Tiếp tục chính sách ủng hộ chính quyền Kiev, nhóm của Donald Trump cho biết rằng vị tổng thống mới của Mỹ sẽ yêu cầu các thành viên NATO tăng quỹ quân sự lên 5% GDP hàng năm, theo báo cáo hôm Thứ Bảy của Financial Times. Như vậy là tăng hơn gấp đôi chi tiêu hiện nay, theo FT bình luận. Trong nhiệm kỳ trước của mình, (2017–2020) ông Trump đã từng yêu cầu NATO tăng gấp đôi quỹ này, từ 1% lên 2%. Mặc dù Mỹ và các nước Tây Âu đều luôn luôn tuyên truyền rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nuôi mộng đế quốc, nhưng trước khi chiến tranh bùng phát vào 2/2022, quỹ quốc phòng của Nga chỉ nhỉnh hơn 1/13 của Mỹ. Hiện nay, theo phương Tây đánh giá, Nga đã tăng gấp đôi cho đến gấp ba lần quỹ quốc phòng.
Theo thống kê mà FT cung cấp, thì trong các thành viên của NATO, các quốc gia sau đây đang đứng đầu về chi tiêu cho quân sự, tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP của năm nay, 2024 (4 quốc gia của NATO có chi tiêu quân sự vượt 3% GDP):
– Ba Lan — 4,15% GDP
– Estonia — 3,45% GDP
– Mỹ — 3,35% GDP (tổng số khoảng 900 tỷ USD)
– Latvia — 3,15 % GDP
Anh chi tiêu khoảng 2,35% GDP cho quân sự, đứng thứ 9 trong danh sách. Đức chi khoảng 2,15%, đứng thứ 15.
Theo báo cáo của Politico hôm Thứ Ba, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố rằng Ba Lan là “quốc gia tiền tuyến” (frontline state), giống như Ukraine, trên mặt trận chống lại nguy cơ mà phương Tây phán đoán rằng có thể xảy ra (nhưng mà Nga không bao giờ thừa nhận) rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn bành trướng Nga sang cả Đông Âu, nơi lãnh địa từng thuộc Đế quốc Nga năm xưa, hoặc Liên Xô năm xưa, hoặc thậm chí nếu có thể, thì chiếm luôn cả toàn bộ Châu Âu. Ông Tusk đã nói như sau trong một tuyên bố chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, rằng Ba Lan kiên trì hứa hẹn ủng hộ Ukraine không lay động (unwavering support) và “sát cánh” (shoulder-to-shoulder) với Ukraine, nhưng mà, vì bản thân Ba Lan cũng là quốc gia tiền tuyến rồi, cho nên sẽ không tiếp tục chủ trương “gửi tất cả mọi thứ” cho Kiev được nữa: “Chúng tôi sẽ không thể gửi tất cả mọi thứ. Theo một nghĩa nào đó, chúng tôi cũng là quốc gia tiền tuyến. Ba Lan ngày càng trở thành một mục tiêu mà có thể sẽ bị tấn công, hoặc các hành động chuyển hướng hay tổng hợp để nhắm trực tiếp vào công dân hoặc quốc gia chúng tôi.”
Theo một cố vấn gần gũi với Tổng thống Đắc cử Donald Trump nói với quan chức Châu Âu, như FT báo cáo, thì Mỹ sẽ đặt tỷ lệ chi tiêu quốc phòng của chính Mỹ là 3,5%.
Tuy nhiên, nếu NATO/EU muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kiev trong điều mà NATO/EU miêu tả là dùng chiến trường Ukraine để chặn đứng tham vọng bành trướng của Putin, thì các thành viên NATO ở Châu Âu cần tăng chi tiêu quân sự của mình lên 5% GDP hàng năm.
Theo FT, đây là một yêu cầu khá là thách thức, khi mà hiện nay chỉ có 23 trong số 32 thành viên của NATO đạt mức chi tiêu quân sự cao hơn 2% GDP (tức là mới so với con số 2% mà ông Trump nói đến vào nhiệm kỳ trước của ông, chưa nói đến 5% mà ông nói đến vào nhiệm kỳ sắp tới này). Theo FT, yêu cầu lần này của ông Trump vậy là NATO phải tăng hơn gấp đôi chi tiêu hiện nay.
Trong những tuần qua, mặc dù ông Trump chưa nói chi tiết về kế hoạch ông sẽ giải vấn đề chiến tranh Ukraine như thế nào, nhưng mà đã xuất hiện nhiều phỏng đoán rằng ông sẽ vì muốn tập trung vào giải quyết các bài toán nội bộ nước Mỹ (theo tinh thần Người Mỹ Trên Hết MAGA) do đó sẽ cắt giảm viện trợ cho chính quyền Kiev. Nhưng mà, toàn bộ cuộc chiến tranh Ukraine là dựa vào Mỹ, hoặc có thể nói, chính Mỹ đang nuôi Kiev cho cuộc chiến tranh này suốt những năm qua.
Đồng thời với xu thế muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine của ông Trump, thì chính quyền Biden đang chạy nước rút tăng cường và leo thang các hoạt động quân sự ở chiến trường Ukraine. Có các phân tích cho rằng, cách đầu độc quan hệ Nga-Mỹ như vậy, sẽ khiến đàm phán hòa bình trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Ít nhất là trong nửa năm tới, nó sẽ không khả thi đối với ông Trump, người từng hứa hẹn suốt cả năm qua rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh Ukraine bằng đàm phán chỉ trong 24 giờ kể từ khi đắc cử.
