Nhiều trường đại học Thụy Điển từ chối nhận du học sinh TQ được nhà nước tài trợ
Du học sinh Trung Quốc được chính phủ tài trợ trước khi ra nước ngoài cần phải ký vào thỏa thuận trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thông tin này gây náo động sau khi được truyền thông Thụy Điển phanh phui. Mới đây, Học viện Karolinska tại Thụy điển cho biết sẽ tạm ngừng nhận nghiên cứu sinh Trung Quốc thông qua chương trình học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC).
“Có những điểm không chắc chắn trong đây (thỏa thuận nhà nước cử đi du học mà sinh viên Trung Quốc ký), chẳng hạn như ý tứ của câu ‘đi ngược lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc’ có nghĩa là gì? Do đó, chúng tôi tạm thời quyết định không tuyển thêm nghiên cứu sinh (Trung Quốc) thông qua CSC,” ông Bob Harris, giáo sư và phó trưởng khoa nghiên cứu khoa học tại Học viện Karolinska (KI), cho biết.
“Tôi luôn cảm thấy chột dạ, bởi vì những gì chúng tôi nhận được thực sự là tiền mồ hôi nước mắt (của người dân) từ chế độ độc tài,” một trưởng nhóm nghiên cứu tại Karolinska Institutet và là một hướng dẫn nghiên cứu sinh của CSC đã nói như vậy.
“Nghiên cứu sinh CSC” hoặc “sinh viên CSC” mà các trường giáo dục bậc cao của Thụy Điển hay nói, chính là đề cập đến những người được “Hội đồng Quản lý Quỹ du học quốc gia Trung Quốc” (Chinese Scholarship Council, CSC) tài trợ để đến Thụy Điển học tập nghiên cứu chuyên sâu. “Học bổng CSC” còn được gọi là “Học bổng Chính phủ Trung Quốc“, và “sinh viên CSC” cũng là để chỉ chung về du học sinh được nhà nước Trung Quốc cử đi du học.
Học viện Karolinska là một trong những đại học hàng đầu ở Thụy Điển, và một ủy ban chuyên trách của trường y này chịu trách nhiệm xem xét và trao “Giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học”. Thông qua hợp tác với CSC, học viện này đã từng nhận hơn 30 sinh viên Trung Quốc mỗi năm.
Theo Epoch Times, ngoài Học viện Karolinska, 3 trường đại học nổi tiếng của Thụy Điển cũng đã quyết định ngừng tuyển sinh sinh viên CSC, và ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao của Thụy Điển xem xét tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn tuyển sinh sinh viên CSC.
Thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ của du học sinh Trung Quốc
Hồi tháng Một, truyền thông Thụy Điển Dagens Nyheter đưa tin rằng thông qua chương trình học bổng CSC của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 30 sinh viên Trung Quốc đã bị buộc phải ký một thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ trước khi đến Thụy Điển du học. Những sinh viên đi du học này không chỉ phải cam kết trung thành với chính quyền Bắc Kinh, mà còn phải “phục vụ chế độ” và “tuyệt đối không tham gia các hoạt động trái với mong muốn của chính quyền”.
Dưới sự cai trị của chính quyền Bắc Kinh, “Hội đồng Quản lý Quỹ du học quốc gia Trung Quốc” (CSC) là cơ quan chịu trách nhiệm trao đổi học thuật quốc tế với các trường đại học trên khắp thế giới.
Nguyên nhân khiến cho vụ việc sinh viên Trung Quốc ký thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ bị phanh phui, là do một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Lund, Thụy Điển bị khuyên tạm dừng học vì thành tích học tập không đạt yêu cầu của trường. Sau đó, du học sinh Trung Quốc này bắt đầu tỏ ra lo lắng và cho rằng quyết định của Đại học Lund có thể khiến gia đình anh ở Trung Quốc gặp rắc rối.
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Thụy Điển, ông David Gisselsson Nord, phó chủ nhiệm Các vấn đề quốc tế tại Khoa Y tại Đại học Lund, cho biết: “Chúng tôi khá kinh ngạc, vì chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về một thỏa thuận như vậy”.
