Tin thế giới sáng Chủ Nhật: Nga nêu điều kiện gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Nga nêu điều kiện gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Nga nêu điều kiện gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Tàu Navi-Star của Panama chở 33.000 tấn ngô khởi hành từ Ukraine tiến vào eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 06/08/2022. Liên Hợp Quốc, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc vào ngày 22/07 để mở lại 3 cảng của Ukraine – Odessa, Yuzhny và Chernomorsk. (Ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Anadolu Agency/Getty Images)

Hôm thứ Năm (13/4), Nga nói rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian sẽ không được gia hạn sau ngày 18/5 – trừ khi phương Tây dỡ bỏ một loạt rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022 dưới sự dàn xếp của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này nhằm mục đích giảm bớt sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra bởi xung đột Nga – Ukraine. Cuộc chiến này đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của hai trong số các nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày hồi tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/5.

“Nếu không có tiến triển trong việc giải quyết 5 vấn đề mang tính hệ thống… thì không cần phải nói về việc gia hạn sáng kiến Biển Đen (còn gọi là thỏa thuận ngũ cốc) hơn nữa sau ngày 18/5”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Hãng tin TASS cho hay, 5 vấn đề mang tính hệ thống mà Nga đề cập ở trên bao gồm:

  1. Tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT;
  2. Nối lại nguồn cung máy móc nông nghiệp, phụ tùng thay thế và các dịch vụ bảo trì;
  3. Dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm đi đôi với bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận các cảng;
  4. Khôi phục hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa;
  5. Dỡ bỏ phong tỏa các tài sản cũng như tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga liên quan đến sản xuất, vận chuyển thực phẩm và phân bón.

“Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, bất chấp tất cả những yêu cầu nghe có vẻ cao về an ninh lương thực toàn cầu và hỗ trợ cho các quốc gia có nhu cầu, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã và đang phục vụ xuất khẩu thương mại độc quyền của Kyiv vì lợi ích của các quốc gia phương Tây”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.

Để giúp thuyết phục Nga đồng ý dỡ bỏ phong tỏa 3 cảng Biển Đen để Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, LHQ cũng đồng ý giúp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng thông cáo báo chí của Ban Thư ký LHQ về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen liên quan việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Ukraine “không phản ánh đúng sự thật”.

Hãng thông tấn TASS cho hay, trên thực tế, lượng giao hàng nhân đạo của Chương trình Lương thực Thế giới (543.928 tấn) không tương xứng so với tổng khối lượng xuất khẩu lương thực (27,7 triệu tấn) đã được triển khai trong khuôn khổ của thỏa thuận.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc Kyiv tiếp tục ngăn chặn các nguồn cung cấp amoniac, như nội dung khuyến nghị trong các thỏa thuận, cũng như việc không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong thực hiện Bản ghi nhớ giữa Nga và LHQ đã khiến Ban thư ký LHQ phải đưa ra phản ứng công khai.

Mặt khác, phát ngôn viên của LHQ Stephane Dujarric cho biết “các bên vẫn đang tiến hành các cuộc thảo luận và liên lạc”, đồng thời nói thêm rằng các quan chức của LHQ vẫn quyết tâm đảm bảo việc thực hiện cả hai thỏa thuận.

Ông cho biết, liên quan đến câu chuyện xuất khẩu của Nga, “vẫn còn rất nhiều vấn đề quan trọng cần được giải quyết về thủ tục thanh toán và các vấn đề kỹ thuật khác” mà các quan chức LHQ hiện đang cố gắng khắc phục.

Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng “đã có một số kết quả cụ thể góp phần làm tăng khối lượng thương mại ngũ cốc, giảm giá cước vận tải và tăng số lượng tàu ghé cảng Nga để lấy phân bón và giảm phí bảo hiểm”.

“Vì vậy, chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ, nhưng chúng tôi tiếp tục nỗ lực để đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa”, ông Dujarric khẳng định.

Nhu cầu của Nga

Các cường quốc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022. Mặc dù việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị trừng phạt, nhưng Moscow cho biết các hạn chế đối với cơ chế thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là “rào cản” đối với các lô hàng.