Cũng trong thời gian đó, Nga liên tục thua NATO. Chính quyền Syria thân Nga bị lật đổ, và phiến quân được Mỹ và phương Tây tẩy trắng trở thành lực lượng hòa bình. Thậm chí treo thưởng 10 triệu USD để lấy tính mạng thủ lĩnh phiến quân cũng được bãi bỏ rồi. Chính phủ mới ở Gruzia mà phương Tây cho là thân Nga, liên tục bị biểu tình bạo động hỗn loạn cực kỳ trong nhiều tháng qua, có nguy cơ bị cách mạng màu phiên bản Maidan Kiev tái diễn. Bầu cử tại Moldova và Romania, thì các phe được cho là thân Nga đều bị loại bỏ bằng cách này hay cách khác.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Nga đang bị thua to, và hiện giờ Nga chỉ có thể co lại và tập trung hết vào để lo vấn đề Ukraine mà thôi. Rất nhiều truyền thông phương Tây cho hay kinh tế Nga đã rơi vào khủng hoảng, khi lãi suất ngân hàng trung ương đạt con số kỷ lục 21% (báo cáo hôm Thứ Sáu của Bloomberg).
Trong chuyến du thuyết tuần qua của ông Zelensky, đã có các tiếng nói của các thành viên NATO/EU ủng hộ ông, ủng hộ việc tiếp tục kéo dài chiến tranh với Nga, đặc biệt Anh, Pháp, Đức, Ba Lan. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cũng lên tiếng muốn ủng hộ Kiev mạnh mẽ trong cái mà ông gọi là chiến tranh vì hòa bình.
FT tiết lộ rằng, trong cuộc điện đàm riêng giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Donald Trump, ông Scholz đã nói ông ấy “khá là tin chắc rằng Mỹ và Châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ của mình dành cho Ukraine.”
FT cũng cho hay rằng, trong 24 giờ sau chuyến du thuyết Châu Âu của mình, ông Zelensky đã nói rằng những ủng hộ về tiền bạc và súng đạn mà ông nhận được theo các hứa hẹn từ Châu Âu “vẫn chưa đủ” cho ông tiếp tục cuộc chiến của mình, và ông vẫn cần sự hỗ trợ của Mỹ.
Trong bối cảnh như vậy, như FT báo cáo, nhóm ông Trump cho rằng nếu muốn Mỹ tiếp tục, thì cũng được, NATO hãy tăng ngân sách quốc phòng lên 5%.
- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong khoảng 1 năm trở lại đây thường xuyên nói rằng ông cần nhiều tiền bạc và súng đạn hơn nữa cho chiến tranh, rằng những gì ông nhận được luôn luôn là không đủ. Trong tháng này, ông nói ông muốn thêm vài chục khẩu đội tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, thậm chí đề nghị Mỹ cho phép đặt dây chuyền sản xuất đạn tên lửa cho Patriot ngay tại đất Ukraine để phục vụ chiến tranh lâu dài. Ông thường lập luận rằng chiến sự bất lợi là do lỗi của phương Tây. Nhưng mà, có khá nhiều tiếng nói phân tích trên truyền thông phương Tây chỉ ra rằng yêu cầu nhiều Patriot như vậy là điều không có khả năng, với lập luận rằng, chỉ riêng đào tạo để sử dụng 1 khẩu đội Patriot (cần mấy chục, gần trăm người vận hành) cũng đòi hỏi vài tháng, dù là đào tạo cấp tốc. Truyền thông phương Tây cũng cho rằng bất lợi trên chiến trường Ukraine là do Kiev đã thiếu quân lính, và đang cân nhắc phương án đưa quân NATO vào chiến trường Ukraine, theo một danh nghĩa nào đó. Còn chính phủ Biden của Mỹ hối thúc chính quyền Kiev giảm tuổi bắt lính xuống còn 18 tuổi để gấp rút tăng binh.
- Cũng theo FT báo cáo, sau chuyến du thuyết Châu Âu, ông Zelensky tuyên bố: “Tôi tin rằng chỉ những đảm bảo của châu Âu sẽ vẫn chưa đủ cho Ukraine. Không thể thảo luận chỉ với Châu Âu, bởi vì sự đảm bảo duy nhất, hiện tại hoặc trong tương lai, là [tư cách thành viên] NATO”.
FT viết theo lời của nhóm ông Trump: “Mặc dù ông Trump vẫn tin rằng Ukraine không nên bao giờ trở thành thành viên NATO, và vẫn muốn rằng cuộc xung đột này kết thúc ngay lập tức, nhưng mà, vị tổng thống đắc cử này cũng tin rằng cung cấp vũ khí cho Kiev sau khi ‘ngừng bắn’ sẽ đảm bảo cho một kết quả ‘hòa bình nhờ sức mạnh’.”
Trong các thông điệp của Nga, nhất quán trong nhiều năm qua, Nga đã coi việc Ukraine trở thành thành viên NATO (dù là một cách chính thức hay là không chính thức) là uy hiếp đến an ninh sống còn của Nga. Trong khi truyền thông phương Tây nhìn nhận rằng Nga đang bên bờ sụp đổ, thì Nga cho rằng phương Tây đang trên bờ suy thoái, và đầu tư vào chiến tranh Ukraine là một trong những nhân tố khiến các chính quyền Âu Mỹ ủng hộ cho chiến tranh này gặp các khó khăn hay lụn bại như hiện nay, ví dụ: chính quyền Biden của Mỹ, chính quyền Scholz của Đức, và chính quyền Macron của Pháp.
Nhật Tân