Ông Nord (David Gisselsson Nord) cho rằng: “Đây chính xác là phương thức hoạt động của chế độ độc tài (Bắc Kinh). Gia đình (du học sinh Trung Quốc) trở thành con tin tại tổ quốc của mình. Đây là một (tình trạng nhân quyền) rất tồi tệ.”
Thông qua việc này, Đại học Lund đã thu được các tài liệu liên quan nêu trên từ các sinh viên Trung Quốc khác đang theo học tại trường, kết quả xác nhận rằng những sinh viên Trung Quốc này đã ký thỏa thuận tương tự.
Theo các tài liệu liên quan mà truyền thông Thụy Điển có được, nếu những du học sinh Trung Quốc này vi phạm thỏa thuận đã ký hoặc gián đoạn việc học, người nhà trong nước của họ có thể rơi vào cảnh “nợ nhà nước”. Họ không chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới mà còn bị buộc phải ký các thỏa thuận liên quan. Là người thân, họ thường là người bảo lãnh cho du học sinh trong thời gian du học và họ không được phép rời khỏi Trung Quốc trong thời gian này.
Sau đó, các trường đại học khác ở Thụy Điển như Học Viện Karolinska (Karolinska Institute) ở Stockholm, Đại học Uppsala (Uppsala University) và Viện Công nghệ Hoàng gia (Royal Institute of Technology) cũng tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan của các sinh viên Trung Quốc.
Trí Đạt (t/h)
Sau khi gặp ông Tập, ông Macron nói châu Âu nên giảm phụ thuộc vào đô-la Mỹ
Tống thống Pháp Emanuel Macron vừa qua đã nói trên truyền thông rằng châu Âu nên giảm phụ thuộc vào Mỹ và đồng đô-la Mỹ. Tuyên bố này được ông Macron đưa ra sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trong bối cảnh một số nước đang tìm cách “loại bỏ đô-la hóa” trong ngoại thương.
Trao đổi với tờ Politicovào cuối tuần qua khi đang trên chuyến bay từ Bắc Kinh tới Quảng Châu sau khi gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emanuel Macron nói rằng châu Âu cần phải đầu tư tiền vào ngành công nghiệp quốc phòng, phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ để giới hạn sự phụ thuộc vào Washington.
Ông Macron đề nghị rằng các quốc gia châu Âu nên giảm phụ thuộc vào “sự thống trị ngoại thương của đồng đô-la Mỹ”. Cả Trung Quốc và Nga gần đây đều công khai tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này.
“Nếu mâu thuẫn giữa hai siêu cường nóng lên… chúng ta sẽ không có thời gian và cũng không có cả nguồn lực để đầu tư cho sự tự chủ chiến lược của mình và chúng ta sẽ trở thành những nước chư hầu”, ông Macron nói.
Phát biểu của ông Macron đến vào thời điểm có những đồn đoán rằng những động thái gần đây của Trung Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Brazil, Iran và thậm chí cả Pháp có thể quyết định đến vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế trên phạm vi toàn cầu của đồng đô-la Mỹ, vị thế mà đồng tiền này đã có được từ sau khi kết thúc Thế chiến II.
Theo thông tin trên truyền thông, Ả Rập Saudi đang đàm phán tích cực với Trung Quốc để định giá bằng đồng Nhân dân tệ thay vì niêm yết bằng đồng đô-la Mỹ một số thương vụ dầu mỏ bán cho Trung Quốc.
Tháng trước, chính phủ Brazil đã phát đi tuyên bố cho biết nước này và Trung Quốc đã đồng ý trao đổi thương mại song phương bằng đồng tiền nội tệ của mỗi nước và sẽ không sử dụng đô-la Mỹ là đồng tiền trung gian nữa.
Trong chuyến thăm Nga gần đây, ông Tập và ông Putin cũng đã tuyên bố về việc sử dụng các đồng nội tệ mỗi nước trong thương mại song phương thay vì quy đổi sang đồng đô-la Mỹ.
Hải Đăng
Công ty Nhật tái chế dầu ăn thành nhiên liệu máy bay sạch
Công ty TNHH Food & Life Companies, công ty quản lý chuỗi nhà hàng sushi mang thương hiệu Sushiro nổi tiếng ở Nhật Bản, hiện đang lên kế hoạch hợp tác với 3 doanh nghiệp khác, trong đó có JGC Holdings, để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ dầu ăn đã qua sử dụng, theo hãng tin NHK.