“Việc dỡ bỏ các trở ngại đối với xuất khẩu nông sản trong nước lẽ ra phải diễn ra trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ Nga – LHQ”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Nga nói rằng đã có sai sót trong chính sách kiểm tra các tàu chở ngũ cốc từ Ukraine.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga phản ánh hiện có 28 tàu chở tổng cộng hơn 1 triệu tấn thực phẩm trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đang chờ kiểm tra tại lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhân viên LHQ tại Trung tâm Điều phối Chung (JCC), cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, đã từ chối lên lịch kiểm tra các tàu này. Thay vào đó họ hỗ trợ đề nghị kiểm tra các tàu của Ukraine.

“Đổi lại, một tình huống thậm chí còn khó khăn hơn đã phát sinh xung quanh việc đăng ký các tàu chở hàng rời”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết và phủ nhận rằng Nga phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự tắc nghẽn nào. Đồng thời, phía Moscow cáo buộc các quan chức cảng Ukraine đã nhận hối lộ để đẩy nhanh quá trình kiểm tra.

Lam Giang tổng hợp

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sắp thăm Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sắp thăm Nga
Quốc kỳ Trung Quốc (trái) và Nga xuất hiện trên bảng quảng cáo tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Ritan ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 22/3/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Moscow từ ngày 16/4 đến ngày 19/4 để hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Shoigu, quân đội Trung Quốc thông báo hôm thứ Sáu (14/4).

Cuộc gặp đánh dấu nỗ lực của hai đồng minh nhằm tìm cách củng cố liên minh quân sự song phương trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc sẽ bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Moscow theo lời mời của người đồng cấp Nga, ông Sergei Shoigu, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) nói với báo giới.

Theo vị phát ngôn viên, ông Lý Thượng Phúc dự kiến sẽ hội đàm với quan chức quân sự Nga và thăm các học viện quân sự.

“Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo chiến lược của hai nguyên thủ quốc gia, mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Nga đã không ngừng phát triển ở mức cao”, vị phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc cho biết.

Ông Đàm Khắc Phi nói thêm rằng cả hai bên đã đạt được tiến bộ trong “quan hệ chiến lược, tập trận chung và hợp tác thiết thực. Điều này đã và đang không ngừng làm phong phú thêm ý nghĩa chiến lược của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Nga trong thời đại mới”.

Vị phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chỉ trích nhận xét của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương phải tăng cường cam kết với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bối cảnh “Trung Quốc đang đặt ra những thách thức an ninh”.

“Trung Quốc cực lực phản đối việc NATO can dự vào các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương dưới chiêu bài ‘khiêu khích Trung Quốc’ nhằm xây dựng một phiên bản NATO ở châu Á – Thái Bình Dương”, ông nói trong một tuyên bố riêng.

Trung Quốc bắt tay Nga xây dựng ‘Trật tự thế giới đa cực’

Chuyến thăm Nga của ông Lý Thượng Phúc diễn ra sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 20/3. Trong cuộc gặp này, hai nguyên thủ quốc gia một lần nữa tái khẳng định quan hệ đối tác “không giới hạn”.

Cũng trong cuộc gặp, ông Putin cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tạo ra một “trật tự thế giới đa cực” công bằng hơn dựa trên luật pháp quốc tế “chứ không phải các quy tắc nhất định phục vụ nhu cầu của hàng tỷ người giàu có”.

Ông Đàm Khắc Phi sau đó đã tái khẳng định cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về việc hợp tác với Nga để thực hiện “sáng kiến an ninh toàn cầu” nhằm duy trì an ninh quốc tế và khu vực, đồng thời “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”.

Hai nước cũng cam kết “tổ chức các cuộc tuần tra, diễn tập và huấn luyện chung trên không và trên biển, đồng thời tăng cường trao đổi và hợp tác giữa quân đội hai nước”, vị phát ngôn viên cho biết vào ngày 30/3.

