anh giải thích:
“Có nhiều lời đồn đãi hỏi tại sao tôi yếu hèn không phản công? Các bạn biết tại sao không? Bởi vì ba mẹ tôi dạy không bao giờ đánh nhau với người cùng màu da trước mặt chủng tộc khác.”
Chắc chắn mấy ngày qua Will Smith và cha mẹ đều không ngủ được vì câu nói đó. Sống đến tuổi này (U60 ) dù tác giả luôn bỏ ngoài tai những chuyện đàm tiếu thế nhân nhưng vẫn dằn vặt nếu nghe ai nói câu “Đồ mất dạy.”
Sống ở nước ngoài người Việt hay than phiền lối hành xử của người trong nước. Cái tính không biết xếp hàng hay chen ngang không thay đổi dù đang đến thăm nước ngoài văn minh. Nhưng người ta ít khi nghe nói về đám Việt Kiều hồi hương chảnh chọe. Nếu một ngày nào đó bạn ngồi trên chuyến bay về Việt Nam từ Mỹ. (Tác giả chưa bao giờ bay về từ Pháp, Úc, Anh… nên không dám so sánh). Bao năm qua hơn hai mươi lần bay về từ San Francisco hay Los Angeles, có lúc dừng ở Taipei, Hong Kong, hay Bangkok… và không hiểu sao lần nào chuyện hành xử hỷ nộ ái ố cuộc đời chuyến nào tác giả cũng gặp?
Người Mỹ nói: “You can take the person out of the Ghetto but you can’t take the ghetto out of the person.” (“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời” phải không các bạn!?
Đặng Duy Hưng