Cụ thể, ông Mayumi Hayashi, lãnh đạo cấp cao của Food & Life Companies, cho biết công ty và các đối tác mong muốn thúc đẩy sử dụng dầu ăn tái chế để sản xuất SAF. Theo đó, Food & Life Companies sẽ thu gom dầu ăn đã qua sử dụng tại khoảng 680 cửa hàng thuộc quản lý của công ty này, trong đó có chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền Sushiro và chuỗi quán nhậu kiểu Nhật Izakaya.
Sau đó, Food & Life Companies sẽ cung cấp dầu ăn đã qua sử dụng này cho một liên doanh do JGC Holdings thành lập để sản xuất SAF tại một nhà máy lọc dầu sẽ được xây dựng ở Osaka. Liên doanh này đặt mục tiêu sản xuất khoảng 750.000 lít SAF mỗi năm và cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho các hãng hàng không trong nước.
SAF là một loại nhiên liệu hàng không có lượng khí thải CO2 thấp hơn khoảng 80% so với nhiên liệu thông thường. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng SAF trong tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ hằng năm của các hãng hàng không trong nước lên 10% vào năm 2030.
Ở một diễn biến khác, mới đây, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và các nguồn tin khác cho biết máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) bị mất tích cùng ngày khi đang chở 10 người, theo hãng tin Reuters.
Theo GSDF, 10 người này gồm 2 phi công, 2 kỹ thuật viên và 6 người khác, tất cả đều thuộc Lực lượng Phòng vệ.
Phan Anh
TQ: 4 người “hẹn nhau chết” cùng nhảy xuống vách núi ở Trương Gia Giới
4 thanh niên Trung Quốc tự tử bằng cách nhảy khỏi vách đá ở Trương Gia Giới là những người có hoàn cảnh khó khăn, cùng “trò chuyện nhóm và hẹn nhau chết”.
Như đã đưa tin trước đó, 3 thanh niên và 1 cô gái đã tự sát bằng cách vượt qua lan can an toàn và nhảy xuống vách đá trên con đường ván kính ở Khu thắng cảnh núi Thiên Môn (Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) hôm 4/4. Mặc dù 1 trong số 4 người đã được ngăn lại, nhưng trước đó người này đã uống thuốc độc và tử vong.
Gia cảnh nghèo khó, “trò chuyện nhóm và hẹn tự tử”
Theo trang Tinh Đảo Hoàn Cầu (stnn.cc) tại Trung Quốc, cô gái nhảy vách đá ở Trương Gia Giới họ Trần đến từ Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, và sinh sau năm 2000. Cô Trương (bạn của cô Trần) và các thành viên trong gia đình đã vội vã đến Trương Gia Giới để lo liệu hậu sự. Cô Trương nói cảnh sát địa phương đã tiết lộ với các thành viên trong gia đình rằng 4 người tự tử đã thông qua trò chuyện nhóm để liên lạc và lên kế hoạch, trong đó có 1 người cầm đầu.
Cô Trương cho biết, trước khi nhảy xuống vực, 4 người đã xé tờ giấy trong cùng một cuốn sổ và viết những lời trăn trối, nội dung thư tuyệt mệnh rất đơn giản: “Tôi là ….., có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tôi tự sát không liên quan gì đến người khác.”
Điều kiện kinh tế gia đình của cả 4 thanh niên qua đời đều rất khó khăn. Theo một bài đăng trên tài khoản Weibo “Jianjian” vào ngày 8/4, họ liên lạc với nhau thông qua các cuộc trò chuyện nhóm, là những người xa lạ nhưng lại hẹn nhau cùng chết. Người đứng đầu là cô gái 23 tuổi đến từ Tứ Xuyên, sau khi tốt nghiệp cấp 2, cô ấy liên tiếp đi làm ở Thành Đô và Phật Sơn, làm việc trong ngành thẩm mỹ, là một cô gái tốt bụng. Bố cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở giai đoạn giữa, và các tế bào ung thư đã di căn đến bạch huyết.