“Cộng đồng chung vận mệnh” là một phần quan trọng trong tuyên truyền của ĐCSTQ và thường xuyên được ông Tập viện dẫn kể từ khi ông nắm quyền kiểm soát ĐCSTQ vào năm 2012.

Khẩu hiệu của ĐCSTQ được hiểu rộng rãi là báo trước sự thay thế cuối cùng của trật tự quốc tế hiện tại bằng một trật tự theo chủ nghĩa Marx – Lenin do chế độ Bắc Kinh lãnh đạo.

Mỹ trừng phạt hơn 120 thực thể hỗ trợ Nga

Hôm thứ Tư (12/4), Hoa Kỳ đã công bố một đợt trừng phạt mới nhắm vào hơn 120 thực thể và cá nhân từ 20 quốc gia và khu vực tài phán về vai trò hỗ trợ của họ trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trong số các thực thể này có một công ty quân sự tư nhân của Nga và một công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Ông trùm kinh doanh người Nga Alisher Usmanov cũng nằm trong số những người bị trừng phạt. Hôm 12/4, Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc ông Usmanov sở hữu “mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại những thiên đường tài chính”. Mỹ cũng nói rằng ông Usmanov thực hiện các giao dịch tài chính thông qua thành viên nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt.

Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia gồm: Úc, Canada, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh cũng tung đòn trừng phạt đối với ông Usmanov.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington sẽ tiếp tục hành động chống lại Nga và những nước ủng hộ cuộc chiến của họ ở Ukraine.

“Hơn một năm kể từ khi Nga vô cớ xâm lược Ukraine, tác động của các biện pháp trừng phạt phối hợp toàn cầu của chúng tôi đã buộc Liên bang Nga phải tìm kiếm các giải pháp thay thế để tài trợ và cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh của mình”, Ngoại trưởng Blinken lập luận.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các thực thể Trung Quốc và kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt “sự đàn áp phi lý” đối với các thực thể này.

Huyền Anh biên dịch

Phần Lan bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới với Nga

Đoạn hàng rào đầu tiên dài 3 km tại biên giới Phần Lan – Nga, được chụp hôm 14/4/2023 tại Imatra, Phần Lan. Quốc gia Bắc Âu dự tính xây hàng rào ở biên giới với Nga với tổng diện tích dự kiến dài 200 km và được đặt ở các điểm chiến lược khác nhau. (Ảnh: Alessandro Rampazzo/AFP/Getty Images)

Tờ Reuters đưa tin, hôm thứ Sáu (14/4), Phần Lan đang xây dựng đoạn hàng rào đầu tiên ở biên giới với Nga, chưa đầy hai tuần sau khi nước này gia nhập liên minh quân sự NATO. Động thái này của Phần Lan được cho là nhằm ứng phó với những quan ngại về vấn đề nhập cư và an ninh.

Phần Lan lo sợ bị trả đũa

Lo sợ bị trả đũa từ phía đông sau khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính phủ Phần Lan đã quyết định xây dựng hàng rào vào năm ngoái, với mục đích chính là ngăn dòng người di cư từ Nga sang.

Giới quan sát cho rằng Phần Lan đang đề phòng sự tái diễn của các sự kiện ở biên giới phía đông của Liên minh châu Âu (EU) tại Ba Lan vào mùa đông năm 2021.

Vào thời điểm đó, EU cáo buộc nước láng giềng Belarus – một đồng minh trung thành của Nga – đã dàn dựng một cuộc khủng hoảng bằng cách đưa những người di cư từ Trung Đông đến, đồng thời cấp cho họ thị thực và đẩy họ qua biên giới.

Đến cuối năm 2026, hàng rào bằng lưới thép của Phần Lan dự kiến sẽ trải dài khoảng 200 km quan trọng nhất ở biên giới với Nga.

Ngày 14/4, quản lý dự án Ismo Kurki cho biết hàng rào sẽ có thiết bị giám sát.

Trong khi đó, cho đến nay vẫn có rất ít hoạt động của con người dọc theo đường biên giới kéo dài tổng cộng 1.300 km giữa Nga và Phần Lan.

