Ngoại trưởng Ukraine hôm Thứ Năm lần nữa yêu cầu Nga rút quân khỏi Crimea —phần lãnh thổ Nga tuyên bố sáp nhập 9 năm trước— cũng như các phần lãnh thổ Nga tuyên bố sáp nhập vào năm ngoái, theo AP đưa tin 13/4.
Ngoại trưởng Ukraine miêu tả Ukraine như “vết thương đang chảy máu ở châu Âu” khi khẳng định quyết tâm đòi lại Crimea (người Việt còn gọi là Crưm).
“Mỗi khi bạn nghe ai đó từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nói rằng Crimea có phần đặc biệt và không nên được trả lại cho Ukraine, cũng như bất kỳ phần lãnh thổ nào khác của chúng tôi, bạn phải biết một điều: Ukraine hoàn toàn không đồng ý với những tuyên bố này,” ông tuyên bố tại Hội nghị An ninh Biển Đen.
Khái niệm “có phần đặc biệt” là ám chỉ rằng Crimea đã được Nga sáp nhập từ năm 2014, và nó không nằm trong mục tiêu quân sự ban đầu của Ukraine, vốn chỉ là bảo vệ đất nước trước cuộc chiến nổ ra hồi tháng 2/2022. Ngoài ra, với sự hiện diện thường trực từ lâu của Hạm đội Biển Đen cùng các lực lượng quân sự của Nga ở đây, một số quan điểm quốc tế ngầm hiểu rằng Crimea chưa bao giờ từng thật sự do chính quyền Kyiv hiện nay kiểm soát.
“Chúng tôi thống nhất với các nguyên tắc hiến chương của Liên Hợp Quốc và niềm tin chung rằng Crimea là của Ukraine và nó sẽ trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine,” ông Kuleba nói, phát biểu qua liên kết video tới một cuộc tụ họp ở thủ đô Bucharest của Romania.
Tuyên bố của ông ngoại trưởng Kuleba rằng Crimea nằm trong mục tiêu hoạt động quân sự sắp tới, được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố hôm 7/4 tuần trước rằng “một cuộc phản công hẳn sẽ bắt đầu vào những tuần tới ở chiến trường Ukraine”.
Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây vẫn kiên quyết quan điểm ủng hộ chính quyền Kyiv tới cùng.
Trên chiến trường Ukraine, quân Nga được xem là có lợi thế một chút về phương diện số lượng binh sỹ, nhưng chắc chắn kém hơn về vũ khí tối tân. Gần đây, báo chí Ukraine dường như ám chỉ sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và NATO trên lãnh thổ của mình, một chủ đề nhạy cảm mà Hoa Kỳ cùng các đồng minh thường không đề cập đến.
Nhật Tân