Một người 23 tuổi, đến từ huyện Đức Hoa, tỉnh Phúc Kiến, là con một trong gia đình, anh đã đi nơi khác làm việc sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Mấy năm nay, ngay cả tết anh cũng không về nhà. Cuộc gọi cuối cùng của anh ấy là gọi cho mẹ mình. Anh bình tĩnh nói với mẹ rằng mình sẽ đi du lịch một chuyến.
Một người 33 tuổi ở Hà Bắc, là con thứ 3 trong gia đình, cũng tốt nghiệp cấp 2 và ra ngoài làm việc, ít liên lạc với gia đình. Mẹ anh qua đời vào năm đầu tiên của đại dịch, và anh chưa bao giờ quay về làng kể từ đó.
Một người ở Hà Nam cũng có hoàn cảnh tương tự như 2 người trước đó, bố của anh ngoài 60 tuổi, nằm liệt giường tại nhà vì đột quỵ khi mới 30 tuổi. Người bà ngoài 90 tuổi phải chăm sóc cả gia đình.
Trước khi cả 4 người nhảy xuống, cô gái người Tứ Xuyên đã pha thuốc độc vào bình nước rồi uống, sau đó cả bốn cùng xé tờ giấy trong cùng một cuốn sổ và viết thư tuyệt mệnh. 10 phút trước khi nhảy xuống, cô gái đến từ Tứ Xuyên đã giơ chai thuốc độc chưa uống lên trời, chụp một bức ảnh và đăng bức ảnh cuối cùng vào vòng tròn bạn bè, “Xin chào thế giới, tạm biệt”.
悲剧:中国湖南省张家界天门山三男一女跳崖身亡 pic.twitter.com/3WPgeCR9lm
— 井底蛙 (@JerryYa73555788) April 6, 2023
Nhiều người “hẹn nhau chết” trên Internet ở Trung Quốc Đại Lục; hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn
Tài khoản Twitter “Mao Shen” đã đăng một video vào ngày 8/4, kể về một “nhóm hẹn nhau chết”, trong nhóm đó mọi người “giúp đỡ lẫn nhau” để tự tử. Mỗi nhóm hẹn chết có hàng trăm người, dù đến từ khắp nơi, nhưng chỉ có một chủ đề thảo luận duy nhất đó là “làm thế nào để tự tử không đau đớn”.
Trong video, một người đàn ông tên Hồ Minh (Hu Ming), có con trai đã tự sát cùng những người khác trong nhóm này. Sau đó, ông tìm ra “nhóm hẹn nhau chết” với hơn 500 người này, ông quyết tâm dốc sức cứu vớt những sinh mạng trẻ này. Để giúp những người trẻ tuổi này giải quyết khó khăn về kinh tế, ông Hồ Minh từng gửi hàng chục phong bao lì xì trị giá hơn 5.000 nhân dân tệ trong một ngày. Sau đó, ngày càng có nhiều người tìm đến ông, có người mượn ông tiền chi trả chi phí y tế, có người nhờ ông giúp trả nợ thẻ tín dụng, v.v.
(Nội dung tweet trên: Người đàn ông nằm vùng ở ‘nhóm đặc thù’, một ngày gửi 5000 tệ bao lì xì, đã cứu rất nhiều sinh mạng.)
Những thanh niên trong “nhóm hẹn nhau chết” muốn tự tử vì nhiều lý do, “nhưng phần lớn là khó khăn kinh tế. Có người không có việc làm, không gì để ăn, có người thì bệnh nặng đeo bám đến nỗi không đủ tiền chữa bệnh, có người thì tham gia bán hàng đa cấp dẫn đến mắc nợ rất nhiều.” Trong mấy tháng nỗ lực của ông Hồ Minh, ông nhận thấy một số người dần dần rời bỏ “nhóm hẹn nhau chết”, không ít người là người mà ông đã từng giúp đỡ. Cuối cùng, “nhóm hẹn nhau chết” đã bị cấm.
Về vấn đề này, cư dân mạng bình luận: “Nếu không phải là không đủ tiền để sống, có bao nhiêu người sẵn sàng tự sát?”
“Những việc này không thể giải quyết được vấn đề gốc rễ, cần Phát xít Cộng sản hạ đài thì mới được.”
“Sai không phải ở họ, trong xã hội này, lẽ ra lúc họ cần giúp đỡ thì nên có được sự giúp đỡ.”