Tình hình biên giới Phần Lan – Nga vẫn ổn định

Theo Lực lượng Biên phòng Phần Lan, năm 2022, Phần Lan chỉ phát hiện 30 vụ vượt biên trái phép ở đó, trong khi lực lượng biên phòng Nga ngăn chặn khoảng 800 nỗ lực vượt biên sang Phần Lan.

Chuẩn tướng Lực lượng Biên phòng Phần Lan Jari Tolppanen hôm 14/4 cho biết: “Tình hình ở biên giới Phần Lan – Nga đã và đang ổn định vào lúc này. Nhưng với tình hình (an ninh) đã thay đổi hoàn toàn, Phần Lan phải thực hiện nỗ lực kiểm soát biên giới đáng tin cậy và độc lập hơn. Và Phần Lan cần ít phụ thuộc hơn vào hoạt động kiểm soát biên giới từ phía Nga”.

Ông đưa ra phát biểu trên trong khi cấp dưới của ông dựng 3 km đầu tiên của hàng rào tại Imatra, cách Helsinki khoảng 250 km về phía đông bắc.

Sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Phần Lan đã thay đổi chính sách trung lập nhiều năm qua và trở thành thành viên của NATO.

Cho đến nay, biên giới Phần Lan – Nga chỉ được đánh dấu bằng một hàng rào dây thép thấp nhằm ngăn chặn gia súc và các động vật nuôi di chuyển qua lại, nhưng không ngăn được con người.

Hàng rào mới sẽ cao 3 mét, trên cùng là dây thép gai và chi phí ước tính là 380 triệu euro (417 triệu USD).

Ông Tolppanen cho hay: “Hầu hết (khu vực biên giới) giữa hai nước đều nằm ở những vùng rất xa xôi và khó tiếp cận. Vì vậy, Phần Lan xây rào ở các khu vực mục tiêu mà phương tiện cơ giới dễ tiếp cận và những nơi có nguy cơ xảy ra hoạt động nhập cư bất hợp pháp quy mô lớn”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 17/3/2023. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images)

Con đường gia nhập NATO đầy chông gai

Trong bối cảnh Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ lập trường trung lập kéo dài nhiều thập kỷ và nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022.

Phần Lan chính thức gia nhập liên minh NATO vào ngày 4/4/2023. Để chính thức trở thành thành viên NATO, các nghị định thư kết nạp Helsinki cần phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên liên minh phê chuẩn.

Hôm 3/4, phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Ngày mai (4/4), chúng ta sẽ chào đón Phần Lan với tư cách là thành viên thứ 31 của NATO. Chúng ta sẽ lần đầu tiên giương cao lá cờ Phần Lan tại trụ sở NATO. Đây sẽ là một tín hiệu tốt cho an ninh Phần Lan, cho an ninh của khu vực Bắc Âu và cho toàn NATO”.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cuối cùng trong số 30 thành viên của liên minh NATO phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan sau khi cơ quan lập pháp của Hungary thông qua một dự luật tương tự vào đầu tuần này.

Hai nước láng giềng Bắc Âu là các đồng minh truyền thống về văn hóa, kinh tế và chính trị vì Thụy Điển không xảy ra xung đột quân sự trong 200 năm qua và Phần Lan vẫn duy trì chính sách trung lập kể từ Thế chiến II.

Hồi tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu thuyết phục Ankara đồng ý để 2 nước này gia nhập NATO. Stockholm và Helsinki cho biết họ đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.

Hôm 1/3, Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn nước này gia nhập NATO. Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.340 km với Nga.

Hôm 17/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Quốc hội nước này sẽ xúc tiến việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, mở đường cho nước này gia nhập liên minh trước Thụy Điển.

Nếu được kết nạp vào liên minh NATO, Thụy Điển sẽ chấm dứt hai thế kỷ duy trì chính sách trung lập. Tuy nhiên, có vẻ như con đường gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn còn rất nhiều chông gai đang chờ phía trước.

Lam Giang tổng hợp

Related posts