Tác giả Antonio Graceffo
Theo một tuyên bố của chính phủ Brazil, hôm 29/03 Brazil và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận để tiến hành giao dịch bằng đồng tiền của hai nước thay vì đồng USD.
Không có chi tiết nào được công bố về cách thức hoạt động của thỏa thuận này hoặc liệu thỏa thuận này có áp dụng cho tất cả các hoạt động thương mại giữa hai quốc gia này hay không. Tất cả những gì được công khai là các giao dịch sẽ được Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Truyền thông Brazil (BBM) giải quyết.
ICBC sẽ thành lập một trung tâm thanh toán bù trừ ở Brazil để giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Do các bản tin nói rằng trung tâm thanh toán bù trừ này sẽ được xây dựng nên có vẻ như các giao dịch này vẫn chưa diễn ra. Ngoài ra, tuyên bố trên cũng không cung cấp một ngày khởi đầu nào.
Bắc Kinh đang ăn mừng thỏa thuận này như một bước tiến hướng tới phi USD hóa trên thế giới và như một sự tiến bộ trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Ông Vương Hữu Minh (Wang Youming), nhà nghiên cứu cao cấp đồng thời là sở trưởng Sở Nghiên cứu Các Quốc gia Đang phát triển tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), nói với hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) rằng, “chính sách tiền tệ vô trách nhiệm của Hoa Thịnh Đốn, đặc biệt là các đợt tăng lãi suất liên tục, đã dẫn đến sự mất giá đồng nội tệ real của Brazil và chi phí gia tăng trong giao dịch.”
USD là đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ thỏa thuận Bretton Woods năm 1944. Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, nền kinh tế của châu Âu và châu Á rơi vào tình trạng sụp đổ, và đồng tiền của hai châu lục này gần như vô giá trị. Để thúc đẩy thương mại quốc tế và giúp thế giới phục hồi sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã đồng ý bảo đảm cho đồng tiền của mình bằng vàng và bảo đảm cho các loại tiền tệ khác bằng USD.
Mặc dù Hoa Kỳ đã bỏ bản vị vàng vào năm 1971, nhưng đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu vì tính ổn định và khả năng chuyển đổi của nó. Một lợi ích khác của đồng USD là hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ, được định giá và giao dịch bằng USD. Vì tất cả các quốc gia đều cần dầu mỏ, nên việc các quốc gia lưu giữ đồng USD làm dự trữ là chuyện dễ hiểu. Và vì họ vốn đã sử dụng USD để mua dầu và dùng làm đồng tiền dự trữ, nên việc các quốc gia định giá hàng hóa của họ và thanh toán hàng nhập cảng bằng USD cũng là điều hợp lý.
Việc USD là đồng tiền dự trữ và thương mại của thế giới mang lại cho Hoa Kỳ sức mạnh và ảnh hưởng địa chính trị to lớn. Một số quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang ngày càng bất mãn với quyền bá chủ kinh tế của Hoa Kỳ và đã tìm cách bỏ qua đồng USD. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đã thiết lập một số giải pháp thay thế, chẳng hạn như các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ hoặc Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới Trung Quốc (CIPS), một giải pháp thay thế SWIFT cho phép thanh toán quốc tế bằng đồng nhân dân tệ. Cho đến nay, đã có 103 quốc gia tham gia, mặc dù tổng khối lượng thanh toán thương mại còn nhỏ.
Năm 2016, đồng nhân dân tệ đã được thêm vào Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một rổ tiền tệ mà các quốc gia có thể rút ra khi họ cần thanh khoản. Mặc dù về mặt kỹ thuật, việc có mặt trong SDR giúp cho đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ quốc tế, nhưng đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 3% dự trữ tiền tệ toàn cầu, trong khi đồng USD chiếm 60% và đồng euro chiếm 20%. Đối với thương mại, khoảng 14.7% thương mại xuyên biên giới được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Để một loại tiền trở thành đồng tiền dự trữ thực sự, thì đồng tiền đó phải đáp ứng năm yêu cầu.