“Nếu thực sự chán thế gian, mong các bạn trước khi rời khỏi thế gian hãy làm thêm một việc tốt, đưa một số đảng viên hoặc quan chức đảng viên đi, vì chính nghĩa của bạn hành động sẽ khiến họ kiêng sợ, sẽ không còn làm xằng làm bậy nữa.”
“Làm sao có thể cấm nhóm này được? Chính phủ nên tổ chức các tình nguyện viên tư vấn tâm lý xã hội để giúp đỡ những người này. Chính phủ làm thế này thì thật vô trách nhiệm!”
“Kết cục chính là cấm ‘nhóm đặc thù’, chính như Quách Đức Cương (diễn viên hài) nói ‘không thể thấy được người nghèo, thấy người nào là đánh người đó, mắt không nhìn thấy thì là sạch’.”
“Đây là phần nổi của tảng băng trôi trong kế hoạch nhằm loại bỏ những người dân cấp thấp của đảng ta!”
Lý Mộc Tử, Vision Times
Phần Lan mua hệ thống phòng không giá 345 triệu USD sau khi gia nhập NATO
Bộ Quốc phòng Phần Lan công bố kế hoạch mua hệ thống phòng không David’s Sling, chỉ một ngày sau khi nước này gia nhập NATO, theo tờ Defense News.
Bộ Quốc phòng Phần Lan công bố kế hoạch mua hệ thống phòng không David’s Sling với giá 316 triệu EUR (345 triệu USD) chỉ một ngày sau khi nước này gia nhập NATO.
Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết họ đã ủy quyền cho Lực lượng Phòng vệ Phần Lan mua hệ thống David’s Sling làm hệ thống phòng không tầm xa tiếp theo của Phần Lan.
David’s Sling được phát triển như một phần của chương trình hợp tác giữa Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ. Tập đoàn Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel đóng vai trò là nhà thầu chính. Rafael cũng là công ty chế tạo hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt), nhằm đối phó các mối đe dọa tầm ngắn hơn.
Đây sẽ là lần xuất khẩu đầu tiên của hệ thống David’s Sling. Bộ Quốc phòng Israel cho biết hệ thống này được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa trên không tiên tiến, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay, UAV và tên lửa hành trình.
Theo tuyên bố, quá trình mua sắm trên của Phần Lan đã kéo dài vài năm và là một quá trình có nhiều cạnh tranh.
Helsinki cho biết hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của khả năng phòng không trên mặt đất của Phần Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết thêm rằng việc mua hệ thống David’s Sling sẽ tạo ra năng lực mới cho Lực lượng Phòng vệ Phần Lan trong việc đánh chặn các mục tiêu ở độ cao lớn. Đồng thời, chúng tôi đang tiếp tục phát triển đầy tham vọng và lâu dài về khả năng phòng thủ của Phần Lan trong một môi trường an ninh mới.
Ngoài hệ thống David’s Sling, thỏa thuận mà Phần Lan ký với Israel còn bao gồm tên lửa đánh chặn, bệ phóng và radar. Bên cạnh Rafael là nhà thầu chính, thỏa thuận cũng liên quan đến hợp tác với công ty con Elta của IAI liên quan đến sản xuất radar đa nhiệm vụ cho hệ thống và cả Elbit Systems, công ty sản xuất hệ thống chỉ huy và điều khiển. Đây cũng là ba công ty quốc phòng lớn nhất của Israel.
Phiên bản Phần Lan của hệ thống David’s Sling sẽ được sản xuất và tích hợp dưới sự hợp tác giữa các nhà thầu Israel, Mỹ và Phần Lan, do Rafael và Raytheon Technologies đứng đầu.
Tuyên bố của Phần Lan lưu ý rằng bản hợp đồng chính trị giá 213 triệu EUR, trong khi hợp đồng gồm các tùy chọn không xác định khác có giá 216 triệu EUR.
Ngoài ra, tuyên bố lưu ý rằng hợp đồng mua sắm sẽ bao gồm một phần riêng biệt giữa Bộ Quốc phòng Israel và Bộ Quốc phòng Phần Lan để đảm bảo an ninh về cung cấp hệ thống.
Phan Anh