Yêu cầu đầu tiên là về sự ổn định. Mức độ kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với đồng nhân dân tệ khiến cho sự ổn định của đồng nhân dân tệ có phần đáng ngờ. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ được neo một cách lỏng lẻo với đồng USD, do đó, việc thêm nhân dân tệ vào danh mục đầu tư dự trữ bằng USD sẽ không thể hiện được mức độ đa dạng hóa giống như việc thêm đồng euro hoặc đồng yên.
Thứ hai, loại tiền tệ này phải được chấp nhận rộng rãi. Hiện tại, USD có thể được sử dụng cho hầu hết mọi giao dịch thương mại. Bắc Hàn là một trong số rất ít trường hợp ngoại lệ, khi yêu cầu phải có đồng euro.
Yêu cầu thứ ba là tính thanh khoản: Một loại tiền tệ phải được trao đổi rộng rãi. USD có thể được trao đổi ở hầu hết mọi nơi, nhưng điều này không hoàn toàn đúng với đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ được cho là đáp ứng các yêu cầu thứ tư và thứ năm đối với một loại tiền tệ quốc tế, đó là các tiêu chí về quy mô và sức mạnh. Một đồng tiền của thế giới phải tồn tại với số lượng đủ để hỗ trợ thương mại thế giới. Đồng dollar Canada (CAD) và đồng franc Thụy Sĩ (CHF) đều là những đồng tiền tuyệt vời nhưng lại không có quy mô như đồng nhân dân tệ hoặc đồng USD.
Yêu cầu cuối cùng đối với một loại tiền tệ toàn cầu là quốc gia đó phải có sức mạnh chính trị và quân sự đáng kể. Điều này là đúng với Hoa Kỳ và ngày càng đúng với Trung Quốc.
Ngoài việc phù hợp với định nghĩa về một đồng tiền của thế giới, thì loại tiền tệ đó còn phải hữu ích. Đồng bảng Anh và đồng euro đều là tiền tệ quốc tế, tuy nhiên các quốc gia Á Châu có xu hướng nắm giữ ít hai loại tiền này hơn vì các quốc gia này ít sử dụng tiền tệ Âu Châu hơn. Để một đồng tiền là hữu ích, thì một quốc gia phải có thể giao dịch thương mại được bằng đồng tiền đó. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, với thương mại song phương đạt 172 tỷ USD vào năm ngoái và đây là một điểm cộng cho thỏa thuận tiền tệ này.
Một công dụng khác của ngoại tệ là trả nợ. Nợ ngoại quốc của Brazil hiện đang ở mức 689.87 tỷ USD, và phải được thanh toán bằng USD. Đầu tư là một lý do khác để nắm giữ tiền tệ của một quốc gia. Trong khi Brazil nhận được rất nhiều đầu tư từ Trung Quốc, thì đầu tư của Brazil vào Trung Quốc là rất ít.
Các quốc gia cũng sử dụng ngoại tệ để ổn định đồng tiền của mình. Đồng real của Brazil đã được neo vào đồng USD cho đến khoảng 20 năm trước. Ngay sau khi việc neo tỷ giá này được dỡ bỏ, thì đồng real đã mất nhiều giá trị. Ngày nay, đồng real được thả nổi tự do (không neo với bất kỳ loại tiền tệ nào khác). Và cuối cùng, các quốc gia nắm giữ USD vì dầu mỏ và các loại hàng hóa khác được định giá bằng USD.
Trung Quốc và Brazil đã tìm cách để bỏ qua đồng USD. Thỏa thuận mới nhất này là một bước đi theo hướng đó, nhưng đồng nhân dân tệ không đáp ứng một số yêu cầu để hoạt động như một đồng tiền dự trữ. Do đó, có thể hai quốc gia này sẽ đồng ý thực hiện một số, nhưng không phải là tất cả các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, và không quốc gia nào trong hai nước có thể hoàn toàn từ bỏ đồng USD.
Nhật Thăng biên dịch